Ngành nông nghiệp các địa phương tích cực thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là thu hút DN đầu tư, phát triển hàng nông sản chủ lực, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản.
Hưng Yên: Tạo tiền đề thu hút DN đầu tư phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững
Năm 2022, huyện Khoái Châu phấn đấu đàn vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định, an toàn trước dịch bệnh. Trong đó, duy trì đàn lợn đạt khoảng 90 nghìn con, đàn gia cầm đạt trên 1,3 triệu con, đàn trâu, bò đạt trên 2,5 nghìn con, duy trì ổn định trên 800 ha mặt nước nuôi thả thủy sản.
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn, các địa phương tăng cường kiểm tra, bám sát địa bàn để đôn đốc các cá nhân, tổ chức thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y chấp hành nghiêm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm…
Huyện có kế hoạch tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng chăn nuôi tại các xã, thị trấn để xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn phù hợp với thực tiễn và bảo đảm theo quy định của Luật Chăn nuôi. Bổ sung quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch về chăn nuôi quy mô tập trung; phát triển các đối tượng nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuyên truyền các hộ dân di dời mô hình chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra vùng quy hoạch. Anh Nguyễn Quang Tâm, thôn Cốc Phong, xã Chí Tân (Khoái Châu) cho biết: Gia đình tôi nuôi trên 40 con bò theo hình thức nuôi nhốt. Trong quá trình nuôi, gia đình tôi chú trọng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu chuồng nuôi. Cùng với đó, nhờ thực hiện biện pháp chăn nuôi xa khu dân cư nên đàn bò của gia đình tôi phát triển ổn định.
Thời gian qua, huyện khuyến khích các hộ chăn nuôi tập trung phát triển sản xuất những sản phẩm thế mạnh của địa phương để tạo vùng nguyên liệu, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi trên địa bàn huyện từ sản xuất con giống đến sản xuất thức ăn chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung...
Anh Giang Tuấn Vũ, thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo (Khoái Châu) cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, gia đình tôi áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, chuồng trại khép kín giúp kiểm soát dịch bệnh tốt, giảm chi phí sản xuất… Hiện nay, bên cạnh việc sản xuất, gia đình tôi còn có cơ sở chế biến và bày bán các sản phẩm từ lợn và gà như: Ruốc thịt, giò lụa, giò xào gà Đông Tảo, giò lụa gà Đông Tảo… Thời gian tới, gia đình tôi có kế hoạch mở rộng sản xuất chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tìm kiếm đối tác đầu tư nhằm đa dạng các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, đa dạng kênh bán để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Đồng chí Lưu Quang Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Để hoàn thành và vượt kế hoạch chăn nuôi năm 2022 đề ra, phòng chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường quản lý chặt chẽ việc kinh doanh giống trên địa bàn, siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống, bảo đảm các hộ dân trên địa bàn sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không mang mầm bệnh.
Cùng với đó, phòng cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, giai đoạn nuôi, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất cấm trong chăn nuôi, ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất kháng sinh trong quá trình nuôi…
Vĩnh Phúc: Nỗ lực xây dựng ngành “công nghiệp thiên nhiên”, tạo chỗ đứng cho sản phẩm mật ong
Có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh nhiều năm nay, thương hiệu mật ong của Công ty TNHH Ong Việt ở Tổ dân phố Trại Dật, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận. Từ đó, không chỉ nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng ngành “công nghiệp thiên nhiên” mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các loại cây trồng có hoa và môi trường sinh thái.
Công ty TNHH Ong Việt được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012, trải qua 10 năm, công ty ngày càng tạo được chỗ đứng trên thị trường nhờ các sản phẩm mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, mật ong sữa chúa...
Với mong muốn đem lại những sản phẩm được chế biến từ mật ong đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn chất lượng VSATTP, công ty đã xây dựng hệ thống nhà xưởng khang trang, hiện đại với tổng diện tích lên tới 3.000 m2.
Đồng thời, đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ, sản xuất theo quy trình khép kín, gồm: Máy chiết rót 2 vòi bán tự động, máy in phun cầm tay, máy bơm màng khí nén, 4 bể inox sus 304.
Không dừng lại ở đó, công ty còn ứng dụng phương pháp nuôi ong theo thùng kế với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp nuôi ong ở thùng đơn truyền thống. Với phương pháp này, đàn ong lớn nhanh, khỏe mạnh, không nhiễm bệnh ấu trùng và ve ký sinh nên năng suất mật cao.
Đặc biệt, tới khi thu hoạch mật, người nuôi chỉ cần lấy các cầu mật ở tầng kế ra mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động đẻ trứng của ong chúa và nuôi dưỡng ấu trùng của ong thợ ở tầng trệt. Nhờ đó, mật ong tạo ra đạt chất lượng cao, thơm ngon hơn phương pháp nuôi ong truyền thống.
Đến nay, công ty có hơn 20.000 đàn ong ngoại và ong nội, giao cho hơn 45 đội nuôi ong quản lý, di chuyển đi khắp các tỉnh trong cả nước nhằm tìm kiếm nguồn mật, nguồn hoa có giá trị như hoa vải, hoa nhãn, hoa bạc hà, hoa dược liệu quý… ở các vùng rừng núi thuộc các địa phương như Lục Ngạn (Bắc Giang), Mộc Châu, Sông Mã (Sơn La), Hàm Yên (Tuyên Quang),…
Từng là hộ cơ sở có kinh nghiệm nuôi ong lấy mật làm sinh kế gần 20 năm tại địa phương, trước khi khi thành lập doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm được chế biến từ mật ong, anh Nguyễn Văn La, Giám đốc Công ty TNHH Ong Việt cho biết: “Để có được sản phẩm mật ong chất lượng, sản lượng tăng lên theo hàng năm, được người tiêu dùng đánh giá tốt, vấn đề cốt lõi nhất ở đây là phải có vùng nguyên liệu tốt.
Chính vì thế, công ty đã và đang xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm đạt chất lượng mật ong sánh vàng, ngọt, thơm mùi đặc trưng”.
Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Ong Việt tiêu thụ lên 60.000 lít/năm, giúp công ty đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thị trường trong nước, công ty đang nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tiến, ở Tổ dân phố Trại Dật, thị trấn Đạo Đức, khách hàng thường xuyên sử dụng sản phẩm mật ong nguyên chất của Công ty TNHH Ong Việt cho biết: “Nhờ thường xuyên sử dụng sản phẩm mật ong nguyên chất mang thương hiệu Ong Việt kết hợp với tinh bột nghệ mà bệnh dạ dày của tôi khỏi hẳn, không còn khó chịu như trước.
Không chỉ sử dụng mật ong cho bản thân, tôi còn khuyến khích các thành viên trong gia đình sử dụng mật ong nguyên chất và các sản phẩm được chế biến từ mật ong thường xuyên để giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì...”.
Xác định mật ong là thực phẩm vàng của thiên nhiên, chứa đựng những giá trị to lớn đối với sức khỏe, giúp cải thiện cuộc sống con người tốt hơn, trong thời gian tới, công ty định hướng sản xuất đa dạng hoá sản phẩm được chế biến từ mật ong; tiếp tục tham gia các triển lãm, hội chợ, sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm nông nghiệp - nông thôn để tận dụng cơ hội phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ…
Đặc biệt, hoàn thiện thủ tục, giấy tờ hợp lệ để nộp hồ sơ tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với mong muốn nâng tầm sản phẩm và xây dựng mật ong trở thành một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh, hòa nhập thị trường với các thông số, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn rõ r
Nói về triển vọng để các sản phẩm chế biến từ mật ong nguyên chất của Công ty TNHH Ong Việt trở thành sản phẩm OCOP địa phương, ông Nguyễn Công Huân, Chủ tịch UBND thị trấn Đạo Đức cho biết: “Sản phẩm được chế biến từ mật ong mang thương hiệu Ong Việt rất phù hợp để trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Tuy nhiên, để được công nhận là sản phẩm OCOP địa phương, chặng đường phía trước của DN sẽ còn không ít khó khăn. Chính quyền địa phương sẵn sàng hỗ trợ đơn vị chuẩn bị các điều kiện cầu thiết để tham gia chương trình cũng như hỗ trợ DN trong việc đăng ký nhãn hiệu, làm tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…”.
Thanh Hóa: Thu hút doanh nghiệp phát triển sản phẩm nông sản chủ lực
Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động rà roát, đề xuất 12 sản phẩm nông sản nằm trong danh mục sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh và quốc gia. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã và đang vận dụng các cơ chế, chính sách để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là thu hút DN đầu tư, phát triển hàng nông sản chủ lực, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản trên địa bàn.
Tháng 8/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2961/QĐ-UBND về Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 12 sản phẩm chủ lực; trong đó, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và 6 sản phẩm không nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Sau khi UBND tỉnh ban hành danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện Yên Định đã rà soát các sản phẩm có thế mạnh của địa phương để thực hiện các giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực theo đúng lộ trình.
Qua đó, huyện có 8 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực, là: lúa gạo, rau, quả, bò sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, mía đường, cây thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, UBND huyện đã vận dụng và xây dựng những cơ chế, chính sách để khuyến khích sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy sản phẩm chủ lực. Như, tăng cường liên kết sản xuất, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn với sản phẩm ngành trồng trọt; khuyến khích phát triển trang trại tập trung quy mô lớn với các sản phẩm thuộc ngành chăn nuôi và giao các HTX tìm kiếm DN tiêu thụ sản phẩm chủ lực...
Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành được hơn 9.000 ha/vụ lúa, 4.000 ha/năm với sản phẩm rau màu, 40 trang trại chăn nuôi lợn, 62 trang trại chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn và đàn bò sữa đạt 7.497 con, sản lượng sữa đạt 36.000 tấn/năm... Tuy có sự hỗ trợ, đồng hành tích cực từ địa phương song trên thực tế, trên địa bàn huyện mới thu hút được khoảng 60 DN liên kết phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhưng chưa thu hút được DN đầu tư chế biến sâu.
Tại huyện Thọ Xuân, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích cầu đã thu hút được 12 DN đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, như: rau, củ, quả, bò thịt, bò sữa... Anh Lê Văn Hiên, Phó Giám đốc Công ty Phát triển giống và Chăn nuôi Thọ Xuân, thị trấn Thọ Xuân, cho biết: Hiện nay, công ty đang duy trì, phát triển một số sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: bò lấy thịt, cây thức ăn chăn nuôi, bê sữa giống. Nhờ được hỗ trợ về mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ đối với đơn vị thực hiện liên kết sản xuất... nên công ty có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh thu bình quân hằng năm đạt từ 12 tỷ đồng/năm trở lên. Đồng thời, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho hàng nông sản chủ lực của địa phương.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã thu hút được 989 DN đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có nhiều DN lựa chọn phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: Công ty TH true milk, Tập đoàn Vinamilk đầu tư phát triển trang trại bò sữa và liên kết tiêu thụ cây thức ăn chăn nuôi tại các huyện Yên Định, Như Thanh, Thọ Xuân, Nông Cống; Công ty CP Sao Khuê tham gia liên kết, chế biến lúa gạo thương phẩm; hàng chục DN liên kết sản xuất, phát triển chuỗi sản xuất thịt lợn, thịt, trứng gia cầm... tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các HTX, hộ nông dân.
Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, các cơ sở, DN tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp đã được hỗ trợ từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm... nâng tầm nông sản chủ lực, góp phần hình thành được 108 sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm từ những sản phẩm nông sản chủ lực, như: rau, quả, các sản phẩm hải sản khai thác xa bờ, thịt, trứng gia cầm...
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xác định danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là hướng đi đúng trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm nông nghiệp chủ lực nói riêng, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đồng hành cùng DN, HTX, nông dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, bằng các hoạt động cụ thể, như: xây dựng vùng nông sản chất lượng, an toàn; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP; xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại, chế biến sâu; tiếp tục hỗ trợ HTX nông nghiệp, thu hút DN lớn đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, qua đó quảng bá các sản phẩm nông sản đến các tỉnh, thành phố trong cả nước./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…