Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, khắp các địa phương trên cả nước tấp nập vận chuyển quất, đào, bưởi cảnh về phố bày bán phục vụ nhu cầu người dân.
Hưng Yên: Vựa bưởi cảnh Văn Giang tấp nập đón Tết
Từ nhiều năm nay, huyện Văn Giang được biết đến là “vựa” hoa, cây cảnh của Hưng Yên, đặc biệt là bưởi cảnh. Để tạo ra những cây bưởi độc đáo, muôn hình, muôn vẻ phục vụ nhu cầu chơi Tết của khách hàng, người nông dân nơi đây đã phải mất công sức sưu tầm, gò thế tạo dáng cho cây…
Tại khu vườn của gia đình anh Bì Xuân Hoàng ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, gần 250 chậu bưởi cảnh các loại đã được thương lái đặt mua toàn bộ với giá bán từ một triệu đồng đến hơn chục triệu đồng một cây. Anh Hoàng cho biết, vài năm trở lại đây, ngoài đào, quất, nhiều người còn lựa chọn cây bưởi cảnh chơi Tết vì kiểu dáng độc đáo, hương thơm đặc trưng dễ chịu, thời gian dài, có thể để được tới 3 tháng… Nắm bắt được xu thế, anh đã đầu tư trồng bưởi cảnh phục vụ thị trường.
Chỉ tay vào những chậu bưởi cảnh với nhiều kiểu dáng khác nhau, từ bưởi thế, bưởi bonsai mini tới các “cụ” bưởi lâu năm quả vàng óng, sai trĩu cành, anh Hoàng cho biết: “Muốn có cây bưởi đẹp, ngoài số quả tự nhiên thì tôi phải ghép thêm quả sao cho số quả trên cây cân đối, quả đều nhau, tổng số quả trên cây phải mang một ý nghĩa đẹp theo quan niệm dân gian, bưởi chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán, sắc quả vàng đẹp...”.
Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, anh Đỗ Mạnh Hà, chủ vườn cây cảnh Hà Hằng ở thị trấn Văn Giang tung ra thị trường khoảng 400 chậu bưởi cảnh các loại. Anh Hà chủ yếu trồng, chăm sóc những loại bưởi cổ thụ, có thế đẹp, độc. Nhờ vậy mà vườn cây cảnh của anh được rất nhiều khách hàng quan tâm, giá bán từ 15 đến 60 triệu đồng một cây.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang, toàn huyện có gần 360ha diện tích cây cảnh có múi như bưởi, cam, quất, quýt cảnh phục vụ Tết Nguyên đán năm nay. Trong đó diện tích bưởi cảnh được trồng chủ yếu ở thị trấn Văn Giang và các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi. Hiện thị trường cây bưởi cảnh ở huyện Văn Giang đang bước vào giai đoạn sôi động, dọc nhiều tuyến đường lớn, ở các điểm bán hoa cây cảnh, những chậu bưởi cảnh được bày bán thu hút đông đảo khách hàng từ khắp nơi về tham quan, đặt mua sản phẩm về chơi Tết.
Theo những người bán hàng, xu hướng chơi bưởi cảnh năm nay cũng không khác gì những năm trước, cơ bản vẫn là dựa theo thế cây, thâm niên của cây. Một cây bưởi cảnh đẹp thường có tiêu chí chung là thế đẹp, nhiều quả, sắc quả chín vàng, bố trí đẹp mắt, cây xanh tốt, sum suê, đầy đủ lộc, hoa tượng trưng cho tài lộc sinh sôi nảy nở. Bưởi cảnh giá “khủng” thường là những cây bưởi cổ thụ có tuổi đời từ 20 năm trở lên, được nhiều khách ở Hà Nội, Hải Phòng... yêu thích và săn đón vào dịp Tết.
Ngoài giá trị về tinh thần, những cây bưởi cảnh còn giúp nhiều người dân ở Văn Giang đổi đời. Tại đây, những cây bưởi có giá 10 triệu đồng trở lên không phải là hiếm, thậm chí có nhưng cây bưởi cổ, dáng thế đẹp, số lượng quả lớn... thì giá bán từ 50 triệu đồng/cây trở lên. Chính vì thế, mỗi gia đình trồng bưởi cảnh có thu nhập hàng trăm triệu đồng/mùa.
Thanh Hóa: Nhiều gốc đào, bưởi “khủng”, quất cảnh… trưng bán phục vụ Tết
Còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán Canh Tý, trên một số tuyến phố ở TP Thanh Hóa nhiều gốc đào, bưởi “khủng”, quất cảnh… đã được đưa về bày bán, phục vụ người dân chơi Tết sớm.
Những ngày này, dọc tuyến phố Lê Hoàn, đường Đông Hương, đường Nguyễn Trãi (phường Phú Sơn), đường Lê Lai… không khí Tết đã rộn ràng bởi các loại hoa, cây cảnh bắt đầu được bày bán.
Theo các tiểu thương buôn cây cảnh, vài năm lại đây, bưởi cảnh được nhiều khách hàng lựa chọn trưng bày trong nhà ngày Tết.
Những cành bưởi xum xuê, trĩu quả cùng màu vàng đẹp mắt mang đến sự may mắn, ấm no, thịnh vượng trong năm mới khiến thú chơi bưởi cảnh ngày Tết càng được ưa chuộng.
Cây bưởi đẹp dựa theo tiêu chí thế cây, thâm niên của cây, đặc biệt quả phải chín vàng đều, lá xanh mượt. Giá một cây bưởi cảnh dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Bưởi có thể trưng bày đến vài tháng mới bị rụng. Sau Tết có thể gửi nhà vườn chăm sóc để chơi Tết năm sau.
Không chỉ bưởi cảnh mà đào cũng được các chủ vườn bày bán một số nơi. Nhiều cây cây đào thế “khủng” từ khắp nơi đã được đưa về.
Theo chủ bán đào trên đường Đông Hương, những gốc đào này có tuổi đời trên dưới 10 năm. Cây đào lâu năm cũng có giá cao hơn từ 10-20 triệu đồng/ cây.
Đào bắt đầu nở hoa và cũng có nhiều nụ để nở đều đúng ngày Tết, khách hàng có thể mua về chơi Tết sớm.
Những cây đào “khủng” này được đưa về từ làng đào Nhật Tân. Theo nhu cầu khách hàng, đào đưa về được người bán trồng cẩn thận vào các chậu để tiện trưng bày trong nhà dịp Tết.
Ngoài đào và bưởi, quất cũng được các tiểu thương nhập về bán nhiều. Năm nay, xu hướng quất thế được ưa chuộng. Ngoài ra, quất nhỏ để bàn cũng đắt khách. Quất thế có giá từ 1 – 2 triệu đồng, quất để bàn có giá 200 nghìn đồng -1 triệu đồng/ cây (tùy dáng cây).
Theo các tiểu thương bán cây cảnh, hiện nay cũng có nhiều khách hàng mua cây về trưng bày, chơi Tết sớm. Tuy nhiên, phải từ 15 – 22 âm lịch, người dân mới ồ ạt đi mua sắm đào, quất, bưởi cảnh để đón Tết.
Hà Nam: "Hậu" dịch tả lợn châu Phi: Cần cơ cấu lại đàn vật nuôi
Trong nhiều năm liền, lợn là vật nuôi chủ lực đóng góp chủ yếu về giá trị sản xuất cho ngành chăn nuôi ở Hà Nam. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, chăn nuôi lợn phải đối mặt với nhiều bất ổn do dịch bệnh và giá cả bấp bênh. Vì vậy yêu cầu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi nhằm phát huy những lợi thế và hạn chế rủi ro đã trở nên cấp bách.
Ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi từ cuối tháng 2, đến trung tuần tháng 12/2019, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có gần 132.000 con lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy, chiếm gần 30% tổng đàn. Tâm lý lo lắng, cộng thêm dịch bệnh chưa được khống chế nên phần lớn số hộ phải tiêu hủy lợn bệnh đều chưa thực hiện tái đàn trở lại.
Theo số liệu từ các địa phương, toàn tỉnh có 9.500 hộ chăn nuôi lợn để trống chuồng. Chính vì vậy, tính đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 370.000 con, giảm 17,7% so với năm 2018, đạt 74% so với kế hoạch năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 63.744,7 tấn, bằng 97% kế hoạch năm.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng thời nhiều giải pháp khống chế dịch bệnh. Đồng thời tăng cường các giải pháp ổn định tình hình chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bảo đảm kế hoạch về tổng đàn, lượng thịt hơi xuất chuồng bằng việc chuyển đổi cơ cấu con vật nuôi để bù đắp một phần thiếu hụt về sản lượng và giá trị do lợn bị thiệt hại vì dịch tả châu Phi.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc thực hiện tái đàn lợn tại các xã đã công bố hết dịch và các trang trại đã qua 30 ngày không phát sinh dịch được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp mở rộng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, đại gia súc ăn cỏ, thủy sản, theo hướng tăng quy mô đàn và phát triển những vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm có tiềm năng lợi thế phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng đầu tư, thị trường tiêu thụ; khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Chủ trương mở rộng các đối tượng con nuôi đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, các đối tượng vật nuôi khác đều tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6,78 triệu con, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu tăng 2,5% về tổng đàn và 3,5% về sản lượng thịt xuất chuồng. Tổng đàn bò hướng thịt có trên 27.990 con, tăng 3,8% tổng đàn và 11,1% về sản lượng thịt hơi xuất chuồng so với năm 2018. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá “sông trong ao”.
Chủ trương cơ cấu lại đối tượng vật nuôi đã được thực hiện. Tuy nhiên, để phát huy tốt hiệu quả, phát triển chăn nuôi thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng còn không ít khó khăn. Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT về thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhiệm kỳ 2016-2020 diễn ra mới đây, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Chuyển đổi đối tượng vật nuôi là yêu cầu cấp thiết. Chăn nuôi lợn sạch tạo vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp cũng là hướng đi tốt. Tuy nhiên, phải tính đến lợi ích cho cả 2 bên (doanh nghiệp và nông dân), đồng thời phải quan tâm nhiều hơn đến phát triển chăn nuôi gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường. Đối với phát triển chăn nuôi bò sữa, ngành nông nghiệp đánh giá lại khả năng phát triển. Nếu tỉnh ta không có lợi thế về tăng quy mô tổng đàn thì phải có phương án khác.
Chia sẻ về khả năng phát triển đàn bò sữa, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hà Nam không có lợi thế về vùng nguyên liệu cho chăn nuôi bò sữa ở quy mô lớn. Chăn nuôi bò sữa đòi hỏi người chăn nuôi phải có trình độ kỹ thuật tốt mới thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quan điểm của ngành nông nghiệp nên điều chỉnh lại quy hoạch chăn nuôi bò sữa. Hà Nam chỉ nên duy trì tổng đàn bò sữa trong khoảng từ 4.000-6.000 con, chăn nuôi ở những xã có lợi thế trồng cỏ. Chăn nuôi phải tính đến giải pháp không gây ô nhiễm môi trường, hướng phát triển chăn nuôi tập trung.
Tuy vậy, hiện nay, việc phê duyệt quy hoạch về chăn nuôi bò thịt rất chậm, mới chỉ có 6/20 khu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chăn nuôi lợn sạch tạo vùng nguyên liệu cho Masan cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là không có đủ vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, giá thu mua doanh nghiệp đưa ra thấp hơn nhiều so với thị trường. Điều này khó thuyết phục được người chăn nuôi gắn bó hợp tác.
Duy trì phát triển chăn nuôi bền vững là mục tiêu mà ngành nông nghiệp và các địa phương đang hướng tới. Trong điều kiện hiện nay, làm thế nào để phát triển chăn nuôi bền vững là bài toán khó, không dễ thực hiện vì điều kiện để phát triển chăn nuôi ổn định còn nhiều khó khăn, chưa nói đến yếu tố bảo đảm cho phát triển chăn nuôi bền vững.
Để đạt được các mục tiêu năm 2020, ngành nông nghiệp đưa ra một số giải pháp. Trong đó, hướng trọng tâm vào làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chuyển dần từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại số lượng lớn, gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nuôi thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao tại các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng ruộng trũng và xây dựng các mô hình nuôi cá “sông trong ao”./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…