Nhu cầu sử dụng sữa dê ngày càng tăng, sản phẩm luôn trong tình trạng “sốt” hàng. Do vậy, chủ các nhà hàng hai bên đường Láng - Hoà Lạc, đoạn qua Ba Vì, đã lấy sữa non của bò, giả làm sữa dê để “giữ chân” khách.
Từ thực trạng trên, vài năm trở lại đây, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã cùng bà con địa phương từng bước tăng trưởng đàn dê, để phát triển cân xứng tiềm năng, đáp ứng nhu nhu cầu người tiêu dùng.
Quảng cáo sữa dê, bán sữa bò
Đây là sự thật 100% và đang diễn ra ở Ba Vì, nguyên nhân do, ngoài Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây nuôi dê, thì số hộ nuôi dê ở Ba Vì còn rất ít, tổng đàn chỉ khoảng 500 - 600 con. Trong đó có khoảng 40% đang khai thác sữa, chu kỳ khai thác 155 ngày (bò 305 ngày). Tuy nhiên, hàng trăm quán sữa bò - dê dọc hai bên đường Láng - Hoà Lạc, đoạn qua Ba Vì, đều trưng biển quảng cáo, bán sữa bò - dê.
Thực chất, đa phần chỉ có sữa bò, vì sữa dê rất hiếm, nhưng do khách hàng luôn có nhu cầu, nên người dân lấy sữa bò (sữa trong 7 ngày đầu tiên), giả làm sữa dê để bán. Thực chất loại sữa này cũng khá tốt, không kém sữa dê, nhưng đây là cách đánh tráo lừa người tiêu dùng.
Khi được hỏi vì sao lại “treo đầu dê, bán thịt chó” như vậy, các chủ quán ở đây cho biết, nếu không đề biển quảng cáo như thế thì khách không vào mua.
Nuôi dê hướng sữa
Từ thực trạng trên, anh Lê Văn Thực ở thôn Việt Long (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) mong muốn mở một cửa hàng bày bán các sản phẩm chuyên từ sữa dê để bà con được dùng sữa dê đích thực của Ba Vì.
Anh Thực chia sẻ, từ năm 2005 - 2006, khi vợ anh là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, anh đã nuôi dê để phục vụ nhu cầu gia đình có con nhỏ cần nguồn sữa dê chất lượng, sau đó anh nhân đàn lên dần để phát triển kinh doanh. May mắn nữa là, năm 2016, vợ chồng anh có hợp đồng cung cấp dê thịt cho tỉnh Sơn La, trong số 200 con chuẩn bị xuất bán, anh chọn được 10 dê cái lai hướng sữa, đưa tổng đàn dê cái lên 15 con.
Để cải tạo đàn dê sữa, anh mua 3 con đực ngoại Saanen (giống Pháp), giá 12 triệu đồng/con, lai với đàn dê cái nói trên, và cứ cải tạo dần như vậy, sau 3 năm, gia đình có đàn dê 75% hướng sữa. Trên đà thắng lợi đó, năm 2017, anh nhập 80 con dê ngoại Saanen và Anpil (Pháp), nâng tổng đàn dê sữa của gia đình lên 140 con, trong đó có 90% là dê Pháp.
Hiện, 1 dê cái trung bình cho 2-3kg sữa/ngày; bò sữa cho 15-22kg sữa/ngày, cá biệt, bò F3 cho tới 22-25kg sữa/ngày, giá sữa bò 12.000-13.000 đồng/kg . Trong khi giá sữa dê tại thời điểm này (bán thô) là 60.000 đồng/kg; sữa đã chế biến thành sữa chua, sữa thanh trùng 80.000 -90.000 đồng/kg, cao hơn gấp nhiều lần sữa bò.
Đáng ghi nhận, anh Thực đã có các sản phẩm từ sữa dê như: sữa tươi thanh trùng, sữa chua, bánh sữa, pho mai, đã được chứng nhận VietGAP năm 2018. Cũng trong năm này, anh được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nay là Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, hỗ trợ 1 mô hình dê sữa, 10 con cái và 1 con đực giống Saanen.
Dự kiến, thời gian tới, anh sẽ có thêm sản phẩm mỹ phẩm, sữa tắm và xà phòng làm từ sữa dê. Anh tiết lộ, sắp khai trương cửa hàng bán sữa dê tươi thanh trùng, và các loại sữa chua như: nha đam, nếp cẩm, nhãn hiệu là “Sữa dê Ba Vì TH Famr”.
Hiện, Ba Vì đã thành lập HTX Chăn nuôi và Dịch vụ - Sinh thái Ba Vì, với 27 hộ thành viên, nhưng mới có 4 hộ nuôi dê; trong đó, người nuôi nhiều nhất là anh Thực (150 con), người ít nhất 15 con.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề mở rộng mô hình chăn nuôi dê hướng sữa, ông Hoàng Kim Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, cho biết: “Hà Nội hiện có 11.541 con dê, với gần 400 hộ chăn nuôi, tập trung tại các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Thanh Oai và Sóc Sơn. Năm 2018, Trung tâm đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi dê hướng sữa (giống Saanen) tại 4 hộ trên địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất.
Năm 2019, tiếp tục triển khai cho 7 hộ tại huyện Mỹ Đức: mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 10 con dê cái (trọng lượng trung bình 20 kg/con trở lên), 01 dê đực (trọng lượng 30 kg/con trở lên); được hỗ trợ thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp cho dê cái chửa lần đầu và dê đực giống (18kg thức ăn/con dê cái có chửa lần đầu, 36kg thức ăn/con dê đực).
Tập huấn kỹ thuật cho gần 100 lượt hộ chăn nuôi dê ở Mỹ Đức, Thạch Thất, Ba Vì, Sơn Tây. Tư vấn xây dựng chuồng trại, đồng cỏ, quy trình chăn nuôi dê sữa theo chuẩn VietGAP. Phối hợp với Công ty CP Sữa Ba Vì xây dựng chương trình hợp tác, phát triển sản xuất và xây dựng thương hiệu sữa dê Ba Vì”.
Theo ông Vũ, dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, tăng đàn nhanh. Chuồng trại nuôi dê đơn giản, phù hợp với những hộ ít vốn.
Dê có khả năng tự kiếm thức ăn thô xanh ngoài tự nhiên, sử dụng thức ăn tinh ít, nên chăn nuôi không vất vả, tốn kém như các vật nuôi khác. Song, cần lưu ý, phải thường xuyên vệ sinh, tiêm phòng, quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời dê bị bệnh, để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn.
Mặt khác, dê ưa sạch sẽ, chúng không ăn những thức ăn đã bị giẫm đạp, hôi mốc; thức ăn phải khô ráo, không lẫn đất cát; nguồn nước uống cũng phải sạch. Thức ăn cho dê khá đa dạng, gồm các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên. Trong đó, thức ăn thô xanh thường chiếm tới 70% khẩu phần ăn của dê.
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Hà Nội xác định, việc mở rộng chăn nuôi dê tại các vùng núi, bán sơn địa, nơi có tiềm năng để phát triển, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm là xu hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất mong có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò là đầu tàu dẫn dắt.
Đồng thời, thành phố chú trọng cải tạo đàn dê theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ nhập dê đực cao sản giống Saanen, Boer.
Chú trọng cơ giới hóa trong chăn nuôi; khuyến khích các hộ sử dụng máy vắt sữa; máy phối trộn thức ăn hỗn hợp, để giảm nhân công lao động, và tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Các địa phương cũng cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cho các cơ sở sản xuất giống, chế biến sữa dê, để giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…