Xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La) có giống quýt chum đã gắn bó với vùng đất này từ lâu và đem lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Vườn quýt chum của người dân xã Nậm Lạnh. Ảnh: Báo Sơn La
Để phát huy giống cây đặc sản địa phương, xã đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ trồng quýt chum xây dựng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu OCOP.
Quýt chum Nậm Lạnh quả đẹp, mọng nước, thơm, ngọt, nên được người tiêu dùng và thương lái tìm mua. Theo thống kê, toàn xã hiện có khoảng 3 ha quýt chum; trong đó gần 2 ha đã cho thu hoạch, tập trung tại các bản: Púng Tòng, Bánh Han, Phổng, Lạnh, Cang, Lọng Tòng... năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha. Nếu như quả quýt thường có giá bán trên thị trường từ 10.000-20.000 đồng/kg, thì quả quýt chum có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Ông Tòng Văn Piêng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cây quýt chum rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã, đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã đã lựa chọn cây quýt chum để nhân rộng và phát triển trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích giống quýt chum; phối hợp với các cơ quan chức năng huyện và tỉnh tổ chức Hội thảo “Phát triển, tiêu thụ sản phẩm quýt chum” trên địa bàn xã Nậm Lạnh giai đoạn 2020-2025, để tìm các giải pháp, kỹ thuật, cải tạo nhân giống và mở rộng diện tích.
Theo đó, xã đã tập trung rà soát, đánh giá thực trạng phát triển và hiệu quả kinh tế của cây quýt chum; vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quýt chum. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, mời các chuyên gia tổ chức khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả của cây quýt chum và hỗ trợ người dân cải tạo, nhân giống cây quýt chum; tuyên truyền, hỗ trợ, vận động người dân góp vốn thành lập HTX sản xuất quả quýt chum theo quy trình VietGAP, liên kết với các đơn vị tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Để đảm bảo nâng cao chất lượng, sản lượng quả quýt chum và các loại cây ăn quả nói chung, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phối hợp với các đoàn thể mở các lớp tập huấn hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Vì Văn Kiên, khuyến nông viên xã Nậm Lạnh, cho biết: Chúng tôi đã mở hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn người dân dùng phân hữu cơ thay thế phân hóa học để bón cho cây trồng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; đặc biệt, tận dụng chất thải gia súc ủ phân, kết hợp trộn vôi bột để bón cây quýt, đảm chất lượng sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.
Lục Yên gieo trồng 9.000 ha cây vụ đông xuân
Năm 2020, sản xuất lúa của huyện Lục Yên (Yên Bái) được mùa cả hai vụ với sản lượng trên 29.800 tấn, vượt 5,4% so với kế hoạch. Diện tích cây ngô đạt trên 5.300 ha; khoai lang trên 972 ha; rau các loại hơn 2.000 ha. Số lượng đàn gia súc đạt trên 98.600 con…
Ảnh: Báo Yên Bái
Nhờ chủ động dự báo, phát hiện nên các loại dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi đã được khống chế kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Vụ đông xuân 2020-2021, Lục Yên đề ra kế hoạch tổng diện tích gieo trồng khoảng 9.000 ha.
Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bố trí cơ cấu giống và khung lịch thời vụ phù hợp, huy động tối đa nhân lực và phương tiện kịp thời bước vào vụ sản xuất để tránh những diễn biến bất thường của thời tiết.
Đặc sản miến dong Đà Bắc giúp người dân thoát nghèo
Sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh miến dong Đà Bắc của HTX đa ngành nghề Yên Lý là một trong những đặc sản của xã vùng cao Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình). Miến dong Đà Bắc được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), làm từ nguyên liệu tinh bột dong nguyên chất 100%, không pha tạp chất, không sử dụng các chất tẩy, làm trắng, chất bảo quản… Khi thưởng thức sản phẩm cảm nhận rõ độ dẻo, thơm, ngọt của từng sợi miến.
Nông dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) thu hoạch dong riềng phục vụ sản xuất miến dong. Ảnh: Báo Hòa Bình
Những năm gần đây, dong riềng là cây trồng chủ lực, thế mạnh, đem lại nguồn thu nhập chính, bà con xã Cao Sơn còn coi đây là cây xóa đói, giảm nghèo. Diện tích trồng dong riềng ở xã dao động từ 250 - 300 ha/năm. Xuất phát từ nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng đảm bảo, HTX đa nghành nghề Yên Lý mạnh dạn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng mua một số máy móc, kết hợp phương pháp làm miến thủ công truyền thống để sản xuất miến dong.
Về Cao Sơn những ngày cuối tháng 12, nông dân khắp các xóm rộn ràng thu hoạch củ dong riềng, để kịp cung cấp nguyên liệu cho HTX đa ngành nghề Yên Lý sản xuất miến dong phục vụ Tết Nguyên đán. Năm nay, toàn xã trồng 260 ha dong riềng, do khí hậu, thổ nhưỡng, dong riềng trồng tại Cao Sơn cho năng suất, chất lượng tốt, đạt từ 65 - 70 tấn/ha; chất lượng củ ít xơ, nhiều bột, tỷ lệ bột đạt 13,5 - 16,4%.
Anh Khương Xuân Thưởng, Giám đốc HTX đa ngành nghề Yên Lý chia sẻ: Sản xuất miến dong mang tính thời vụ, thời gian sản xuất từ tháng 11 (dương lịch) đến tháng 1 năm sau. Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu, HTX liên kết với các hộ trồng dong riềng trên địa bàn, cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và ký hợp đồng tiêu thụ củ dong cho người dân. Để làm ra những sợi miến đảm bảo chất lượng, đòi hỏi quy trình sản xuất phải tỉ mỉ, cẩn thận. Tất cả các bước trong quy trình sản xuất miến phải đảm bảo vệ sinh ATTP, như: Làm sạch củ dong, nghiền bột dong, lọc bột dong, tráng miến, phơi miến, thái miến. Miến dong Đà Bắc được làm hoàn toàn từ củ dong riềng, không có phụ gia, hóa chất nên miến có màu hơi đen như màu lá chuối khô.
Chất lượng miến đảm bảo, khi ăn ngon và ngọt, miến nấu lại lần 2 không bị nát, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Năm 2020, HTX đa ngành nghề Yên Lý dự kiến sản xuất khoảng 30 tấn miến. Miến được đóng túi 500 g, giá bán 35.000 đồng/túi. Sản phẩm miến được đóng gói, có tem, nhãn mác, đầy đủ thông tin về xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng…
Ông Phùng Đình Châm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Năm 2020, sản phẩm miến dong Đà Bắc của HTX đa ngành nghề Yên Lý đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh đã khẳng định chất lượng, thương hiệu của đặc sản miến dong Đà Bắc. Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, được thị trường Hà Nội ưa chuộng. Không ngừng đáp ứng thị hiếu của khách hàng, cũng như duy trì chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì ổn định vùng nguyên liệu trồng dong riềng. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, tiến tới ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất.
Thận trọng tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi
Sau gần 6 tháng dịch tả lợn châu Phi tái phát, ngày 26/11, huyện Mường Chà (Điện Biên Phủ) đã công bố hết dịch lần thứ 2. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện được kiểm soát, việc tái đàn lợn đã và đang được nhiều hộ chăn nuôi triển khai một cách thận trọng với những điều kiện khắt khe nhằm bảo đảm an toàn.
Chị Quàng Thị Ðôi, bản Mường Mươn 1, xã Mường Mươn tận dụng chuồng nuôi lợn cũ để nuôi gà chờ thời điểm tái đàn lợn. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.
Dịch tả lợn châu Phi tái phát vào đầu tháng 6/2020 đã làm đàn lợn 8 con với trọng lượng từ 30 - 70kg của gia đình chị Quàng Thị Ðôi, bản Mường Mươn 1, xã Mường Mươn phải tiêu hủy. Trước đó, khi dịch bệnh bùng phát lần đầu, gia đình chị Ðôi cũng bị thiệt hại nặng nề khi đàn lợn 18 con sắp đến ngày xuất chuồng đều bị mắc bệnh. Bởi vậy, huyện công bố hết dịch lần 2 nhưng chị Ðôi vẫn chưa tái đàn. Chị Ðôi cho biết: “Tôi vẫn thực hiện vệ sinh chuồng nuôi bằng cách rắc vôi bột và phun thuốc để diệt mầm bệnh, chờ khi có kinh phí hỗ trợ sẽ tái đàn. Nhưng chắc lần này tôi cũng chỉ dám nuôi 1 - 2 con thôi, nếu ổn định thì mới nuôi với số lượng lớn. Trước mắt thì tôi nuôi gà”.
Cùng bản với gia đình chị Ðôi, đợt dịch tái phát vừa qua, gia đình anh Quàng Văn Yêu có 5 con lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy. Sau khi tái đàn, gia đình anh đã áp dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt, người lạ không được vào. Ðể đảm bảo nguồn bệnh ở ngoài không thể xâm nhập, gia đình anh đã áp dụng phương châm lấy ngắn nuôi dài, sử dụng con giống từ những con nái còn sót lại sau đợt dịch.
Theo ông Bùi Tuấn Thanh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà: Mặc dù đã công bố hết dịch, nhưng hiện nay huyện vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành chuyên môn về công tác phòng, chống dịch. Ðồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch tại các xã, thị trấn.
Ðối với việc khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh, khuyến cáo những địa bàn không có lợn mắc dịch tiếp tục duy trì sản xuất, thực hiện tốt việc phòng ngừa trên đàn vật nuôi, làm tốt công tác tiêu độc khử trùng.
Ðối với xã Mường Mươn, là địa bàn duy nhất của huyện Mường Chà có dịch tả lợn châu Phi tái phát, với 186 con lợn, tổng trọng lượng gần 11.000kg của 42 hộ dân thuộc 3 bản Mường Mươn 1, Mường Mươn 2 và Púng Giắt phải tiêu hủy, thì chưa khuyến khích tái đàn, tăng đàn lợn trở lại. Bởi lẽ, người dân tái đàn vào lúc này thì việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc... dễ có nguy cơ làm cho dịch bệnh lây lan trở lại.
Người dân cần thận trọng theo dõi tình hình dịch bệnh, không nên nôn nóng khôi phục đàn lợn, có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…