Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 2 năm 2023 | 11:39

Cảnh báo tình trạng phát triển "nóng" sầu riêng ở ĐBSCL

Thời gian gần đây, giá thu mua sầu riêng ở vùng ĐBSCL tăng mạnh, do vậy nhiều người dân ở đây đã chuyển sang trồng sầu riêng, kéo theo lo ngại một số vùng không hợp thổ nhưỡng, cung vượt cầu dẫn tới được mùa rớt giá. Lời cảnh báo về việc phát triển nóng đã được cảnh báo trước.

Diện tích tăng nhanh

Sau hơn 4 năm đàm phán và trải qua nhiều quy trình kiểm tra chặt chẽ với tiêu chí ngặt nghèo, thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa đón trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch. Ngày 17/9/2022 là ngày đáng nhớ của bà con trồng sầu riêng trên khắp cả nước, đánh dấu sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Xe sầu riêng đầu tiên của Việt Nam di chuyển sang Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) để làm thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho người trồng sầu riêng.

Từ đây sẽ mở ra cơ hội cho người trồng sầu riêng của Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng có giá trị này sang thị trường tỷ dân. Ngay sau đó, giá sầu riêng thu mua đã tăng mạnh, có thời điểm lên mức 150.000 - 200.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sau khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc một số địa phương ở vùng ĐBSCL đã chuyển diện tích một số cây trồng khác sang trồng sầu riêng. Trong đó, tỉnh có diện tích sầu tăng nhanh phải kể đến Tiền Giang.

Kể từ khi Việt Nam ký thành công Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc chỉ có khoảng 04 tháng song diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tăng thêm 3.000 ha, nâng tổng diện tích loại cây ăn trái đặc sản này lên 20.000 ha, đứng đầu cả nước. Diện tích trồng sầu riêng tập trung ở 02 huyện là Cái Bè và Cai Lậy, riêng các xã vùng lũ phía Bắc Quốc lộ 1 thời gian qua cũng đã ào ạt chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang sầu riêng đã khiến cho diện tích loại trái cây này vượt 5.000 ha so với kế hoạch đến năm 2025.

Quan điểm của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.

Có thời điểm giá sầu riêng lên tới 150.000 - 200.000 đồng/kg, (Ảnh minh họa).

Tình trạng nông dân trồng nóng sầu riêng cũng phổ biến tại các tỉnh như: Long An, Cần Thơ, Hậu Giang với diện tích hàng nghìn ha. GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ, lo ngại tình trạng nông dân đổ xô trồng sầu riêng mà thiếu quy hoạch sẽ gây ra nguy cơ có nơi trồng không hợp thổ nhưỡng. Điển hình như ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) chủ yếu đất phèn trũng, chỉ thích hợp các loại cây như khóm, nếu trồng sầu riêng sẽ tốn nhiều chi phí cải tạo đất.

Ông Vệ cũng cảnh báo những vùng có nguy cơ bị ngập lũ như: Đồng Tháp Mười (gồm một phần của ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) nếu trồng sầu riêng mà không có hệ thống đê bao an toàn sẽ gây ra nhiều rủi ro. Mặt khác, ở những vùng có cống ngăn mặn, nhưng nếu thời gian dài thiếu nước ngọt, phèn từ dưới đất sẽ xì lên làm chết cây. Do đó, nông dân trong vùng này khi trồng sầu riêng cần lên kế hoạch trữ nước ngọt đủ qua mùa khô hạn.

TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đánh giá tình trạng nông dân ở miền Tây ồ ạt trồng các loại cây ăn quả sau đó bị rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá" từng xảy ra. Chẳng hạn trước đây cây mít Thái giá cao, nông dân đổ xô trồng, sau đó giá mít xuống còn 5.000 đồng một kg, phải đốn bỏ. Hay như cam sành Vĩnh Long diện tích vượt quy hoạch, cung vượt cầu sau đó phải nhờ giải cứu. Hiện trong 80.000 ha sầu riêng, chỉ có 5% diện tích được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc, nên nếu nông dân tiếp tục trồng tự phát, cung vượt cầu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, chính quyền cần quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thương hiệu kết hợp hệ thống doanh nghiệp đảm bảo đầu ra. Bởi sầu riêng là loại cây "nhà giàu", không ưa ngập úng, khó chịu khô hạn, chi phí đầu tư cao, nếu doanh nghiệp bao tiêu bỏ dở giữa chừng khiến nông dân gặp khó khăn.

Kiểm soát nóng vùng trồng

Tuy là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, trước tình trạng phát triển nóng ở một số tỉnh vùng ĐBSCL và một số địa phương khác trong nước, nhưng diện tích được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc còn rất khiêm tốn (50%). Đặc biệt, những nơi sầu riêng trồng xen với các cây trồng khác sẽ không được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Cứ 3 năm, phía bạn sẽ rà soát một lần, với các mã số được cấp. Trước sầu riêng, do phát triển nóng, ồ ạt nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt cho sự phát triển tự phát của mình.

Nhà vườn Cai Lậy thu hoạch sầu riêng, (Ảnh: Mỹ Tho).

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho rằng, cần có các hành động kết nối nhằm chinh phục thị trường tốt hơn, nếu để mất kiểm soát vùng trồng, sản phẩm dư thừa thì rất khó kiểm soát được thị trường. Do đó, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát để giữ được cân bằng cung - cầu.

Để tránh chuyện nông dân chạy đua mở rộng sầu riêng khi thị trường cần, giá bán cao, các cơ quan quản lý nhà nước phải có hướng dẫn, khuyến cáo. Như ở các nước, người ta khuyến cáo ai muốn trồng sầu riêng thì phải là thành viên của hiệp hội sầu riêng, khi đó mới bán được…, ông Viên cho biết thêm.

Theo bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thị trường Trung Quốc siết các tiêu chuẩn nhập khẩu, nhất là với cây ăn trái, kênh tiêu thụ thị trường trong nước cũng nên thay đổi theo để tạo sự đồng bộ cho sản phẩm, có tiêu chuẩn để thích ứng với các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Mỹ… Muốn vậy, cần có sự liên kết, bởi doanh nghiệp không thể tự đầu tư hoàn toàn vùng nguyên liệu lớn, mà phải bằng hình thức liên kết với nông dân và địa phương.

Tại một hội thảo về cây sầu riêng ở Tiền Giang mới đây, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cảnh báo, việc ồ ạt chuyển sang cây sầu riêng nguy cơ làm vỡ quy hoạch vùng trồng lúa. Mặt khác, người dân đã nhiều năm trồng lúa, khi chuyển sang cây sầu riêng sẽ không có đủ kinh nghiệm, mua giống không đảm bảo, vùng đất không thích hợp cho loại cây này thì hiệu quả sẽ không như kỳ vọng.

Mới đây, Cục Trồng trọt, (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có văn bản gửi các địa phương phía Nam chỉ đạo phát triển cây sầu riêng, khuyến cáo tình trạng ồ ạt chạy theo phong trào sẽ mang đến hệ lụy lớn khi nguồn cung dư thừa. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT ngày 30/11/2022 của Bộ NN&PTNT về việc phát triển bền vững cây sầu riêng, chanh leo.

Theo Chỉ thị 8084, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng.

Nông dân chăm sóc sầu riêng.

Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng, chanh leo phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến (đặc biệt là chế biến sâu); liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo hiệu quả trên địa bàn...

Chuẩn hóa vùng trồng nâng cao sức cạnh tranh

Để nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Tiền Giang xác định giữ ổn định diện tích hiện có cùng với tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích nông dân thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP; tổ chức lại sản xuất… gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của trái sầu riêng đặc sản trên thị trường cũng như an toàn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững cho vùng chuyên canh sầu riêng.

Đến năm 2025, sản lượng khoảng 360.000 tấn trái, có 25% diện tích được công nhận an toàn (VietGAP, GlobalGAP), 50% diện tích được cấp mã số vùng trồng và tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70% - 80% sản lượng.

Tỉnh đưa ra các nhóm giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sầu riêng gắn với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Sầu riêng là loại cây được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, tưới phun sương tự động tiết kiệm nước,…

Nắm bắt thời cơ khi trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới. Để được xuất chính ngạch, toàn vùng đã được cấp 02 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100 ha. Tỉnh đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định trong những ngày tới 21 hồ sơ với khoảng 1.100 ha, ước sản khoảng 30.000 tấn trái.

Triển khai dự án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030", nhằm nâng cao giá trị trái sầu riêng thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng khoa học - công nghệ, gắn kết sản xuất và kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Mặt khác, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kỹ năng thương mại cho các hợp tác xã; hình thành phương thức sản xuất - tiêu thụ mới thông qua hợp đồng, nhân rộng mô hình Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp...

Tại Long An, hiện nay tỉnh chỉ có khoảng 30ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và tất cả diện tích này đều nằm ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh. Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều diện tích sầu riêng của tỉnh chưa được cấp mã số vùng trồng là do nông dân trồng sầu riêng chưa đáp ứng được những yêu cầu của nước nhập.

Do đó, hiện nay, ngành Nông nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các khâu an toàn trong sản xuất, đóng gói sầu riêng. Đồng thời, tăng cường tập huấn, truyền thông các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó, chú trọng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng đúng quy trình canh tác, ghi chép hồ sơ, nhật ký trong quá trình sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, hình thành các vùng trồng sầu riêng tập trung, quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top