Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá cực Bắc, huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Nơi đây vẫn còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp.
Trước những khó khăn đó, Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc xác định, để công tác y tế đạt hiệu quả thì trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Vận động nhân dân xóa bỏ tập quán lạc hậu
Vượt hơn 150 km trên những con đường đèo dốc quanh co từ Thành phố Hà Giang, chúng tôi lên tới huyện Mèo Vạc. Đến các bản làng, chứng kiến cách ăn, ở của đồng bào các dân tộc, chúng tôi càng hiểu hơn những trăn trở của những người làm công tác y tế nơi đây. Người dân vẫn giữ thói quen mỗi khi ốm đau không chịu đến các cơ sở y tế để thăm khám mà vẫn tự ý chữa bệnh, mời thầy cúng, thầy mo về tế lễ xua đuổi tà ma… Với những bệnh truyền nhiễm, lây truyền phải điều trị dài ngày theo phác đồ nghiêm ngặt của thầy thuốc mới khỏi nhưng tâm lý người bệnh lại không muốn để người khác biết bệnh, nên không hợp tác với bác sỹ, làm cho công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Chưa kể địa hình đi lại cách trở, bà con sinh sống rải rác, nên đội ngũ cán bộ y tế cơ sở gặp những trở ngại trong việc tuyên truyền. Trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các khoa, phòng chuyên môn còn nhiều thiếu thốn, kinh phí hoạt động hàng năm cho công tác chuyên môn cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Từ thực tiễn trên, Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc đã quyết tâm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên tuyền một cách sâu, rộng với những nội dung thiết thực. Theo đó, Trung tâm thành lập đội chống dịch cơ động, thường xuyên bám sát địa bàn, chủ động tuyên truyền cho người dân cách ăn, ở hợp vệ sinh và cách phòng chống các loại dịch bệnh, khi có bệnh phải đến các cơ sở y tế để các bác sỹ thăm khám và điều trị.
Cùng với đó, Trung tâm tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư thêm các trang thiết bị, vật tư y tế, bổ sung thêm các loại thuốc men, hóa chất cho các trạm y tế xã. Đặc biệt, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ của Trung tâm, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Từ đó, nhận thức của bà con dần thay đổi. Việc triển khai các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đạt được những kết quả khả quan, không để xảy ra các ổ dịch lớn trên địa bàn.
Ông Lý Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc chia sẻ: Với quyết tâm phòng chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư trên địa bàn, những năm qua, Trung tâm đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Thường xuyên thăm khám, chữa bệnh tại cơ sở, tư vấn, tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát... Do vậy, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc tích cực tổ chức triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm có thể bùng phát như: Sốt xuất huyết, sốt rét, ho gà, sởi, quai bị, cúm A (H7N9, H5N1), tiêu chảy cấp, bệnh tay chân miệng, bệnh dại, viêm não do vi rút… chương trình tiêm chủng mở rộng cũng được triển khai theo định kỳ trong nhiều năm liền ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ vậy, năm 2017, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm và uống đủ 8 loại vắc xin đạt 95,3%; tỷ lệ tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 85% kế hoạch giao; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng còn 23,27%, giảm 0,93% so với năm 2016; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quản lý chặt chẽ, trong năm không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Đặc biệt, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các trạm y tế xã đạt tỷ lệ cao.
Những kết quả đó ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ y tế Mèo Vạc đã vượt qua những khó khăn, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân các dân tộc vùng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.