Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng tại buổi kiểm tra một số mô hình sản xuất nông nghiệp và tình hình sản xuất tại một số làng nghề, doanh nghiệp, HTX có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Vừa qua, tại buổi kiểm tra thực tế một số hộ sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ từ sừng tại làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục); hộ sản xuất chuối ngự Đại Hoàng; cơ sở sản xuất, chế biến cá kho Nhân Hậu đã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, thuộc xã Hòa Hậu và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Khê-Nhân Bình (huyện Lý Nhân).
Sản phẩm mỹ nghệ từ sừng của làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai,
xã An Lão (Bình Lục - Hà Nam) rất tinh tế và độc đáo.
Theo báo cáo của lãnh đạo các địa phương, làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai hiện có hơn 200 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động với mức thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có thời điểm đầu ra các sản phẩm của làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai không ổn định; trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm giảm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng.
Hiện nay, làng nghề đang tập trung khôi phục sản xuất, thúc đẩy thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, mẫu mã sản phẩm sừng mỹ nghệ vẫn còn đơn điệu, trình độ lao động không đồng đều, công tác xúc tiến thương mại, môi trường làng nghề còn hạn chế…
Chuối ngự Đại Hoàng được nhiều người yêu thích vì thơm ngon
Đối với xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, hiện có khoảng gần 30 ha diện tích trồng chuối ngự; hơn 10 cơ sở sản xuất, chế biến cá kho Nhân Hậu quy mô lớn từ hơn 2.500 niêu/năm trở lên. Tình hình sản xuất cơ bản ổn định, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Tuy nhiên, diện tích trồng chuối ngự còn ít so với nhu cầu thực tế; do gặp khó khăn trong khâu bảo quản cá kho nên hướng xuất khẩu sản phẩm này hiện còn hạn chế…
Qua kiểm tra, đánh giá thực tế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng yêu cầu các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi để các cơ sở, hộ kinh doanh, các HTX, tổ hợp tác có sản phẩm OCOP phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng. Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Món cá kho được xếp vào diện món ăn đặc sản tiêu biểu của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng đề nghị, các làng nghề cần đổi mới công nghệ sản xuất để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng năng suất lao động; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm đặc trưng gắn với các địa chỉ du lịch của địa phương; hướng đến việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể để mở rộng liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chủ động liên hệ với các ngành chức năng để được hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử; tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm làng nghề…
Đối với các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất gắn với mở rộng thị trường theo hướng bền vững; cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…
Hà Nam