Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2021 | 12:54

Những đột phá tạo đổi thay ở huyện mới Lâm Bình

Mừng Xuân Tân Sửu - 2021 cũng là dịp huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) kỷ niệm 10 năm thành lập (26/2/2011-26/2/2021).

t23.JPG
Khu hành chính huyện Lâm Bình đạt tiêu chí đô thị loại V sau 10 năm thành lập.

 

Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, để thấy rõ sự đổi thay cũng như định hướng phát triển của Lâm Bình những năm tới

Thưa ông, ông có thể nêu bật kết quả sau 10 năm huyện Lâm Bình thành lập?

Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành trong tỉnh, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, sau 10 năm thành lập, Lâm Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng, thể hiện qua một số kết quả nổi bật.

Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch đúng hướng và phát triển tương đối đồng đều ở tất cả các vùng; giá trị sản xuất các ngành tăng nhanh, du lịch có nhiều khởi sắc, trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại trung tâm huyện và các xã; trung tâm huyện đạt tiêu chí đô thị loại V (ngày 24/12/2020 HĐND tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình); lâm sản, khoáng sản được quản lý chặt chẽ; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả quan trọng, số tiêu chí bình quân tăng từ 3,5 tiêu chí/xã năm 2011 lên 14,5 tiêu chí/xã năm 2020.

Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân chuyển biến tích cực. Văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 71,12 % (năm 2011) xuống còn 31,44% (năm 2020), thu nhập đầu người tăng từ trên 15 triệu đồng/người (năm 2011) lên 30,1 triệu đồng/người (năm 2020). Chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được nâng lên rõ rệt...

Ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về tiềm năng du lịch của huyện?

Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc đa dạng và phong phú, nhiều khu vực có những dãy núi đá vôi bao quanh những thung lũng rộng lớn, rất kỳ vĩ. Đặc biệt, huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó phải kể đến Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, mỗi danh lam, thắng cảnh đều có vẻ đẹp tự nhiên, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyền thoại.

 

Bà Triệu Thị Xướng (Homestay Hoàng Tuấn, thôn Na Tông, xã Thượng Lâm) cho biết: Phát triển du lịch kết hợp với làm NTM thúc đẩy mọi người, mọi nhà có ý thức trong bảo vệ môi trường, không còn tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở dưới gầm nhà sàn như trước kia. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, người dân có kiến thức phát triển kinh tế, đời sống đã được nâng lên.

t23a.jpg

 

Lâm Bình là nơi quy tụ nhiều dân tộc thiểu số với nét văn hóa đa dạng, đặc sắc gắn với những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông của người Tày, Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, cấp sắc của dân tộc Dao… Những năm qua, huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và phát huy những tiềm năng du lịch.

Huyện đã xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng (Homestay); du lịch sinh thái khu vực hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; du lịch Lễ hội; du lịch văn hóa trải nghiệm. Do vậy, lượng khách du lịch tăng nhanh, từ khoảng 5.000 lượt năm 2011 lên trên 120.000 lượt, doanh thu năm 2020 trên 70 tỷ đồng.

Để đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống, đặc biệt là thực hiện thành công hai khâu đột phá, thời gian tới, huyện có những việc làm cụ thể gì, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 2 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó khâu đột phá thứ nhất là “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện”. Để thực hiện tốt khâu đột phá này, thời gian tới, huyện sẽ tập trung lập quy hoạch, để Lâm Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và khách quốc tế.

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, hộ kinh doanh về kinh tế du lịch, nhất là kỹ năng làm du lịch; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là ở các khu, các điểm du lịch, hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm, các tour du lịch đặc trưng của huyện, trọng tâm là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; trải nghiệm lễ hội. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, xây dựng thành các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Chủ động, tích cực xúc tiến, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển dịch vụ, khai thác các sản phẩm du lịch; liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân, các địa phương có tiềm năng, lợi thế để cùng phát triển dịch vụ, du lịch.

Khâu đột phá thứ 2 là “Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng”.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đang tập trung xây dựng Nghị quyết về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, với các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu.

Tập trung phát triển, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện như: chè Shan, cây rau, lợn, con dê, cá đặc sản,… Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng, hiệu quả cao và phát triển bền vững.

Huy động, thu hút các nguồn lực cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi, trước hết là tạo cơ sở sản xuất giống, xây dựng các mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế ở từng xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, chế biến, đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị và kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh.

Lâm Bình là huyện thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện. Là huyện xa, khó khăn nhất tỉnh, khi thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, ông  gặp những khó khăn gì?

Với vai trò Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện, bên cạnh một số thuận lợi, bản thân tôi cũng gặp một số khó khăn như: thường xuyên phải tham gia nhiều cuộc họp, khối lượng công việc nhiều nên khó khăn trong sắp xếp thời gian. Các văn bản, hướng dẫn việc thực hiện mô hình chưa đầy đủ gây khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc đảm bảo vừa khoa học vừa thể hiện tính ưu việt của mô hình.

Bí thư cấp ủy hoạt động theo nguyên tắc trong điều lệ Đảng, còn Chủ tịch UBND huyện hoạt động theo pháp luật, đôi lúc gặp khó khăn trong việc thể hiện vai trò đúng lúc, đúng chỗ, làm sao để chuyển vai uyển chuyển, vừa phù hợp với chức năng nhiệm vụ, vừa có phân định tương đối trong lãnh đạo, điều hành quản lý.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, đưa Lâm Bình ngày một phát triển, thời gian tới, bản thân tôi sẽ nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc và cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện.

Trong đó sẽ tăng cường ủy quyền gắn với nêu cao vai trò, trách nhiệm của  Phó bí thư Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ủy viên UBND huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu, giúp việc thông qua việc xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể, các giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông. Chúc Lâm Bình sớm hoàn thành mục tiêu đề ra!

 

Ông Chẩu Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khuôn Hà, cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II đã sáng suốt chọn ra những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết. Tôi tin tưởng rằng, các đồng chí được giao nhiệm vụ, giao trọng trách lãnh đạo huyện nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều đột phá đưa sự nghiệp giáo dục huyện ngày càng phát triển, đưa KT- XH huyện ngày càng vươn lên tiến kịp với các huyện bạn.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top