Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2020 duy trì, nâng hạng cho 72 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 47 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao, 8 sản phẩm đạt 5 sao.
Hưng Yên: Nâng hạng cho sản phẩm chủ lực của các địa phương
Cùng với đó, xây dựng các dự án phát triển mới 8 mô hình du lịch cộng đồng, gồm: phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông trại, làng nghề truyền thống, trang trại chăn nuôi, du lịch tâm linh...
Thời gian qua, huyện Văn Giang cũng khôi phục, phát triển các làng nghề, ngành nghề có thế mạnh gắn thực hiện Chương trình OCOP phục vụ khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm cùng với người dân như: Làng nghề hoa cây cảnh xã Xuân Quan, làng nghề làm bánh răng bừa xã Phụng Công, nghề làm bánh cuốn ở xã Mễ Sở…
Đồng chí Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang cho biết: Trong Chương trình OCOP, bước quan trọng nhất là đánh giá và xếp hạng sao. Để các sản phẩm tham gia OCOP có thể đạt điểm từ 50 trở lên, tương ứng chuẩn xếp hạng từ 3 sao thì người sản xuất cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản phẩm cần có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO,…
Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, thực hiện công bố sản phẩm theo quy định; đầu tư ý tưởng, sáng tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm có tính đặc trưng của vùng hay tạo sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại đang có trên thị trường.
Bên cạnh đó, người sản xuất nên ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ ổn định chất lượng trong quá trình bảo quản, giúp gia tăng giá trị sản phẩm; lựa chọn và thiết kế bao bì bảo đảm tính tiện lợi, an toàn, thân thiện với môi trường, đẹp, dễ bảo quản; thiết kế nhãn hàng hóa bảo đảm thể hiện được đầy đủ thông tin theo đúng quy định và đáp ứng được các tiêu chí về thẩm mỹ.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ sở sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sẽ được đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thúc đẩy phát triển; được đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động; tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Năm 2019 tỉnh sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm trồng trọt với 19 sản phẩm đặc trưng của tỉnh; trong đó có nhãn lồng, vải lai chín sớm Phù Cừ, nghệ vàng Khoái Châu, quất cảnh và cây cảnh Văn Giang, nếp thơm Hưng Yên... Trong số này, phấn đấu có 2 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, 13 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao. Ngoài sản phẩm trồng trọt, 7 sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ và 15 sản phẩm sơ chế, chế biến cũng được tiêu chuẩn hóa đạt 3 -5 sao.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề, với thực trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và tự phát của các cơ sở như hiện nay thì việc lựa chọn sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP để xét, đánh giá và xếp hạng đạt chuẩn từ 3 sao trở lên còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Lê Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để sản phẩm của Chương trình OCOP thật sự chất lượng, có thương hiệu đòi hỏi phải có sự tiếp sức, hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Các ngành chức năng cần phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc truyền thông quảng bá cho các sản phẩm OCOP và kết hợp các sản phẩm; cần đưa các tour tham quan các điểm sản xuất sản phẩm OCOP, kết hợp vừa giới thiệu sản phẩm OCOP vừa giới thiệu được sản phẩm du lịch.
Hải Dương: Người dân Thanh Xuân đổi đời nhờ con cáy
Con cáy như một thứ lộc trời đã góp phần tạo nên cuộc sống khấm khá cho người dân Thanh Xuân.
Bãi soi của xã Thanh Xuân (Thanh Hà) rộng khoảng 60 ha với màu xanh tốt tươi quanh năm bởi nguồn phù sa bồi đắp từ con sông Rạng. Nơi ấy, nhiều hộ dân với quyết tâm dám nghĩ, dám làm đã triển khai những mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã đổi đời nhờ con cáy.
Đã có khoảng 5 năm khai thác cáy, chị Dương Thị Làn ở thôn Xuân Áng cho rằng việc nuôi cáy đơn giản vì không mất nhiều chi phí, tốn công sức như nuôi một số loại thủy sản khác. Nuôi cáy không có rủi ro, không lo dịch bệnh, trong khi thời gian thu hoạch cáy mỗi tháng thường kéo dài khoảng 20 ngày, trừ những ngày nước kém.
Người dân thường sử dụng cáy để nấu canh, làm mắm. Cáy ở Thanh Xuân thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Con cáy ở bãi soi của Thanh Xuân đã có tiếng gần xa nên người dân không phải đem ra chợ bán mà có thương lái đến tận nhà thu mua.
Giá bán cáy thường ổn định ở mức 80.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên đến 100.000 đồng/kg. Với diện tích 2,5ha, trung bình mỗi năm, ông Phạm Văn Bảy ở thôn Xuân Áng thu khoảng 2 tấn cáy, tương đương hơn 160 triệu đồng. Vào thời điểm thu hoạch, chị Làn thu về 10-15 kg cáy/ngày, thu hơn 140 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, cho biết thêm 5 năm trở lại đây, xã thường phối hợp với các hội, đoàn thể, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân, trong đó có hướng dẫn đặc điểm sinh trưởng, phát triển của con cáy và kỹ thuật khai thác.
Đến nay, xã có khoảng 20 hộ dân cải tạo bãi soi để nuôi cáy với tổng diện tích hơn 20 ha. Con cáy như một thứ lộc trời đã góp phần tạo nên cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây. Nhiều hộ dân thu lãi 100-200 triệu/năm từ con cáy. Xã khuyến khích người dân biết tận dụng lợi thế của bãi soi để tiếp tục những mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Hà Nam: Khó khăn trong giải tỏa chợ tạm, chợ cóc vi phạm hành lang ATGT
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) là vấn đề phức tạp, bài toán khó đối với các ngành chức năng, nhất là các chợ tạm, chợ cóc phát triển với quy mô ngày càng lớn.
Chợ cóc tại khu vực cầu Nga (xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm), dưới chân cầu Chằm (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm) đã tồn tại nhiều năm nay, không những không thể dẹp bỏ mà ngày càng phát triển về quy mô.
Lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức nhiều đợt ra quân cưỡng chế, giải tỏa với quy mô lớn. Sau mỗi đợt giải tỏa, lực lượng thanh tra giao thông đều bàn giao lại cho chính quyền xã quản lý, thường xuyên nhắc nhở, ngăn chặn tình trạng tái phạm, thế nhưng chỉ được một ngày, ngay hôm sau toàn bộ khu vực chợ cóc này lại hoạt động bình thường.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lưu cho biết: Chợ cóc cầu Nga từ nhiều năm nay được coi là điểm đen về ATGT, thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành, hằng năm xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là các hộ kinh doanh buôn bán; tổ chức ký cam kết cho các hộ kinh doanh nằm trên trục đường khu vực cầu Nga.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, do lực lượng mỏng, chưa duy trì thường xuyên việc kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm, ý thức người dân còn hạn chế, đây lại là vấn đề liên quan mật thiết đến kinh tế, nguồn thu nhập của người dân, trong khi đó chế tài xử lý còn nhiều vướng mắc nên hiệu quả còn thấp.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng theo lực lượng chức năng, hiện nay các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, nơi nào cũng có chợ cóc, chợ tạm. Các chợ tự phát nằm chủ yếu ở những vị trí giao thông trọng điểm, nhiều xe qua lại. Điều đáng nói là việc họp chợ này gần như chiếm trọn 2 bên đường, người bán ngồi sát bên lề, người mua đỗ xe ngay dưới lòng đường, gây nên cảnh lộn xộn, nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông cho chính những người bán hàng và các phương tiện tham gia giao thông rất cao, nhất là vào giờ cao điểm.
Không những vậy, sau mỗi buổi họp chợ, môi trường tại đây nhếch nhác, rác thải xả bừa bãi làm mất mỹ quan. Hầu hết những người bán hàng đều biết việc buôn bán bên lề, dưới lòng đường là vi phạm giao thông và sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bám mặt đường để kiếm sống, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, bà con tìm cách dọn hàng, khi lực lượng chức năng đi rồi, đâu lại vào đấy. Còn đối với các hộ dân sống tại các khu chợ tạm, chợ cóc mặc dù có nhiều thuận tiện trong việc mua bán song họ cũng đồng thời là “nạn nhân” của tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.