Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 6 năm 2021 | 15:49

Tây Bắc tìm cách tiêu thụ rau, củ, quả mùa dịch

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ các tỉnh có dịch bị ảnh hưởng mà nhiều tỉnh ở Tây Bắc cũng khó đưa nông sản đi tiêu thụ. Do đó, người dân, chính quyền đã cố gắng thúc đẩy tiêu thụ nội tỉnh để giúp bà con.

xoai-so-la.jpg
Ảnh: báo Sơn La

 

Mộc Châu hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản

Những ngày này, huyện Mộc Châu (Sơn La) đang bước vào thu hoạch mận, xoài chính vụ. Để giúp người dân tiêu thụ nông sản, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Mộc Châu tích cực triển khai nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Như Biển, Giám đốc HTX hoa quả Thành Đạt, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), cho biết: HTX được huyện Mộc Châu giao làm đầu mối thu mua, tiêu thụ xoài trên địa bàn. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã thu mua, tiêu thụ được 15 tấn xoài cho các thành viên và các hộ dân. Tuy nhiên, việc vận chuyển tiêu thụ xoài tới các tỉnh trong nước gặp khó khăn, do các chủ xe e ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhỡ vận chuyển đúng vùng xuất hiện dịch, không những không bán được nông sản mà còn bị cách ly. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng ưu tiên tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho chủ xe và lái xe.

Theo thống kê, huyện Mộc Châu có gần 7.300 ha cây ăn quả, gồm: Mận hậu, xoài, nhãn, bơ, chanh leo, hồng giòn... Toàn huyện hiện có 29 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích hơn 392 ha nông sản an toàn. Tính đến ngày 3/6, huyện Mộc Châu đã tiêu thụ, xuất khẩu được gần 7.400 tấn mận và 70 tấn xoài. Giá mận sớm từ 40.000-60.000 đồng/kg; mận loại 3 (trên 35 quả/1kg) có giá từ 6.000-9.000 đồng/kg; mận loại 2 (từ 20 đến dưới 30 quả/kg) từ 15.000-25.000 đồng/kg; mận loại 1 (từ 15 đến 20 quả/kg) từ 35.000-45.000 đồng/kg.

Trao đổi với ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, được biết: Huyện Mộc Châu đã thành lập Tổ xúc tiến tiêu thụ nông sản; xây dựng phương án tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tổng hợp danh sách 190 người là lái xe và thương nhân thu mua tiêu thụ nông sản trên địa bàn đăng ký tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19.

Huyện đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế chỉ đạo có cơ chế kiểm soát riêng, tạo điều kiện cho các xe chở nông sản được phép ra vào các tỉnh, thành phố trên cả nước trong điều kiện dịch bệnh. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hái quả đảm bảo theo đúng yêu cầu của đơn vị thu mua.

Rau, hoa Sa Pa khó tiêu thụ

Thị xã Sa Pa với những sản phẩm rau, hoa đặc hữu được thị trường ưa chuộng, đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra cho nông sản địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

 

hoa-sapa.jpg

Những vườn hoa ly đã đến kỳ thu hoạch. Ảnh: báo Lào Cai

 

Các nhà vườn ở “thành phố trong sương” đang bước vào vụ rau, hoa và sẽ thu hoạch rộ trong vòng 2 tuần tới. Từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh vùng thấp bị ngưng trệ kéo theo việc tiêu thụ rau, hoa của thị xã khó khăn.

Gia đình anh Triệu Tiến Thành (tổ 1, phường Ô Quý Hồ) đã có nhiều năm trồng hoa ly và hiện trồng hơn 30 vạn củ gối vụ. Các lứa hoa của gia đình đang đóng nụ, lứa trồng đầu tiên đã đến kỳ thu hoạch. Nhìn ra vườn hoa, anh Triệu Tiến Thành lo lắng: Mọi năm vào thời điểm này hoa đã được cắt nhưng năm nay gia đình chưa có đơn đặt hàng nào. Tôi đã đầu tư gần 5 tỷ đồng mua giống hoa, phân bón và chi phí thuê công nhân, thuê đất. Phần lớn chi phí đầu tư là vay ngân hàng. Không có đầu ra, cả vườn hoa sẽ phải cắt bỏ.

Thị xã Sa Pa có 160 ha hoa cắt cành gồm hoa hồng, hoa ly và một số loài hoa khác, trong đó riêng hoa ly là 130 ha. Từ nay đến cuối năm, thị xã còn khoảng 60 ha hoa cho thu hoạch, chủ yếu là hoa ly. Hiện tình hình tiêu thụ hoa chậm, giá giảm khoảng 3.000 - 10.000 đồng/cành tùy từng loại hoa so với cùng thời điểm này năm trước.

Quả su su cũng không ngoại lệ. Dù đang vào đầu vụ, quả su su thu hoạch chưa nhiều, vẫn có đầu ra nhưng giá bán chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân Sa Pa, trong 2 tuần tới, su su sẽ cho quả nhiều. Tình hình dịch bệnh căng thẳng, đầu ra của quả su su sẽ rất khó khăn.

Theo thống kê của ngành kinh tế thị xã, vụ hè - thu, thị xã Sa Pa có khoảng 170 ha su su, tập trung tại phường Ô Quý Hồ và xã Ngũ Chỉ Sơn với khoảng 250 hộ trồng, tổng sản lượng cả vụ khoảng 8.500 - 9.000 tấn quả. Thời điểm thu hoạch rộ sẽ tập trung từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 9 với sản lượng khoảng 60 - 70 tấn quả/ngày. Thị trường tiêu thụ chính là thành phố Hà Nội, các khu công nghiệp thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã đang đề xuất với tỉnh một số cơ chế đặc thù để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho nông dân trong việc thiết lập, tạo luồng lưu thông cho phương tiện, lái xe của các hợp tác xã là đầu mối bao tiêu nông sản của thị xã đến các điểm tiêu thụ nông sản thuộc các tỉnh, thành phố đang có dịch theo đơn đặt hàng đã và đang ký kết; hỗ trợ tiền cước vận chuyển... Bên cạnh đó, thị xã đề nghị UBND tỉnh cùng các ngân hàng xem xét, có cơ chế về việc lùi thời hạn trả nợ, miễn hoặc giảm lãi, phí đối với các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã vay vốn sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận với các khoản vay ưu đãi.

Người dân Điện Biên Phủ giúp nông dân Nà Tấu tiêu thụ nậm

Ở xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) năm nay mận được mùa, quả to và ngọt, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, việc tiêu thụ mận gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ với những khó khăn của nông dân xã Nà Tấu, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã cùng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, góp phần giảm bớt thiệt hại.

Tại chợ Noong Bua, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ), có một điểm bán hàng hỗ trợ bán mận cho bà con nông dân của Đảng ủy, chính quyền xã Nà Tấu. Tất cả các hội đoàn thể bao gồm Hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã đều chung tay vào giúp bà con tiêu thụ mận.

Ông Lò Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Hiện nay, xã Nà Tấu có 26,5ha mận, mọi năm, mận đều được tiêu thụ đi các tỉnh khác với giá cao nhưng năm nay do tình hình dịch Covid-19, xe khách liên tỉnh không hoạt động nên không tiêu thụ được, nhiều hộ dân còn để mận chín tự rụng. Thấy bà con vất vả, khó khăn, Đảng ủy, chính quyền xã đã lên phương án thu gom mận của từng hộ dân rồi đem đi tiêu thụ ở các điểm như chợ Mường Thanh, chợ Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ), chợ trung tâm huyện Mường Ảng… mỗi điểm bán chúng tôi chở xuống hơn 5 tạ xuống và bán với giá 10.000 đồng/kg, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con đến khi nào hết mận. Khi chúng tôi bán, nhiều người đến mua hàng đều cảm thấy vui vẻ, thậm chí còn không lấy lại tiền thừa bởi họ muốn góp thêm chút tấm lòng hỗ trợ cho bà con nông dân.

Hiện, nhiều tỉnh đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang thực hiện xuất khẩu nông sản để hình thành, mở rộng các kênh thông tin thị trường nông sản; kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh để hỗ trợ thu mua, chế biến nông sản. Khuyến khích các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top