Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 1 năm 2022 | 20:18

Đốt rơm rạ là đốt tiền

Nhiều phụ phẩm nông nghiệp đang trở thành nguồn lợi tăng thêm cho nông dân, đặc biệt là rơm rạ sau mỗi mùa gặt nhưng nhiều nơi vẫn giữ truyền thống đốt bỏ, không nghĩ đến giá trị tăng thêm mà nó mang lại.

43 triệu tấn phụ phẩm cây lúa/năm

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường thì trên trang bán hàng Amazon rao bán mỗi tấn rơm với giá 80-100 USD.

Theo ông Chinh, hiện khối lượng rơm - phụ phẩm cây lúa sau thu hoạch - của Việt Nam lên đến 43 triệu tấn/năm. Trong số đó, chỉ khoảng 23% được sử dụng trong chăn nuôi, còn đa phần là đang bỏ phí, chưa sử dụng được. "Đây là tiềm năng lớn mà chúng ta chưa tận dụng hết. Trên thực tế, rơm có thể sử dụng được cho nhiều mục đích trong sản xuất nông nghiệp, như làm phân bón, đệm lót sinh học..." - ông Chinh khẳng định.

 

10-11-chan-2-16414756227322107976460.jpg
Sản phẩm rơm sấy khô xuất khẩu sang Hàn Quốc của Công ty Rơm Việt (Thái Bình). (Ảnh do Công ty Rơm Việt cung cấp)

 

Theo tính toán của ông Chinh, nếu Amazon niêm yết giá bán mỗi tấn rơm là 80-100 USD, tính ra mỗi năm chúng ta đã đốt bỏ 2-3 tỉ USD.

Trước đây, ước tính mỗi mùa thu hoạch lúa, nông dân tại ĐBSCL đã đốt bỏ khoảng 27 triệu tấn rơm rạ. Sau khi ông Phan Tấn Bện, một nông dân ở Đồng Tháp, nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm rạ cho cây trồng nông nghiệp và chăn nuôi trong nước đang tăng nên đã sáng chế chiếc máy cuốn rơm, giải quyết được tình trạng lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường, tăng thu cho nông dân khi rơm của họ trở thành hàng hóa tiêu thụ trong vùng.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho biết đơn vị này đã triển khai một số dự án liên quan đến xử lý rơm sau khi thu hoạch lúa. Ngoài việc phối trộn làm thức ăn vụ đông, rơm có thể sử dụng làm chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể… từ đó nâng cao giá trị.

Bà Hạnh cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho nông dân thu gom, xử lý rơm hiệu quả. Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ đồng hành với người dân thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, để phế phẩm của ngành này đồng thời là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của ngành kia, từng bước thay thế và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Bán rơm thu ngoại tệ, sao không?

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Rơm Việt (xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có lẽ là doanh nghiệp (DN) đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu rơm.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Rơm Việt - cho hay bắt đầu từ tháng 1-2020 đến nay, DN đã thu mua, xuất khẩu được hơn 10 vụ, với số lượng khoảng 400.000 tấn rơm, thu về hơn 60.000 USD. Công ty đã thu mua gần 1.000 ha phụ phẩm rơm sau thu hoạch vụ mùa của nông dân để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Rơm sau khi thu hoạch về được xử lý khô tới 90% rồi dệt thành mành và sấy khô ở nhiệt độ rất cao. Các sản phẩm rơm này được phía đối tác Hàn Quốc thu mua để che phủ cho các loại cây nông nghiệp tránh tuyết vào mùa đông, đặc biệt là cây sâm.

"Việc tận dụng nguồn nguyên liệu này không chỉ giúp sinh lợi cho nông dân mà còn giảm thiểu tình trạng đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường hiện nay" - bà Xuân khẳng định.

Theo ông Tống Xuân Chinh, muốn khai thác được nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ để xuất khẩu phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có hệ thống máy tuốt lúa đồng thời cuốn được cả rơm, xử lý hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm cho xuất khẩu.

Hiệp hội Thịt Nhật Bản từng khảo sát nhiều nơi ở Việt Nam và nhận thấy trữ lượng rơm rất lớn, thừa sức đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi bò tại Nhật Bản. Họ muốn xây dựng nhà máy rơm đầu tiên tại An Giang - địa phương có diện tích canh tác lúa thuộc nhóm đầu của ĐBSCL cũng như cả nước nên lượng rơm lên đến hàng triệu tấn mỗi năm, sau đó có thể mở rộng, xây thêm một số nhà máy ở các địa phương khác.

Về dự án xây dựng nhà máy sản xuất rơm này, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang - cho biết lẽ ra đã được triển khai từ vài năm trước nhưng do vướng thủ tục nên chưa thể thực hiện. Sở đã đề nghị Bộ NN-PTNT cùng Bộ Ngoại giao làm việc với đối tác Nhật Bản về dự án này. Khi kiểm dịch rơm xong, tỉnh sẽ mời DN Việt Nam thực hiện liên kết với đối tác. Hiện An Giang đang chờ các cơ quan chức năng hai bên làm việc để thống nhất chuyển giao quy trình kiểm dịch theo lộ trình.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, nông dân trong tỉnh cũng đã bán rơm hoặc tận dụng làm nấm rơm để kiếm thêm thu nhập thay vì đốt bỏ gây lãng phí. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này sẽ cao hơn nữa nếu có sự liên kết làm ăn với các DN và có đầu ra ổn định. Đặc biệt, khi các nhà máy này đi vào hoạt động, chắc chắn lượng rơm sẽ được thu mua, cung ứng cho các DN chế biến để xuất khẩu sang Nhật Bản hay một số thị trường tiềm năng khác.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo nguồn lợi cho nông dân cần được chính quyền các địa phương quan tâm, tổ chức sản xuất hàng hóa, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân có thêm cơ hội làm giàu trên mảnh ruộng của họ.

Để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh nhấn mạnh trong thời gian tới, ngành chức năng cần đưa cơ giới hóa đồng bộ vào hệ thống trồng trọt, vừa cắt lúa vừa thu gom chế biến rơm. "ĐBSCL có thể áp dụng rất thuận lợi mô hình này" - ông Tống Xuân Chinh nói. 

Sân phơi muối từ rơm rạ, tăng thu nhập giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Trăn trở với đời sống khó khăn của diêm dân ven biển, cô giáo Lê Thị Hảo (32 tuổi), Trường THCS Quảng Phú (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đã có sáng kiến làm sân phơi muối từ rơm rạ, tăng thu nhập cho người dân. Dự án "Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông, giúp tăng năng suất muối cho bà con nhân dân", của cô giáo Hảo đã được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Thanh niên sáng tạo vì khí hậu năm 2021.

Chia sẻ về sáng kiến của mình, chị Hảo cho biết, Quảng Phú là xã đa ngành nghề, kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch lúa người dân nơi đây thường có thói quen đốt rơm, rạ lộ thiên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Ước tính sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa, trên địa bàn xã có tới hàng ngàn tấn rơm, rạ bị đốt lộ thiên xả khói bụi, đồng nghĩa với việc thải ra môi trường hàng ngàn tấn CO2, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí.

 

anhhao-1968.jpg
Cô giáo Lê Thị Hảo có sáng kiến làm sân phơi từ rơm rạ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Trong khi đó, nơi đây cũng là địa bàn có nghề làm muối truyền thống. Tuy nhiên, năng suất muối trên bề mặt sân bê tông truyền thống còn thấp, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với điều kiện tự nhiên hiện có.

“Với thực trạng nêu trên, chúng tôi đã nghiên cứu và hướng tới nhân rộng dự án Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông giúp tăng năng suất muối cho bà con nhân dân”, chị Hảo chia sẻ.

Từ những kiến thức học thời THPT về việc hấp thụ nhiệt, chị Hảo đã vận động người dân thay vì vứt bỏ, đốt lộ thiên, thì bà con thu gom, giữ lại rơm, rạ đốt lấy than trong môi trường yếm khí làm nguyên liệu để cải tiến bề mặt sân bê tông truyền thống.

“Khi lấy than từ rơm rạ làm nguyên liệu trộn với xi măng theo một tỷ lệ phù hợp thì bề mặt sân bê tông truyền thống thành bề mặt sân bê tông cải tiến màu đen. Theo nguyên tắc vật lý màu đen là màu có khả năng hấp thụ ánh sáng tốt nhất trong tất cả các màu sắc”, chị Hảo lý giải.

Và sau khi thử nghiệm thì điều “kỳ diệu” đã xảy ra. Hạt muối thu được trên bề mặt sân bê tông cải tiến màu đen to hơn, trắng hơn so với muối trên bề mặt sân bê tông truyền thống màu bạc và đảm bảo chất lượng an toàn là muối sạch, bởi mẫu muối đã được kiểm định của các cơ quan chứng năng.

Cũng từ sáng kiến này đã làm tăng năng suất muối từ 20 - 30%, từ đó làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đáng kể cho bà con nhân dân. “Trước đây, một vụ muối, mỗi hộ chỉ thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Khi áp dụng phương pháp này đã cho thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng”, chị Hảo cho hay.

Baanh cạnh đó, khi đề tài của chị được mang đi dự thi cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu (T.Ư Đoàn tổ chức tháng 9.2021) đã được ban tổ chức đánh giá cao và đạt giải nhì. Theo ban tổ chức, dự án đưa ra được giải pháp sáng tạo, vừa khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ lộ thiên, xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường vừa tăng năng suất muối cải thiện đời sống cho diêm dân.

Đặc biệt, đây là giải pháp hoàn toàn có khả năng ứng dụng vào thực tiễn và nhân rộng với chi phí thấp. Theo chị Hảo, giải pháp có thể ứng dụng rộng rãi trên các cánh đồng làm muối, bởi chi phí cải tiến thấp, vật liệu cải tiến là than đốt từ rơm, rạ của chính những diêm dân sản xuất muối.

“Họ cũng chính là những nông dân trồng lúa nước, nên nguồn nguyên liệu cải tiến rất phổ biến, có sẵn tại địa phương, không mất tiền mua. Kỹ thuật và phương pháp cải tiến đơn giản, không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phù hợp với trình độ dân trí và đặc tính lao động của người dân địa phương”, chị Hảo chia sẻ.

Để có thể nhân rộng dự án, chị Hảo cho biết, có thể phổ biến cho bà con trong trong các buổi họp thôn hàng tháng; hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp đốt than trong môi trường yếm khí cho bà con nhân dân và phương pháp cải tiến bề mặt sân bê tông.

“Chúng tôi đã hướng dẫn cải tiến thí điểm tại một số hộ nông dân tiên tiến điển hình, tạo tính lan tỏa về năng suất, chất lượng muối để bà con nhân dân học hỏi làm theo”, chị Hảo cho hay.

Đồng thời, chị Hảo mong muốn, về lâu dài có thể phối hợp với hợp tác xã muối của xã, hướng tới xây dựng thương hiệu muối sạch Quảng Phú, nhằm nâng cao giá thành của sản phẩm và thương hiệu của địa phương.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top