Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều địa phương đã lựa chọn sàn thương mại điện tử để giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, nhất là những đặc sản của quê hương được nhiều người biết đến.
Ông Vũ Chiến Chính, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Kim cương Việt cho biết, Chúng tôi tham gia sàn giao dịch điện tử bởi vì chúng tôi kì vọng tăng được hiệu quả, tính kinh tế sản phẩm đầu ra của chúng tôi. Chúng tôi muốn đa dạng kênh phân phối, mở rộng kênh bán hàng của mình, khác biệt so với những kênh truyền thống mà chúng tôi vẫn làm. Lớn nhất là cắt giảm được chi phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay từ ban đầu, có thể tiếp cận được với rất nhiều khách hàng không chỉ trong nội địa mà còn khách hàng nuớc ngoài cũng như thị trường quốc tế.
Còn theo Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, với việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh… sẽ giúp các HTX, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ: “Cách thức trao đổi ở đây sẽ thay đổi tư duy của người tiêu dùng, tư duy sản xuất của người nông dân, từ đó họ quan tâm sản phẩm sạch để đưa ra thị trường. Chúng tôi sẽ có phối hợp chặt chẽ để làm sao tất cả sản phẩm được kiểm duyệt và có truy suất nguồn gốc rõ ràng”.
Thời gian qua, Viettel Post với thế mạnh vận chuyển của mình đã thực hiện nhiệm vụ kết nối – vận chuyển – giao hàng nhiều sản phẩm OCOP Hà Tĩnh như: Cu đơ, nước mắm, nhung hươu… đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Lại Ngọc Diệu – Phó Giám đốc Kinh doanh thương mại điện tử Viettel Post Hà Tĩnh cho biết, voso.vn là sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam được sự bảo trợ của Viettel Post – doanh nghiệp sở hữu mạng lưới chuyển phát nhanh rộng khắp cả nước với hơn 1.300 bưu cục cùng 6.000 điểm giao dịch, 25.000 cửa hàng, 18.000 nhân viên bán hàng trực tiếp. Địa chỉ này dễ dàng kết nối với người mua và bán ở thị trường thành phố, nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.
Để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân hạn chế ra đường, các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống đã đẩy mạnh các hình thức mua bán online qua các kênh như điện thoại, mạng xã hội, website, đặt hàng trên ứng dụng, đồng thời hỗ trợ các chính sách giao hàng.
Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng này đã phần nào giúp các đơn vị kinh doanh cải thiện doanh thu trong tình hình thị trường ảm đạm.
Giám đốc siêu thị Vinmart Hà Tĩnh Võ Công Hải cho hay: “Trước đây, tỉ lệ khách hàng mua sắm online rất thấp. Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chúng tôi đẩy mạnh chương trình “Đi chợ hộ”, giao hàng tận nhà cho khách và được nhiều khách hàng hưởng ứng, ủng hộ.
Siêu thị cũng đã nâng cấp phần mềm tiếp nhận đơn hàng trực tuyến, người tiêu dùng có thể linh hoạt đặt hàng tại 3 kênh: Điện thoại, app, website. Nhờ đó, đơn hàng online các tháng qua đã chiếm gần 10% trong tổng lượng đơn hàng”.
Theo Kế hoạch số 2783/QĐ-UBND về việc phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp được thực hiện ở mức độ 3 trở lên; 70% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. Với tổng kinh phí để phát triển đề án TMĐT giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là hơn 15 tỷ đồng (gồm: ngân sách Trung ương hơn 7 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 6,2 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp, HTX gần 1,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên ứng dụng di động; hàng ngàn lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn… tham gia các khóa đào tạo kinh doanh, bán hàng trực tuyến.
Để đạt được mục tiêu trên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ứng dụng TMĐT trong việc bán hàng, quảng bá, phát triển thương hiệu; triển khai hiệu quả các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia trên địa bàn; có chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó UBND tỉnh còn đề ra những giải pháp chiến lược như: phát triển hạ tầng ứng dụng TMĐT, hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ TMĐT, kinh tế số; nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp…
Với sự phát triển của công nghệ 4.0 hiện nay, nền tảng là việc ứng dụng công nghệ số để giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản nói riêng, các sản phẩm hàng hóa khác nói chung đang là sự lựa chọn hiệu quả nhất. Không những mở rộng được thị trường tiêu thụ mà còn giúp người nông dân tiêu thụ nhanh sản phẩm, nhất là những sản phẩm nông sản có tính chất mùa vụ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…