Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 7 năm 2021 | 15:58

Tin NN Tây Bắc: Nông dân Lào Cai thu gần 100 tỷ đồng từ cây ăn quả ôn đới

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, Lào Cai hiện có hơn 3.500 ha cây ăn quả ôn đới; trong đó, diện tích trồng mận là 1.730 ha; lê 1.258 ha; đào là  295 ha và 288 ha các cây ăn quả khác.

le-lao-cai.jpg

Nông dân Mường Khương thu hoạch lê. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn trong giai đoạn kiến thiết, chỉ có trên 1.000 ha đang cho thu hoạch, chiếm hơn 30% tổng diện tích.

Thời gian cho thu hoạch các loại cây ăn quả ôn đới cơ bản kết thúc trong tháng 7, tổng sản lượng hơn 3.000 tấn, giá trị ước gần 100 tỷ đồng. Cụ thể, thu từ quả đào khoảng 15 tỷ đồng; mận Tam hoa trên 60 tỷ đồng; mận Tả Van và lê trên 20 tỷ đồng...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các loại quả ôn đới trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ, giá bán giảm so với những năm trước. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương kết nối tiêu thụ cho các loại quả ôn đới nói riêng và nông sản an toàn nói chung. Các sản phẩm của Lào Cai được tiêu thụ qua nhiều kênh như: Chợ đầu mối các tỉnh lân cận, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử. Nhìn chung, các sản phẩm đều được kết nối, tiêu thụ ổn định.

Nuôi trâu thương phẩm, hướng đi hiệu quả ở Tam Đường

Những năm gần đây, nông dân huyện Tam Đường (Lai Châu) đã chuyển sang nuôi nhốt, vỗ béo trâu thịt theo hướng hàng hóa, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

 

nuoi-trau.jpg

Nông dân bản Nà Phát (xã Bình Lư) chăm sóc trâu thịt thương phẩm. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Dạo thăm các bản: Tả Lèng 1, Tả Lèng 2, Pho Lao Chải, Thèn Pả và San Tra Mán (xã Tả Lèng) một chiều đầu tháng 7, chúng tôi thấy một màu xanh non của cỏ voi cạnh những khu nuôi nhốt, vỗ béo trâu thịt hợp vệ sinh. Nhìn cảnh trên, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhận thức của người dân nơi đây về nuôi trâu thương phẩm. Sở dĩ, việc bà con đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp khiến sức trâu dùng trong cày, bừa nương, ruộng cũng giảm dần. Trong khi nhu cầu trâu thịt cung cấp cho thị trường thực phẩm ngày càng tăng cao. Tư thương đến tận bản đặt mua trâu với giá ổn định.

Vì vậy, người dân chuyển sang nuôi trâu thịt theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Lúc nào, người dân nơi đây cũng nuôi ít nhất từ 1 - 2 con, gia đình nuôi nhiều từ 7 - 10 con trâu. Để chủ động thức ăn thô xanh cho trâu, bà con tận dụng quỹ đất vườn cạnh nhà, bờ mương, khe suối trồng cỏ voi. Đến nay, toàn xã có hơn 20ha cỏ voi phục vụ cho việc nuôi nhốt, vỗ béo trâu. Ngoài ra, bà con còn bổ sung thêm thức ăn tinh bột (ngô, gạo) cho trâu to, béo; xây dựng chuồng nuôi kiên cố, có hố chứa chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh. Đây là sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức của bà con trong chăn nuôi. Bà con đến các bản vùng cao trong tỉnh tìm mua trâu gầy về nuôi nhốt, vỗ béo và bán kiếm lời. Thời gian vỗ béo trâu từ 3 - 5 tháng; mỗi con, người dân thu lãi từ 5 - 10 triệu đồng.

Gia đình chị Hảng Thị Chang (ở bản Tả Lèng 2, xã Tả Lèng) 3 năm gần đây luân phiên nuôi trâu thịt thương phẩm. Mỗi lứa, chị mua 3 con trâu gầy về nuôi nhốt, vỗ béo. Chị đầu tư xây dựng chuồng nuôi rộng, khô, thoáng về mùa hè và ấm áp mùa đông. Hàng ngày cho trâu ăn đủ thức ăn thô xanh, tinh bột và uống nước muối.

Chị Chang tâm sự: “Ngay sau khi mua trâu gầy về nuôi vỗ béo, tôi chủ động tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh (tụ huyết trùng, lở mồm long móng) và cho ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng. Tư thương đến nhà tôi đặt mua trâu với giá từ 25 - 35 triệu đồng/con. Trâu thịt được giá, dễ bán, tôi không lo đầu ra cho sản phẩm. Tôi thấy việc nuôi nhốt, vỗ béo trâu tiết kiệm sức lao động, thu nhập cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.

Trâu thịt thương phẩm dễ bán, được giá, tư thương đặt mua tại bản. Bà con tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu. Các xã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho bà con vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua trâu. Trưởng, phó bản, đảng viên tiên phong đi đầu trong chuyển đổi từ thả rông trâu sang nuôi nhốt theo hướng hàng hóa. Đến nay, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ nuôi trâu thịt thương phẩm. Điển hình tại một số xã, như: Bản Bo, Bình Lư, Khun Há…

Lúa vụ ba cho năng suất cao ở Tô Mậu

Theo bà Lý Thị Lã ở thôn Ngòi Thắm, xã Tô Mậu (Lục Yên, Yên Bái): "Sau khi thu hoạch lúa chính vụ, gia đình chuẩn bị phân bón, dẫn nước vào ruộng để chăm sóc lúa chồi. Nhờ làm  đúng quy trình và hướng dẫn của cán bộ xã nên năng suất lúa cũng đạt từ 100- 200 kg/sào, tùy theo giống lúa”. 

 

lua-yen-bai.jpg

Mô hình lúa chồi ở thôn Ngòi Thắm, xã Tô Mậu. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Cũng thôn Trung Tâm, bà Mông Thị Luy rất phấn khởi khi hơn 5 sào lúa chồi của gia đình đều cho năng suất cao. "Từ khi xã có phong trào chăm sóc lúa chồi, gia đình tôi cũng làm và hiệu quả kinh tế khá cao mà không phải bỏ ra nhiều chi phí” - bà Luy chia sẻ.

Năm nay, xã Tô Mậu có 69,2 ha lúa chồi ở tất cả các thôn tăng 29,7 ha so với năm 2020, năng suất đạt từ 100- 200 kg/sào. Với thời gian sinh trưởng ngắn (từ 40 - 45 ngày), chi phí đầu tư thấp, đặc biệt là không đầu tư giống, chi phí cày cấy… nhưng năng suất vẫn đạt từ 100 - 200 kg/sào (tùy theo giống lúa) trừ các khoản chi phí, người dân thu lãi gần 1 triệu đồng/sào. 

Theo ông Nguyễn Kim Ba, Chủ tịch UBND xã, vụ lúa chồi năm 2021 đạt  năng suất đạt từ 2,7 - 5,5 tấn/ha, trung bình sản lượng đạt 283,7 tấn, tăng 177 tấn so với năm 2020. Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ đưa vào nghị quyết để sản xuất lúa chồi. Qua mấy năm triển khai, người dân đã thấy được hiệu quả, của nên diện tích loại lúa này hàng năm tăng, góp phần tăng sản lượng lương thực có hạt, tăng nguồn thu cho người trồng lúa. 

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Kim Ba cho biết: "Xã khuyến nghị người dân tiếp tục thực hiện nuôi, chăm sóc lúa chồi vụ xuân hàng năm với những diện tích phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo đúng lịch gieo cấy cho vụ mùa sau. Đối với diện tích lúa mùa thu hoạch muộn thì chỉ đạo người dân gieo trồng lúa nếp bản địa để thu hoạch làm cốm. Từ đó, đúc kết, tổng hợp kinh nghiệp sản xuất, dần hình thành kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa chồi để tăng năng suất, sản lượng theo từng năm. Xã cũng đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tiếp tục hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật, chăm sóc để duy trì, nhân rộng mô hình lúa chồi đạt năng suất cao hơn”.   

Triển vọng cây lê VH6 ở Ngân Sơn

Huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) có hơn 33ha diện tích trồng cây lê, chủ yếu là giống lê địa phương, trong đó diện tích cho thu hoạch chỉ khoảng 2ha. Qua đánh giá thực tế, người dân chưa chú trọng chăm sóc nên nhiều cây đã già cỗi, phát triển kém, năng suất không cao.

Vì vậy, năm 2017 Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất lê tại Bắc Kạn” ở thôn Đèo Gió với diện tích 3ha, gồm 4 hộ tham gia.

 

le.jpg

Cây lê VH6 bốn năm tuổi của gia đình ông Hoàng Văn SLín. Ảnh Báo Bắc Kạn

 

Gia đình ông Hoàng Văn SLín là một trong 4 hộ tham gia dự án trồng lê với diện tích 1,7ha, trong đó lê VH6 là 1ha. Do có sự đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn lê của gia đình ông phát triển tốt, dù mới là vụ thứ 2 bói quả nhưng đã có tín hiệu vui bởi quả to, đẹp mã, ngọt. Ông SLín chia sẻ: Ban đầu trồng do không tuân thủ kỹ thuật nên cây chậm lớn, sang năm thứ 2 với sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ dự án “cầm tay chỉ việc”, cây lớn nhanh. Đến năm thứ 3 nhiều cây cho hoa nhưng chỉ để ít quả bởi cây còn nhỏ. Vụ năm nay, mỗi cây tôi để khoảng 20 quả, sản lượng đạt hơn 2 tạ, giá bán 40.000 – 50.000 đồng/kg. Sau thu hoạch, tôi tiếp tục cắt tỉa cành, bón phân để dưỡng cây và vít cành để dễ chăm sóc, thu hái. Khoảng cách giữa các cây lê khá rộng nên khi cây còn nhỏ, gia đình tôi trồng xen canh cây trồng ngắn ngày khác, vừa tăng thu nhập, vừa thuận lợi chăm sóc, phát hiện sâu bệnh ở cây lê.

Mật độ trồng lê VH6 là 400 cây/ha, chu kỳ kinh doanh ổn định từ 15 – 20 năm, năng suất quả bình quân đạt 50 - 60kg/cây. Cây càng lớn thì sản lượng càng cao và phụ thuộc vào sự chăm sóc có thể đạt năng suất quả hơn 1 tạ/cây. Tại những nơi khí hậu phù hợp, đất tốt, cây lê có thể có tuổi thọ trên 50 năm. Với giá bán 30.000  – 50.000 đồng/kg, giá trị thu được hơn 2 triệu đồng/cây, bình quân đạt 320 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Ông Phạm Kim Hiểu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện đã có cây lê được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh công nhận là cây đầu dòng, có cơ sở sản xuất cây giống tại địa phương nên chủ động được nguồn giống. Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp cùng với các xã tuyên truyền nhân rộng mô hình trồng lê; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật; sử dụng nguồn lực từ nhiều chương trình hỗ trợ giống, phân bón; hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới quả lê được công nhận là sản phẩm OCOP.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top