Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, đối với vấn đề chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp ngành gỗ, hiện nay đã không còn là quá sớm, nếu không kịp chuyển đổi, chúng ta sẽ đi sau và không bắt kịp thị trường.
Doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để phấn đấu hoàn thành mục tiêu XK.
Chưa bao giờ xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi 7 tháng qua giá trị XK chỉ đạt gần 7,8 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ. Các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để phấn đấu hoàn thành mục tiêu XK 17 tỷ USD trong năm nay.
Đối mặt thách thức
Theo ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2023 ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 7,21 tỷ USD, giảm 26,2%, lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4%. Thị trường xuất khẩu lâm sản của Việt Nam vẫn là các thị trường chính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu.
Nguyên nhân của việc sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản trong 7 tháng năm 2023 chủ yếu do lạm phát tăng cao tại một số quốc gia nhập khẩu lâm sản chính như: Hoa Kỳ, EU,…Các nước đã có nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm những vật dụng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm từ lâm sản.
Trong khi đó, giá dăm đã giảm từ 195 USD/tấn trong năm 2022 xuống 135 USD/tấn; giá viên nén giảm mạnh từ 180 USD/tấn xuống còn 100 USD/tấn. Điều này cũng góp phần làm sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản.
Tác động của xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến vấn đề logistics cũng như giá nguyên liệu, vật tư đầu vào. Chính sách bảo hộ cũng như phòng vệ thương mại của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước phần nào ảnh hưởng đến thương mại gỗ của nước ta.
Đi cùng với đó là những khó khăn trong quá trình thực thi cơ chế chính sách trong nước. Một số làng nghề gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như là chuyển đổi sử dụng gỗ từ rừng trồng để thay thế nguồn gỗ nhập từ rừng tự nhiên cũng như gỗ nhập khẩu từ các nguồn có nguy cơ rủi ro.
Khó khăn trong xuất khẩu là vậy, hiện nay, ngành gỗ, lâm sản của nước ta còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại khác càng khiến khó khăn thêm chồng chất. Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm thủy sản, ngày 14/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản 5631 hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng đối với lâm sản, thủy sản, trong đó, lãi suất cho vay đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm, thời gian triển khai đến 30/6/2024, quy mô tín dụng 15.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 19/7/2023 đã có 12 ngân hàng thương mại tham gia chương trình này. Bên cạnh đó, thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đề nghị tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thời gian thực hiện từ 24/4/2023 đến 30/6/2024.
Chủ trương của Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho doanh nghiệp và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa thực hiện đầy đủ các chủ trương này, các doanh nghiệp chưa nhận được thông báo giảm lãi các khoản vay, đặc biệt là các khoản vay cũ, chủ yếu chỉ áp dụng các khoản vay mới. Về hạn mức tín dụng, tùy uy tín và đơn hàng của các doanh nghiệp mà ngân hàng có hạn mức tín dụng khác nhau. Dù vậy, ngân hàng chỉ áp dụng cho vay khi có đơn hàng và đánh giá rủi ro của các đơn hàng này cũng như thực trạng của doanh nghiệp.
Về thuế, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục thuế hướng dẫn hồ sơ xem xét hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã ban hành công văn 5427 ngày 26/5/2023 yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẩn trương thực hiện Công điện của Thủ tướng. Tổng cục Thuế ban hành công văn số 2099 gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện đẩy mạnh hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị hỗ trợ công tác hoàn thuế cho ngành gỗ, tuy nhiên đến thời điểm này, công tác hoàn thuế của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chậm, chưa được cải thiện đáng kể,… Hiện nay, ngành gỗ và lâm sản còn hơn 6.100 tỷ đồng chưa được hoàn thuế do việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu gỗ giữa các Bộ còn chậm.
Cũng với những khó khăn trên, ngành gỗ đang phải đối diện với những thách thức ngày càng gia tăng từ các thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, do vậy cần tuân thủ yêu cầu tại các thị trường này với các điều kiện ngày càng cao và khắt khe. Cụ thể như tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện tốt Hiệp định VPA/FLEGT .
Thị trường Nhật yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải,…
Các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều và phức tạp, tần suất của ngành gỗ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Trong đó, từ năm 2015-2019, ngành gỗ đối mặt với 2 vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Từ năm 2020 đến nay, ngành gỗ đối diện tới 5 vụ việc, trong đó có các vụ việc liên quan tại thị trường Hoa Kỳ, Canada.
Nếu không kịp chuyển đổi, sẽ không bắt kịp thị trường
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu ngành gỗ và lâm sản những tháng cuối năm được dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy cũng cho thấy, đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, trong đó có thị trường Hoa Kỳ. Số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố tăng trưởng GDP (số liệu điều chỉnh lần thứ 3) là 2% trong quý I/2023, tăng từ mức 1,3% công bố đợt tháng 5 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các cơ quan phân tích. Dữ liệu mới đã góp phần khiến bức tranh kinh tế của Mỹ giai đoạn đầu năm trở nên khả quan hơn. Đồng thời giữa tháng 7 vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định sơ bộ quyết định điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Dự báo khả năng mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng trở lại.
Thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản dự báo còn nhiều khó khăn trong các tháng cuối năm.
Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp ngành gỗ, cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Để làm được việc này, Bộ NN&PTNT cần hướng dẫn cho các doanh nghiệp và sử dụng đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam. Đồng thời đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết netzeo trong ngành gỗ. Về vấn đề này, ông Lập cho rằng, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ ngành đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết netzo. Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải cacbon. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường.
Ông Lập cũng nhấn mạnh, các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài cần tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu quảng bá, giới thiệu thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cam kết, thực hiện chính sách bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong sử dụng nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu. Quảng bá giới thiệu, tiếp thị những sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường, trong đó chú trọng đối với các thị trường tiềm năng mà người tiêu dung còn thiếu thông tin về sản phẩm gỗ của Việt Nam thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo quốc tế. Tổ chức hướng dẫn, kết nối để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước được tham gia các hiệp hội ngành hàng ở những quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Và đặc biệt, một giải pháp không thể thiếu, đó là tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng và trong việc xác minh, truy xuất nguồn gỗ rừng trồng trong nước.
Ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, đối với vấn đề chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp ngành gỗ, hiện nay đã không còn là quá sớm. Tháng 10 tới, châu Âu đã có quy định về chuyển đổi xanh, do vậy, đây là vấn đề cần sớm được các doanh nghiệp quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, trong vấn đề này, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu, cần triển khai những vấn đề gì, vai trò của Chính phủ, Bộ NN&PTNT như thế nào?…cần được chỉ rõ. Theo ông Liêm, nếu không kịp chuyển đổi, chúng ta sẽ đi sau và không bắt kịp thị trường.
Nhấn mạnh đến vấn đề gỗ rừng trồng, ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, đảm bảo gỗ rừng trồng và làm sao tăng lên giá trị xuất khẩu gỗ rừng trồng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm. Hiện nay, tăng trưởng của ngành gỗ chủ yếu ở dăm và viên nén, chế biến sâu gần như “đứng lại”. Do vậy, ông Thiện cho rằng, vấn đề cần làm sao đảm bảo quy hoạch lại rừng trồng vừa đảm bảo năng lực cung ứng cho viên nén, dăm sản xuất nhưng tạo được nguồn gỗ lớn để tăng giá trị cho xuất khẩu.
“Bây giờ thị trường đang chững lại, nhu cầu chưa cao, nhưng 1-2 năm tới, thị trường ấm lại thì nguyên liệu ở đâu để làm nếu chúng ta không quyết tâm giảm nhập khẩu gỗ và đẩy mạnh nguồn gỗ trong nước. Thực chất, nguồn gỗ rừng trồng lớn lấy ở đâu nếu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ” – ông Thiện nêu quan điểm.
Để thúc đẩy gia tăng xuất khẩu lâm sản, ông Nguyễn Thanh Phong – Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam đề xuất, cần có nhiều chương trình khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia chuỗi từ trồng rừng gỗ lớn đến sơ chế, sản xuất viên gỗ nén. Đồng thời, cần phát triển nhiều chương trình phát triển trồng rừng bền vững theo chứng chỉ của Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
Bàn về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cho tăng trưởng của xuất khẩu ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng, Bộ NN&PTNT sẽ luôn đồng hành với Hiệp hội, các doanh nghiệp gỗ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp, các Hiệp hội cần đoàn kết, cùng chia sẻ thông tin để vượt qua thời điểm khó khăn, tránh các rủi ro; linh hoạt, chủ động hơn và thích ứng với những khó khăn hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, khâu trung gian thường chiếm lợi nhuận cao, do vậy, nếu các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng được kho hàng, những điểm trực tiếp tại các nước, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hiểu hết những mong muốn của khách hàng.
Thứ nữa, chỉ có đổi mới công nghệ, sử dụng nguồn cung gỗ trong nước, chúng ta mới giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng. Đồng thời, hy vọng các doanh nghiệp chắt chiu từng đơn hàng nhỏ, giữ uy tín với bạn hàng, chia sẻ các khó khăn với bạn hàng trong bối cảnh hiện nay để phát triển bền vững.
Thực tế hiện nay, để đáp ứng với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ở các nước xuất khẩu, các doanh nghiệp gỗ đã và đang tích cực triển khai một số giải pháp để mở rộng kết nối thị trường. Cụ thể như: các Hiệp hội và doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chức chuỗi các hội chợ triển lãm trong ngành gỗ để giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị ngành gỗ, phụ kiện, …nhằm giới thiệu, kết nối và thu hút các khách hàng quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và kết nối với các doanh nghiệp tại các thị trường trọng điểm để mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong ngành gỗ tạo kênh phân phối nhằm tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng ở các thị trường này. Các doanh nghiệp chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng.
Dù vậy, nhìn nhận về lâu dài của các chuyên gia cho thấy, ngành gỗ hiện nay vẫn còn đang yếu về công tác thị trường. Như nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, lâu nay, chúng ta quá thuận lợi về mặt thị trường nên ít chú ý đầu tư nghiên cứu về công tác thị trường dẫn đến, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn yếu về yếu tố này. Trong khi đó, đây lại là yếu tố mang tính chất quyết định đến thúc đẩy xuất khẩu của ngành gỗ, lâm sản. Chính vì vậy, cùng với việc tháo gỡ các khó khăn nội tại của ngành gỗ trong nước, yếu tố thị trường cũng cần được các doanh nghiệp, Hiệp hội của ngành gỗ quan tâm đầu tư nghiên cứu bài bản, cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm ra các giải pháp để thâm nhập thị trường trong trước mắt và lâu dài nhằm giữ ổn định cho các đơn hàng xuất khẩu.
Với mục tiêu đề ra đầu năm 17 tỷ USD cho xuất khẩu lâm sản năm 2023, trong khi đến nay, ngành gỗ và lâm sản mới đạt 7,78 tỷ USD trong 7 tháng, vẫn còn một con số lớn để ngành gỗ và lâm sản phấn đấu cho các tháng cuối năm. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các doanh nghiệp, vươn lên vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần sự đồng hành, hỗ trợ, giúp sức của các cơ quan Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ, nhất là các vấn đề về tín dụng, hoàn thuế giá trị gia tăng, để tiếp sức, tạo thêm lực cho các doanh nghiệp vượt khó.
Mở rộng biên độ kinh doanh
Là “thủ phủ” XK gỗ của Việt Nam nhưng 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Dương ước đạt 2,7 tỷ USD; giảm 5,3% so cùng kỳ. Nhiều DN trong ngành gỗ đã giảm quy mô sản xuất, giảm lao động.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, mặc dù vậy, XK gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đóng một vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp Bình Dương. Bifa Wood Vietnam 2023 chính là cơ hội để các đơn vị tìm ra được giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tìm kiếm thị trường và hợp tác phát triển bền vững…
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết, mặc dù thời gian qua thị trường suy giảm, nhưng các DN không hề bị động mà cố gắng thích ứng. Trong những giải pháp ứng phó, theo ông Khanh, ngành chế biến gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là “mở rộng biên độ kinh doanh”.
Cụ thể, các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường XK tiềm năng. Đặc biệt là thị trường của các nước “siêu” giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các “siêu” dự án bất động sản mới.
Cần thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu.
Chủ tịch HAWA cũng chia sẻ, đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại trong thời gian gần đây và với nội lực của ngành chế biến gỗ, mục tiêu XK của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được…
Một vấn đề bất cập khác, theo lãnh đạo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam(VIFOREST), là việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trong nước được thực hiện theo Thông tư 26/TT-BNNPTNT, nhưng tới thời điểm này, khi các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ theo quy định vẫn gặp khó khăn, khi chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm chứ không xác minh tới người trồng rừng, gây khó khăn trong quá trình xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi xuất khẩu. Một số tỉnh/thành áp dụng xác minh bảng kê lâm sản qua cổng dịch vụ công quốc gia, điều này không khả thi khi người trồng rừng ở các vùng sâu, vùng xa, không thể cập nhật các công nghệ.
Do đó, VIFOREST kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Đồng thời, cần thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết Net Zero trong ngành gỗ.../.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…