Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ là yếu tố quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; thúc đẩy kết nối “cung - cầu”, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm nông sản cho nông dân…
Vĩnh Phúc: Đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa công nghiệp
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế diện tích đất tự nhiên, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; góp phần tăng năng suất, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới là từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại công nghiệp, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao.
Những năm gần đây, chăn nuôi của tỉnh có sự phát triển cả về quy mô và tính chuyên nghiệp trong sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp.
Giai đoạn 2011-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi (giá so sánh 2010) tăng bình quân 3,72 %/năm; trong đó: Năm 2011 đạt 3.825,3 tỷ đồng; năm 2020 đạt 5.337,7 tỷ đồng, chiếm 55,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Đến năm 2021, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, cùng những biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu nhưng so với năm 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi vẫn tăng trưởng 7,24%, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 56,9% trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện, toàn tỉnh có 3.400 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; trong đó có 2.936 cơ sở quy mô nhỏ, 425 cơ sở quy mô vừa và 39 cơ sở quy mô lớn.
Mặc dù chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập quán chăn nuôi của người dân vẫn mang nặng tính truyền thống.
Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, đang xuống cấp và lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ngoài ra, chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ. Vai trò của doanh nghiệp (DN), HTX trong lĩnh vực này còn yếu; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn, chế biến sản phẩm.
Với tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc top đầu toàn tỉnh về sản lượng gồm 1.180 con trâu bò, gần 11.500 con lợn, 434.500 con gà, vịt, ngan, xã Hoàng Hoa (Tam Dương) được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi của huyện Tam Dương. Song sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư với quy mô nông hộ là chủ yếu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Đến nay, trên địa bàn xã vẫn chưa có mô hình sản xuất, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP để xuất khẩu.
Đồng chí Phùng Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa cho biết: “Để chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa công nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, xã sẽ tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị; thu hút các DN lớn đầu tư xây dựng thương hiệu, liên kết và tiêu thụ sản phẩm”.
Hướng tới mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022-2025 tăng bình quân 3,0%/năm, từng bước chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung Quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch chung xây dựng các xã.
Theo đó, các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố, UBND các xã để xác định các vùng chăn nuôi, các dự án chăn nuôi, cập nhật vào trong quy hoạch chung các xã đang triển khai; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và hướng tới xuất khẩu.
Đồng thời, tập trung phát triển vùng chăn nuôi lợn tại các xã Quang Yên, Lãng Công, Hải Lựu, Đồng Quế (Sông Lô); Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Hợp Lý (Lập Thạch); Liên Châu (Yên Lạc).
Đối với vùng chăn nuôi gia cầm, tập trung phát triển vùng chăn nuôi gà tại các xã Hướng Đạo, Hoàng Hoa, Thanh Vân, Đạo Tú, Duy Phiên, An Hòa, Đồng Tĩnh (Tam Dương); Tam Quan, Đại Đình (Tam Đảo).
Vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa sẽ được phát triển tại các địa phương có điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả, phụ phẩm nông nghiệp như xã Vĩnh Thịnh, An tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương (Vĩnh Tường); xã Trung Kiên, Đại Tự, Hồng Châu, Trung Hà (Yên Lạc); xã Thái Hòa (Lập Thạch); xã Bồ Lý (Tam Đảo); xã Cao Phong, Đồng Thịnh (Sông Lô).
Hà Nội: Phát triển 3 vùng chăn nuôi hữu cơ
Theo Sở NN& PTNT, Hà Nội đang tập trung rà soát, phát triển 3 vùng chăn nuôi hữu cơ gồm gia cầm và hai nhóm gia súc (bò, lợn). Cụ thể, tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm (chăn nuôi bò); Sóc Sơn, Chương Mỹ (chăn nuôi lợn); Quốc Oai (chăn nuôi gia cầm)...
Theo đó, đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Đến năm 2030, đạt 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi, số lượng bò thịt hữu cơ đạt 3.500 con, bò sữa hữu cơ đạt 650 con; lợn hữu cơ đạt 13.600 con và khoảng 77.400 con gia cầm hữu cơ.
Để hoàn thành mục tiêu này, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp cùng các địa phương đánh giá, tổng hợp thực trạng, nhu cầu và điều kiện đáp ứng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; làm căn cứ triển khai định hướng phát triển chung của thành phố. Cùng với đó dự báo tiềm năng sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn thành phố, liên vùng.
Hưng Yên: Liên kết tiêu thụ nông sản, thúc đẩy kết nối “cung - cầu”
Thời gian qua, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.
Chúng tôi đến Hợp tác xã Nông nghiệp Đăng Dương, xã Tiên Tiến (Phù Cừ) vào thời điểm các thành viên đang khẩn trương thu hoạch nhãn để xuất bán cho Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ). Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân bởi họ không phải lo lắng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lý, thành viên của Hợp tác xã cho biết: Khi thực hiện hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với công ty, các hộ dân trong hợp tác xã tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; từ đó làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm nay, Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo thu mua 50% sản lượng nhãn của hợp tác xã (khoảng 15 tấn) để xuất bán vào siêu thị BigC.
Là doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, những năm qua, Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) đã tích cực liên kết với nông dân trong tỉnh để tiêu thụ một số loại nông sản chủ lực. Năm nay là năm thứ 4 công ty liên kết với một số hợp tác xã, nhà vườn ở thành phố Hưng Yên, huyện Phù Cừ để thu mua nhãn xuất bán vào siêu thị BigC. Từ đầu vụ nhãn đến nay, công ty đã giúp nông dân trong tỉnh tiêu thụ 50 tấn nhãn hương chi với giá từ 15.000 đến 35.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm, công ty thu mua 30 - 50 tấn cam, ổi của nông dân Hưng Yên xuất bán vào siêu thị.
Bà Dương Thị Phượng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo cho biết: Trên địa bàn tỉnh có nhiều mặt hàng trái cây chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng, chính vì vậy, chúng tôi ưu tiên liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân tại các địa phương để tiêu thụ mặt hàng trái cây... Để các mặt hàng nông sản trong tỉnh được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn nữa và tạo được sức cạnh tranh đòi hỏi nhà cung cấp, hợp tác xã, nông dân phải có quy trình, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm nhằm bảo đảm các tiêu chí an toàn chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và tạo sự yên tâm cho khách hàng.
Được thành lập từ năm 2010, Công ty TNHH chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tường Lân ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) chuyên chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ gạo. Những năm qua, công ty tích cực mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với người dân ở các huyện Yên Mỹ, Ân Thi. Ngoài tiêu thụ gạo tại thị trường trong nước, công ty xuất khẩu đến một số quốc gia như: Nhật Bản, Nga, Singapore... Trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo trong đó có 3.000 tấn thu mua của nông dân trong tỉnh. Thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, nông dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu ổn định hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; nhiều mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định. Theo Sở Nông Nghiệp và PTNT, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước, một số loại nông sản xuất khẩu như: Gạo, hạt sen, long nhãn, củ nghệ, các sản phẩm từ củ nghệ... Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ là yếu tố quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; thúc đẩy kết nối “cung - cầu”, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm nông sản cho nông dân…
Để tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh thông tin về các quy định tiêu thụ nông sản trong nước và các thị trường xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; thông tin về đối tác, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, cơ quan xúc tiến thương mại của các nước nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa; tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Hưng Yên với người tiêu dùng; mở rộng kênh phân phối qua việc bán hàng online, trên các trang thương mại điện tử…/.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trái cây Việt lên ngôi nhưng tiềm năng còn lớn