Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2019 | 14:40

Sa Nghĩa “nước rút” về đích

Nhờ xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Sa Nghĩa (Sa Thầy - Kon Tum) đã đổi thay rõ rệt, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Hiện, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí; các tiêu chí còn lại là trường học, môi trường, y tế đang ở giai đoạn “nước rút” để xã hoàn thành XDNTM vào cuối năm 2019 này.

 

tr3t.jpg
Trồng cây xanh ven đường tại thôn Anh Dũng.

 

Gấp rút hoàn thành các tiêu chí chưa đạt

Về xã Sa Nghĩa, chúng tôi thấy ở đâu cũng có dấu ấn của Chương trình XDNTM. Thể hiện rõ nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng như: đường bê tông nông thôn, hệ thống điện chiếu sáng, kênh mương thủy lợi, điện, internet, trường học, nhà văn hóa… Trên các vườn đồi, cây cao su, cà phê, bời lời, keo… xanh tốt, hứa hẹn mùa vụ bội thu.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa, cho biết: Khi bắt đầu triển khai XDNTM, Sa Nghĩa là một trong những xã được huyện Sa Thầy xác định chọn làm điểm để đầu tư XDNTM. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là xã thuần nông, kinh tế - xã hội chưa phát triển, lại thêm cuối năm 2014 xã Sa Nghĩa tiếp nhận thêm thôn mới Đắk Tăng từ xã Hơ Moong với 100% dân số là đồng bào DTTS và hầu hết là hộ nghèo nên khó khăn chồng chất.

Được sự quan tâm của huyện, sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, trong 6 tháng đầu năm 2019, Sa Nghĩa đã hoàn thành được 13 tuyến đường trục thôn và từ trục thôn tới khu sản xuất với tổng chiều dài hơn 6.664,42m; hoàn thành nhà văn hóa thôn Nghĩa Long; xây dựng cổng chào xã Sa Nghĩa tại thôn Nghĩa Long và 714m2 sân thể thao xã…

Ba tiêu chí còn lại là trường học, môi trường, y tế đang ở giai đoạn “nước rút” để xã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM vào cuối năm 2019 này.

Tiến gần đến đích

Ông Đỗ Văn Tới, người dân thôn Anh Dũng, tâm sự: “Trước đây, xã Sa Nghĩa gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống dân sinh, nhất là về giao thông, ảnh hưởng đến vận chuyển vật tư và tiêu thụ nông sản; tỷ lệ hộ nghèo cao. Chương trình XDNTM không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất và hỗ trợ người dân về công cụ sản xuất, cây, con giống, thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, mà còn làm thay đổi nhận thức, khơi dậy sức dân vươn lên xây dựng cuộc sống mới cho chính mình”.

 

tr3ta.jpg
Mô hình trồng nấm tại thôn Anh Dũng.

 

Nhờ sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước và chính quyền địa phương thông qua Chương trình XDNTM mà đến nay gia đình ông Tới phát triển được 3ha cao su; 500m2 cà phê; 2.000m2 lúa nước… Thu nhập của gia đình hơn 200 triệu đồng/năm. 

Ông Nguyễn Văn Mười, Bí thư Đảng ủy xã Sa Nghĩa, cho rằng: Xã đang tích cực đẩy mạnh công tác chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan môi trường, cải tạo vườn tạp bằng các loại cây ăn trái. Bên cạnh thu nhập chính của người dân từ trồng cây cà phê, cao su, xã đang phát triển chăn nuôi heo rừng, bò; trồng nấm, rau an toàn… Chú trọng sản xuất nông sản theo chuỗi hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo…

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, triển khai đồng bộ xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư “đúng” và “trúng”, bước đi “chắc” trong thực hiện XDNTM, Sa Nghĩa đang đến rất gần đích NTM.

 

 

Kiều Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top