Lâm Bình là huyện thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, giờ đây đời sống của nhân dân nơi đây ngày càng được nâng cao.
Chuyện về “cái nghèo”
Về huyện vùng cao Lâm Bình những ngày cuối năm, được thăm nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, cũng là dịp được thấu hiểu hơn về “cái nghèo, cái khổ” ngày trước của người dân nơi đây thông qua lời kể của các bậc cao niên.
Ông Nguyễn Công Hựu, Bí thư xã Lăng Can (sinh năm 1959), tâm sự, trước đây người dân làm nông nghiệp chưa biết cách chăm sóc, bón phân, trong khi cỏ mọc um tùm dẫn tới năng suất thấp, có năm mất trắng nên “cái đói” bao vây quanh năm. Để chống lại “cái đói”, người dân phải lên rừng đào củ mài, củ sắn về ăn qua bữa.
Ông Nguyễn Văn Nhật (sinh năm 1953, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can) nhớ lại, những năm 1969 - 1972, thời kháng chiến chống Mỹ, đời sống vất vả, khó khăn lắm. Đường liên thôn, liên xã toàn đường đất, lối mòn. Lương thực không đủ, gạo phải nấu độn với ngô, khoai, sắn. Chỉ rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán mới được mổ lợn, do vậy, năm được ăn thịt 2 lần. Quần áo rách vá chi chít mà thậm chí không có để mặc. Mùa đông rét cắt da, cắt thịt nhưng vẫn phải chịu, khổ nhất là trẻ em. Đến nay, cuộc sống đã đủ ăn, đủ mặc, có nhiều mô hình thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Nhờ biết phát huy thế mạnh của địa phương, gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ có nguồn thu ổn định từ trồng rau bò khai.
Cùng ở thôn Nặm Đíp, ông Hoàng Ngọc Chỉ (sinh năm 1949), tâm sự, trước đây làm lụng vất vả nhưng không đủ ăn. Là bệnh binh, mỗi tháng tôi được trợ cấp 8kg gạo nhưng gia đình vẫn đói. Tôi nhớ, năm 1988, gia đình không có gì ăn nên phải lên rừng đào cây đao chế biến thành tinh bột nấu ăn. Các hộ dân khác không được trợ cấp gạo còn khó khăn gấp bội, họ phải vào rừng đào củ mài, củ sắn về ăn thay cơm.
Ông Chỉ tâm sự, bây giờ cuộc sống đã khác một trời, một vực. Điện, đường, trường, trạm đầy đủ, cuộc sống ấm no, trẻ em được đi học đầy đủ.
Phát huy thế mạnh địa phương
Ông Nguyễn Công Hựu cho biết, Lăng Can là xã vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cao nhất tới 60%. Khi thành lập huyện, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo như: đưa các giống lúa có năng suất cao vào sản xuất, phát triển chăn nuôi trâu, bò…
Đặc biệt, những năm gần đây, xã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản như: rau bò khai, giảo cổ lam, nuôi dê, lợn đen; phát triển du lịch homestay. Do vậy, thu nhập của người dân từng bước được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm. Năm 2016, thu nhập bình đầu người của xã đạt 16 triệu đồng. Đến năm 2018 đạt 30,6 triệu đồng.
Năm 2017, xã còn 37% số hộ nghèo; năm 2019 giảm xuống chỉ còn 10%. Năm 2018, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hiện, Đảng bộ xã đang tập trung xây dựng các tiêu chí để xã đạt đô thị loại V, sau năm 2020 - 2021 sẽ lên thị trấn; tập trung phát triển các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người dân.
Theo ông Nguyễn Trần Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Lăng Can, xã đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, từng bước thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, hỗ trợ 20 dự án với 238 con lợn đen, 5,57ha rau bò khai, 60 con trâu, bò, 150 con dê.
Nhiều tuyến đường giao thông của huyện Lâm Bình đang từng bước được hoàn thiện sẽ tạo cho việc giao thương phát triển.
Một số dự án đã đem lại hiệu quả như: nuôi lợn đen, trồng rau bò khai (hiện có 8,5ha), nuôi trâu, bò sinh sản (đàn trâu, bò của các dự án hỗ trợ hiện nay có 100 con), dê thịt (đàn dê hiện có 549 con)... phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó trọng tâm là du lịch cộng đồng Homestay (5 hộ thực hiện tại Nặm Đíp đã đón tiếp gần 3.000 lượt khách, tổng thu nhập gần 400 triệu đồng), ông Tiến cho biết thêm.
Đổi thay sau 8 năm thành lập
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết, huyện thành lập năm 2011, trên cơ sở các xã khó khăn của hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa. Do vậy, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 71%, có xã lên tới hơn 90% (tiêu chí nghèo cũ). Trong khi, 90% dân số của huyện là bà con dân tộc thiểu số.
Ông Dưng đánh giá, sau 8 năm thành lập, hệ thống chính trị của huyện đã kiện toàn, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo 2018 còn trên 40%, phấn đấu hết năm 2019 giảm xuống chỉ còn hơn 30%.
Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy kết quả đạt được, xây dựng giao thông, đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển du lịch… Tuyên truyền cho người dân biết, Nhà nước chỉ hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng lao động; người dân là chủ thể giảm nghèo, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại.
“Đặc biệt, căn cứ vào hiện trạng, Lâm Bình luôn chú trọng mục tiêu xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Trong kế hoạch đánh giá thực trạng, làm rõ nguyên nhân nghèo, từ đó có giải pháp giảm nghèo hiệu quả”, ông Dưng nhấn mạnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.