Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 8 năm 2021 | 9:19

Nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao ở miền Trung

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, nhưng nhiều nông dân vẫn tìm cho mình hướng đi phù hợp để vừa có thu nhập, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Nuôi ốc hương thương phẩm ở Kỳ Anh
 
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lý (thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh) tham gia vào Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi ốc hương thương phẩm có hiệu quả kinh tế cao tại vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh” (Dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ). Mô hình được triển khai từ ngày 28/3/2021 dưới sự quản lý và hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh.
 
Với diệc tích 2ha ao nuôi tôm cũ, nhưng sản xuất không hiệu quả, nên gia đình anh Nguyễn Văn Lý đã cải tạo toàn bộ diện tích ao này để nuôi ốc hương thương phẩm. Ốc hương là loài ốc biển, trên địa bàn Hà Tĩnh không có giống nên ông Lý phải mua từ các cơ sở chất lượng cao ở Khánh Hòa.
 
146d5080735t29441l0.jpg
Ốc hương của gia đình ông Lý đang được tỉa bán dần.
 
Khi triển khai nuôi ốc hương thương phẩm, gia đình ông Lý rất lo lắng bởi vì đây là một loại thủy sản được nuôi mới, kinh nghiệm chăm sóc chưa có nhiều. Tuy nhiên ông đã được Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong các khâu xử lý ao hồ, bảo đảm độ pH, thức ăn, nhiệt độ, môi trường nước… Nhờ đó, ốc hương phát triển khá tốt, không bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống đạt hơn 75%.
 
Thời điểm đầu, ông Lý thả 3 triệu con ốc hương giống trên tổng diện tích 2 ha ao nuôi, ước tính sản lượng thu hoạch toàn bộ diện tích đạt từ 10-12 tấn. Với giá bán hiện nay gần 200 nghìn đồng/kg, nếu thuận lợi, mô hình nuôi ốc hương của ông Lý sẽ có tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng, lãi gần 600 triệu đồng/2 ha.
 
Ông Lý cho biết: "Từ lúc thả cho đến khi ốc hương được 3 tháng, thức ăn phải chọn các loại tôm tươi, sạch và bóc vỏ. Sau nuôi được 3 tháng, ngoài tôm tươi, còn phải bổ sung thêm các loại cá biển tươi. Nếu sử dụng thức ăn như tôm, cá không tươi thì ốc sẽ sinh bệnh ngay".
 
 

Ốc hương là đối tượng nuôi mới, bước đầu thích nghi với điều kiện nuôi trồng tại vùng ven biển tại TX Kỳ Anh. Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, vấn đề đầu ra cho tất các mặt hàng đều khó khăn, trung tâm đã hướng dẫn người dân bán tỉa dần ốc hương, tập trung nguồn thức ăn nuôi ốc lớn để có giá bán cao hơn. Bên cạnh đó, trung tâm còn hỗ trợ kết nối đầu ra thu mua số lượng lớn để giúp hộ dân bán hết toàn bộ ốc hương trong thời gian sớm nhất.

Lê Thị Thanh Hường - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh

 
 
 
Nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi
 
Quảng Bình có nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn, rất khó khăn cho việc tham canh cây lúa, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ những vùng đất này, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Từ kết quả ở những mô hình nuôi thử nghiệm, cho thấy tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Quảng Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Năm 2021, Trung tâm KNKN tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các xã: Hồng Thủy (Lệ Thủy), Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) và Đức Ninh (TP. Đồng Hới) với diện tích 4,7ha.
 
images708958_a__28_.jpg
Tôm càng xanh trong ao nuôi của ông Lê Hùng, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Ông Lê Hùng, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) cho biết: “Lần đầu tiên, tôi tham gia nuôi tôm càng xanh toàn đực trên 0,5ha đất lúa kém hiệu quả nên còn khá nhiều bỡ ngỡ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm KNKN tỉnh, tôi đã khắc phục kịp thời những sự cố trong ao nuôi do ảnh hưởng của thời tiết. Cái hay của nuôi tôm càng xanh là không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn trên thị trường vì có thể tận dụng nguồn thức sẵn có để bổ sung cho tôm, như: cá tạp, tép...”.
 
Thời điểm hiện tại, nhiều hộ nuôi tôm đã tiến hành thu hoạch tôm. Ông Đặng Văn Thỏn, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết: “Đầu vụ, tôi thả 60.000 con tôm càng xanh giống, sau một thời gian nuôi và chăm sóc tôm theo đúng quy trình kỹ thuật, hiện gia đình đã bắt đầu thu hoạch tôm để bán dần cho người dân trên địa bàn. Tôm từ 25-30 con/kg, có giá bán từ 180.000-200.000 đồng/kg. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên giá bán tôm không được cao nhưng gia đình tôi vẫn rất phấn khởi và sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình trong thời gian tới”.
 
Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh, tôm càng xanh là đối tượng nuôi khá mới, nhu cầu tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh. Để hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm đã kết nối, giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm tôm càng xanh đến người tiêu dùng.
 
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản.
 
 

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên diện tích lúa chuyển đổi không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, hướng đến sản xuất hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình nuôi tôm càng xanh trên diện tích lúa nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả để nâng cao thu nhập”.

 
 
Thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng
 
Bắt đầu từ năm 2013, với mô hình nuôi dê nhốt chuồng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay anh Nguyễn Văn Chương (sinh năm 1996), ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị) đã có trong tay đàn dê gần 200 con, mang lại thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm.
 
phuong-chuong.jpg
Đến nay, trại dê của anh Chương có gần 200 con dê thịt và dê giống các loại - Ảnh: T.P
 
Khởi nghiệp với 9 con dê giống, thế nhưng do chưa có kinh nghiệm nên dê của anh chết hơn một nửa vì dịch bệnh. Không nản chí, anh dành thời gian đi nhiều nơi để học hỏi thêm kỹ thuật nuôi dê, đồng thời tìm hiểu thêm kiến thức trên sách, báo, mạng xã hội nên đến năm thứ hai, đàn dê của anh dần phát triển tốt và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Mỗi năm trôi qua, đàn dê của anh Chương nuôi lại tăng lên đáng kể. Cuối năm 2020, anh mạnh dạn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại khép kín và mua thêm nhiều giống dê khác nhau về nuôi.
 
Anh Chương cho biết, 1 con dê sinh khoảng 3 lứa trong vòng 2 năm. Dê con sau gần 1 năm có trọng lượng 30 – 40 kg sẽ cho xuất chuồng. Mỗi năm gia đình anh xuất bán 2 đợt với hàng trăm con dê thịt. Thịt dê thơm ngon, chất lượng nên đầu ra luôn ổn định, thường được các nhà hàng trong và ngoài tỉnh đến tận nhà mua với giá khá cao. Với giá bán dao động từ 130.000 – 160.000 đồng/kg dê thịt, cộng với việc với bán dê giống, phân dê cho các nơi có nhu cầu, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 250 triệu đồng. Ngoài ra mô hình còn góp phần giải quyết việc làm cho 2 - 3 lao động tại địa phương với mức tiền công 200.000 đồng/người/ngày.
 
“Anh Chương là một trong những đoàn viên trẻ năng động và có tư duy làm ăn táo bạo. Nhờ biết cách đầu tư, tận dụng nguồn thức ăn, áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi mà mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh phát triển rất tốt cả về số lượng và chất lượng” - Đó là lời giới thiệu của Bí thư Xã đoàn Cam Chính Nguyễn Hữu Hoàng khi dẫn chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của anh Chương.
 
Trong thời điểm này, đầu ra cho các sản phẩm nông sản của bà con nông dân là vấn đề quan trọng nhất. Do đó ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, con giống, các cơ quan cũng cần giúp đỡ bà con tiêu thụ được sản phẩm chăn nuôi, có như vậy người nông dân sẽ không bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top