Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2022 | 10:57

Nước mắm Hương Biển: Từ truyền thống đến sản phẩm OCOP

Từ sản phẩm nước mắm truyền thống của quê hương vùng biển Hải Phòng, bằng cách làm riêng, giữ nguyên hương vị của nước mắm truyền thống, nước mắm Hương Biển đã dần có mặt trên các gian hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2021, 6 sản phẩm nước mắm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ mắm Hương Biển được công nhận sản phẩm OCOP 3 và 4 sao.

Từ hương vị của biển

Đến huyện đảo Cát Hải, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy hương vị mặn mòi từ cá. Cái nắng, cái gió của biển đã tạo ra nét riêng biệt cho vùng quê, con người nơi đây. Có thể nói, làm mắm là nghề thể hiện đậm nét cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân vùng biển này.

Gặp gỡ và chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, chị Hà Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ mắm Hương Biển (Công ty mắm Hương Biển) cho biết, nước mắm Vạn Vân là thương hiệu nổi tiếng gắn với địa danh Cát Hải và dần người dân cả vùng đảo Cát Hải đã làm nghề mắm, hình thành nghề truyền thống của nhân dân trên huyện đảo của TP. Hải Phòng.

 

hb-1.JPG
Chị Hà Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ mắm Hương Biển giới thiệu sản phẩm nước mắm của công ty với P.V Kinh tế nông thôn.

 

Ngày nay, cũng từ sản phẩm nước mắm truyền thống, nhiều cơ sở đã cho ra mắt dòng sản phẩm riêng, với hương vị và nét đặc trưng của mỗi cơ sở sản xuất và nước mắm Hương Biển cũng vậy, là sự nghiên cứu, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm… tạo nên hương vị riêng của sản phẩm.

Nước mắm Hương Biển được làm ra bởi nguyên liệu chính là cá biển và muối tuy nhiên để ra được các dòng sản phẩm mắm có tên gọi khác nhau đỏi hỏi nhà sản xuất phải có nguyên liệu cá, công thức sản xuất, bí quyết riêng cho từng loại sản phẩm.

Chia sẻ với về nghề làm nước mắm, ông Đậu Văn Hải (tổ dân phố Đông Lương, thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) thành viên tham gia công ty mắm Hương Biển cho biết: “Được kế thừa và và phát huy nghề làm nước mắm của thế hệ đi trước để lại với tôi có lẽ là điều tuyệt vời nhất. Tôi đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm thêm những nguồn nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao, áp dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ vào chế biến, để tạo ra hương vị riêng biệt”.

Theo ông Hải, để cho ra sản phẩm nước mắm thơm ngon, chuẩn vị thì khâu quan trọng nằm ở công thức chế biến gia truyền cùng với nguồn nguyên liệu cá nhâm, cá thu, cá cơm… tươi không sử dụng chất bảo quản, các loại cá này chính vụ ngư dân trực tiếp đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Cá sau khi được đánh bắt, vận chuyển về tiến hành rửa sạch với nước muối, vớt ra, trộn muối và cá theo tỉ lệ nhất định. Sau đó được đưa vào các ang sành hoặc bể chứa. Ban ngày sẽ mở nắp để hứng ánh nắng, tiếp xúc nhiệt độ cao giúp quá trình phân giải cá được diễn ra nhanh hơn và mùi hương của nước mắm sẽ thơm hơn. Tuyệt đối tránh nước mưa. Trong quá trình ủ chượp người công nhân phải canh để cho cá “ăn muối” và đánh quậy đúng thời điểm giúp chượp đạt chất lượng tốt. Sau 12 – 15 tháng chượp chín được chuyển vào các bể để bắt đầu tiến hành tinh lọc mắm cốt. Sau khi lọc và kéo rút nước mắm được kiểm tra về các chỉ tiêu, màu sắc, hương thơm cũng như độ đạm tổng quát sau đó lại được tinh lọc thêm 2 lần nữa mới mang qua đóng chai và hoàn thiện sản phẩm.

Hiện nay, Công ty mắm Hương Biển cho ra mắt thị trường 11 dòng sản phẩm, nước mắm có màu cánh gián, độ mặn vừa phải, hương thơm vị tự nhiên. Giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều các chất vitamin và các chất muối khoáng rất có lợi cho sức khỏe.

 

hb-3.JPG
Quy trình đóng gói nước mắm Hương Biển được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 

Đến sản phẩm OCOP

Năm 2021, UBND TP. Hải Phòng đã công nhận 6 sản phẩm nước mắm Hương Biển đạt chứng nhận 3 và 4 sao (trong đó, các sản phẩm 4 sao gồm: nước mắm chắt cá cơm, mước mắm chắt đại gia, nước mắm cốt dinh dưỡng cho bé. Sản phẩm 3 sao gồm: nước mắm chắt cá thu, nước mắm chắt cá nhâm, nước mắm mười). Các sản phẩm nước mắm Hương Biển được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đây được xem bước thúc đẩy phát triển của thương hiệu.

Theo chị Hà Thị Liên, nghề sản xuất nước mắm thật sự rất vất vả, đòi hỏi người làm phải tâm huyết, tỉ mỉ cộng với kinh nghiệm trong sản xuất mới tạo nên sản phẩm chất lượng. Khi sản phẩm nước mắm của công ty được xếp hạng sản phẩm OCOP cũng là điều kiện để minh chứng cho chất lượng nước mắm Hương Biển. Đồng thời, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng, độ sạch, ngon của sản phẩm.

Với chiến lược kinh doanh hợp lý, trung bình mỗi năm công ty nước mắm Hương Biển cung cấp ra thị trường từ 15.000 – 20.000/lít mắm các loại. Cung cấp cho 3 nhà phân phối chính như ở Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng; Hải Dương; Thái Bình. Cùng với đó là nhiều đại lý lớn nhỏ trên cả nước bán, trưng bày sản phẩm nước mắm Hương Biển. Sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và ngày càng được nhiều người biết đến.

 

hb-6.jpg
Cơ sở của công ty nước mắm Hương Biển còn là nơi trải nghiệm thực tế cho các em học sinh để gìn giữ, nét văn hóa của người dân vùng biển Hải Phòng.

 

Định hướng về mục tiêu phát triển sản phẩm nước mắm của công ty, chị Hà Thị Liên cho biết: Công ty sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những sản phẩm tốt nhất phục vụ khách hàng và hướng tới sản phẩm xuất khẩu. Huyện đảo Cát Hải hội đủ những ưu thế mà thiên nhiên ban tặng như núi, rừng, biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di tích đặc biệt cấp quốc gia. Nơi đây thu hút khách du lịch đổ về thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải. Nhận thấy tiềm năng đó, công ty xây dựng cửa hàng trưng bày các sản phẩm của công ty, khách du lịch, học sinh, người dân… có thể đến thăm, trực tiếp tham gia trải nghiệm vào quy trình sản xuất mắm, quy trình đóng gói, nếm thử hương vị để cảm nhận sự thanh, ngọt của mắm Hương Biển.

Để nâng cao doanh số bán hàng, công ty cũng đang đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh thông qua sản thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Đặc biệt là thông qua cơ quan ngôn luận, báo chí truyền thông, giúp quảng bá hình ảnh nước mắm, để sản phẩm của công ty đến gần hơn với thị hiếu người tiêu dùng.

 

Phạm Trang - Trung Kiên
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top