Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 15:21

Giải pháp gỡ khó cho “tàu 67”

Nghị định 67 ra đời với chủ trương đóng mới, cải hoán tàu cá nhằm hiện đại hoá đội tàu vươn khơi, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai, vẫn còn khoảng trống rất lớn từ chính sách đến thực tiễn.

Vì thế, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, hạn chế tổn thất, rủi ro cho người dân và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả  chính sách ban hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67.

Nhiều tồn tại, bất cập

Ông Đăng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), cho biết, xã có 3 tàu cá (1 tàu sắt, 2 tàu gỗ) được đóng theo Nghị định 67. Hiện, cả 3 tàu vẫn hoạt động đánh bắt bình thường, trong số đó, tàu sắt của hộ ông Trần Văn Chiến làm ăn kém hiệu quả, vẫn còn nợ ngân hàng  hơn 1 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đình Đức cho biết, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 450 tàu hoạt động đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần xa bờ có công suất từ 90-1.100 CV/chiếc. Trong đó, có 41 tàu vỏ gỗ và 4 tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 với tổng nguồn vốn vay từ các ngân hàng hơn 300 tỷ đồng. Đa số các tàu đóng mới theo Nghị định  67 hoạt động hiệu quả, các chủ tàu cũng có ý thức trong việc trả nợ ngân hàng.

 

11.jpg
Ngư dân chuẩn bị để đánh bắt xã bờ.

 

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thừa Thiên-Huế, phía ngân hàng cũng đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động và khởi kiện 2 tàu. Các ngân hàng cơ bản thống nhất quan điểm, đề xuất, nguyện vọng của ngư dân về việc trả nợ gốc theo mức thu nhập của mỗi tháng/chuyến biển. Đây có thể là điều kiện, cơ hội tốt nhất để ngư dân trả nợ ngân hàng, tuy nhiên, yêu cầu bà con phải trung thực khai báo sản lượng, thu nhập, chấp hành đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, qua rà soát triển khai Nghị định 67/2014 thực hiện ở các địa phương thấy vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, chính sách đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho thuyền viên đi biển trên tàu vỏ thép, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm cho tàu từ 400 CV trở lên còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với yêu cầu thực tế. Ngư dân vay vốn lưu động mức lãi suất 6,5% là cao, trong khi cơ chế cho vay thủ tục phê duyệt qua nhiều cấp, từ cấp xã lên cấp tỉnh là không thuận lợi cho ngư dân. Chính sách hỗ trợ nhiên liệu đi, về cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển có rất ít địa phương triển khai. Đặc biệt về duy tu, bảo dưỡng cho tàu vỏ thép, đến nay chỉ có 5/28 tỉnh, thành triển khai chính sách này để hỗ trợ cho ngư dân…

Cơ cấu lại nợ, giãn nợ

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ của chương trình cho vay theo Nghị định 67 khoảng 9.520 tỷ đồng, tương đương 1.132 tàu còn dư nợ. Nguyên nhân nợ xấu là số tàu cá hoạt động cầm chừng, không trả được nợ gốc và lãi theo đúng cam kết chiếm tỷ lệ cao (chiếm trên 87% tổng số tàu còn dư nợ, trong đó có 349 tàu đã chuyển sang nợ xấu và trên 300 tàu có nguy cơ bị chuyển nợ xấu trong thời gian tới)…

Trước những khó khăn của các chủ tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương đã có những đề xuất giải pháp để gỡ khó cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

 

Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng vừa ký quyết định giao hơn 1.817 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 67/2014. Trong đó, Agribank là hơn 982 tỷ đồng, BIDV khoảng 663 tỷ đồng, Vietcombank xấp xỉ 76 tỷ đồng, VietinBank khoảng 94 tỷ đồng.

 

Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã đề nghị các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu lãi sau để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với ngư dân. Đối với những trường hợp có biểu hiện ỷ lại, chây ì thì ngân hàng chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp, phối hợp các cơ quan chức năng để thu hồi nợ. Đối với trường hợp chủ tàu không còn khả năng trả nợ, các ngân hàng nên xây dựng phương án chuyển đổi chủ sở hữu, khoanh nợ đối với chủ tàu cũ và cơ cấu lại vốn vay cho chủ tàu mới để đảm bảo thực hiện chính sách có hiệu quả.

Ông Võ Văn Linh, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Quảng Ngãi đề xuất, Nhà nước cũng nên có những giải pháp hỗ trợ ngân hàng để xử lý các tàu cá vỏ thép trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, đăng kiểm nhằm giảm bớt thiệt hại cho chủ tàu cũng như ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, đối với thực trạng “tàu 67”, tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng thời kiến nghị Bộ tham mưu Chính phủ có cơ chế xử lý các rủi ro hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại đã cho các chủ tàu vay đóng mới theo Nghị định 67, để ngân hàng xử lý dứt điểm các tàu làm ăn không hiệu quả.

Còn theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, để gỡ khó cho ngư dân, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành các công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên, các ngân hàng thương mại gia hạn thời gian trả nợ cho các chủ tàu cá.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, như cơ cấu nợ, chấp thuận một thời gian trả chậm; cho vay vốn lưu động, đồng thời ngân hàng đã làm việc với từng khách hàng để xác định lộ trình trả nợ quá hạn; tìm kiếm các khách hàng chuyển đổi theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu, kéo dài thời gian vay.

Hiện, tổng nợ xấu của hoạt động tín dụng liên quan “tàu 67” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chạm mốc 250 tỷ đồng, chiếm  khoảng 60% tổng nợ xấu của toàn tỉnh.

Ông Trần Châu Giang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), cho biết, trên địa bàn huyện có 9 tàu cá 67, nhưng đến nay có 7 chiếc đã bị thanh lý. “Trước đây, địa phương cũng kiến nghị tỉnh đề nghị ngân hàng hỗ trợ giãn nợ để ngư dân tiếp tục hoạt động, trả dần từng bước, nhưng sau này hoạt động không hiệu quả nữa thì ngư dân đành bỏ tàu nằm bờ rồi bị ngân hàng thanh lý”, ông Giang nói.

Nhằm giải quyết vấn đề nợ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tại 28 tỉnh, thành ven biển rà soát đánh giá từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng nguyên nhân; phối hợp các sở, ban, ngành để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiến nghị bổ sung quy định cơ cấu lại nợ được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, đồng thời sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại Nghị định 67 để phù hợp hơn với thực tế.

Kỳ vọng Nghị định mới sẽ toàn diện

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, những vấn đề của Nghị định 67 đã thể hiện những vướng mắc trong xây dựng cơ chế, chính sách. Những vướng mắc đó là bài học kinh nghiệm quý để xây dựng Nghị định mới cho ngành thủy sản. Vì vậy, Nghị định mới của ngành thủy sản cần dành một phần dung lượng cho việc tổ chức lại sản xuất.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng, Nghị định 67 được triển khai gần 8 năm, tuy nhiên, đối tượng được hưởng chính sách trong Nghị định này mới chỉ dừng lại ở các đội tàu đánh cá xa bờ mà chưa bao hàm đối tượng phát triển nuôi biển công nghiệp.

 

PGS. TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, nhận định: Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Việt Nam đang suy giảm ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân chính là do ngư dân đã có nhiều năm tập trung đánh bắt gần bờ với số lượng cá đánh bắt vượt quá khả năng tái tạo của đàn cá; và trong một số trường hợp, dùng các ngư lưới cụ đánh bắt hủy diệt như: dùng thuốc nổ, thuốc độc, đèn có công suất cao, kích điện, lưới mắt nhỏ và dày,...Và chính quyền một thời gian dài hoặc lơ là, hoặc không đủ nguồn lực để kiểm soát hoạt động này khiến “biển trống rỗng”. Tàu thuyền ra khơi, chen chúc trong “biển đói” nên tàu càng lớn thì càng thua lỗ càng nhiều. Đây là vấn đề lớn nhất cần nghiêm túc đánh giá, có giải pháp phù hợp. Nếu không, việc gỡ khó cho “tàu 67” khó có thể giải quyết rốt ráo.

 

Tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản của Việt Nam được đánh giá rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy - hải sản ngày càng cạn kiệt. Để phát triển nghề nuôi biển công nghiệp bền vững, ông Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị, cần đưa đối tượng này trở thành một trong những đối tượng được các chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định 67 sửa đổi, nhất là các cơ chế chính sách về tiêu chuẩn, bảo hiểm, hỗ trợ vay vốn ngân hàng.

Theo ông Phạm Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Thủy sản), Nghị định 67 là một trong những chính sách rất quan trọng của ngành thủy sản và tạo được sự đồng thuận rất lớn trong ngư dân cũng như bước chuyển dịch cơ bản về khai thác. Tổng số tàu hoạt động gần bờ giảm 14%, trong khi đó, số tàu hoạt động xa bờ tăng 20% so với thời điểm 8 năm trước. Việc này dẫn đến sự chuyển dịch trong tái cơ cấu trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, nhất là các chính sách liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, tín dụng, bảo hiểm, đào tạo cho ngư dân, hỗ trợ nhiên liệu đi và về cho các tàu dịch vụ, hỗ trợ thiết kế mẫu tàu...

Do đó, dự thảo Nghị định 67 sửa đổi sẽ tập trung vào việc đề xuất các chính sách đầu tư xây dựng và phát triển hơn nữa cho cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản cũng như bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đây là những vấn đề mà trong Nghị định 67 chưa đề cập đến nhiều.

Bên cạnh đó, làm rõ chính sách liên quan đến chuyển đổi tàu, bổ sung chính sách bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản trên biển và đặc biệt bổ sung các chính sách cho khu vực bảo tồn biển, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Các chuyên gia nhận định, muốn tháo gỡ khó khăn cho tàu cá đóng mới, Nghị định 67 sửa đổi cần phải có những giải pháp cụ thể hơn, bám sát thực tế hơn để chính sách có thể đi vào cuộc sống và nghề biển có thể phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Nghị định 67 mới sẽ được Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ trong quý 2/2022. Tại dự thảo Nghị định, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ xem xét quyết định một số nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, bổ sung phạm vi ngân sách Trung ương hỗ trợ 90% xây dụng hạ tầng thiết yếu cảng cá loại II, khu neo đậu cấp tỉnh.

Quy định cơ cấu lại nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.

Sửa đổi chính sách chuyển đổi chủ tàu, cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nấng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Dự thảo nghị định mới, Nhà nước đảm bảo duy trì mức hỗ trợ và phạm vi bảo hiểm đã được cam kết tại Nghị định 67. Hỗ trợ bảo hiểm trong suốt thời gian khách hàng còn dư nợ vay và nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên.

Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá và 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu từ 15m trở lên. Thực hiện hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép nhằm thay thế cho việc thanh toán trước đây phải trải qua nhiều thủ tục…

Hy vọng, những quy định tại dự thảo Nghị định mới sẽ giải quyết dứt điểm những khó khăn kéo dài, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 

Sau 7 năm triển khai thực hiện, các chính sách được Chính phủ quy định tại Nghị định 67 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng trên 20%, tai nạn tàu cá giảm đáng kể. Nhờ đó, góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã được hình thành và phát triển.

Nghị định 67 cũng góp phần đầu tư, nâng cấp 28 cảng cá, nâng lượng thủy sản qua cảng đạt 447.000 tấn/năm; 67 khu neo đậu tránh trú bão với tổng công suất neo đậu tăng thêm 37.400 tàu; 28 dự án hạ tầng sản xuất giống thủy sản; 89 dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm khoảng 48.000ha; 2 dự án tăng cường năng lực trong việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long và quan trắc cảnh báo môi trường phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc.

 

 

 

D.Thanh - T.Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top