Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 1 năm 2023 | 13:24

Nghệ An “đánh thức” du lịch nông nghiệp, nông thôn

Với những vườn hoa rực rỡ, những trò chơi trải nghiệm trồng cây, cấy lúa, thu hoạch hoa quả…, Nghệ An ngày càng có nhiều mô hình du lịch sinh thái - canh nông đậm chất thôn quê níu chân du khách.

Phát triển du lịch sinh thái gắn với canh nông đang được coi là hướng đi đầy tiềm năng, hấp dẫn và bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu bảo đảm sự phát triển bền vững của du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.

Đa dạng mô hình trải nghiệm

Từ một trong những mô hình được coi là “đi tiên phong” - trang trại rau sạch và cánh đồng hoa hướng dương của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, đến nay, tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh Nghệ An, đều có những mô hình du lịch canh nông hiệu quả.

Không khó để kể đến những điểm du lịch hoạt động khá hiệu quả như Vườn cam sinh thái bản Pha (Con Cuông), những vườn hoa rực rỡ ở Nghĩa Đàn, khám phá vùng miền Tây Mường Lống (Kỳ Sơn) gắn với bạt ngàn vùng đào, mận của bà con dân tộc Mông và vườn trồng dược liệu của Tập đoàn TH, vườn hồng Nam Anh (Nam Đàn)…

Khu du lịch Hòn Mát được ví như "Đà Lạt thu nhỏ" giữa vùng đất Phủ Quỳ.

Và còn rất nhiều mô hình sản xuất có thể trở thành điểm đến hấp dẫn như các làng nghề sản xuất mây tre đan, thổ cẩm vùng miền núi, các làng nghề chế biến nước mắm, hải sản ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, thị xã biển Cửa Lò, những cánh đồng bạt ngàn chanh, hoa, rau sạch ở nhiều địa phương trong tỉnh…

Mới đây là sự sự kết hợp của ba địa danh gồm Khu sinh thái Hòn Mát - Thung lũng hoa Phủ Quỳ - Trương Gia Farm, hình thành nên tổ hợp đặc biệt với những hoạt động du lịch phong phú, mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn và trải nghiệm khi đến với Tây Nghệ An. 

Đó là một Trương Gia Farm với cảnh rừng thông Đà Lạt có một không hai tại Nghệ An cùng không gian âm nhạc lãng mạn và huyền ảo về đêm. Thêm vào đó là những điểm săn mây trên cao và vô vàn góc check-in thỏa sức sáng tạo với khung hình của những người yêu thích chụp ảnh.

Một thung lũng hoa Phủ Quỳ mênh mông với diện tích gần 150ha, độc lạ với “hòn đá bay”, thác nước khổng lồ, tượng phật linh thiêng toạ lạc trên núi cao, và khu nghỉ dưỡng ven đồi đang được hoàn thiện.

Một Hòn Mát với diện tích 42ha tạo nên quần thể sinh thái tiện ích, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình như một Đà Lạt thu nhỏ. Khu du lịch sinh thái Hòn Mát đã được đầu tư theo hướng nông trại kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm các hoạt động gần gũi với thiên nhiên. Để chuẩn bị cho sự phục hồi và phát triển du lịch, đơn vị quản lý đã đầu tư liên hoàn các hạng mục từ tham quan các điểm đến như trang trại cây ăn trái (bưởi, cam, bơ), nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính (dưa chuột, dưa lưới, cà chua), trải nghiệm câu cá, cắm trại, nghỉ dưỡng homestay, thưởng thức các món ăn ngon tại nhà hàng nổi trên sông. Từ đầu tháng 10/2022 tới nay, đặc biệt là các ngày cuối tuần, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát đón hàng trăm lượt khách tới tham quan, trải nghiệm, check-in cùng thưởng thức món ăn dân giã đặc trưng của vùng miền.

Anh Đặng Trọng Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Hòn Mát (Nghĩa Đàn), bày tỏ: “Chúng tôi đã chuẩn bị các sản phẩm du lịch gắn liền với sản xuất nông nghiệp và trải nghiệm canh nông. Hiện nay, chúng tôi đã cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với trải nghiệm để chào đón du khách trong, ngoài tỉnh. Một tin vui cho chúng tôi là sản phẩm du lịch canh nông Hòn Mát được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện và đang hoàn thiện hồ sơ công nhận của tỉnh. Hy vọng, với chính sách mở cửa của chính quyền địa phương, của ngành Du lịch, sẽ tạo cơ hội để người dân yên tâm tiếp cận các sản phẩm du lịch và đơn vị du lịch cũng có cơ hội phục vụ cộng đồng tốt hơn”.

Hướng đi tiềm năng và bền vững

Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” nên Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với đầy đủ các loại hình: Văn hóa - tâm linh, biển - nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng. Những năm gần đây, tỉnh hướng đến khai thác, phát triển du lịch sinh thái gắn với canh nông như một hướng đi mới.

Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với canh nông đang được coi là hướng đi đầy tiềm năng, hấp dẫn và bền vững,  góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời rút ngắn quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xác định 3 dòng sản phẩm du lịch chính, cùng với du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, Nghệ An chủ trương đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với canh nông. Việc UBND tỉnh Nghệ An và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) ký kết biên bản hỗ trợ về đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp  cuối năm 2015, được coi là dấu mốc khá quan trọng để từ đó, loại hình du lịch canh nông bắt đầu được quan tâm phát triển.

Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao được các trường học trên địa bàn chọn làm điểm đến trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh.

Một số mô hình du lịch canh nông đã được đề xuất, đưa vào phát triển thành các tour, tuyến như mô hình trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại rau sạch FVF kết hợp tham quan các đồi hoa tại huyện Nghĩa Đàn theo tuyến đường Hồ Chí Minh; mô hình tham quan HTX sen quê Bác, homestay ở Kim Liên, vườn hồng Nam Đàn, chanh Thiên Nhẫn, làng nghề chế biến tương Nam Đàn kết hợp với khám phá vùng Đảo chè huyện Thanh Chương; tour du lịch nông nghiệp tại Con Cuông gắn với cam bản Pha, làng nghề rượu men lá, kết nối với rừng tre và nghề chế biến tre mỹ nghệ... 

Theo ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, Nghệ An có hơn 83% diện tích là đồi núi, nông thôn, tiềm năng phát triển du lịch canh nông là rất lớn. Đầu năm 2018, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá các cơ sở sản xuất, lựa chọn các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn. Đặc biệt, với các huyện miền núi dọc 2 quốc lộ 7 và 48, rất hấp dẫn du khách với bản sắc độc đáo của bà con vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, cùng  sự nỗ lực của người dân, ngành Du lịch cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và liên kết điểm đến; tập huấn, định hướng cho bà con cách làm truyền thông, sản phẩm, nâng cao chất lượng đón tiếp khách của người dân làm du lịch. 

Có thể thấy, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng diễn ra nhanh, mạnh, thì nhu cầu được tìm về những vùng quê bình dị để tận hưởng cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành càng cao. Sau đại dịch, cùng với sự lên ngôi của du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông thôn càng trở thành lựa chọn phổ biến của du khách, nhất là khách du lịch sống ở các vùng đô thị.

Vì thế, phát triển du lịch nông thôn được nhận định là mảnh đất màu mỡ mang đến nhiều triển vọng bứt phá cho du lịch không chỉ riêng tỉnh Nghệ An mà du lịch Việt Nam nói chung. Đây không chỉ là giải pháp góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng không gian du lịch để mời gọi du khách trong và ngoài nước mà còn là đòn bẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị. Ngoài khả năng duy trì nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan sinh thái, văn hóa địa phương, đẩy mạnh du lịch nông thôn còn giúp cải thiện khoảng cách về thu nhập, thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị, thu hút đầu tư trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp sinh thái như một mũi nhọn của nông nghiệp Nghệ An, trước hết, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần có tư duy mới và chương trình hành động cụ thể để tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện. Qua đó, thúc đẩy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời gắn phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số với việc kết nối các chuỗi giá trị bền vững để tạo động lực phát triển mới.

Mặt khác, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển nông thôn, xây dựng hành lang pháp lý… tạo “lực hấp dẫn” thu hút các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, với du lịch sinh thái, cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ số theo hướng đồng bộ, các địa phương cần chú trọng xây dựng loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp sinh thái; tăng cường quảng bá, kết nối để thu hút khách du lịch.Khu du lịch Hòn Mát được ví như một “Đà Lạt thu nhỏ” giữa vùng đất Phủ Quỳ.

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top