Việc phát triển các vùng chuyên canh đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến một nền sản xuất chủ động và bền vững.
Thanh Hóa: Phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp thay đổi tư duy sản xuất
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Không chỉ mang lại hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế, việc phát triển các vùng chuyên canh đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến một nền sản xuất chủ động và bền vững.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thọ Xuân luôn chú trọng thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hình thành các vùng sản xuất tập trung những sản phẩm lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Từ đó, định hướng cho các xã, thị trấn hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng, như: vùng mía nguyên liệu, với diện tích từ 1.500 đến 2.000 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung, với diện tích 360 ha; vùng sản xuất rau an toàn tập trung 11,8 ha; vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 6.500 ha;...
Bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: bưởi Luận Văn, bưởi Bắc Lương, cam Xuân Thành... Từ đó, đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ; nhất là đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động trong sản xuất cây ăn quả, rau,... trong nhà lưới với quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cũng đã và đang hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đi vào chiều sâu, phát triển rõ nét và bền vững; trong đó, doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương,...
Từ việc tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Thiệu Hóa đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các vùng sản xuất được người dân áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng các khoa học - kỹ thuật tiên tiến để phát triển các sản phẩm chủ lực. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 5 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với tổng diện tích hơn 3.500 ha, như: vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở các xã Thiệu Phúc, Thiệu Vận, thị trấn Thiệu Hóa...; vùng sản xuất rau an toàn tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở thị trấn Thiệu Hóa, các xã Thiệu Toán, Thiệu Hợp, Thiệu Phúc...; vùng sản xuất ớt xuất khẩu tập trung tại các xã Minh Tâm, Thiệu Hợp, Thiệu Vũ,...
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa: Các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5 lần trở lên so với sản xuất truyền thống. Đồng thời, tư duy sản xuất của người dân cũng thay đổi và từng bước tiếp cận với sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi liên kết. Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đã góp phần nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa; đến nay, toàn huyện có 100% diện tích gieo trồng được cơ giới hóa khâu làm đất, 90% diện tích được cơ giới hóa khâu thu hoạch; ngoài ra, các khâu bóc tách hạt, vận chuyển, gieo hạt, bảo quản, chế biến cũng đã từng bước được cơ giới hóa.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã. Trong đó, nhiều mô hình vùng sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, như: vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung, vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi, vùng chăn nuôi bò sữa tập trung, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng,...
Những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp không những mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần trở lên mà còn góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, từ việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Thời gian tới, để phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, các địa phương cần dựa trên thế mạnh, điều kiện đặc thù, nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng việc hình thành những vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa số lượng lớn. Thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách; đồng thời, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất tập trung, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Hà Nội: Lập mã vùng trồng mở rộng xuất khẩu chính ngạch
Ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định cây chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực (bưởi, chuối, nhãn, cam...) qua đó, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ...
Nhận thấy tiềm năng lớn của vùng đất bãi ven sông Hồng, ông Sái Văn Triệu (xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh) đã bắt tay với nông dân phát triển vùng canh tác chuối rộng hàng chục héc ta. Không chỉ thu lợi nhuận nhiều tỷ đồng mỗi năm, mô hình kinh tế còn mang lại thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.
Ông Sái Văn Triệu, một trong những người tiên phong phát triển vùng trồng chuối theo hướng hàng hóa, cho hay, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm chuối cao nên đã thuê khoán lại của các hộ dân để trồng.
Sau nhiều năm gom góp, tổng diện tích canh tác chuối (chủ yếu là giống chuối tiêu hồng) của hộ ông Triệu đã lên tới hơn 70ha. Ông Triệu mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, bảo quản theo hình thức lắp ghép giản đơn để chủ động hơn trong quá trình cung ứng sản phẩm ra thị trường. Hiện, sản phẩm chuối của hộ ông Triệu đã xây dựng được mối liên kết tiêu thụ với nhiều thương lái. Đặc biệt, mỗi năm có hàng trăm tấn chuối được ông xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Triệu là một trong những nông dân làm giàu từ cây chuối ở các xã ven sông, tuy nhiên, do chưa được cấp mã vùng trồng nên xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không ổn định. Theo ông Dương Văn Sơn, Trạm phó Trạm thực nghiệm cây trồng - Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Thủ đô có nhiều diện tích ven sông như sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Đà, với các bờ bãi phù hợp cho cây chuối phát triển. Hiện, diện tích gieo trồng chuối của Hà Nội đạt khoảng 3.300ha, đứng thứ 2, sau cây bưởi, với sản lượng đạt 74.195 tấn, hiệu quả kinh tế đạt từ 350 đến 400 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tại một số vùng trồng chuối chuyên canh của Hà Nội xuất hiện tình trạng ứ đọng chuối do bà con trồng tự phát, khi tiêu thụ bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Để nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hỗ trợ phát triển thị trường cho cây chuối, hướng tới xuất khẩu bền vững, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng chuối.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội. Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương đào tạo, tập huấn về xuất nhập khẩu, các Hiệp định thương mại tự do mới Việt Nam ký kết, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống/tiêu chuẩn OTAS; khảo sát, đánh giá vùng trồng; thu thập thông tin vùng trồng, tiến hành đo đạc và lập bản đồ vùng trồng chuối; thẩm định hồ sơ, cấp, xác thực mã số vùng trồng, nhập dữ liệu vùng trồng lên hệ thống OTAS, hồ sơ điện tử, cắm biển mã số và kích hoạt trên hệ thống, cấp tem mã số vùng trồng gắn lên sản phẩm...
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, việc cấp mã vùng trồng đã mở ra cánh cửa giúp sản phẩm chuối của Hà Nội có thể dễ dàng hơn trong xuất khẩu sang nhiều thị trường. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối ngày càng nâng cao.
Trên cơ sở nền tảng việc cấp mã vùng trồng chuối đang triển khai hiệu quả, năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ trồng mới 25ha, quy mô 5ha trở lên; ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu 10ha, quy mô 3ha trở lên ở mỗi điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết hướng tới xuất khẩu...
Vĩnh Phúc: Ngành Nông nghiệp tạo đột phá từ chủ trương “khoán sản phẩm”
Thực hiện chủ trương “đánh giá cán bộ bằng sản phẩm” của Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm 2022, Sở NN&PTNT đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc bằng việc hoàn thành các sản phẩm, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần tạo đột phá cho ngành Nông nghiệp.
Hướng tới nền nông nghiệp sạch, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, giá trị gia tăng cao, Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản số 207 và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2022; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc ký văn bản cam kết với Giám đốc Sở NN&PTNT về từng nội dung thực hiện; định kỳ hằng tháng, quý báo cáo kết quả triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, năm 2022, Sở NN&PTNT giao 7 nội dung nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị gồm: Phòng Kế hoạch- Tài chính, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống nông nghiệp, Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp.
Tương ứng với nội dung của từng chỉ tiêu, nhiệm vụ là sản phẩm hoàn thành, thời gian hoàn thành và đơn vị được giao thực hiện.
Cụ thể như nội dung đề xuất mô hình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng trên địa bàn 9/9 huyện, thành phố với sản phẩm hoàn thành là 25 mô hình được giao cho 3 đơn vị, trong đó Trung tâm Khuyến nông thực hiện 11 mô hình, Trung tâm Giống nông nghiệp thực hiện 8 mô hình, Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp thực hiện 6 mô hình.
Nội dung kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp; theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xử lý vi phạm về đất rừng trên địa bàn tỉnh giao cho Chi cục Kiểm Lâm thực hiện với sản phẩm hoàn thành là xử lý 100% các vụ vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực lâm nghiệp phát sinh mới được phát hiện; phối hợp xử lý 20% số vụ vi phạm đất rừng theo Đề án chống lấn chiếm của tỉnh.
Nội dung phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực thủy lợi, đê điều giao Chi cục Thủy lợi thực hiện với sản phẩm hoàn thành là phối hợp xử lý và hướng dẫn chuyên môn đối với 100% các vụ vi phạm mới phát sinh trong năm, giải quyết dứt điểm 20% các vụ vi phạm cũ trong lĩnh lực thủy lợi, đê điều.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp cho biết: Thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao sản phẩm hoàn thành với 8 mô hình, Trung tâm đã họp chi ủy, Ban Giám đốc thống nhất nội dung, quan điểm; giao Phó Giám đốc phụ trách theo dõi, chỉ đạo các mô hình; các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương lựa chọn địa điểm phù hợp và triển khai mô hình với tinh thần trách nhiệm cao.
Ngay vụ Xuân 2022, đơn vị đã triển khai 5/8 mô hình ở các địa phương gồm: Lưu giữ và nhân giống gốc Bưởi Diễn và Bưởi Vân Xuân tại xã Vũ Di (Vĩnh Tường), quy mô 1,5 ha; sản xuất giống lúa chất lượng tại huyện Tam Dương, quy mô 10 ha; mạ khay cấy máy ở xã Thái Hòa (Lập Thạch), quy mô 2 ha; liên kết sản xuất giống lúa đặc sản địa phương séng cù tại phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) 15 ha; vỗ béo bò thịt 3B tại xã Vân Trục (Lập Thạch), quy mô 100 con.
Riêng 2 mô hình: Nuôi thủy sản thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn 2 huyện Tam Đảo và Tam Dương sẽ được triển khai trong tháng 3/2022 và mô hình liên kết sản xuất giống lúa chất lượng tại xã Đồng Ích (Lập Thạch), quy mô 30 ha, giống lúa ADI28 sẽ được triển khai ở vụ mùa 2022.
Hiện nay, các mô hình lúa triển khai đang ở thời kỳ đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 đề ra, Sở NN&PTNT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo sở trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các phòng, đơn vị thực hiện nội dung được giao đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch; lựa chọn, triển khai mô hình phù hợp với thực tế ở địa phương.
Lãnh đạo từng đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp cụ thể cho từng nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu đề ra. Đến hết thời gian hoàn thành được giao, đơn vị nào không hoàn thành nội dung cam kết trên thì lãnh đạo đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở.
Năm 2021, ngành NN&PTNT triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song, giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, vượt gần 3,6% kế hoạch, tăng 4,81% so với năm 2020; đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đứng thứ 2 các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, năng suất lúa bình quân cả năm đạt cao nhất từ trước đến nay, ước đạt gần 60 tạ/ha, tăng 2,93%, sản lượng đạt hơn 320 nghìn tấn, tăng gần 8.000 tấn; tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 75% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ hơn 3.200 ha rau quả, rau ăn lá sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ đưa giá trị sản xuất đạt hơn 150 triệu đồng/ha.
Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất; sản xuất thủy sản từng bước đa dạng về chủng loại nuôi trồng; công tác trồng cây, trồng rừng được thực hiện tốt...
Sở đã hướng dẫn, hỗ trợ và cấp giấy chứng nhận cho 78 cơ sở sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt…; qua đó đem lại giá trị gia tăng cao cho ngành Nông nghiệp./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.