Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 9 năm 2021 | 11:5

Rau OCOP Đan Phượng cho thu lãi 50 triệu đồng/tháng giữa dịch Covid-19

Trồng rau sạch OCOP 3 sao, phục vụ giãn cách xã hội do dịch Covid-19, một phụ nữ ở Đan Phượng đã thu lãi 50 triệu đồng/tháng.

Trồng rau sạch lãi 50 triệu đồng/tháng

Chị Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), cho biết: Sau 16 năm đi xuất khẩu lao động, trồng rau sạch ở Đài Loan, và 2 năm trải nghiệm thực tế trồng nho sạch ở Ma Cao, Thượng Hải (Trung Quốc), chị đã quyết định trở về quê nhà. Đem theo những kinh nghiệm trồng trọt quý báu, thực hành tại Đan Phượng, để rau, nho sạch của người Việt không thua kém các bạn nước ngoài.

 

anh-1.JPGChị Cuối thăm vườn nho sắp thu hoạch                                                                  

 

Năm 2017, vừa từ Đài Loan trở về Đan Phượng, chị Cuối đã cùng chồng là anh Nguyễn Văn Quý, cũng đi trồng rau ở Đài Loan như chị, nhưng thời gian chỉ bằng một nửa của chị, nhanh chóng bắt tay vào trồng rau công nghệ cao, trên diện tích 5 ha của gia đình.

Hiện, vườn rau của anh chị thường xuyên có 1,5 ha rau hẹ ăn bông (mầm rau hẹ); các loại rau ăn lá như: cải ngồng, rau dền, mồng tơi, su hào ăn ngồng, sup lơ babi…

Sau 4 năm vừa sản xuất, vừa cải tạo đất, hiện, gia đình chị đã có 1 ha rau trong nhà kính, còn lại là nhà lưới. 

Đặc biệt, năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, song chị Cuối đã nhanh chóng đầu tư được 1,7 ha nho Hạ đen, không hạt, trong nhà kính. Nguồn giống lấy từ Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, đây cũng là thắng lợi lớn nhất, trong nhiều năm nay của chị, kể từ khi thăm vườn nho ở Ma Cao trở về.

Ước mơ có một vườn nho sạch của chị Cuối, xuất phát từ những năm chị còn ở Đài Loan. Số là, năm 2009, chị may mắn được làm việc trong vườn sinh vật với học sinh, sinh viên (thời hạn 2 năm). Sau đó, lại được đi trải nghiệm thực tế trồng nho đen không hạt 1 tháng, cùng với các em ở Ma Cao. Thấy vườn nho ở đây rất đẹp, chị Cuối đã từng ao ước: “bao giờ mình trồng được vườn nho như thế này”, không ngờ, giờ đây đã thành hiện thực.

Hiện, nho đen không hạt của chị Cuối có 2 loại: dạng quả tròn và nho móng tay, dự kiến, tháng 10 – 11 dương lịch sẽ có thu hoạch. Giá nho tại vườn khoảng 150.000 đồng/kg; sắp tới, gia đình chị sẽ trồng thêm giống nho mẫu đơn (nho xanh).

“Mặc dù dịch Covid-19 khó lưu thông hàng hoá, song, nguồn rau xanh OCOP 3 sao của gia đình, vẫn lưu thông ổn định. Trong đó, HTX Đất Việt ở Hà Đông, bình quân tiêu thụ 2 tạ rau, củ, quả/ngày. Gian hàng “Chợ Nhà mình” (Trung tâm Phụ Nữ Số 1 Hoàng Văn Thụ, quận Hà Đông), bình quân tiêu thụ 4 – 5 tạ/tuần.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ TP. Hà Nội, cũng thường xuyên mua hàng của gia đình, để làm từ thiện cho các vùng dịch, những người yếu thế, trẻ mồ côi, người khuyết tật, bình quân 5 tạ/tuần. Hoặc, bán tại địa phương, và các vùng lân cận; suốt từ đầu mùa dịch năm 2021 đến nay, lượng rau của gia đình chưa bao giờ tồn đọng. Thu nhập bình quân 50 triệu đồng lãi ròng/tháng” – chị Quý cho biết thêm.  

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ 1 năm sau ngày vợ chồng chị Cuối quay về sản xuất rau sạch ở quê nhà, năm 2018: “Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý” đã được thành lập. Sau đó, hàng năm, HTX tiếp tục mở rộng quy mô, nếu như năm 2019 đạt 3 ha, năm 2020 đã là 5 ha.

Song song với việc tăng diện tích là việc ứng dụng công nghệ cao, mở rộng nhà màng lưới, hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt. Riêng năm 2020, đã đầu tư thêm 25 nhà màng lưới, nâng tổng số nhà màng lưới của HTX lên 85 nhà, với diện tích 20.000 m2.  

 

ah-2.JPG

Vườn rau sạch của chị Cuối

 

Chung tay cùng HTX Cuối Quý

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, cho biết: “Công việc bảo quản rau củ quả sau thu hoạch rất quan trọng, do vậy, ngoài 1 nhà lạnh quy mô 50 m3, năm 2020, HTX Cuối Quý đã đầu tư thêm 1 nhà sơ chế, diện tích 30m2. Cung cấp rau củ quả thường xuyên cho các trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, bình quân 6 tấn/tháng… doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về 750 triệu đồng/năm”.

Ngoài ra, cũng theo bà Hiền, sản phẩm rau VietGAP của HTX Cuối Quý, đã được liên kết tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, và thực phẩm sạch, trên toàn Thành phố. Năm 2020, các loại rau của Cuối Quý, đã được công nhận, đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, có 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, HTX rau Cuối Quý vẫn cung cấp rau VietGAP đều đặn, cho nhiều địa phương trong toàn huyện, và các điểm giãn cách, đem lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. Mọi hoạt động của HTX vẫn diễn ra bình thường, nhất là việc cung cấp rau sạch bình ổn cho bà con trong vùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội, cho biết: “Mô hình HTX sản xuất rau công nghệ cao Cuối Quý” là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên toàn quốc được nhiều địa phương trong cả nước đến thăm quan học tập. Đồng thời, HTX cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất rau sạch, cho các xã tại Đan Phượng, và các huyện trong TP. Hà Nội như: Đông Anh, Thạch Thất, Thanh Trì, Phúc Thọ. Các tỉnh bạn như: TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Bắc Ninh”…

Cũng theo ông Chí, HTX Cuối Quý còn phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, để hàng năm giúp sinh viên đến thực tập, và thăm quan, học hỏi kinh nghiệm, sản xuất rau công nghệ cao, ngay trên địa bàn Thủ đô. Chính vì những thành tích xuất sắc trên, HTX Cuối Quý đã được UBND Thành phố Hà Nội, và Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen.

Đáng ghi nhận nữa là, HTX Cuối Quý còn là 1/30 dự án xuất sắc nhất của cả nước được vào chung kết cuộc thi: “Tôi là nông dân 4.0”, do Bộ Nông nghiệp và PTNT, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tổ chức.

 

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội  

 

 

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top