Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 3 năm 2022 | 12:10

Tây Bắc phát huy lợi thế phát triển cây ăn quả

Những năm gần đây, cây ăn quả ở miền núi phía Bắc phát triển mạnh không chỉ mở rộng về diện tích mà dần hình thành các vùng chuyên canh, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Điện Biên: Cây ăn quả tăng thu nhập cho người dân

Có điều kiện thuận lợi về đất đai, thủy lợi, khí hậu nhiệt đới đặc trưng vùng núi Tây Bắc, giao thông thuận lợi… nên huyện Điện Biên có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh. Hiện nay toàn huyện có tổng diện tích cây ăn quả 1.185ha, chủ yếu là: Nhãn, vải, cây có múi (bưởi, cam), mít, xoài, thanh long, vú sữa, dứa, ổi, chuối… Trong đó có khoảng trên 200ha trồng tập trung theo quy mô trang trại, hiệu quả kinh tế cao như: Bưởi da xanh, bưởi Diễn (Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Chăn, Thanh Yên, Sam Mứn) với diện tích trên 60ha; dứa (Mường Nhà) 54ha; vú sữa (Thanh Hưng, Thanh Luông) 22,5ha; thanh long (Thanh Xương) 21ha…

 

dien-bien.jpg

Người dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chăm sóc vườn thanh long.

 

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Thời gian tới, để phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện đã và đang từng bước triển khai phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực, đặc trưng như: Mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh tại các xã lòng chảo lên hơn 80ha; mở rộng diện tích vùng trồng dứa tập trung Pu Lau - Mường Nhà trên 70ha; mở rộng diện tích trồng cây bơ tại xã Núa Ngam… Đồng thời phối hợp với các đơn vị có năng lực như: Công ty Rau quả Miền Bắc, Công ty Chế biến hoa quả Đồng Giao… thực hiện liên kết từ vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung và bền vững. Lộ trình giai đoạn 2021 - 2025 huyện dự kiến xây dựng trên 500ha cây ăn quả theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Mường Ảng là huyện có 95,28% diện tích là đất nông nghiệp, có khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng thích hợp để phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Do đó, bên cạnh phát triển cây trồng chủ lực là cà phê, từ năm 2018 đến nay huyện Mường Ảng đã tiến hành chuyển đổi một phần diện tích đất nương, vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam và chanh leo. Hiện nay toàn huyện có gần 400ha cây ăn quả; trong đó có 250ha được sản xuất liên kết theo chuỗi.

Qua đánh giá ban đầu, những diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch đều mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Đã có một số doanh nghiệp như: Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà với quy mô đầu tư phát triển cây ăn quả công nghệ cao trên 200ha; Công ty TNHH xây dựng Bùi Gia Phát đang trong quá trình khảo sát, tích tụ đất đầu tư dự án trồng cây ăn quả tại 4 xã: Búng Lao, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Mường Lạn với diện tích 1.500ha… Mục tiêu đến năm 2025 huyện Mường Ảng phấn đấu có 600ha cây ăn quả các loại.

Năm 2021, tỉnh có 3.036ha cây ăn quả, diện tích cho thu hoạch là 1.945ha, sản lượng ước đạt 19.905 tấn. Cây ăn quả đã góp phần tăng thu nhập cho người dân song hiện nay diện tích vẫn chủ yếu là trồng phân tán trong vườn của các hộ gia đình (chiếm 73,6% tổng diện tích). Diện tích còn lại được hợp tác xã, doanh nghiệp trồng tập trung, quan tâm đầu tư chăm sóc nên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Một hạn chế trong phát triển cây ăn quả là sản phẩm chủ yếu được sử dụng dưới dạng quả tươi, chưa được chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Mặc dù hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số liên kết sản xuất, bao tiêu quả tươi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân (xoài, bưởi, dứa) song còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của địa phương.

Cây ăn quả ôn đới trên đất Giang Ma

Tận dụng khí hậu quanh năm mát mẻ, diện tích đất nông nghiệp rộng, những năm qua xã Giang Ma (Tam Đường, Lai Châu) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển cây ăn quả ôn đới. Các loại cây như: đào chín sớm, mận, lê... trên đất Giang Ma sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trên địa bàn.

 

lai-chau.jpg

Người dân bản Giang Ma (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) chăm sóc cây ăn quả ôn đới. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Anh Ma A Tủa - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma cho biết: “Xã Giang Ma có 106ha cây ăn quả, trong đó có 71ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 415,28 tấn. Cây ăn quả ôn đới chủ yếu là đào chín sớm, mận, lê… tập trung tại các bản: Giang Ma, Sử Thàng, Xin Chải… Để cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt, xã chỉ đạo cán bộ trực tiếp xuống các bản hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản. Sau nhiều năm bén rễ, cây ăn quả ôn đới đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập”.

Đào chín sớm được xã đưa vào trồng từ năm 2010, cây đào phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản nên được người dân trên địa bàn trồng phổ biến. Ông Giàng A Vảng (bản Giang Ma) phấn khởi chia sẻ: “Năm 2010, gia đình tôi trồng hơn 30 gốc đào chín sớm, đến năm thứ 2 đã cho thu hoạch. Để tiết kiệm chi phí mua phân bón, gia đình tôi sử dụng phân chuồng để bón cho cây, nhờ đó cây sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 1 tấn quả, bán ra thị trường với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Trồng đào không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, trồng ngô. Thời điểm này, đào đang ra hoa, các thành viên trong gia đình đang tích cực làm cỏ, bón phân để cây nuôi quả, hứa hẹn một vụ đào bội thu”.

Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp tại xã Giang Ma nhỏ lẻ, manh mún, trình độ canh tác còn lạc hậu, năng suất các loại cây trồng còn thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhờ triển khai trồng cây ăn quả ôn đới đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, người dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng ngày một tăng cao, đem lại thu nhập ổn định.

Anh Giàng A Dũng ở bản Giang Ma là một trong những gia đình có diện tích cây ăn quả khá lớn, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Anh Dũng vui mừng nói: “Được xã định hướng trồng cây ăn quả ôn đới để phát triển kinh tế, năm 2010 gia đình tôi bắt đầu trồng hơn 10 cây đào. Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả ôn đới mang lại, những năm gần đây gia đình tôi tích cực mở rộng diện tích. Đến nay, nhà tôi có 200 cây đào, lê, trừ chi phí mỗi năm thu được hơn 30 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đã khấm khá hơn”.

Lào Cai mở rộng 280 ha dứa trong năm 2022

Dứa là một trong những cây hàng hóa chủ lực theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo kế hoạch phát triển, trong năm 2022, người dân các địa phương Mường Khương và Bảo Thắng sẽ mở rộng thêm 280 ha dứa.

 

dua-lc.jpg

Nông dân xã Bản Lầu (Mường Khương) trồng dứa vụ mới. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Theo kế hoạch, năm 2022 toàn tỉnh sẽ có 1.900 ha cây dứa, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Mường Khương và Bảo Thắng. Hiện nay, tổng diện tích dứa toàn tỉnh có hơn 1.600 ha dứa. Trong năm 2022, người dân huyện Mường Khương sẽ mở rộng thêm 200 ha, Bảo Thắng thêm 80 ha.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ yếu sử dụng các giống dứa Queen, Cayen. Người dân cũng bắt đầu chuyển đổi, đưa giống dứa mới như MD2, H180 và một số giống dứa khác để khai thác sản phẩm phục vụ cho công nghệ chế biến.

Sang tháng 3, người dân các địa phương bắt đầu vào vụ trồng dứa đầu tiên của năm 2022. Nguồn dứa giống hiện nay chủ yếu do người dân chủ động để giống, khai thác cây con từ những nương dứa đã cho thu hoạch từ giữa năm 2021.

Người dân có thể trồng dứa theo 3 vụ chính.  Vụ 1: Trồng vào thời điểm tháng 3, 4, 5 dương lịch; thời gian thu hoạch tháng 5 đến cuối tháng 6 năm sau; Vụ 2: Trồng vào thời điểm cuối tháng 7, tháng 8, 9; thời gian thu hoạch tháng 10 đến tháng 12 năm sau; Vụ 3: Trồng vào thời điểm tháng 10 và tháng 11 dương lịch; thu hoạch tháng 3 đến tháng 4 năm sau.

Văn Chấn đưa cây ăn quả trở thành cây mũi nhọn

 

yen-bai.jpg

Nông dân huyện Văn Chấn chăm sóc cam. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Từ năm 2022, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đẩy mạnh việc đầu tư có chiều sâu để củng cố, đưa cây ăn quả trở thành một ngành hàng quan trọng trong cơ cấu hàng hóa nông nghiệp của huyện có đủ các điều kiện về quy mô diện tích, chất và lượng ổn định bền vững để cạnh tranh chiếm lĩnh trên thị trường.

Nhận thấy trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế, thị trấn Sơn Thịnh đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất dốc, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hộ; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; sản xuất sạch, an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Từ trồng rải rác, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu trong gia đình là chính, đến nay, thị trấn Sơn Thịnh đã hình thành được vùng cây ăn quả với tổng diện tích trên 200 ha với các loại cây chủ yếu như: 119 ha nhãn, 15 ha vải, gần 40 ha cam, bưởi… mang lại thu nhập cho nhiều nông dân. Gia đình bà Hoàng Thị Mai ở tổ dân phố Hồng Sơn có trên 3.000 m2 trồng cam, bưởi và 2.000 m2 trồng nhãn ghép, song đã cho thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm. 

Bà Mai cho biết: "Từ năm 2013, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển phần đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng nhãn. Đồng thời, thường xuyên bón phân, làm đất, cải tạo lại vườn trồng cây ăn quả. Được chăm sóc cẩn thận nên sau 3 năm, nhãn đã cho thu quả và vụ vừa qua gia đình tôi thu hoạch trên 4 tấn với giá bán ổn định 26.000 - 30.000 đồng/kg; cam, bưởi cũng cho thu gần 5 tấn”. 

Cùng với thị trấn Sơn Thịnh, huyện cũng đã bước đầu hình thành được các vùng sản xuất mang tính đặc thù như: cây cam tập trung chủ yếu tại các xã vùng ngoài; cây nhãn tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn: Liên Sơn, Sơn Thịnh, Sơn Lương; cây lê là sản phẩm đặc thù của một số xã vùng cao thượng huyện; cây na được trồng tập trung tại một số xã như: Suối Bu, Cát Thịnh, Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh... 

Trong những năm qua, huyện Văn Chấn luôn quan tâm, tạo điều kiện cung cấp giống, vốn cho nhân dân phát triển cây ăn quả, góp phần nâng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên gần 2.800 ha. Một số địa phương đã sử dụng giống cây ăn quả tiến bộ, khả năng chống chịu sâu bệnh, chín trái vụ, giống có năng suất, chất lượng cao vào trồng như: giống cam Đường canh, V2, CS1; giống nhãn chín sớm... đã cho thu nhập cao, ổn định. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế trong đầu tư sản xuất cây ăn quả ngày càng được nâng cao, thu nhập trung bình đạt 35 - 40 triệu đồng/ha. 

Để tiếp tục hình thành và nâng cao chất lượng các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cuối năm 2021, huyện Văn Chấn đã xây dựng Đề án "Phát triển cây ăn quả huyện Văn Chấn, giai đoạn 2021 - 2025". 

Theo Đề án, huyện sẽ hỗ trợ 70% giá giống để tiến hành các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để trồng mới, trồng thay thế, ghép cải tạo 195 ha cây ăn quả gồm: cam, nhãn, lê, hồng; phấn đấu đến năm 2025 có tổng quy mô diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt trên 3.300 ha, sản lượng đạt 45.000 tấn. 

Đối với cây ăn quả quy hoạch trong đề án, mục tiêu đến năm 2025 có quy mô diện tích đạt trên 2.500 ha, sản lượng đạt 35.000 tấn; đảm bảo năng suất tăng từ 1,2 đến 2 lần so với hiện nay, đáp ứng nhu cầu quả của thị trường trong huyện, tỉnh và bán ra ngoài tỉnh. 

Huyện cũng tiến hành quy hoạch, xác định vùng trồng; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cây ăn quả; bố trí 1 ha đất tại thị trấn Nông trường Trần Phú để làm vườn ươm cung cấp các giống cây trồng sạch bệnh, kịp thời cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo hệ thống khuyến nông cơ sở tổ chức tập huấn kỹ thuật nhằm kịp thời chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất ngay từ các khâu chọn giống, trồng, chăm sóc thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh...

Hòa Bình trồng cây ăn quả hữu cơ, theo đuổi giá trị bền vững

Theo những người tạo lập trang trại Organic Hopefarm, địa điểm tại thung Cha, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc), cái tên Organic Hopefarm mang ý nghĩa niềm hy vọng. Niềm hy vọng được gửi gắm vào đây là cho sức khỏe con người, cho sự phát triển hệ sinh thái bền vững và giá trị lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, để người sử dụng sản phẩm không còn phải băn khoăn, lo lắng.

 

hb.jpg

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm organic tại trang trại hữu cơ thung Cha, xã Mỹ Hoà (Tân Lạc).

 

Các thành viên của HTX Organic Hopefarm vừa vui mừng đón chứng nhận khẳng định sản phẩm quả có múi được sản xuất, ghi nhãn phù hợp tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-2:2017. Ngược dòng thời gian 6 năm về trước, hình thành ý tưởng giữa bối cảnh cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc đã có thương hiệu và đang chiếm lĩnh thị trường, các thành viên HTX đã ngồi lại bàn thảo, đồng thời xác định chỉ có chọn hướng đi khác biệt, đeo đuổi giá trị bền vững, vì cộng đồng xã hội mới có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Để đạt được thành quả hôm nay, các thành viên phải rất tâm huyết, kiên trì, bền bỉ với niềm tin những nỗ lực sẽ "đơm hoa, kết trái”.

Trên trang trại bạt ngàn rộng tới 22 ha, HTX đã quy hoạch toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả có múi. Các chủng loại được trồng tập trung, gồm: Cam Valencia, cam bóc, quýt đường, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Phúc Kiến và bưởi đỏ Tân Lạc. Trong đó, diện tích trồng bưởi đạt 15 ha, các loại cam, quýt 7 ha. Ông Bùi Văn Thi, Giám đốc HTX chia sẻ: Trong suốt thời kỳ gây dựng, từ khi kiến thiết đến lúc thu được sản phẩm năm đầu, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là đơn vị đồng hành, sát cánh với vai trò "cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn quy trình sản xuất. Áp lực lớn mà canh tác nông nghiệp hữu cơ phải đối mặt là sâu bệnh hại, nhất là trong những năm đầu. Để xây dựng vườn cây ăn qủa có múi đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của sản xuất hữu cơ, HTX chỉ sử dụng phân bón hữu cơ đã hoai mục kết hợp chế phẩm vi sinh có tác dụng kháng các đối tượng sâu bệnh hại, đồng thời giúp cân bằng hệ vi sinh vật trong vườn. Từ năm thứ hai canh tác, kết quả của việc áp dụng quy trình sản xuất ngày một rõ hơn, áp lực sâu bệnh hại theo đó cũng ngày một giảm đi.

Niên vụ cam, quýt 2021 - 2022, 3 trong 7 sản phẩm quả có múi của HTX Organic Hopefarm đã bước vào thời kỳ kinh doanh, gồm cam bóc, quýt đường và bưởi đỏ Tân Lạc. Dự kiến những niên vụ tiếp theo, sản lượng cam, bưởi hữu cơ của nhà vườn sẽ đạt khoảng 200 tấn. Nhờ không ngừng học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp HTX hạn chế những khó khăn, đồng thời nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cải thiện hơn về năng suất và duy trì vườn cây có múi hữu cơ. Đặc biệt, với việc đáp ứng xuất sắc các yêu cầu chuẩn mực của tiêu chuẩn cũng như hoàn thành các chính sách, thủ tục cuối cùng, chất lượng sản phẩm quả có múi hữu cơ của HTX được đánh giá cao và khẳng định. Ngoài 4 nguyên tắc về hữu cơ (cân bằng, sức khoẻ, sinh thái, cẩn trọng), sản phẩm đã được tổ chức thứ 3, độc lập cấp chứng nhận là sản phẩm phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm hiện tại, đây là trang trại quả có múi thứ hai của tỉnh được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Với quy mô lớn và những kết quả bước đầu, HTX Organic Hopefarm sẽ góp phần thúc đẩy thương hiệu cây ăn quả có múi của địa phương, gia tăng giá trị lan toả và niềm tin của người tiêu dùng. Những năm tới đây còn nhiều trở ngại, thách thức mà HTX cần phải khắc phục, vượt qua, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương sẽ luôn ủng hộ và hỗ trợ để HTX duy trì chuỗi giá trị hữu cơ bền vững.

Để phát triển cây ăn quả bền vững, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lợi thế của từng địa phương, ngành Nông nghiệp cần tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, tạo vùng nguyên liệu phục vụ liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; kế hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất cây ăn quả. Thực hiện lựa chọn, phát triển một số loại quả giá trị đầu tư thâm canh theo mô hình của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Cùng với đó là xây dựng phương án chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn.

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top