Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Phạm Châu Giang cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ với mật ong Việt xuất khẩu sang nước này là 412,49%, mức thuế cao gấp đôi so với đề xuất.
Việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến như trên đối với mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Hoa Kỳ là thị trường chính.
Nuôi ong lấy mật.
Mức thuế quá cao
Phó Cục trưởng Phạm Châu Giang nhấn mạnh, sản phẩm mật ong Việt Nam khác với sản phẩm người nuôi ong Hoa Kỳ đang sản xuất, do vậy, không gây thiệt hại cho ngành nuôi ong của Hoa Kỳ; hy vọng sự đối thoại tích cực sẽ giúp Hoa Kỳ xem xét sử dụng dữ liệu công bằng, đem tới lợi ích thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.
Mức thuế mà DOC áp đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là 412,49%. Đây là mức thuế cao gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất ban đầu, 207%.
Bà Phạm Châu Giang cho biết, đây là vụ việc đầu tiên ngành nông sản Việt Nam bị áp thuế cao như vậy. Qua theo dõi nhiều vụ việc về phòng vệ thương mại, riêng trong vụ mật ong, các doanh nghiệp, người sản xuất Việt Nam đã cung cấp rất đầy đủ thông tin cho cơ quan liên quan phía Hoa Kỳ.
Thu về 1 đồng không thể đóng thuế 4 đồng
Theo Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm, với mức thuế quá cao như vậy, sẽ không ai có thể kinh doanh, xuất khẩu được mật ong sang Hoa Kỳ vì sản phẩm thu về 1 đồng không thể đóng thuế 4 đồng.
Thông tin này đúng vào thời điểm bắt đầu vụ mật ong mới của nước ta và ảnh hưởng tới đời sống cả cộng đồng người nuôi ong Việt Nam, có gia đình đã có 3 thế hệ nuôi ong, không biết rồi tương lai sẽ ra sao.
Ông Đinh Quyết Tâm cho biết, những năm qua, Hội Nuôi ong Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các lớp tập huấn về nuôi ong gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Vì thế, việc áp thuế ảnh hưởng trực tiếp tới nghề nuôi ong Việt Nam, giá trị không chỉ ở mật ong mà còn thụ phấn cây trồng với hệ sinh thái tự nhiên.
Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước xuất khẩu mật ong vào Mỹ, hiện có khoảng 35 DN xuất khẩu mật ong, kim ngạch khoảng 70 - 100 triệu USD/năm. Tổng sản lượng mật ong của cả nước đạt bình quân 57.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, trong đó 95% lượng xuất khẩu là vào thị trường Hoa Kỳ nên DOC không thể lấy số liệu tham chiếu từ một DN chỉ xuất khẩu 200 tấn/năm để điều tra bán phá giá từ Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam nuôi ong hoàn toàn lấy mật ong để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong khi người nuôi của Hoa Kỳ chỉ thu 30% sản lượng lấy mật, 70% nguồn thu còn lại từ dịch vụ cho thuê đàn ong để thụ phấn.
Làm việc với ông John F. Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp lý đối với ngành ong Việt Nam với mức thuế dự kiến lên tới 412%, một mức thuế cao hơn gấp nhiều lần so với nước khác. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến 35.000 nông hộ ngành ong, phần lớn là nông dân, sống ở nông thôn, miền núi, các vùng kinh tế khó khăn, mà còn gây ra tác động tiêu cực đến mục tiêu cân bằng hệ sinh thái khi hàng triệu con ong có thể bị chết và hàng triệu hecta cây rừng trồng, cây trồng không có cơ hội thụ phấn. Đây là nguy cơ rất lớn đối mới môi trường, với việc phát triển diện tích rừng trồng ở Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà hai nước đang hướng đến. "Mức thuế chống bán phá giá lên tới hơn 412%, một mức thuế cao hơn gấp nhiều lần so với nước khác. Mức thuế mà các đối tác nhập khẩu Hoa Kỳ phải gọi là "tận diệt", tức là làm như vậy thì coi như tận diệt đàn ong. Với loại mật dịch lá này, khách hàng Mỹ đã nhập khẩu từ Việt Nam hơn 30 năm nay và ở Mỹ không có, nên không thể nói là có thể cạnh tranh được với giá mật ong của Mỹ", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry có những trao đổi cần thiết với DOC để tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại một cách công bằng và minh bạch, xem xét cẩn trọng mọi vấn đề để hai bên có khép lại vụ việc trên một cách thuận lợi và không áp thuế lên ngành ong xuất khẩu của Việt Nam. |
Do đó, ông Đinh Quyết Tâm bày tỏ mong muốn phía Chính phủ Hoa Kỳ, DOC... xem xét lại quyết định áp thuế sơ bộ. Vì DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 8/4 tới đây. Sau đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 23/5/2022 và thực thi thuế chống bán phá giá đối với DNViệt Nam. Điều này khiến DN xuất khẩu mật ong Việt đang “đứng ngồi không yên”.
Ông Đặng Bá Long, đại diện truyền thông Công ty CP Mật ong TP. HCM đã lên tiếng phản ánh: Đây là mức thuế vô lý, xem như các DN mất luôn thị trường Hoa Kỳ. Trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng, nếu không còn duy trì được thì các công ty mật ong sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng sẽ “chịu thiệt” khi mất đi phần cung của mật ong Việt Nam – chiếm khoảng 26% tổng lượng nhập khẩu mật ong của nước này.
Chia sẻ với các DN, ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, cho biết, trong khi các nước khác cũng bị kiện bán phá giá như Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina, song lại bị áp mức thuế thấp hơn so với mức thuế mà các nhà nuôi ong Mỹ đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Đinh Quyết Tâm cho hay, để xuất khẩu vào Hoa Kỳ, mật ong phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của Hệ thống giám sát và cấp chứng nhận True Source Honey (chứng nhận nguồn gốc mật ong), tổ chức NSF International (cơ quan đánh giá, giám sát và chứng nhận từ những nhà nhập khẩu Hoa Kỳ) và những tiêu chuẩn chất lượng của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Tác động tiêu cực
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việc phía Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến đối với mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính. Đồng thời, gây tác động bất lợi đến ngành trồng trọt của Việt Nam, trong đó ong nuôi giúp thụ phấn hoa. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm, sinh kế của nhiều gia đình nuôi ong và nông dân, chủ yếu ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên của Việt Nam”.
Theo bà Hằng, hiện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp PTNT Việt Nam đang tiến hành trao đổi với phía Hoa Kỳ ở các cấp khác nhau để giải quyết vụ việc, đề nghị các biện pháp của phía Hoa Kỳ trong vấn đề này phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và DN Việt Nam.
Đến nay, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra 41 vụ việc phòng vệ thương mại; trong đó 31 vụ việc về chống bán phá, chống trợ cấp và 10 vụ việc chống lẩn tránh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hoa Kỳ là quốc gia có biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, chiếm 20% trong tổng số vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng rất đa dạng từ nông, lâm, thủy sản như: tôm, cá basa đến thép, đồng, nhôm, đệm mút, sợi..., gây nhiều khó khăn cho DN Việt. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.