Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 8 năm 2017 | 3:5

Hệ thống chính trị vững mạnh: Cơ sở để Kỳ Sơn khởi sắc

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sau hơn 6 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhân dân đồng tình, hưởng ứng phong trào với nhiều hoạt động thiết thực như hiến đất làm đường giao thông, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà cửa, khu dân cư…, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét.

Lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn cùng nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở xóm Mè, xã Yên Quang.

Có thể khẳng định, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận cao của người dân, sau hơn 6 năm triển khai Chương trình XDNTM, diện mạo nông thôn Kỳ Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cái được lớn nhất chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, những vùng quê nghèo khi xưa nay đã khang trang hơn, đẹp đẽ hơn, thịnh vượng hơn.

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng, Kỳ Sơn đã chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để người dân hiểu XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là phong trào sâu rộng trong toàn quốc. Tuyên truyền có chiều sâu, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mình trong XDNTM, từ đó thay đổi nhận thức để người dân vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị.

Nhiều phong trào thi đua theo chuyên đề gắn với các nội dung, tiêu chí XDNTM được phát động nhằm giải quyết những nhiệm vụ khó hoặc mục tiêu nước rút như: “Xây dựng đường giao thông nông thôn”, “Toàn dân tham gia làm giao thông nội đồng”, “Bảo vệ môi trường theo tiêu chí XDNTM”, “Toàn dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh - sạch - đẹp”…

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả: Chăn nuôi lợn nái với tổng số 85 hộ/5 xóm ở xã Hợp Thịnh;  trồng ngô lai, mướp đắng lấy hạt tại xã Độc Lập với 6ha, giá trị thu nhập đạt 250 triệu đồng/ha/vụ; trồng ớt hiểm lai tại các xã Hợp Thành, Hợp Thịnh; trồng hoa ly tại Hợp Thành; trồng khoai tây chip tại các xã Mông Hóa, Hợp Thịnh và Dân Hạ, thu nhập 240 triệu đồng/ha/vụ…

Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng cánh đồng mẫu tại 5 xã: Độc Lập, Dân Hạ, Hợp Thịnh, Mông Hóa, Hợp Thành với tổng diện tích 51,5ha, 240 hộ tham gia. Tại cánh đồng này, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng như: Sản xuất mạ khay từ dây chuyền sản xuất mạ của Nhật Bản, đưa các giống lúa lai, lúa thuần có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, nhờ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mặc dù khi bắt tay thực hiện điều kiện cơ sở vật chất rất khó khăn nhưng để có được kết quả như hôm nay không thể không nói tới vai trò của hệ thống chính trị vững mạnh. Đó là cơ sở để an ninh trật tự thôn, xóm được đảm bảo, là nền tảng quan trọng để hướng tới các tiêu chí khác trong XDNTM. Trong quá trình thực hiện, huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, tỉnh, sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm tận tình của các địa phương khác.

Kỳ Sơn có xuất phát điểm thấp, tại thời điểm bắt đầu triển khai XDNTM, những tiêu chí quan trọng như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập…  gần như chưa có xã nào đạt. Là huyện nghèo, nguồn vốn đầu tư cho XDNTM chưa nhiều trong khi nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn ít nhiều bị ảnh hưởng do tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Một số tiêu chí NTM chưa phù hợp với đặc thù của địa phương, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Hầu hết các xã chưa đề ra được cách làm để thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí có thể huy động sức dân.

Trong khó khăn đó, người dân đã xác định vai trò chủ thể của mình, vừa là người thực hiện, vừa được hưởng lợi, từ đó, đồng thuận tham gia XDNTM. Kết quả, trong năm 2016, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Kỳ Sơn triển khai XDNTM là 9.102 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 2.570 triệu đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 5.700 triệu đồng; vốn sự nghiệp 832 triệu đồng); vốn ngân sách huyện 700 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án 15.512 triệu đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 2.200 triệu đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế 220 triệu đồng.

Đến nay, Kỳ Sơn đã có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí (Hợp Thịnh, Mông Hóa, Hợp Thành); 2 xã đạt 15 - 18 tiêu chí (Dân Hòa, Dân Hạ); 3 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (Phúc Tiến, Phú Minh, Độc Lập); chỉ còn xã Yên Quang đạt 9 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 9 tiêu chí.

Nguyễn Đức Sơn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top