Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 1 năm 2022 | 13:28

Không để “sốt” giá thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Gần hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đã tăng cao so với các tháng trước, các địa phương tăng cường kiểm soát giá cả thị trường để không xảy ra “sốt” giá cục bộ.

ha-noi-ra-quan-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-tet-nham-dan-2022-112427.jpg
Hà Nội ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Tết.  

 

Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung thực phẩm, không để “sốt” giá cuối năm

Những ngày này, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang tập trung nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Lâm, ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, gia đình ông nuôi 400 lợn thịt và 90 lợn nái, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ đưa ra thị trường hơn 100 tấn thịt với giá ổn định khoảng 50.000 đồng/kg. Còn ông Ngô Trọng Hiển, ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) thông tin, trang trại đang nuôi 2.000 con gà ta. Năm nay, nguồn cung dồi dào, giá gà ta ổn định ở mức hơn 100.000 đồng/kg...

Cùng với các trang trại, hộ chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp đang huy động tối đa nguồn lực cho thị trường Tết Nguyên đán. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Nguyễn Ðăng Phú cho biết, Vissan tự chủ được 10% nguyên liệu, phần còn lại được bảo đảm bằng các hợp đồng liên kết với nhiều công ty, trang trại chăn nuôi lớn. Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trong đó có thịt lợn không thiếu, giá cũng khó tăng cao… Còn Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, đơn vị đã hoàn tất việc chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán, số lượng tùy mặt hàng tăng từ 10% đến 30%, giá bán cơ bản ổn định.

Về nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng thông tin, thời điểm này, đàn lợn của cả nước đã lên tới 28 triệu con, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%... Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%... Nguồn cung thực phẩm trong nước và nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nên giá thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không tăng cao.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản, trong đó có thịt lợn, thịt bò, thịt gà sẽ tăng cao. Do đó, ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh bám sát cung cầu thị trường, chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để tình trạng “đột biến” về giá. Theo Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng, dịp Tết Nguyên đán năm nay, sức mua sẽ không bằng năm trước nên tùy theo tín hiệu của thị trường, công ty sẽ chuẩn bị đủ nguồn hàng để bán tại 6 cửa hàng cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn và thực hiện các hợp đồng đã ký kết với đơn vị.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ 786 chuỗi liên kết cho thị trường. Cùng với đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa với hình thức phù hợp, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, bảo đảm ổn định nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại tìm “đầu ra” cho nông sản. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đào Văn Hồ cho biết, nhu cầu về nông sản, thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên việc lưu thông, cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại hiện đại...

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Phùng Đức Tiến, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm không để phát sinh dịch cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm; đồng thời tổ chức các hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán một cách phù hợp. Bộ NN& PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung cũng như nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao... để bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Thanh Hóa: Bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo thời điểm cuối năm, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng mặt hàng nông sản của người dân tăng từ 15 đến 20%. Do đó, ngành nông nghiệp cùng các huyện, thị xã, thành phố đã và đang chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân tăng cường sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường.

 

177d5203204t23133l0.jpg
Hộ dân xã Tân Thành (Thường Xuân) chăm sóc, phòng dịch cho đàn gà phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

 

Để đáp ứng nhu cầu về gà thịt tăng vào cuối năm, gần 3 tháng trước, hơn 20 hộ dân tại các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà ta với HTX Nông trại 36 đã tăng 20% tổng đàn nuôi so với thời trước đó. Ông Hà Văn Phong, Giám đốc HTX Nông trại 36, cho biết: Với việc tăng đàn, HTX dự kiến sẽ tiêu thụ 25.000 con gà thịt, tương đương với 50 tấn. Trong đó, 15.000 con được tiêu thụ theo hợp đồng với doanh nghiệp và đại lý, còn 10.000 con sẽ được tiêu thụ tự do. Hiện tại, HTX đã tập trung hướng dẫn cho các hộ nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tăng sức đề kháng, chống rét cho đàn gà.

Ngay từ tháng 12-2021, 250 hộ chuyên sản xuất rau an toàn tại xã Quảng Lưu đã xuống giống nhiều loại rau màu để có sản phẩm đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng vào dịp cuối năm. Ông Lê Ích Hải, thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu, cho biết: Với kinh nghiệm qua nhiều năm sản xuất, ông và nhiều hộ trồng rau trong xã đều nắm rõ thời gian gieo trồng đến khi thu hoạch của từng loại cây trồng, cũng như quy trình chăm sóc, từ đó lên lịch sản xuất và có biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp để thu hoạch kịp thời vào dịp cuối năm. Hầu hết việc gieo trồng các cây rau màu của các hộ dân trong xã đều thực hiện theo lịch sản xuất xen canh theo từng thửa, từng trà. Hiện tại, với hơn 18 ha chuyên canh rau an toàn, mỗi ngày vùng trồng rau an toàn xã Quảng Lưu cung ứng ra thị trường khoảng 2 tấn rau an toàn các loại. Thời điểm cận tết, lượng tiêu thụ rau an toàn sẽ được tăng lên từ 3 đến 3,5 tấn/ngày.

Để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch sản phẩm nông, lâm, thủy sản đúng thời vụ, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ. Trước mắt là tập trung chăm sóc, thu hoạch nhanh, gọn diện tích cây trồng vụ đông; đồng thời, tiến hành sản xuất vụ đông xuân. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh nắm bắt tình hình, chủ động dự trữ và cung ứng lương thực, thực phẩm, đáp ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu. Đồng thời, có phương án bảo đảm nguồn cung ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Với các giải pháp phát triển sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, trên cơ sở đánh giá năng lực sản xuất trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năng lực cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khoảng 526.200 tấn các loại. Trong đó, lúa gạo khoảng 250.000 tấn; rau, quả 155.000 tấn; thịt lợn 40.000 tấn; thịt gia cầm 17.000 tấn; thịt trâu, bò 10.000 tấn; cá 33.000 tấn; tôm 2.500 tấn, các loại thủy sản khác 14.000 tấn; muối 4.700 tấn. Ngoài ra, trứng gia cầm đạt khoảng 80 triệu quả, nước mắm đạt 5.700 lít.

Vĩnh Phúc: Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn dịp cao điểm

Giáp Tết, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉnh khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Trong những tháng đầu năm 2021, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, giá bán sản phẩm lợn hơi giữ ổn định ở mức 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi nên đã duy trì sản xuất và đầu tư mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng; các nhà hàng, quán ăn... bị hạn chế hoạt động.

Nhu cầu tiêu thụ giảm, kéo giá lợn hơi giảm mạnh, dao động từ 48.000 - 55.000 đồng/kg. Đặc biệt, thời điểm giữa tháng 10, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg. 2 tháng cuối năm, giá lợn hơi tăng nhẹ trở lại ở mức 45.000-50.000 đồng/kg nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với giá thành sản xuất để giúp người chăn nuôi có lãi.

 

1_9.jpg
Trang trại lợn của gia đình Nguyễn Văn Thu, thôn Vỏ, xã Hoàng Lâu (Tam Dương) tăng cường chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi để đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: Nguyễn Lượng

 

Giá lợn hơi liên tục giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, cùng nỗi lo dịch tả lợn châu Phi bùng phát, khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh đã giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng trại vào những tháng cuối năm, gây ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.

Nhận định những tháng cuối năm là thời điểm “vàng” để người dân tăng, tái đàn, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện loại thải những lợn nái kém chất lượng, lợn nái được gây từ lợn thịt.

Giữ lại những con có chất lượng tốt trong đàn, đúng phẩm cấp giống; lựa chọn tinh lợn đực giống có năng suất, chất lượng cao như: Pi-Du, Pi4, Maxter16, Du100… để phối giống cho đàn lợn nái tạo đàn lợn nuôi thịt đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đồng thời, cập nhật thông tin thị trường để thực hiện tái đàn phù hợp nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo cân bằng cung cầu và mang lại hiệu quả kinh tế; tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của lợn và đẩy mạnh việc tự phối trộn thức ăn dựa trên các nguyên liệu sẵn có để hạ giá thành sản xuất.

Chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện nhanh, xử lý kịp thời khi ổ dịch mới phát sinh, nhất là đối với các bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh…

Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nhờ đó, đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt trên 466 nghìn con, tăng 3,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, ngành chăn nuôi Vĩnh Phúc sẽ đáp ứng đủ nguồn cung thịt lợn phục vụ thị trường Tết. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm 2022, giá lợn hơi tiếp tục tăng nhẹ, dao động từ 50.000-53.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi bắt đầu có lãi và yên tâm tăng, tái đàn.

Trước những tín hiệu tích cực, gia đình anh Nguyễn Hải Tân (Tam Dương) rục rịch vệ sinh chuồng trại để nuôi lứa lợn mới sau một thời gian “treo chuồng”. Anh chia sẻ: “Giá thịt lợn hơi có tăng nên người chăn nuôi cũng yên tâm tái đàn. Tuy nhiên, gia đình tôi dự kiến tái đàn với số lượng vừa phải vì nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp sau Tết thường không cao. Hơn nữa, mấy năm trở lại đây, giá lợn hơi không ổn định, rất khó đoán”.

Mặc dù dự báo nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khá dồi dào, nhưng nếu dịch bệnh ở lợn diễn ra phức tạp, nguồn cung sẽ thiếu cục bộ tại một số thời điểm. Giá lợn hơi vì thế sẽ có nhiều biến động.

Nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ KHKT về giống, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh đúng kỹ thuật.

Xây dựng các công thức tự phối trộn thức ăn phù hợp với từng giai đoạn nuôi để khuyến cáo người chăn nuôi lợn áp dụng thực hiện; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong chăn nuôi; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top