Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 8 năm 2022 | 8:51

Người dân vùng ĐBSCL sẵn sàng đón lũ

Theo dự báo, nước lũ ở ĐBSCL sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10, lũ về sẽ mang theo phù sa, thau rửa đồng ruộng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sinh sống ở vùng đầu nguồn. Hiện, người dân ở các địa phương đã chuẩn bị đón lũ.

Lũ có thể đạt đỉnh vào nửa cuối tháng 10

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên chậm. Mùa khô năm 2022, lưu vực sông Mê Công tương đối có nhiều nước. Nhờ gia tăng dòng chảy trong mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm; nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt… dồi dào hơn. Các chuyên gia nhận định, nguồn nước về ĐBSCL trong mùa lũ năm 2022 có khả năng lớn hơn các năm gần đây. Dự báo mực nước lũ ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long dao động từ báo động cấp 1 đến cấp 2; đỉnh lũ xuất hiện khoảng nữa cuối tháng 10/2022.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết, đỉnh lũ khu vực đầu nguồn dự báo ở mức báo động cấp I-II, cụ thể là mực nước lũ tại trạm Tân Châu (An Giang) sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10 năm 2022 với mực nước đỉnh lũ có khả năng sẽ nằm trong khoảng giữa báo động cấp 1 và cấp 2. Còn đỉnh lũ khu vực nội đồng Tháp mười ở mức báo động cấp I-II.

 Người dân huyện An Phú, tỉnh An Giang đang trông chờ nước lũ lên (Ảnh: VOV).

 

Do dòng chảy mùa khô năm 2022 về Đồng bằng sông Cửu Long tăng đáng kể so với các năm gần đây (Tổng lượng dòng chảy đạt khoảng 84 tỷ m3, lớn hơn giá trị cùng kỳ trung bình nhiều năm và dòng chảy mùa khô năm 2021 lần lượt là 6% và 20%) nên mực nước mùa khô năm 2022 tại các nơi trong tỉnh đạt mức khá cao vào đầu tháng 4 và đầu tháng 5/2022 (do xả nước từ các đập thủy điện). Vì thế, mực nước tại các nơi trong tỉnh cao hơn mực nước cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng từ 0,2 – 0,6 m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng từ 0,1 - 0,4 m.

Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, diễn biến dòng chảy mùa khô năm 2022 về Đồng bằng sông Cửu Long tăng đáng kể so với các năm gần đây. Tổng lưu lượng đến ĐBSCL qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc (sông Hậu) trong mùa lũ năm 2022 có thể sẽ đạt tới 33.000 m3/s và nước lũ sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10/2022 với mực nước đỉnh lũ có khả năng nằm trong khoảng giữa báo động cấp 1 và cấp 2. 

Trong khi đó, theo đánh giá của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vào tháng 7 - 8/2022, tổng lượng mưa khu vực Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm (TBNN); tháng 9 xấp xỉ TBNN, còn tháng 10 - 12/2022 cao hơn khoảng 10-20% so với TBNN. Từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4-6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đối với Nam Bộ, cần đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, bão mạnh, dồn dập trong các tháng cuối năm.

Mặc dù đỉnh lũ không cao nhưng dự báo triều cường năm 2022 sẽ cao hơn khá nhiều so TBNN, cao hơn các năm triều cao kỷ lục (2011, 2018, 2019, 2020) và cao hơn nhiều so với triều năm 2021. Đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề khả năng lên 2,64m vào ngày 26/11/2022. Khi triều cường kết hợp với lũ chính vụ và mưa nội đồng sẽ làm mực nước tăng cao, đặc biệt ở vùng ven biển và vùng giữa ĐBSCL.

 Người dân vùng ĐBSCL sẵn sàng đón lũ.

 

Từ nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đỉnh lũ năm 2022 ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng không cao hơn nhiều so mức báo động 1. Với mức lũ này, về cơ bản hệ thống đê bao, bờ bao trên vùng ngập lũ ĐBSCL vẫn đủ khả năng đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, do triều năm 2022 được dự báo ở mức khá cao nên khả năng gây ảnh hưởng ngập lụt do triều cường và triều cường kết hợp mưa, lũ thượng nguồn đến các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ở ĐBSCL là không tránh khỏi.

Bà con mong lũ về

Những ngày này, ở các huyện đầu nguồn của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, trên một số cánh đồng đang xăm xắp nước. Nông dân sống bằng nghề đánh bắt đã chuẩn bị sẵn ngư cụ và chờ con nước tràn đồng để đánh bắt sản vật thiên nhiên theo mùa nước về. Những hộ dân không canh tác lúa vụ 3 sẽ xả nước vào ruộng và thực hiện mô sinh kế mùa nước như: nuôi cá lóc trong ruộng lúa, nuôi tôm càng xanh và nhiều mô hình sinh kế đang được người dân thực hiện.

Ở Long An, khi lũ về, nông dân áp dụng sản xuất “lúa mùa nổi”, được doanh nghiệp hỗ trợ giống, bao tiêu với giá cao hơn lúa thường. Bình quân mỗi hécta, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 25 triệu đồng. Ông Nguyễn Lương Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) cho biết, lúa mùa nổi sau khi gieo sạ xong khoảng 20 ngày sẽ sử dụng 1 lần phân bón kích thích cho cây phát triển, từ đó trở về sau không dùng phân thuốc, không cần chăm sóc, kết hợp nuôi cá dưới ruộng lúa để tăng thu nhập. Năm nay là năm thứ 3 địa phương trồng lúa dạng này với hơn 100ha. “Đây là mô hình sản phẩm gạo sạch. Trong tương lai, gạo mùa nổi sẽ được đăng ký sản phẩm OCOP của xã Vĩnh Đại”, ông Tuấn cho hay. 

HTX Nông nghiệp dịch vụ lúa mùa nổi (xã Vĩnh Đại) được thành lập tháng 7/2022 để hỗ trợ bà con sản xuất, nhằm tạo sinh kế vào mùa nổi. Bên cạnh đó, HTX mở rộng mô hình du lịch sinh thái mùa lũ như câu cá, xây dựng điểm dừng chân để du khách thưởng thức sản vật của địa phương.

 Lũ về sẽ mang theo phù sa và nguồn lợi thủy sản (Ảnh: VOV).

 

Ông Trương Văn Phú, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ lúa mùa nổi, chia sẻ: “Năm đầu bà con ít tham gia vì sợ rủi ro. Đến năm thứ 2, thấy lợi nhuận tăng cao, công chăm sóc nhẹ, hơn 30 hộ đã đăng ký tham gia. Hiện số lượng đăng ký tham gia làm lúa mùa nổi đang tăng dần. Thời gian tới, HTX sẽ liên kết nhiều hơn với các doanh nghiệp làm 1 vụ lúa mùa nổi và 2 vụ lúa chất lượng cao, nhằm tăng thu nhập cho người dân”.

Tại Đồng Tháp, nhiều nông dân tận dụng nước lũ và nguồn thức ăn dồi dào trong tự nhiên để nuôi thuỷ sản với kỳ vọng kiếm thêm thu nhập. Thời điểm này, bà con đã chuẩn bị sẵn sàng. Khi xả lũ, cũng là lúc tôm, cá được thả ra các cánh đồng. Ngành Nông nghiệp Đồng Tháp nhận định, năm nay lũ về trễ nhưng vẫn có thể đạt mức cao hơn 3 năm trước. Tỉnh đã lên kế hoạch xả lũ đón phù sa trên diện tích hơn 88.000 ha.

Nước lũ chưa về nhiều nhưng một số cánh đồng ở vùng đầu nguồn đã ngập nước. Bà con cũng bắt đầu đánh bắt tôm cá trên đồng. Người dân và chính quyền các địa phương đã sẵn sàng với hy vọng sẽ có một mùa lũ đẹp.

Tại huyện An Phú, địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, hiện nay nước ở đầu nguồn đã đổ về, nhưng vẫn ở mức thấp. Theo người dân nơi đây, mặc dù mức thấp, nhưng một số cánh đồng vùng trũng, gần sông nước vào đồng ruộng và mức nước còn lớn hơn năm ngoái. Khi các đồng có nước đầu nguồn đổ về, người dân cũng đã bắt đầu việc khai thác thủy sản.

Tại thị xã Tân Châu, cũng là địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, địa phương này tiếp giáp với Sông Tiền và Sông Hậu. Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 12.000 ha, trong đó khoảng 9.000 ha sản xuất lúa, còn lại trồng màu và cây ăn trái.

Theo ông Đặng Văn Nê, Phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, hiện nay mực nước tại các sông đang ở mức thấp, tuy nhiên đối với địa phương vẫn chỉ sản xuất lúa trên diện tích trong đê bao, còn ngoài đê bao không sản xuất để lấy phù sa cho vụ sản xuất tới.

Ông Nê cho biết, lũ đầu nguồn từ tháng trước đã lên mức khoảng 1,8m, mấy hôm nay rút xuống còn 1,73m. Nước đầu nguồn thì còn tình trạng con nước ròng và con nước lớn, không giống như trung bình các năm trước là lên từ từ. Đối với mực nước này, tại Tân Châu vùng ngoài đê bao hiện đã thu hoạch hết, chỉ còn lại một số diện tích trồng hoa màu, nhưng với mực nước này sẽ không ảnh hưởng. Trong đê bao thì đảm bảo ăn chắc. Hiện nay, nước không tràn vào đồng nên bà con nhân dân chỉ đánh bắt, khai thác thủy sản ở các sông.

 Người dân vùng ĐBSCL chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại do lũ và triều cường gây ra (Ảnh: Duy Khương).

 

Trước tình hình lũ có thể đạt đinht vào giữa tháng 10, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo, các vùng ngập sâu như Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên cần tranh thủ sản xuất sớm và kết thúc xuống giống vào cuối tháng 8. Còn vùng ngập nông thuộc khu vực phù sa ngọt ở sông Tiền và sông Hậu như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang… tương đối thuận lợi cho sản xuất lúa thu đông, cần tập trung xuống giống đúng lịch thời vụ và kết thúc gieo sạ khoảng giữa tháng 8; lưu ý mực nước lũ, triều cường.

Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay, những năm gần đây, hệ thống cống ven biển và đê bao của tỉnh được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, do đó lũ về không còn là nỗi lo lắng, ngược lại đây là thời điểm thuận lợi để bà con khai thác thủy sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lũ không đáng lo nhưng khi kết hợp triều cường lên cao sẽ rất đáng ngại. Đánh giá mức đảm bảo của hệ thống đê bao thuộc vùng giữa ĐBSCL ứng với mức lũ chính 3,7m tại Tân Châu kết hợp đỉnh triều 2022 cho thấy, có khoảng 289 đê bao có nguy cơ bị ảnh hưởng, với tổng diện tích khoảng 53.393ha.

Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có 2 huyện bị ảnh hưởng (477ha), tỉnh Hậu Giang 2 huyện bị ảnh hưởng (28.234ha), tỉnh Tiền Giang 1 huyện bị ảnh hưởng (43ha), TP. Cần Thơ có 3 quận, huyện bị ảnh hưởng (8.197ha), tỉnh Vĩnh Long có 3 huyện bị ảnh hưởng (12.943ha), tỉnh Kiên Giang có 2 huyện bị ảnh hưởng (3.499ha), tỉnh An Giang bị ảnh hưởng ở huyện Chợ Mới và TP. Long Xuyên. Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang cần hết sức đề phòng ngập úng do mưa và triều cường, đặc biệt vào thời kỳ tháng 9 - 11/2022.

Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang, cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top