Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 2 năm 2022 | 16:47

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đón nhận nhiều tin vui

Các mặt hàng như trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng trong xuất khẩu đầu năm. Đã đến lúc chúng ta cần có nền nông nghiệp tự chủ, thoát khỏi nền nông nghiệp dễ dãi.

0608_che-bien-nong-san-xuat-khau.jpg
Chế biến nông sản phục vụ nhu cầu xuất khẩu. 

 

 

Nhiều tín hiệu tích cực

Ngay đầu năm 2022, Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (TP. Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu 2 container cà phê thương hiệu Meet More đi thị trường châu Âu (EU). Đây là cà phê chế biến hòa tan pha trộn với các loại nông sản khác như trái nhàu, bạc hà, khoai môn, xoài, dừa, đậu xanh... tạo nên hương vị độc đáo, đầy sáng tạo, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam.

Tương tự, Công ty TNHH Sybil Agri Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 10 tấn hồ tiêu. Đồng thời, tiếp tục thương lượng cho 3 hợp đồng xuất khẩu hoa hồi, hỗn hợp sản phẩm hồ tiêu, cơm dừa, hạt điều và cung cấp tiêu nguyên năm, số lượng lên tới 500 tấn tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với tín hiệu rất khả quan.

Không chỉ mặt hàng cà phê, hồ tiêu có nhiều tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm mà đối với mặt hàng thủy sản cũng có nhiều dự báo khả quan. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.

Hoạt động xuất khẩu rau quả được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán, những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia... đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành này ngay từ đầu năm. Trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 301 triệu USD tăng mạnh tới 16% so với con số 260 triệu USD của cùng kỳ năm 2021…

Cùng với xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Đây là thông tin lạc quan, bởi theo VASEP,  từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã tăng trưởng trở lại...

Ông Đỗ Xuân Lập, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới hết quý I/2022 rất khả quan bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và các nước EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19.

Theo đó, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ dịch trong nước đã được kiểm soát, nhu cầu trên thị trường thế giới tăng; nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và thậm chí đến hết quý I/2022.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 12,4% so với tháng trước đó và tăng 6,84% so với tháng 12/2020. Lũy kế cả năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,07 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 7,464 tỷ USD, tăng 22,24% so với năm 2020, tăng cao so với mức 19,7% của toàn ngành; chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Năm qua, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,2% so với năm 2020, trong đó riêng xuất sang Mỹ đạt 8,77 tỷ USD, tăng 22,4%, chiếm tới 59,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức tăng trưởng của toàn ngành. Tiếp theo là thị trường châu Á đạt 4,4 tỷ USD, tăng 16%; châu Âu đạt 910 triệu USD, tăng 18,6% so với năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng nhanh sang thị trường châu Mỹ, điển hình là Mỹ đã góp phần thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam có kết quả ấn tượng trong năm 2021.

xkg.jpg
Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 20% trong năm 2022.

 

Về mặt hàng, đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này giảm nhẹ trong năm 2021, nhưng trị giá xuất khẩu đạt 9,99 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020.

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng cần được chú trọng để đẩy mạnh xuất khẩu bởi đây là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.

Tiếp theo là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 2 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2020. Mặc dù, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thị trường xây dựng trên toàn cầu vẫn diễn ra sôi động, đây là yếu tố chính thúc đẩy mặt hàng này tăng mạnh.

Ở chiều nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2021 tăng mạnh, đạt 2,928 tỷ USD, tăng tới 14,5% so với năm 2020. Như vậy, năm 2021, ngành gỗ Việt Nam đã xuất siêu 11,88 tỷ USD

Dự báo năm 2022, kinh tế toàn dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 20% trong năm 2022.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,8 - 2,9%

Phân tích về thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, năm 2022, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.

20210112094729801viet-nam-tham-vong-xuat-khau-thuy-san-16-ty-usd-va-1596-1.jpg
Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp của TP.Cần Thơ.

 

Để đạt mục tiêu này, ông Lê Minh Hoan cho biết, trong quý I/2022, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao; chuyển nhanh sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất...

"Toàn ngành sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản. Điều này được thể hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Riêng đối với mặt hàng chiến lược như thuỷ sản, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để rút “thẻ vàng” của EC, hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và các nước theo FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang tham vấn các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc, để xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tình trạng tới mùa vụ mới đi thu gom nông sản xuất khẩu mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hóa.

Đã đến lúc có một nền nông nghiệp tự chủ

Tại buổi họp mặt công tác đầu năm 2022 với giám đốc Sở NN-PTNT của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tại tỉnh Bạc Liêu mới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp các tỉnh phải làm sao nhanh chóng lan tỏa tinh thần, tư duy đó. Trong đó, thiết thực nhất là thực hiện thông qua các mô hình, nổi bật như lúa thơm - tôm sạch ở vùng ĐBSCL.

"Đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta cùng nhau phải vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Chúng ta cần thoát dần tư duy mùa vụ, từng năm. Ngành nông nghiệp cần có chiều dài trong tư duy, định hướng để có những chiến lược giải quyết được các vấn đề nội tại. Bên cạnh đó chúng ta cần có nền nông nghiệp xanh, bền vững. Xu thế tiêu dùng trên thế giới chính là sử dụng nông sản khi được sản xuất không có sự tác động đến môi trường".

Bộ trưởng cũng lưu ý các tỉnh, thành ĐBSCL cần nhận thức rõ rằng đất đai vùng đồng bằng lớn nhất nước giờ đang manh mún nhưng tư duy của con người thì không được manh mún. Có những loại nông sản có mặt ở nhiều tỉnh trong vùng, trùng lặp nhưng lại nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất. Vấn đề là cần sự liên kết trong cả sản xuất và tiêu thụ. Việc phát triển thị trường, kêu gọi doanh nghiệp cần được các địa phương làm cùng lúc với việc chuẩn hóa vùng sản xuất.

"Tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là cuộc cách mạng về tư duy tổ chức sản xuất, sau đó mới là khoa học kỹ thuật, hạ tầng, thị trường… Đã là cách mạng thì không phải ngồi trong phòng lạnh mà phải lội bùn, lội ruộng với nông dân. Đã đến lúc chúng ta cần có một nền nông nghiệp tự chủ, trong đó tính tổ chức là rất quan trọng. Đặc biệt, chúng ta phải đi vào chuẩn hóa, thoát khỏi nền nông nghiệp dễ dãi" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 5 - 6%/năm. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường./.

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top