Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 4 năm 2020 | 10:51

Tin miền Trung: Chanh trái vụ nơi được giá nơi thất thu

Cùng là chanh trái vụ đang trong thời kỳ thu hoạch, tuy nhiên những người trồng tranh tại Nghệ An thì được thương lái vào tận vườn thu mua, ngược lại những người trồng chanh tại Hà Tĩnh thì giá thấp lại khó tiêu thụ

Nghệ An: Chanh trái mùa thương lái mua tận vườn
 
Theo những người dân trồng cây chanh trái vụ tại huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) cho biết, hiện nay chanh trái vụ đang khan hiếm và bắt đầu cho thu hoạch, vì vậy thương lái đã đến tận vườn để thu mua sản phẩm này của bà con.
 
người-dân-xã-chi-khê-vui-mừng-vì-chanh-trái-mùa-được-giá.jpg
Người dân xã Chi Khê vui mừng vì chanh trái mùa được giá. (ảnh báo NA)

 

Theo một người trồng chanh  ở thôn Bãi Ổi xã Chi Khê, Con Cuông cho biết, hiện nay giá bán sỉ tại vườn 18.000 - 20.000 kg, bán lẻ 25 nghìn/kg, với gần 1.000 gốc chanh được trồng, gia đình này dự kiến thu lời được 50 triệu đồng, Nếu như chanh chính vụ chỉ có giá 5 đến 8 nghìn/kg thì chanh trái vụ này có giá cao gấp đôi thậm chí gấp 3 lần chính vụ.
 
Lãnh đạo xã Chi Khê, huyện Con Cuông cho biết, hiện tại, chanh trái mùa ở thôn Bãi Ổi, xã Chi Khê đang được giá, giá bán hiện tại cao hơn gấp đôi so với chanh chính vụ và không đủ cung cấp cho thị trường. Cứ vào vụ trái mùa này, thương lái ở khắp nơi về mua chanh đầu ra ổn định.
 
Cũng là chanh trái vụ, người trồng chanh ở Con Cuông đang được thương lái vào tận vườn để thu mua với giá cao gấp 3 lần chính vụ, còn ở Hà Tĩnh thì người trồng chanh ở đây lại đang điêu đứng vì chanh trái vụ rớt giá.
 
Hà Tĩnh: Vựa chanh lớn nhất Vũ Quang “đọng hàng, rớt giá”
 
Xã Đức Lĩnh là vựa chanh của huyện Vũ Quang đang trong thời gian cao điểm tận thu chanh vụ trái, bắt đầu thu hoạch vụ mùa. Người trồng chanh đang lo lắng vì giá chanh xuống thấp, khó tiêu thụ.
 
giá-chanh-xuống-thấp-người-dân-thôn-cao-phong-không-vui.jpg
Giá chanh xuống thấp người trồng chanh ở Cao Phong không vui (ảnh báo HT)
 
Thôn Cao Phong có đến 90% hộ dân trồng chanh. Hộ ít nhất cũng có khoảng 100 cây, hộ nhiều thì 1.600- 2.000 cây. Điều đang khiến bà con nông dân ở đây lo lắng không chỉ là giá thấp mà còn là “đọng” hàng.
 
Theo một người trồng chanh tại thôn Cao Phong cho biết, tháng trước, giá chanh bán ra là 300.000 đồng/yến tại vườn, cứ thu hoạch xong là có xe thương lái từ TP Vinh, TP Hà Tĩnh (Nghệ An) và Quảng Bình đặt mua hết. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thấp, nhà buôn giảm sức mua vào nên giá bán chỉ còn 100.000 đồng/yến.
 
Các năm trước, vào độ này, chúng tôi bán ra 2 - 3 tấn vào mỗi ngày, còn bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được vài tạ. Trong vườn, số chanh bị vàng quả do già lứa đã khá nhiều rồi, vì có hái xuống cũng chẳng bán được. Độ tháng nữa, vụ chanh mùa tiếp tục vào thu hoạch, nếu tình hình này kéo dài thì chẳng biết làm sao. Người này cho biết thêm.
 
Lãnh đạo xã Đức Lĩnh trao đổi: “Cây chanh là cây trồng truyền thống và trong nhiều năm nay trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, thời gian thu hoạch khá dài (từ tháng 11 năm trước đến tháng 8 năm sau cho hai vụ chanh trái và chanh mùa - PV) nên bà con có thu nhập gần như quanh năm. Cùng với đó, cây chanh là cây “nhà nghèo”, không đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc, đầu tư nên phù hợp với rất nhiều hộ dân”.
 
Khoảng 1 tháng nữa, vụ chanh mùa sẽ bắt đầu thu hoạch. Thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá bán xuống thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, thế nên người trồng chanh ở Đức Lĩnh (Vũ Quang) đang đối mặt với khó khăn được mùa nhưng mất thị trường tiêu thụ.
 
Quảng Bình: Người dân Minh Hóa thoát nghèo từ nuôi bò vỗ béo
 
Gia đình anh Đinh Như Hồng ở tiểu khu 4 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa là một trong những điển hình thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo. Từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, anh đầu tư mua 2 con bò lai Sind sinh sản về nuôi, mỗi năm, bò sinh sản một lứa anh lại có thêm 2 con bò lai.
 
mô-hình-nuôi-bò-vỗ-béo-giúp-dân-thoát-nghèo.jpg
Mô hình nuôi bò võ béo giupd dân thoát nghèo ở Quảng Bình (ảnh báo QB)
 
Hiện, anh đang nuôi 9 con bò, trong đó có 7 con trong thời kỳ xuất chuồng, nếu bò thịt nuôi trong vòng hai năm sẽ bán với giá 50-60 triệu đồng/con, bê tầm 10 tháng tuổi có giá 25 triệu đồng/con. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình anh Hồng thu lãi gần 40 triệu đồng. Anh còn sử dụng nguồn phân chuồng để trồng rau, trồng lúa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
 
Không chỉ gia đình anh Hùng mà hiện nay, mô hình nuôi vỗ béo bò đã giúp nhiều hộ ở Minh Hóa thoát nghèo bền vững. Nhờ chính sách cho vay vốn, hỗ trợ bò giống nên ngày càng nhiều gia đình phát triển mô hình nuôi bò lai vỗ béo. Theo thống kê, tính đến tháng 3-2020, huyện Minh Hóa có tổng đàn bò 14.803 con, đạt 100,02% kế hoạch, riêng bò lai Sind có 3.338 con, đạt 70,27% kế hoạch.
 
Quảng Trị: Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá
 
Thời điểm này nông dân toàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ lúa vụ đông xuân. Năm nay giá lúa Đông Xuân được mùa, người ông dân rất vui mừng khẩn trương thu hoạch.
 
thu-hoạch-lúa-đông-xuân-ở-quảng-trị.jpg
Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Quảng Trị (ảnh báo QT)

 

Toàn HTX An Lộng, Triệu Hòa, Triệu Phong gieo cấy 135,9 ha trong vụ đông xuân 2019- 2020. Ngoài gieo cấy các giống chủ lực như Khang Dân, HT1, P6… HTX còn chỉ đạo xã viên gieo cấy thử nghiệm các giống lúa mới như TBR1, TBR97, Hà Phát 3. Tất cả các giống lúa đều cho năng suất cao hơn vụ đông xuân năm ngoái, riêng các giống lúa mới cho năng suất vượt trội gần 70 tạ/ha. Bình quân năng suất toàn HTX đạt gần 63 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái.
 
Giám đốc HTX An Lộng Đoàn Thọ Hòa cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, nông dân phần lớn chuyển qua sản xuất theo hướng hữu cơ, không bón phân tổng hợp NPK nữa và canh tác theo quy trình tiết kiệm nước làm cho cây lúa phát triển chắc, phòng trừ được nhiều loại sâu bệnh. Hơn nữa, làm lúa bây giờ đã cơ giới hóa các khâu nên nông dân đỡ vất vả nhiều, thâm canh tốt hơn nên lúa cho năng suất cao hơn năm ngoái. Toàn HTX không có hộ nào năng suất dưới 61 tạ/ha, có hộ năng suất đạt 73 tạ/ha”.
 
Vụ đông xuân năm nay, ngoài được mùa, nông dân khắp nơi trong tỉnh còn phấn khởi vì lúa bán được giá. So với cùng thời vụ năm ngoái, giá lúa vụ đông xuân năm nay cao hơn từ 600- 1.000 đồng/kg tùy theo giống lúa. Đến nay, giá lúa chất lượng gạo trung bình 6.000 đồng/kg và lúa chất lượng gạo thơm ngon 8.000 đồng/kg. Nhờ được mùa, được giá nên mỗi sào trừ các khoản chi phí, nông dân có lãi từ 1,2- 1,3 triệu đồng. Tư thương đến mua lúa tươi tại ruộng, đỡ công vận chuyển của nông dân, giúp tiết kiệm thời gian để chuẩn bị làm lại vụ sau.
 
Thời gian tới, theo dự báo sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do hạn hán. Vì vậy, nông dân nơi nào cũng tranh thủ thu hoạch lúa đông xuân để triển khai vụ hè thu càng sớm càng tốt.
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top