Nhờ chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang trồng màu, vụ Tết năm nay hầu hết nông dân sản xuất đều được mùa, trúng giá.
Tết này nông dân Trà Vinh có thêm niềm vui mới vì sản xuất vụ hoa màu trúng mùa, trúng giá. Trong những ngày sum họp đầu xuân, bên tách trà, ly rượu là những câu chuyện về chuyển đổi cây trồng vật nuôi được nông dân bàn rôm rả. Kế hoạch làm ăn này được nông dân bàn tính, bắt tay vào thực hiện trong những tháng đầu, của năm mới.
Cũng như người dân chung quanh, năm nay anh Trần Văn Toàn, ở ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đón xuân trong không khí rộn ràng hơn vì tất cả thành viên đều tề tựu tại gia đình để đón tết. Đã mấy năm nay, tết ở xóm vùng quê Đai Tèn rất vui vì hầu hết mọi người có cuộc sống khá lên nhờ chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang trồng màu. Đặc biệt, vụ màu tết năm nay hầu hết nông dân sản xuất được mùa, trúng giá.
Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đang phát huy hiệu quả. (Ảnh minh họa: KT) |
“Trước đây làm lúa mỗi năm lời được 200.000 đồng, chưa kể chi phí bơm nước. Thu nhập thấp khiến cuộc sống khó khăn, chỉ khi chuyển sang trồng màu, thu nhập tăng lên mới cất được căn nhà. Tết này gia đình sinh hoạt thoải mái, có tiền cho con cái học hành”, anh Toàn chia sẻ.
Ở xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành - vùng căn cứ cách mạng trước đây, nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên đến nay điện, đường đều đến được mọi nhà. Tết năm nay diện mạo vùng quê hoàn toàn thay đổi. Đường giao thông xiên qua vườn dừa, vườn xoài, dọc hai bên đường nhiều căn nhà tường khang trang vừa mới xây, trước là những hàng mai vàng rực rỡ.
Ông Huỳnh Văn Sa, ở ấp Sóc Thác cho biết, bình quân 1 công đất cho thu nhập mỗi năm từ 30 - 50 triệu đồng. Có được như vậy là do bà con tận dụng không gian dưới tán cây ăn trái, chăn nuôi thêm gà thả vườn, Do vậy, thu nhập trên đơn vị diện tích tăng gấp 2 - 3 lần so trước đây. Sản xuất thuận lợi, có nhiều cơ hội làm giàu nên nhà nhà đều tranh đua nhau nâng cao thu nhập.
“Ngày trước gia đình không chăn nuôi, vườn tược chưa cho trái nhiều nên có thể đóng cửa đi chơi, nhưng bây giờ đi đâu cũng tranh thủ vì kinh tế là tranh đua. Những gia đình trồng cam, bưởi, quýt xoài dịp này cũng thu hoạch xuất bán, hết chợ mới được nghỉ”, ông Sa tâm sự.
Ông Võ Văn Thuận, chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay nhờ trình độ canh tác, khả năng ứng khoa học kỹ thuật của nông nâng lên, đặc biệt bà con khá nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường nên phần lớn đều sản xuất có lãi.
Hơn nữa, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang vật nuôi, cây trồng khác trên địa bàn đang phát huy hiệu quả; giá trị sản xuất bình quân mỗi ha đất tăng 1,5 - 3 lần so với trước khi chuyển đổi. Tết này nông dân Trà Vinh có được một cái tết khá sung túc, đầm ấm.
“Xuân Mậu Tuất này tất cả bà con, đặc biệt hội viên nông dân huyện phấn khởi. Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, phát triển nhân rộng mô hình phấn đấu mỗi địa phương có 1 sản phẩm chủ lực có chất lượng càng cao, từ đó nâng cao đời sống nông dân cao hơn so với năm 2017”, ông Thuận cho biết.
Năm mới, nông dân Trà Vinh bàn chuyện làm ăn mới. Câu chuyện chuyển đổi từ mô hình sản xuất độc canh cây lúa sang trồng rau màu và trồng cây ăn trái kết hợp với chăn nuôi gia cầm được nhiều nông dân chọn lựa. Đó là những mô hình sản xuất dự báo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…