Huyện Sông Mã (Sơn La) hiện có 6.736ha nhãn, sản lượng gần 30.000 tấn, lớn gấp rưỡi diện tích nhãn tỉnh Hưng Yên và trở thành vùng trồng nhãn lớn nhất nước. Trong đó, hơn 900ha sản xuất theo quy trình VietGAP.
Những năm gần đây, Sông Mã đang nổi lên là điểm sáng trong sản xuất, xuất khẩu nông sản.
Thay đổi tư duy sản xuất
Những năm gần đây, huyện Sông Mã trở thành điểm sáng trong việc trồng, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho quả nhãn. Có được kết quả này, ngoài cách làm bài bản của chính quyền thì nhận thức của người sản xuất đã có nhiều thay đổi.
Bà Phạm Thùy Trang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Bảo Minh, ở xã Chiềng Khoong, cho biết, HTX thành lập tháng 3/2017 với 36ha nhãn. Trước kia gia đình trồng giống nhãn ta, quả nhỏ, chất lượng kém. Khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, năm 2013, gia đình đã cải tạo vườn nhãn bằng ghép giống nhãn Miền Thiết, nhãn chín sớm.
“Năm 2017, HTX bắt đầu sản xuất theo quy trình VietGAP; nhãn được cắt tỉa, tạo tán, khoanh gốc, bón phân hữu cơ, phun các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép, quả ra đều, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn, giá bán cũng cao hơn”, bà Trang cho biết thêm.
Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc HTX DVNN Đoàn Kết ( xã Chiêng Khoong), thời tiết, khí hậu, chất đất ở Sông Mã phù hợp với cây nhãn và cây xoài. Qua các hội thi nhãn, nhất là công tác xúc tiến thương mại, các HTX, người dân đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nâng cao chất lượng, năng suất nhãn.
Bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết, Sông Mã hiện có hơn 50 HTX, trong đó có 43 HTX trồng cây ăn quả, 1 liên hiệp HTX. Cùng với đó, tỉnh Sơn La có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX, đặc biệt là hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chỉ đạo, hướng dẫn các HTX, người dân sản xuất theo quy trình VieGAP.
Đối với người dân, huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển cây lương thực trên đất kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả cao. Huyện vận động, tuyên truyền người dân xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu xuống các xã, xuống từng bản.
Cùng với đó, huyện tổ chức kiểm tra, giám sát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở kinh doanh giống cây trồng, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm.
Để quảng bá, xúc tiến thương mại, huyện Sông Mã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, tập đoàn với các HTX, liên hiệp HTX về kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, các HTX sản xuất quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng nhãn Sông Mã, hướng tới phục vụ thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Hình thành con đường xuất khẩu nông sản
Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lê Thị Yến cho biết: Vụ nhãn năm nay đang có nhiều tín hiệu tích cực, nhà vườn rất phấn khởi vì được mùa, được giá. Năm nay, nhãn Hưng Yên không được mùa nên thương lái dồn đến Sông Mã đặt hàng với giá cao hơn mọi năm.
Theo ông Nguyễn Bá Thụy, Giám đốc HTX Hoa quả Tiên Cang (xã Chiềng Cang), HTX có 24,5/30ha nhãn sản xuất quy trình VietGAP. Năm 2018, sản lượng nhãn đạt 240 tấn, trong đó có 50 tấn được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Năm nay, một số doanh nghiệp đang đến tìm hiểu, làm các thủ tục để xuất khẩu nhãn.
Bà Phạm Thùy Trang, Giám đốc HTX DVNN Bảo Minh, cho biết, năm 2018, tổng sản lượng nhãn của HTX đạt hơn 400 tấn, đầu mùa bán với giá 30.000 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, có 118 tấn nhãn được xuất khẩu chính ngạch đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Cũng theo bà Trang, để xuất nhãn chính ngạch, HTX phải sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, dưới sự giám sát chặt chẽ của Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản huyện Sông Mã và của bên thu mua. Nhãn phải có tem mác, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã đẹp, đạt 45 - 60 quả/kg.
Bà Lê Thị Yến cho biết thêm, năm 2017, huyện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Huyện có 12 mã vùng trồng xuất khẩu; các vùng trồng xuất khẩu được quản lý rất chặt chẽ. Năm 2018, huyện xuất khẩu chính ngạch nhãn sang 4 nước với sản lượng khoảng 3.000 tấn; năm 2019, dự kiến xuất khẩu khoảng 6.000 tấn vào các nước Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc…
Cách làm hiệu quả
Hai mươi năm trước, nhãn Sông Mã đã nổi tiếng, diện tích lên tới 4.000ha, nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn, nên diện tích giảm dần. Cách đây 5 năm, nhờ một số hộ nông dân đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ghép giống nhãn Miền Thiết của Hưng Yên, nhãn nhanh chóng phát triển trở lại. Đặc biệt, ba năm trở lại đây, HĐND tỉnh Sơn La và huyện Sông Mã đã có chính sách cụ thể hỗ trợ mỗi hộ nông dân 200.000 đồng ghép nhãn giống mới, cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ gốc nhãn cũ, thực hiện ghép mắt giống nhãn Miền Thiết, chỉ sau hai năm là cho thu hoạch trở lại, quả nhãn to, năng suất cao, hiệu quả nâng lên rõ rệt.
Thêm vào đó là hệ thống giao thông hoàn thiện cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả cây nhãn ở Sông Mã.
Theo bà Lê Thị Yến , từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập bình quân/ha cây ăn quả nói chung, cây nhãn nói riêng cao gấp 5 - 8 lần so với các loại cây lương thực. Đối với các HTX đầu tư tốt, năng suất đạt 20 - 25 tấn nhãn/ha, doanh thu có thể đạt 500 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 300 - 400 triệu đồng. Đối với người dân, thu nhập bình quân 150 - 200 triệu đồng/ha.
Bà Yến cho biết thêm, thời gian tới, huyện tập trung vào quy hoạch vùng sản xuất nhãn tập trung, an toàn, áp dụng khoa học nhằm nâng cao chất lượng. Đặc biệt, triển khai đồng bộ việc canh tác theo hướng hữu cơ, áp dụng đối với tất cả các HTX, vùng trồng xuất khẩu. Ngoài ra, sẽ tuyên truyền để người dân từng bước sản xuất theo hướng hữu cơ.
Với cách làm bài bản, sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền địa phương đến người sản xuất, giờ đây, nhãn Sông Mã đã khẳng định thương hiệu, góp phần đưa mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2019 của cả nước đạt 4,2 tỷ USD.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.