Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 11 năm 2023 | 8:0

Quảng Trị thúc đẩy canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ

Canh tác vô cơ làm cho độ an toàn thực phẩm thấp, gây nhiều ngộ độc cấp tính cho người sử dụng. Thời gian gần đây, bà con nông dân ở Quảng Trị đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vừa không ô nhiễm môi trường, vừa tăng giá trị sản phẩm nông sản.

Đẩy mạnh canh tác hữu cơ cây rau màu

Sau một thời gian dài lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học đã làm cho nền nông nghiệp của tỉnh đứng trước những thách thức không nhỏ là: ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc BVTV ở người, bùng phát sâu bệnh do hệ sinh thái bị phá huỷ...

Trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, phục hồi lại hệ sinh thái sản xuất, tạo sản phẩm sạch từ việc triển khai các phương thức canh tác hữu cơ. Từ định hướng sản xuất đó, ngành đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ. Các mô hình khuyến nông hướng dẫn canh tác theo hướng hữu cơ được xây dựng thành công và nhân ra diện rộng.

Mô hình trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Được sự hỗ trợ của Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng mướp đắng theo phương thức canh tác tự nhiên tại các xã Hải Dương và Hải Ba, huyện Hải Lăng với quy mô 16 ha.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Hải Lăng cùng với Tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn cho người dân cách ủ phân hữu cơ theo phương pháp compost. Phòng bệnh bằng chế phẩm thảo mộc như gừng, tỏi, ớt lên men trong suốt quá trình phát triển của mướp đắng. Bón lót 1 ha mướp 7 - 10 tấn/ha phân compost và phân chuồng hoai mục, bón trên luống đã rạch sẵn hàng. Bón thúc bổ sung 5 - 7 tấn/ha phân hữu cơ compost khi mướp chuẩn bị vào giai đoạn thu trái rộ, rãi thành hàng dọc theo luống sau đó tủ đất, phủ rơm rạ trên mặt để giữ ẩm và hạn chế rửa trôi phân.

Các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc đúng kỹ thuật cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng đến khi thu hoạch. Cây mướp phát triển đồng đều, ít sâu bệnh. Kết quả, năng suất đạt 8 tạ/sào. Hiện mướp đắng bán khá được giá trên thị trường nên mỗi sào người dân trừ các khoản chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng/ sào/vụ. Một số hộ trồng xen canh với dưa leo cho lãi gần 10 triệu đồng/sào/vụ. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được tiêu thụ hết.

Đánh giá về lợi ích và hiệu quả của canh tác hữu cơ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: Thực hiện phương pháp canh tác hữu cơ là người dân tự làm phân bón, chế phẩm BVTV từ các nguyên liệu tự nhiên có trong sản xuất nông nghiệp và ứng dụng các biện pháp lên men sinh học.

Nhờ đó, cây trồng giảm hẳn sự mẫn cảm với các loài sâu bệnh, hệ sinh thái canh tác tăng nhiều loài sinh vật có lợi, tăng chất khoáng cho đất, có tác dụng cải tạo đất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất cây trồng. Hơn nữa, canh tác hữu cơ giúp không thải các rác thải độc hại ra môi trường như chai lọ, bao thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường.

Sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ

Hồ tiêu được xác định là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, để nhân rộng diện tích hồ tiêu theo hướng chất lượng cao, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó có việc đẩy mạnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.

Toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.500 ha diện tích trồng cây hồ tiêu với năng suất bình quân đạt từ 10 - 12 tạ/ ha, sản lượng bình quân mỗi năm từ 2.000 - 2.600 tấn. Xác định việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào canh tác quyết định đến năng suất, chất lượng, tính bền vững của cây hồ tiêu nên thời gian qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng một số mô hình mới mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ an toàn dịch bệnh với diện tích trên 100 ha tại 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh; mô hình áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất. Một số mô hình áp dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma, Pseudomonas vào phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu.

Cùng với đó, ngành còn phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình phục hồi vườn hồ tiêu sau thiên tai tại 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ); mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân trong khuôn khổ Dự án Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Vĩnh Linh. Nhiều vùng trồng hồ tiêu đã chủ động thiết kế hệ thống thoát nước trong mùa mưa, áp dụng phương pháp “trồng dương” thay cho phương pháp “trồng âm” theo truyền thống.

Để tiếp tục đưa cây hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện phục hồi các vườn tiêu cũ, quy hoạch vùng trồng mới cây hồ tiêu ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chú trọng công tác quản lý dịch bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để phát huy tiềm năng lợi thế, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân. Đồng thời chọn lựa, xây dựng các vườn đầu dòng có chất lượng nhằm cung ứng giống tiêu sạch bệnh đảm bảo cho việc trồng mới trên địa bàn. Thiết lập kênh thông tin thị trường vật tư phân bón và sản phẩm hồ tiêu để giúp người dân chủ động hơn trong đầu tư sản xuất. Xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hồ tiêu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nghiên cứu, ban hành một số chính sách mới, phù hợp hỗ trợ cho người sản xuất hồ tiêu theo hướng chất lượng cao, có chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu dùng, đặc biệt là xuất khẩu ra các thị trường tiềm năng.

Trồng dược liệu hữu cơ

Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ là địa phương thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc giúp người dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Theo đó xã Cam Thủy đã liên kết với HTX Dược liệu Trường Sơn (đóng tại Cụm công nghiệp Cam Thành) để trồng cây tràm năm gân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế với diện tích 10 ha.

Nông dân xã Cam Thủy thu hoạch tràm năm gân -Ảnh: ANH VŨ

Tràm năm gân là giống cây có nguồn gốc từ Úc, dùng để sản xuất tinh dầu tràm. Để tạo điều kiện ban đầu cho nông dân, những hộ tham gia mô hình được UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ 50% giống và phân bón; HTX Dược liệu Trường Sơn cho ứng 25% chi phí giống, phân bón và trừ dần qua 4 đợt khi thu hoạch sản phẩm.

Ngoài ra, còn được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Phía HTX cũng cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Nếu giá thị trường xuống thấp, HTX vẫn thu mua với giá không thấp hơn 2.000 đồng/kg lá tươi.

Ông Nguyễn Văn Bưởi, ở thôn Cam Vũ 1 vừa thu hoạch tràm năm gân vừa phấn khởi cho biết, gia đình ông trồng được 5 sào, trong đợt này thu được khoảng 15 tạ, bán được 6 triệu đồng. Theo tính toán, từ năm thứ 2 trở đi năng suất, sản lượng sẽ tăng lên gấp đôi mà không cần phải đầu tư thêm nhiều; so với trồng sắn, lợi nhuận cao hơn khoảng 2 lần.

Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ cho biết, trong năm đầu tiên, do cây mới phát triển nên năng suất chưa cao, từ năm thứ hai trở lên mỗi héc ta cho thu hoạch khoảng 120 tạ; người dân chỉ đầu tư công chăm sóc nhưng thời gian thu hoạch kéo dài đến 15 năm.

Hiện nay, doanh nghiệp đang tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích lên khoảng 50 ha, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho các công ty dược lớn.

Canh tác hữu cơ là phương pháp canh tác truyền thống trước đây, đến nay việc quay trở lại phương pháp này đang là một trong những hướng đi của các địa phương, với mục đích bảo đảm an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông sản. Vì vậy cần chú trọng và nhân rộng những mô hình canh tác hữu cơ này để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top