Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 7 năm 2021 | 14:51

Nông sản lao đao vì dịch Covid-19: Có đủ sự quan tâm, ắt có đủ giải pháp

Do dịch Covid-19, nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch, song hạn chế bởi “đầu ra”, người nông dân đang hết sức lao đao vì giá xuống thấp. Một số địa phương vẫn thành công dù áp lực từ dịch giã, thực tế có đủ sự quan tâm, ắt có đủ giải pháp!

images2778292_img_6913.jpg
Ảnh minh họa.


Nhãn “treo cành” chờ người mua

Huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang có 1.290 tấn nhãn xuồng cơm vàng giá bán 15.000 đồng/kg; nhãn quế 100 tấn giá bán 8.000 đồng/kg; thanh long 140 tấn giá bán 10.000 đồng/kg đang cần chờ tiêu thụ.

Ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay gần 1.300 tấn nhãn xuồng cơm vàng của nông dân huyện này đã đến kỳ thu hoạch, đang "treo" trên cành, chờ người mua đến hái.

Nếu hái không kịp, trong vòng 5 đến 7 ngày, quả nhãn sẽ tự rụng. Trên địa bàn Xuyên Mộc, có khoảng 450ha đất trồng nhãn xuồng cơm vàng. Ngoài ra còn có 100 tấn nhãn quế và 140 tấn thanh long cũng "chờ" thương lái đến mua.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản gửi các ngành chức năng, các huyện, thị, thành và các doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ, kết nối để tiêu thụ số trái cây trên.

"Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, thủy sản của bà con trên địa bàn huyện", ông Khanh giải thích nguyên nhân.

Theo văn bản này, huyện Xuyên Mộc đang có 1.290 tấn nhãn xuồng cơm vàng giá bán 15.000 đồng/kg; nhãn quế 100 tấn giá bán 8.000 đồng/kg; thanh long 140 tấn giá bán 10.000 đồng/kg đang cần chờ tiêu thụ.

Trong khi đó, ông Dương Tấn Linh cho biết, nếu không xảy ra dịch Covid-19, giá nhãn xuồng cơm vàng bán tại vườn từ 30-35.000 đồng/kg.

Lúa “nghẽn đầu ra”

Vụ lúa Hè Thu ĐBSCL xuống giống được 1,515 triệu ha, năng suất 56,7 tạ/ha, sản lượng 8,6 triệu tấn. Thu hoạch vụ Hè Thu khi 19 tỉnh/thành phía Nam thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, khiến đầu ra lúa và nếp đang gặp khó.

Đối với người nông dân và chính quyền địa phương vùng ĐBSCL, vấn đề lớn nhất hiện nay của khu vực này là làm sao bán được lúa, nếp trong lúc nông dân đang thu hoạch khi mùa mưa bão đang về nhằm giảm đến mức thấp nhật thiệt hại cho bà con.

 

n-3f1a5.jpg
Thu hoạch lúa.

 
Ông Nguyễn Văn Thức, nông dân ở xã Tần Thạnh B, huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp cho biết, vụ Hè Thu này gia đình ông xuống giống gần 5 hecta nếp, khi biết Đồng Tháp sẽ áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 trên toàn tỉnh, lo đến khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách không có thương lái đi mua nên ông kịp thời lấy cọc bán hết diện tích nếp nhà với giá 4.500 đồng/kg. Hiện nay, nếp sụt giá còn 4.200 - 4.300 đồng/kg do rất ít có người đi mua. Lúa thì có giá tốt hơn, như giống OM 18 giá 5.500 đ/kg, 5451 giá 5.100 đồng/kg,…

“Bây giờ giá nếp sụt xuống còn 4.200 - 4.300 đồng/kg, so với vụ Đông Xuân giảm trung bình 2.000 đồng/kg nhưng vẫn ít thương lái đi mua, chỉ những người có giấy test Covid-19 âm tính mới được đi mua. Trong xã những hộ nào chưa kịp bán gặp lái đi mua lúa, nếp thì mừng lắm, vì đang vô mùa mưa bão, sợ bị ngã đỗ nên lái họ mua giá nào cũng bán, mặc dù bán nếp với giá này là nông dân lỗ trắng tay ”, ông Thức chia sẻ.

Hiện nay, ngoài nỗi lo dịch bệnh Covid-19, người nông dân các tỉnh ĐBSCL còn mang nỗi lo khác lớn hơn là đầu ra nông sản bị ách tắc, giá cả sụt giảm, bán dưới giá thành sản xuất ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con khiến không đủ tiền trang trải cho đời sống trong mùa dịch cũng như vốn đầu tư cho vụ sản xuất sau.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tỉnh An Giang như cũng như các tỉnh khác ở trong khu vực ĐBSCL cũng có những khó khăn giống nhau. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, rau, màu và cây trái của tỉnh bán ra các tỉnh khác rất dễ dàng cũng như qua thị trường Campuchia, và đặc biệt là thị trường Trung Quốc, nhưng hiện nay đầu ra hầu hết các loại nông sản của tỉnh đều gặp khó.

Chỉ tính riêng sản lượng nếp, hiện tỉnh còn khoảng 150.000 tấn nếp chưa tiêu thụ được, trong đó, nếp vụ Đông Xuân muộn còn khoảng 20.000 tấn và vụ Hè thu khoảng 130.000 tấn. Trước đây, thương nhân Trung Quốc vẫn thu mua nhưng nay do tình hình dịch bệnh Covid-19, họ không mua nữa, đầu ra bên Trung Quốc bị tắc nên việc tiêu thụ nếp đang rất khó khăn. Vì vậy, đầu ra của nếp chính là cái lo lớn nhất của tỉnh An Giang hiện nay.

Cần có giải pháp kịp thời

Bên cạnh đó, An Giang cũng đang vào thu hoạch rộ lúa vụ Hè thu, trước tình hình 19 tỉnh/thành phía Nam thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, tỉnh rất lo một số doanh nghiệp cũng như thương lái ngoài tỉnh không vào được An Giang thu mua lúa.

Vào cuối tháng 7 và trong tháng 8, tỉnh sẽ thu hoạch trên dưới nửa triệu tấn lúa nhưng hiện nay không có đầu ra, trong giai đoạn này ĐBSCL đang vào cao điểm mùa mưa bão, nếu thu mua không kịp thời sẽ làm chất lượng lúa và nếp sụt giảm nghiêm trọng.

“An Giang cũng như các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL khẩn thiết đề nghị các bộ, ngành Trung ương có giải pháp giúp địa phương tiêu thụ được hết các sản lượng lúa, nếp vụ Hè Thu để bà con có vốn chuẩn bị xuống giống vụ Thu Đông mới với diện tích 160.000 hecta kế hoạch. Đặc biệt, rất mong Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam tăng cường và kịp thời thu mua lúa cho bà con nông dân trong thời gian thu hoạch”, ông Lâm chia sẻ.

Còn theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTTN tỉnh Sóc Trăng, ngoài những khó khăn về vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân như các tỉnh khác, thì Sóc Trăng còn gặp một số khó khăn nguồn nhân lực trong khâu tiêu thụ vận chuyển giao nhận hàng hóa đi các tỉnh.

Đối với vụ lúa Hè thu, tỉnh xuống giống được 141.000 hecta, dự kiến sản lượng đạt khoảng 400.000 tấn, tập trung vào tháng 7 và tháng 8. Nếu tình hình dịch bệnh ổn đầu tháng 8 thì đầu ra lúa hè thu sẽ ít bị ảnh hưởng, còn như tình hình dịch bệnh chưa ổn thì vấn đề tiêu thụ lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ NN-PTNT, giá nhiều loại nông sản giảm mạnh khi các đợt dịch bùng phát trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch rộ. Ví dụ khoai lang tím tại Vĩnh Long, xoài tại An Giang. Nguyên nhân giá giảm, là do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên thương lái Trung Quốc không sang thu mua, mặt khác thời gian này cũng là vụ thu hoạch nông sản cùng loại của Trung Quốc và các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan.

“Đừng đổ thừa do nông dân”

Phải thừa nhận thực tế, trong lúc hàng loạt tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách, tăng cường kiểm soát người lưu thông thì hàng hóa nghẽn ở một số nơi là tất yếu. Huống gì khu vực TP HCM và Đông Nam bộ với hơn 20 triệu dân là thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ của nhiều tỉnh, thành khác.

Và càng không ai lãng mạn đến mức muốn rằng hàng hóa giữ được giá khi mà những chi phí gián tiếp như giá xăng dầu tăng, vật tư đầu vào cao, nhân công khan hiếm, điều kiện lưu thông khó khăn…

Việc cần phải chấp nhận là có những mặt hàng tăng giá, trong biên độ chịu đựng được của hầu bao từng gia đình. Lúc này, vai trò điều tiết của nhà nước, của từng địa phương mang tính quyết định.

Cũng trong những ngày này, có nhiều clip được tải lên mạng xã hội về nội dung trần tình của một số nông dân trồng rau, củ. Bối cảnh được cho là ở ngay tỉnh Đồng Nai, người nông dân vừa cắt rau vừa bức xúc: "Mọi người cứ trách tụi tôi tăng giá gấp nhiều lần thì oan quá. Tui chưa bao giờ tăng giá bán, rau không có người mua để già trên vườn. Ai mua tui cảm ơn không hết, có đâu mà tăng giá". Người này nói thẳng: "Chỉ có thương lái, đầu nậu và mấy ông bán tăng giá".

Tình cảnh này cũng xuất hiện ở nhiều vườn rau và các điểm chăn nuôi tại Đà Lạt, Bình Phước, Quảng Nam… Giá rau tại vườn vẫn thấp, giá thịt luôn bị thương lái khống chế, thậm chí không mua, nông dân rất lo lắng.

Thực trạng thương lái khống chế giá cả, hưởng chênh lệch cao nhất không phải bây giờ mới diễn ra. Lợi nhuận cao nhất luôn rơi vào túi thương lái và những ông chủ cung cấp hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Phần thiệt thòi nhất, rủi ro nhất luôn được đẩy về phía nông dân, bởi họ không có nguồn tài chính đủ mạnh, không có điều kiện đủ lớn để kết nối thành các "thế lực" thực sự nắm được nguồn hàng hóa từ ruộng vườn nhà mình đến bàn ăn người tiêu dùng. Rau củ cũng thế, thịt cá cũng thế, gạo bắp cũng thế… chỉ kiếm chút lãi và trang trải chi phí sản xuất.

Kết nối từ nông dân đến người tiêu dùng có khó không khi chúng ta có hệ thống quản lý đầy đủ các ngành từ trung ương đến tận xã, phường? Chúng ta tin rằng không khó dù ngay trong thời điểm này.

Còn với doanh nghiệp và nhà buôn, sự kết nối, vận chuyển hàng hóa cũng không quá khó khăn khi các phương tiện vận chuyển thực phẩm được ưu tiên “mở làn xanh” đến các TP. Thậm chí TP HCM còn yêu cầu tạm dừng thu phí ở các trạm BOT để tạo thuận lợi cho người dân.

Có đủ sự quan tâm, ắt có đủ giải pháp. Hãy nhìn cách làm của những nhóm thiện nguyện: Tổ chức nhiều chuyến xe với vài mươi tấn rau xanh từ Đà Lạt đến TP HCM. Tại đây, có người đã được kiểm tra y tế nhận hàng và phân phối đến từng điểm nhỏ. Không có điểm phân phối hàng họ đưa đến phát miễn phí ở các chung cư, ở bên vệ đường gần khu công nghiệp, ở các tuyến đường ngoại thành… Hàng chục tấn heo, gà, mắm, rau… cũng bằng cách tương tự được chuyển từ các tỉnh miền Trung vào cho những người thân ở TP HCM mà không hề bị ách tắc.

 

1094_v.jpg
Người dân Hà Nội hào hứng và tuân thủ các quy định khi mua hàng tại các điểm hỗ trợ bán vải thiều Bắc Giang.

 

Và một dẫn chứng điển hình đó là những "kỳ tích" vượt dịch thành công của Bắc Giang đã minh chứng trọn vẹn cho những bước đi đúng đắn, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo các cấp các bộ ngành, chính phủ và sự đồng lòng nỗ lực lớn của nhân dân khi hoàn thành xuất sắc mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa thắng lớn vụ vải thiều năm nay.

Rất mong có sự quan tâm kịp thời và sự hỗ trợ chung tay của chính phủ, các ban ngành và doanh nghiệp cùng có những giải pháp thiết thực hài hòa thị trường trong thời điểm nhiều khó khăn như hiện nay trên nhiều địa phương cả nước.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top