Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2017 | 4:51

Duy Thành, chặng đường về đích không còn xa

Khi mới triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Duy Thành (Duy Xuyên - Quảng Nam) gặp không ít khó khăn do xuất phát điểm thấp (đạt 5 tiêu chí). Nhưng nhờ sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, diện mạo nông thôn của xã đã thay đổi toàn diện, dự kiến sẽ về đích trong năm 2017 này.

Hệ thống đường giao thông nội đồng và kênh mương ở Duy Thành đã được cứng hóa.

Năm 2011, huyện Duy Xuyên phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới của xã Duy Thành với tổng số vốn đầu tư 185 tỷ đồng. Kể từ đó đến nay, xã luôn nỗ lực đẩy mạnh truyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong XDNTM. Nếu như khi mới triển khai, xã mới đạt 5 tiêu chí (điện, trường học, giáo dục, y tế, văn hóa) thì đến năm 2015 đã đạt thêm 6 tiêu chí gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường, tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự. Đến cuối năm 2016 xã đã đạt 15/19 tiêu chí.

Ông Trương Công Thanh, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM của xã cho biết, đến nay, 100% đường giao thông trục xã, liên xã của xã đã được bê-tông cứng hóa đạt chuẩn (8,9km/8,9km); 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa (4,6km/4,6km); 84,7% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa (16,1/19km); 50,76% đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh của nhân dân; đã có 11,2/15km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa.100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên an toàn; trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia; 4/4 thôn đều có nhà văn hóa với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu giao lưu, sinh hoạt của nhân dân; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 860 hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 49,5%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh là 86,4%.

Xác định nâng cao thu nhập cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng và cũng là tiêu chí khó đạt nên chính quyền xã Duy Thành đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ vào đầu tư để chuyển dịch cơ cấu lao động. Tính đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 30,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 6,73% (131/1.958 hộ).

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, sự đóng góp sức người, sức của trong dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng đường giao thông nông thôn… Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng vốn đầu tư trên địa bàn xã đạt 86 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,7 tỷ đồng và hiến 2.300 m2 đất để mở rộng xây dựng đường giao thông nông thôn.

Cũng theo ông Thanh, để về đích đúng kế hoạch đề ra, Ban chỉ đạo sẽ xây dựng các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu hoàn thành thêm 4 tiêu chí trong năm 2017 đó là: cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, chợ, tỷ lệ lao động có việc làm. Rà soát bổ sung đề án phát triển sản xuất cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay XDNTM. Tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) diện tích còn lại để ổn định sản xuất, phấn đấu đến năm 2017 phải hoàn thành công tác này và cấp giấy sau dồn điền đổi thửa cho nhân dân.

Tiếp tục du nhập các loại giống mới có năng suất chất lượng cao theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, thay thế các loại giống sử dụng lâu ngày đã bị thoái hoá. Khuyến khích phát triển kinh tế vườn, chỉnh trang, cải tạo vườn nhà theo yêu cầu XDNTM; xây dựng mô hình về phát triển trồng rau sạch tại bãi gò đội 7 thôn Thi Thại giai đoạn 2017 - 2020, phấn đấu thu nhập bình quân từ kinh tế vườn mỗi hộ đạt 10 triệu đồng/vườn/năm.

Tập trung phát triển một số vật nuôi chủ lực như: trâu, bò, lợn và gia cầm. Duy trì và phát triển việc nuôi tôm nước lợ.

Khôi phục, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống như: Làm bánh, đan tre, trồng hoa, khai thác hến. Tập trung phát triển thương mại- dịch vụ; chọn những loại hình có ưu thế tại địa phương để tập trung đầu tư như nội dung quy hoạch NTM đã được duyệt; đầu tư xây mới chợ, tạo thuận lợi cho nhân dân trao đổi và mua bán hàng hoá. Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp về với địa phương giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nhân dân.

Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế nghèo phát sinh. Phấn đấu đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 5%. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa các nguồn lực, thực hiện tốt công tác xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, xóa nhà tạm, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Đồng thời chỉ đạo các ngành, đoàn thể từ xã đến thôn tăng cường công tác vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng thành công xã nông thôn mới Duy Thành vào cuối năm 2017”, ông Thanh nói.

Ngọc Lan

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top