Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2019 | 16:15

NN ĐBSH: Triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá thịt lợn

Những ngày gần đây, giá thịt lợn hơi tăng mạnh khiến nhiều tiểu thương và người dân không khỏi lo lắng. Trước tình hình đó, các sở, ngành và doanh nghiệp... trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường.

binh-on-gia-1128.jpg
Ảnh minh họa.

 

Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá thịt lợn

Hiện giá lợn hơi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc đồng loạt tăng so với tuần trước, từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/kg, lên mức giá từ 72.000 đồng đến 75.000 đồng/kg. Ở Hà Nội, giá tăng 2.000 đồng, lên 75.000 đồng/kg.

Ghi nhận của phóng viên chiều 13/11 tại các chợ dân sinh như chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Kim Văn - Kim Lũ… và một số chợ khu vực ngoại thành cho thấy, giá thịt lợn ở mức 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại.

Các siêu thị như Big C, Vinmart, Co.opmart… không tăng giá mặt hàng thịt lợn nhằm giữ ổn định thị trường. Cụ thể, tại siêu thị Big C ngày 13-11, thịt lợn xay có giá 94.500 đồng/kg, nạc vai: 114.000 đồng/kg, chân giò: 110.000 đồng/kg…

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện siêu thị Big C cho biết, do thời điểm này giá thịt lợn biến động mạnh nên trong 2 tuần gần đây siêu thị chưa triển khai chương trình khuyến mại thịt lợn dịp cuối tuần như trước. Tuy nhiên, siêu thị vẫn đưa một số sản phẩm như thịt ba chỉ, thịt nạc xay vào chương trình “Giá rẻ mỗi ngày” để hỗ trợ người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: “Hiện giá bán thịt lợn tại Co.opmart vẫn đang giữ ở mức bình ổn, không tăng so với mặt bằng giá trên thị trường, mặc dù các nhà cung cấp tăng giá theo từng ngày. Cụ thể: Thịt nạc vai, ba chỉ, thăn: 143.900 đồng/kg; sườn thăn: 162.900 đồng/kg; móng giò: 100.000 đồng/kg…”.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để bảo đảm nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, Hapro đã chủ động đặt hàng sớm với các cơ sở chăn nuôi, thậm chí ứng trước vốn để bảo đảm đủ nguồn cung theo đặt hàng của Hapro.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định, hiện tổng đàn lợn của thành phố là 1,8 triệu con, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Để bù đắp nguồn thịt lợn bị thiếu, Sở đã phối hợp với các địa phương khuyến khích người dân chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc khác trong quy hoạch. Đến nay, đàn gia cầm đạt gần 32 triệu con, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018; đàn trâu, bò là 153.217 con...

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi cũng đang giảm dần ở các địa phương; các trang trại chăn nuôi lớn vẫn duy trì tổng đàn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nên hạn chế được dịch bệnh. Do đó, các cơ quan chức năng vẫn kiểm soát được nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực hiện cấp đông thịt lợn an toàn từ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát (tháng 3/2019) để bảo đảm một phần nguồn cung; chủ động phối hợp với các địa phương khác bổ sung nguồn hàng, đồng thời phát triển các sản phẩm khác như thịt trâu, bò, gia cầm... Hiện, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã xây dựng kế hoạch đa dạng các nguồn cung thịt lợn, kể cả thịt nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm: "Để bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp lớn có phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng. Đặc biệt, Bộ sẽ có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn sau khi cân đối cung - cầu...".

Với diễn biến thị trường như hiện nay, các giải pháp đang thực hiện nhằm bình ổn giá thịt lợn có vai trò rất quan trọng, góp phần ổn định thị trường, tránh tình trạng khan hàng, “sốt giá” ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.

 

Hưng Yên: 100% số xã, phường, thị trấn công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Theo tổng hợp của Chi cục Thú y Hưng Yên, ngày 11/11, 2 xã cuối cùng của tỉnh là Hồng Tiến, Đông Tảo (Khoái Châu) công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ ngày phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trên địa bàn tỉnh (1.2.2019), trên địa bàn tỉnh đã có 151 xã, phường, thị trấn công bố dịch; toàn tỉnh tiêu hủy hơn 197 nghìn con lợn tại hơn 11 nghìn hộ chăn nuôi. Tính đến hết ngày 15.9.2019, trên địa bàn tỉnh không có địa phương nào báo cáo dịch. Như vậy đến thời điểm hiện tại, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

 

Thái Bình: Công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Kiến Xương

90943_huyen_kien_xuong_15737189252.jpg
Người chăn nuôi lợn ở xã Bình Định (Kiến Xương) phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. (Ảnh: Tấn Đạt)
 

Ngày 13/11/2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Kiến Xương kể từ ngày 11/11/2019. Đây là địa phương thứ 3 trong tỉnh sau 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới, không có lợn bị tiêu hủy mới.

Sau khi công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Kiến Xương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của huyện phối hợp cùng các xã, thị trấn tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định. Thực hiện tốt đợt tiêm phòng vụ thu đông trên đàn vật nuôi. Cùng với đó là tăng cường quản lý việc tái đàn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi nhằm nhanh chóng khôi phục chăn nuôi trên địa bàn.

 

Thanh Hóa: Phát triển con nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu của thị trường

Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ con nuôi đặc sản, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư, phát triển mô hình nuôi con đặc sản nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

178d4210706t62001l0.jpg
Đàn lợn rừng được nuôi tại hộ gia đình anh Trịnh Đình Tư, thôn 2, xã Yên Ninh (Yên Định).

 

Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương nổi lên với những mô hình nuôi con đặc sản hiệu quả kinh tế cao, như: Xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) với sản phẩm ba ba, rùa câm; xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) với sản phẩm đà điểu; hàng trăm hộ nông dân ở các huyện Thạch Thành, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa với mô hình nuôi nhím... Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi, việc phát triển con nuôi đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần những loại con nuôi khác. Song, nếu phát triển mô hình nuôi con đặc sản tự phát, không có liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Chính vì vậy, những năm gần đây, cùng với việc phát triển quy mô đàn, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chú trọng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm con nuôi đặc sản.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 xác định con nuôi đặc sản là 1 trong 7 sản phẩm vật nuôi chủ lực của tỉnh, theo đó nhiều địa phương đã xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển con nuôi đặc sản nguồn gốc bản địa, như: Huyện Bá Thước với sản phẩm vịt Cổ Lũng; huyện Như Xuân với sản phẩm vịt bầu Thanh Quân, gà đồi... Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10-2019, đàn lợn cỏ, lợn mán, lợn rừng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 12.300 con; gà ri 486.000 con; đàn vịt Cổ Lũng, vịt bầu, vịt cỏ 47.500 con... và có hơn 1.000 hộ dân được đăng ký cấp phép nuôi các con nuôi đặc sản, như: Ba ba, rùa câm, nhím... với tổng số hơn 20.000 cá thể. Tuy nhiên, một số người dân chưa chú trọng đến liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, để duy trì, bảo tồn nguồn gen của các loại vật nuôi có nguồn gốc bản địa và phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản theo định hướng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, phát triển con nuôi đặc sản quy mô lớn theo định hướng thị trường./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    120 gian hàng là những sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ được giới thiệu, trưng bày tại vườn hoa Tố Hữu thuộc Dải trung tâm TP. Hải Phòng.

  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

Top