Hiện, Sơn La có khoảng 17.000 ha cây cà phê được trồng chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố.
Đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối xảy ra vào cuối năm 2019 đã làm nhiều diện tích cà phê trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, gây tổn thất cho người nông dân.
Để giúp người dân khôi phục diện tích cây bị thiệt hại, nhiều giải pháp đã được ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tích cực triển khai.
Người dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) trồng xen cây mận hậu vào nương cà phê. Ảnh: Báo Sơn La
Bà Cầm Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban (Mai Sơn) cho biết, hiện xã có trên 1.200 ha cà phê, chiếm hơn 80% diện tích đất nông nghiệp. Cây cà phê trở thành cây chủ lực ở xã, mang lại thu nhập cao, nhiều hộ giàu lên từ trồng cây cà phê. Nhưng việc canh tác cà phê gặp nhiều khó khăn, do chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, cây cà phê thường xuyên bị ảnh hưởng do sương muối. Để giúp bà con chủ động trong sản xuất, xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng. Đến thời điểm này, 11 bản có các hộ đăng ký tham gia chuyển đổi sang trồng cây ăn quả với diện tích trên 140 ha, cụ thể là trồng cam, bưởi. UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông tập huấn chuyển giao KHKT để các hộ dân học tập, áp dụng vào sản xuất, đạt hiệu quả cao hơn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT, đợt rét đậm rét hại cuối năm 2019 đã làm gần 3.200 ha cà phê bị thiệt hại. Trong đó, huyện Mai Sơn 1.200 ha, Thuận Châu 860 ha, Yên Châu gần 150 ha và Thành phố trên 950 ha. Ngành Nông nghiệp & PTNT đã vào cuộc cùng chính quyền các địa phương và người dân khẩn trương khắc phục thiệt hại ban đầu. Các đơn vị liên quan đã cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật khắc phục thiệt hại cho cây cà phê. Trong tổng số diện tích cà phê bị sương muối có gần 1.000 ha phải cưa đốn để đảm bảo khả năng tái sinh. Cùng với đó, trong thời gian chờ cây cà phê khép tán, ngành Nông nghiệp cũng vận động người dân trồng xen canh các cây ngắn ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây cà phê và có thu nhập tạm thời.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Đối với cây cà phê bị thiệt hại nhẹ, đơn vị hướng dẫn bà con thực hiện cắt tỉa các cành lá bị cháy, bón phân, chăm sóc để cây sớm phục hồi. Đối với diện tích cà phê bị thiệt hại nặng, tùy từng độ tuổi cây phục hồi bằng cách cưa đốn cây để tạo cành mới. Trên những diện tích cây cà phê đã được cưa đốn, người dân tranh thủ làm đất trồng xen những cây lương thực ngắn ngày. Nguồn thu nhập từ cây lạc, đậu tương cũng sẽ góp phần đảm bảo sinh kế trước mắt cho người dân. Riêng đối với diện tích cây cà phê không thể phục hồi, hướng dẫn bà con nhổ bỏ trồng mới hoặc chuyển đổi cây trồng khác.
Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, giải pháp về lâu dài để phòng, chống rét đậm rét hại, sương muối, băng giá đối với cây cà phê, người dân cần trồng xen các cây che bóng trong vườn cà phê (nhất là cây ăn quả). Điều này không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hạn chế rủi ro về giá cả, biến động của thị trường mà cây trồng xen còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm, góp phần phát triển bền vững vườn cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Cây mắc ca ở Táng Ngá sinh trưởng tốt
Tích cực phát triển kinh tế, người dân bản Táng Ngá, xã Nậm Chà (Nậm Nhùn, Lai Châu) đăng ký tham gia dự án trồng mới cây mắc ca. Sau gần 1 năm triển khai trồng, cây mắc ca đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia.
Người dân bản Táng Ngá chăm sóc cây mắc ca. Ảnh: Báo Lai Châu
Mỗi tuần, 2 – 3 lần anh Lò Văn Tuyến cùng vợ lên đồi chăm sóc cây mắc ca của gia đình. Anh cẩn thận quan sát, kiểm tra từng cây, xới đất, làm cỏ đảm bảo cây mắc ca của gia đình sinh trưởng tốt. Anh Tuyến cho biết: “Diện tích đất trước đây gia đình tôi trồng sắn làm thức ăn cho gia súc, giá trị kinh tế đem lại không cao. Năm trước, nghe cán bộ bản thông báo, huyện triển khai dự án hỗ trợ bà con trong bản trồng cây mắc ca, tôi đăng ký tham gia. Qua tìm hiểu tôi biết cây mắc ca là cây trồng có giá trị kinh tế cao, được nhiều địa phương trong tỉnh phát triển trồng từ lâu. Với diện tích gần 1.000m2, sau gần 1 năm trồng và chăm sóc cây mắc ca của gia đình tôi phát triển tốt, cây đã cao hơn 1m”.
Cây mắc ca được trồng trên đất Táng Ngá, thuộc Dự án trồng mới cây mắc ca trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện triển khai. Toàn bản có gần 50 hộ tham gia trồng, với tổng diện tích 19,97ha. Đồng chí Lò Văn Sinh – Bí thư Chi bộ bản Táng Ngá cho biết: “Hầu hết các hộ trong bản có 2 – 3 nương đất trồng ngô, sắn để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm gần đây, chăn nuôi của bản chuyển dần sang chăn nuôi đại gia súc, bản quy hoạch các bãi chăn thả tập trung xa khu dân cư, nên nhiều diện tích bỏ hoang, một phần vì hiệu quả kinh tế thấp. Cuối năm 2018, Dự án trồng mới cây mắc ca được triển khai đến bản, sau các buổi tuyên truyền về lợi ích dự án mang lại, bà con dân bản nhiệt tình ủng hộ tham gia, đến tháng 5/2019 cây mắc ca được trồng hầu hết ở các diện tích bị bỏ hoang. Việc đo đạc, hỗ trợ người dân trồng cây được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp với chính quyền xã thực hiện nhanh, giúp dự án sớm triển khai, hoàn thành”.
Tham gia Dự án trồng mới cây mắc ca, các hộ dân bản Táng Ngá được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha. Số tiền này một phần được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện dùng mua cây giống, còn lại giao lại cho các hộ mua vật tư nông nghiệp chăm sóc cây. Ngoài hỗ trợ về giống, Ban còn cử cán bộ xuống hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật; hàng tháng cùng người dân đi kiểm tra phát hiện sớm sâu bệnh trên cây, kịp thời hướng dẫn phun trừ, chăm sóc đúng cách. Nhờ đó, tỷ lệ sống của cây đạt trên 98%, phần lớn diện tích hiện sinh trưởng tốt.
Người tiên phong sản xuất rau đặc hữu ở Hàm Rồng
Không chỉ là hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, anh Bùi Trọng Trung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mai Anh, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa, Lào Cai) còn là người tiên phong, hướng dẫn nhiều hộ trên địa bàn sản xuất rau đặc hữu theo hướng chuyên canh, an toàn.
Anh Trung (bên phải ảnh) giới thiệu sản phẩm rau chuyên canh của hợp tác xã. Ảnh: Báo Lào Cai
Năm 2006, anh Bùi Trọng Trung cùng gia đình từ quê hương Bắc Ninh lên lập nghiệp ở Sa Pa. Nhận thấy những lợi thế của vùng đất xã Sa Pả xưa (phường Hàm Rồng ngày nay) có điều kiện thuận lợi về mặt thổ nhưỡng để trồng rau ôn đới như bắp cải, su hào, súp lơ, cải các loại… anh mạnh dạn thuê đất sản xuất để trồng rau chuyên canh. Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước tưới; rau trồng không bán được, nhiều vụ phải cắt bỏ đổ đi nhưng anh vẫn kiên trì sản xuất. Dần dần thị trường cũng chấp nhận sản phẩm nên anh mở rộng quy mô sản xuất lên 5 ha và thành lập HTX Nông nghiệp Mai Anh với 5 xã viên.
Cơ chế hoạt động của HTX Nông nghiệp Mai Anh là các xã viên góp đất, góp công và cùng sản xuất theo phương án đề ra. Khi đến vụ thu hoạch rau, HTX làm đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá cam kết. Cách làm này đã chiếm được lòng tin của bà con trên địa bàn phường Hàm Rồng Năm 2014, HTX Nông nghiệp Mai Anh được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi rau ôn đới theo tiêu chuẩn VietGap. Giống rau được HTX lựa chọn là bắp cải, su hào, cải thảo, cải xoong… Đây vốn là những loại rau đặc thù của vùng ôn đới, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên diện tích rau có năng suất, chất lượng cao. Mô hình thành công, thêm nhiều hộ đăng ký tham gia góp đất và trở thành xã viên. Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô lên gần 100 ha với 1.140 xã viên, giá trị sản xuất đạt trung bình 400 triệu đồng/ha/năm.
Vừa mở rộng quy mô, anh Trung vừa đầu tư hạ tầng hiện đại, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để sản phẩm rau của HTX không chỉ bó hẹp trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu ra thị trường một số quốc gia. Với sự nỗ lực, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua, Giám đốc HTX Bùi Trọng Trung đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp và thường được tuyên dương là điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi ở địa phương.
Nói về HTX Nông nghiệp Mai Anh, ông Trần Phong Ba, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho rằng đây là mô hình cụ thể, tiêu biểu của huyện về sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao và quan tâm tới xây dựng thương hiệu nông sản, trong đó anh Bùi Trọng Trung là tấm gương năng động, dám nghĩ, dám làm.
Văn Chấn trồng mới 912 ha rừng
Hết quý I, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã trồng 912 ha rừng các loại. Trong đó, các công ty, doanh nghiệp trồng 80 ha (20 ha thông; 60 ha keo); nhân dân trồng 832 ha, chủ yếu là quế, bồ đề, keo, lát...
Các vườn ươm ở Văn Chấn cung cấp đủ giống cho nhu cầu trồng rừng. Ảnh MQ, Báo Yên Bái
Được biết, năm 2020, huyện Văn Chấn đề ra kế hoạch trồng mới 3.644 ha rừng tập trung và cây lâm nghiệp xã hội. Hiện nay, nhân dân trong huyện đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng rừng, phấn đấu đạt trên 1.822 ha.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…