Thời gian qua, quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank), các chi nhánh Agribank trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã tích cực triển khai chương trình cho vay tái canh cà phê, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Hơn 5.000 khách hàng được tiếp cận vốn vay để tái canh cà phê với tổng diện tích hơn 9.000ha, dư nợ 679 tỷ đồng.
Hơn 5.000 khách hàng được tiếp cận vốn vay
Tây Nguyên là vùng trọng điểm cà phê của cả nước, do vậy, Agribank đã dành nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư cho lĩnh vực này. Tháng 5/2015, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015, triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên và Agribank được chỉ định là ngân hàng duy nhất thực hiện chương trình này.
Ngày 5/6/2015, Agribank đã ban hành văn bản triển khai cho vay tái canh cà phê trong hệ thống Agribank. Đến ngày 30/6/2017, Agribank đã cho 5.076 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, 14 khách hành là tổ chức, doanh nghiệp vay tái canh với tổng diện tích 9.160ha, tổng số dư nợ 679 tỷ đồng.
Điểm sáng trong tái canh cây cà phê giai đoạn 2013 - 2017 trên địa bàn Tây Nguyên là tỉnh Lâm Đồng với dư nợ 519,7 tỷ đồng và 4.546 khách hàng còn dư nợ. Đạt được kết quả đó nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, Agribank Chi nhánh Lâm Đồng thực hiện “Phê duyệt Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015”, cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quy trình, định mức tái canh cà phê.
Trong năm 2017, Agribank dành 10.000 tỷ đồng cho vay các chương trình dự án đáp ứng đủ điều kiện của khu vực Tây Nguyên, trong đó có cho vay cà phê và trồng tái canh cây cà phê.
Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2013 -2020, Lâm Đồng có khoảng 50.650ha cà phê cần tái canh (chiếm 30% tổng diện tích). Để thực hiện được việc này, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê theo Quyết định số 872/QĐ-UBND ngày 9/5/2013 của UBND tỉnh với mục tiêu trồng tái canh, ghép cải tạo, trồng mới khoảng 23.000ha cà phê; nâng năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 2,8-3 tấn/ha vào năm 2015.
Trước yêu cầu nguồn vốn tín dụng phục vụ cho kế hoạch khá lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Chủ tịch HĐTV Agribank ký biên bản ghi nhớ về việc tài trợ vốn đầu tư tái canh diện tích cà phê già cỗi với gói tín dụng 2.800 tỷ đồng, đây là cơ hội cho ngành cà phê Lâm Đồng có điều kiện phát triển bền vững.
Cũng theo ông Phạm S, tính đến ngày 30/9/2017, Lâm Đồng đã thực hiện tái canh được 45.075ha càphê, đạt 196% kế hoạch giai đoạn 2010-2015 và đạt 69,7% giai đoạn 2015-2020. Nguồn vốn vay Agribank Chi nhánh Lâm Đồng và Agribank Chi nhánh Nam Lâm Đồng đạt 924,911 tỷ đồng, cho 16.138 hộ để thực hiện tái canh 22.639ha. Kết quả thực hiện chương trình chiếm 65% diện tích tái canh và chiếm 83% nguồn vốn tín dụng tái canh so với các tỉnh Tây Nguyên.
Ông Phạm S nhấn mạnh, điều đáng ghi nhận là, tác động của chương trình tái canh cà phê trong thời gian qua đã góp phần phát triển cà phê bền vững, sản lượng cà phê sản xuất theo chứng nhận tăng cao, chất lượng cà phê cải thiện đáng kể; nhiều hộ ở vùng nông thôn có thu nhập và chất lượng sống được nâng cao. Người dân sẵn sàng chia sẻ nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.
Còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, quán triệt chỉ đạo của Agribank, các chi nhánh Agribank trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã tích cực triển khai chương trình cho vay tái canh cà phê nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, thời tiết khắc nhiệt, hạn hán nhiều, dẫn tới sản lượng cà phê thấp, chất lượng cà phê không cao, dẫn tới người trồng, kinh doanh thua lỗ. Nông dân cũng như cán bộ ở một số địa phương không hiểu đúng bản chất của việc tái canh nên đã triển khai và thực hiện sai với hướng dẫn do công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức.
Việc tái canh cà phê cần vốn đầu tư lớn (hơn 300 triệu đồng/ha/3 năm), những tài sản trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu dẫn tới xác định giá trị tài sản đảm bảo thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó. Mức cho vay tối đa tái canh cà phê theo quy định 150 triệu đồng/ha đối với trồng tái canh và 80 triệu đồng/ha đối với cải tạo là tương đối thấp so với thực tế. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất của người trồng cà phê còn hạn chế, năng suất thấp, trong khi thời gian tái canh dài lại gặp nhiều rủi ro.
Chính sách hỗ trợ giống tái cạnh của một số địa phương cũng khác nhau, có nơi hỗ trợ 50%, có nơi hỗ trợ 100% nên gây tâm lý chưa tin tưởng vào giống được cấp. Giá cà phê gần đây lên xuống thất thường ảnh hưởng tới thu nhập và tâm lý của người dân. Trong khi nhiều cây trồng khác như: hồ tiêu, bơ, sầu riêng có giá trị kinh tế cao dẫn tới hiện tượng một số nơi, một số người chặt cà phê để trồng cây khác.
Việt Nam là nước có sản lượng cà phê Robusta đứng hàng đầu thế giới nhưng chủ yếu là xuất thô nên giá trị không cao, phụ thuộc vào các nhà rang xay lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, người trồng cà phê còn bị thương lái, doanh nghiệp trong nước ép giá khi vào vụ thu hoạch.
Trước khó khăn trên, Agribank đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép bổ sung thêm ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia vào chương trình tái canh cà phê để các tổ chức tín dụng chia sẻ gánh nặng và người dân có thêm cơ hội lựa chọn, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn vay thuận lợi.
Hiện, mức cho vay của chương trình thấp hơn nhiều so với mức cho vay của dự án VnSAT và Woldbank, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét tăng định mức cho vay cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có chính sách hỗ trợ giống cà phê để người dân mạnh dạn tái canh. Đối với chính quyền địa phương, cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất để người dân có thể vay vốn với hạn mức cao hơn….
Hoàng Văn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…