Bà con Tây Nguyên đang tập trung nâng cao chất lượng cây ăn trái và phòng chống kẻ xấu phá hoại cây trồng.
Vườn bơ 034 của Công ty Cây giống Bảo Nguyên thu hoạch 1 – 1,5 tấn/ngày
Đầu tháng 5/2020, trong lúc bơ 034 tỉnh Lâm Đồng vào mùa thu hoạch cao điểm, thì vườn cây giống mang tên Bảo Nguyên (Số 1, đường Trần Phú, Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn đều đặn mỗi ngày bán ra 500-1.000 cây giống.
Chị Tạ Thị Nhị nói rằng, vườn cây giống bơ 034 có diện tích 3.000m2, nằm ngay mặt tiền đường nhựa lớn, nên khá thuận lợi cho khách đến mua sỉ để vận chuyển, phân phối trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, hoặc mua lẻ về trồng mới.
Thành lập và đi vào hoạt động hơn một năm qua, toàn bộ cây giống bơ 034 được sản xuất tập trung, tại khu vườn trên diện tích 1 ha.
Đó là các phân khu kết nối, từ công đoạn ủ phân chuồng, xử lý hạt nhân bơ giống, đến gieo ươm trong nhà lưới, nhà kính, ghép mắt chồi vào gốc cây thực sinh mới, chăm sóc cây giống thương phẩm để xuất vườn.
Toàn bộ quy trình được vận hành theo chu kỳ mỗi năm xuất vườn từ tháng 2 - 9 với 300.000 cây giống bơ 034 cao sản, chất lượng cao.
Anh Lê Sỹ Huế, chủ nhân cây giống Bảo Nguyên cho biết, khu vườn ươm, bắt đầu sản xuất từ năm 2015, đến nay, quy trình ghép tạo giống bơ 034 mới, đã được tổng hợp kinh nghiệm, từ vườn ươm xây dựng đầu tiên, tại xã Lộc Thành, diện tích 1.200m2.
Sau vài năm đầu thử nghiệm, bổ sung giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất, vườn ươm khởi nghiệp đã nhanh chóng ổn định, mỗi năm bán ra hàng chục ngàn cây bơ 034, khoảng 60% khách trong tỉnh, 40% khách miền Đông Nam Bộ, và các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên.
Đặc biệt, trong số 60% khách hàng Lâm Đồng, có cả “khách hàng chủ vườn” đã để lại hàng ngày cây giống bơ 034 Bảo Nguyên, để trồng theo mô hình trình diễn đối chứng.
Năm 2010, chủ nhân Lê Sỹ Huế đã chuyển đổi hoàn thành 10 ha cà phê, sang trồng bơ 034 chuyên canh tại Thôn 8, xã Tân Lạc. Tại đây, từng thời kỳ sinh trưởng của cây bơ 034, đều được cán bộ kỹ thuật khảo sát, đánh giá, hướng dẫn nông dân tham quan, nhân rộng mô hình.
Kết quả, năm 2014 có khoảng 500 cây bơ 034 trên diện tích 10 ha của anh Huế ở, được các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp Lâm Đồng bình tuyển là cây đầu dòng, để khai thác mầm chồi, tạo cây ghép mới, cung cấp nhu cầu chuyển đổi cây trồng, trên diện tích cây công nghiệp dài ngày trong tỉnh Lâm Đồng.
Vườn bơ 034 chuyên canh 10 ha của anh Lê Sỹ Huế, mật độ mỗi ha trồng khoảng 450 cây chuyên canh, vụ mùa bơ 034 năm nay, anh Huế thu bình quân 50 kg/cây, giá bán tại vườn trên dưới 45.000 đồng/kg, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
“Hiện, vườn ươm, vườn sản xuất bơ 034 của chúng tôi đã phát triển thành quy mô Công ty TNHH Cây giống Bảo Nguyên. Ước tính, đầu tháng 5 vừa qua, công ty thu hoạch trái bơ 034, đạt độ chín theo yêu cầu 1-1,5 tấn/ngày.
Đã có 15 hộ trồng khoảng 15 ha bơ 034 tại Bảo Lâm, và đang liên kết sản xuất ổn định, Công ty cũng đang bước vào ngày mùa chính vụ. Toàn bộ nguồn giống bơ 034 của 15 hộ liên kết, đều do chúng tôi cung cấp, hướng dẫn kỹ thuật, và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận…”.
Nhờ không ngừng nâng cao uy tín, khẳng định chất lượng trên thị trường, cây giống bơ 034 Bảo Nguyên đã và đang hợp tác liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hàng trăm ha, ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Trong đó có 1 ha bơ 034 mô hình, bắt đầu thu hoạch năm thứ nhất chính vụ, đạt năng suất và chất lượng tương đương trồng ở vùng sinh thái “bản địa” Lâm Đồng.
Nói về kế hoạch nâng cao giá trị sản phẩm bơ 034 Lâm Đồng, trong 3 năm tới, anh Lê Sỹ Huế chia sẻ, bằng các số liệu: 20 ha phát triển sản xuất liên kết mới với nông dân Bảo Lộc, Bảo Lâm; 1.000 m2 xây dựng nhà xưởng chế biến ở Bảo Lâm; 3 ha mở rộng vườn ươm và ghép giống mới ở Bảo Lộc và Bảo Lâm…
Anh Trần Hà Hiển, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm đánh giá, cây giống Bảo Nguyên là một trong các địa chỉ sản xuất, kinh doanh bơ 034 cây giống, và cây thương phẩm, đạt hiệu quả cao ở địa phương.
Hội Nông dân Bảo Lâm tiếp tục tuyên truyền cho nông dân tham khảo, lựa chọn, sử dụng các nguồn giống bơ 034 ghép mới, chất lượng cao, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đạt lợi nhuận cao.
Gia Lai: Liên kết cung ứng giống, và tiêu thụ chanh dây
Người trồng chanh dây đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết chuỗi. Đây là hướng đi mới, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Xây dựng ,bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê, chanh dây Gia Lai
Ông Trần Ngọc Châu-Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất chanh dây thôn 1 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tổ có 26 hộ, sản xuất 15 ha chanh dây, liên kết với Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu DOVECO Gia Lai.
Công ty cung ứng giống 15 ngàn đồng/cây, và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con. Hầu hết chanh dây của tổ, đều được trồng xen trong vườn cà phê tái canh, hoặc hồ tiêu bị chết”.
Cũng theo ông Châu, việc trồng xen chanh dây trong vườn cà phê tái canh nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, khi cà phê chưa có nguồn thu. Mặc dù chanh dây là cây trồng xen, nhưng đem lại lợi nhuận khá cao, bà con cũng an tâm đầu ra.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hòa (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) cho hay: Ông liên kết với Công ty DOVECO Gia Lai, trồng 1 ha chanh dây. Công ty cung ứng giống, cam kết thu mua sản phẩm, bằng giá thị trường.
Nếu thị trường thấp, Công ty vẫn đảm bảo thu mua với giá 6.000 đồng/kg. “Tôi đầu tư hết khoảng 50 triệu đồng tiền giống, phân bón, thuốc BVTV, trụ, kẽm, công chăm sóc.
Hiện, tôi đang bán chanh dây cho Công ty với giá 7.300 đồng/kg. Năng suất khoảng 25 tấn/ha, trừ chi phí, thu lợi trên 120 triệu đồng/năm”-ông Hòa cho hay.
Ông Trần Công Quang-Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp Công ty DOVECO Gia Lai-thông tin: Hiện Công ty đã đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại, với 3 dây chuyền tự động hóa gồm: dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm.
Dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.
“Riêng đối với sản phẩm chanh dây, Công ty đang phát triển và thu mua vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 1.665 ha. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, sẽ mở rộng vùng nguyên liệu chanh dây lên 10.000 ha”-ông Quang cho biết thêm.
Chanh dây là cây trồng tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Song, điều mà nông dân, chính quyền địa phương cũng như ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, đó là, giá cả thị trường còn bấp bênh, đầu ra chưa ổn định.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đak Đoa-cho hay: “Huyện có hơn 500 ha chanh dây, chủ yếu trồng xen trong vườn hồ tiêu bị chết, vườn cà phê tái canh. Hiện, huyện có 2 nhà máy thu mua chanh dây của người dân rất ổn định.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, khi trồng chanh dây, cần tìm hiểu kỹ thị trường, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, trong việc bao tiêu sản phẩm, để đảm bảo phát triển ổn định”.
Huyện Chư Sê cũng là địa phương có diện tích chanh dây khá lớn, hơn 300 ha. Song, phần lớn người dân mới liên kết trong cung ứng giống, còn tiêu thụ vẫn thông qua thương lái, đại lý thu mua.
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê-cho rằng: “Để sản xuất chanh dây bền vững, hiệu quả cao, người dân cần liên kết theo chuỗi, từ cung ứng giống chất lượng, đến bao tiêu sản phẩm.
Việc liên kết này cũng cần thống nhất về giá sản phẩm, các điều khoản liên quan một cách hợp lý”.
Theo ông Trần Xuân Khải, Chi cục Trồng trọt và BVTV, trên địa bàn tỉnh có gần 65% diện tích chanh dây liên kết theo hình thức cung ứng giống hoặc vừa cung ứng giống vừa bao tiêu sản phẩm.
Tỉnh đặc biệt quan tâm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là chất lượng giống cây trồng. “Để cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, người dân cần mua giống ở các cơ sở uy tín, được cấp giấy chứng nhận vườn ươm đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết sản xuất, để ổn định đầu ra”, ông Khải khuyến cáo.
Di Linh: Bất an vì nạn đốn hạ cây trồng
Tình trạng kẻ xấu đốn hạ cây trồng (cà phê, sầu riêng) của người dân liên tục xảy ra, trên địa bàn huyện Di Linh (Lâm Đồng). Trong đó, xã Hòa Ninh là “điểm nóng”, khiến người dân bức xúc, bất an, lo lắng.
365 cây cà phê của ông Tiến bị kẻ xấu cưa hạ nằm la liệt
Hiện, xã Hòa Ninh được xem là “điểm nóng” của nạn chặt phá cây trồng như cà phê, sầu riêng. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã Hòa Ninh, đã xảy ra ít nhất 6 vụ đốn hạ, chặt phá cây trồng, khiến người dân lo lắng, bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Phạm (47 tuổi, ngụ tại Thôn 15, xã Hòa Ninh), là hộ dân thiệt hại nặng nhất, khi có hơn 120 cây sầu riêng cho trái vụ đầu tiên, bị kẻ xấu đốn hạ, đẽo bạt gốc không thương tiếc.
Theo ông Phạm, trưa ngày 7/4, sau khi tưới cà phê về, ông nhận được tin báo từ hàng xóm, vườn sầu riêng của ông bị phá hoại. “Vào vườn, nhìn cảnh tượng sầu riêng bị đốn hạ nằm la liệt, khiến chân tay tôi khuỵu lại, ruột gan nóng bừng vì xót của.
Nhìn cảnh tượng vườn sầu riêng 120 cây 5 năm tuổi bị đốn hạ, cưa và đẽo bạt ngang mắt ghép, tôi không cầm được nước mắt.
Bao nhiêu năm đầu tư, chăm sóc, công sức tiền của đổ dồn vào sầu riêng, không thể đo đếm được. Từ lúc sầu riêng bị kẻ xấu đốn hạ đến nay đã hơn 1 tháng, thế nhưng cứ mỗi lần ra vườn, là vợ chồng tôi xót xa, tiếc của ứa nước mắt.
Giờ đang định trồng lại, nhưng chưa tìm ra thủ phạm, sợ lại bị phá, tôi chưa dám tiến hành” - ông Phạm uất ức.
Tương tự, ông Vũ Xuân Hải (37 tuổi, Thôn 7, xã Hòa Ninh), từ năm 2015 đến nay, ông có 3 vườn cà phê bị kẻ xấu chặt phá, đốn hạ đến 8 lần.
Mỗi lần vườn cà phê của ông bị kẻ nhẫn tâm phá hoại, từ 40 - 90 cây. Mới đây nhất, ngày 30/4/2020, ông Hải phát hiện 111 cây cà phê bị đốn hạ.
Ông Hải bức xúc: “Trong 5 năm qua, bị chặt hạ cà phê 8 lần, thiệt hại không thể đo đếm được. Lần nào cũng vậy, tôi đều trình báo tới chính quyền địa phương, cơ quan công an.
Nhưng đến nay vẫn chưa có vụ việc nào tìm ra thủ phạm, khiến chúng tôi rất lo lắng, bất an. Mong rằng lần này, công an sẽ vào cuộc tìm ra thủ phạm, để tôi yên tâm phát triển kinh tế gia đình”.
Ngoài gia đình ông Phạm, ông Hải, xã Hòa Ninh còn nhiều hộ khác tại Thôn 3, bị chặt phá vườn cà phê, nhưng mức độ nhỏ hơn 10 - 40 cây/vườn.
Theo ông Vũ Thế Quyết, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, sau khi nắm được các vụ chặt phá cây trồng, địa phương đều cử lực lượng đến lập biên bản, báo cáo Công an vào cuộc truy tìm thủ phạm.
“Qua xác minh, vườn cà phê, sầu riêng của người dân, không có tranh chấp đất đai. Vì vậy, người dân địa phương cảm thấy lo lắng, bất an. Chúng tôi mong muốn công an nhanh chóng tìm ra thủ phạm chặt phá cây trồng, để bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế” - ông Quyết nhấn mạnh.
Ngoài Hòa Ninh, tình trạng chặt phá cây trồng còn diễn ra tại xã Hòa Nam. Ngày 20/2, ông Trịnh Minh Tiến, phát hiện vườn cà phê hơn 6 sào, tại Thôn 13, xã Hòa Nam, bị cưa hạ nằm la liệt.
Ngay sau đó, ông Tiến trình báo tới Công an Hòa Nam. Qua khám nghiệm hiện trường, ông Tiến có 565 cây cà phê bị cưa hạ sát gốc. Vụ việc nhanh chóng được trình báo Công an Di Linh điều tra.
Theo Công an huyện Di Linh, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 3 vụ việc, liên quan đến cây trồng của người dân, bị kẻ xấu chặt hạ.
Trong đó, 2 vụ xảy ra tại xã Hòa Ninh, 1 vụ xảy ra tại xã Hòa Nam. Qua khám nghiệm cho thấy, các vụ phá hoại đều xảy ra vào ban đêm, khi người dân phát hiện thì nghi phạm đã “cao chạy xa bay”.
Sự việc trên đã và đang gây bức xúc, bất an trong quần chúng, và gây mất an ninh trật tự địa phương. Do vậy, Công an Di Linh đã lập chuyên án, phối hợp với công an, chính quyền các địa phương, điều tra, truy tìm thủ phạm.
Theo Trung tá Võ Khánh Vân - Phó Trưởng Công an huyện Di Linh, hiện tại, tất cả các vụ phá hoại cây trồng của người dân, đã được đơn vị lập chuyên án đấu tranh, giao Đội Cảnh sát hình sự điều tra.
“Cả 3 vụ chặt phá cây trồng đều thể hiện rõ hành vi hủy hoại tài sản. Trong đó, vụ dùng cưa máy đốn hạ 565 cây cà phê đang cho thu hoạch của ông Trịnh Minh Tiến (xã Hòa Nam) cơ bản đã được tìm ra thủ phạm, và triệu tập lên làm việc.
Hiện, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ, định giá thiệt hại tài sản, để có căn cứ xử lý. Còn 2 vụ như: 111 cây cà phê của ông Vũ Xuân
Hải (xã Hòa Ninh) và hơn 120 cây sầu riêng của ông Nguyễn Văn Phạm (Thôn 15) bị đốn hạ, công an đang điều tra, xử lý theo quy định.
Để vụ việc nhanh chóng sáng tỏ, cơ quan công an khuyến khích người dân nêu cao tinh thần tố giác tội phạm.
Trong quá trình điều tra, công an có trách nhiệm giữ bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cung cấp thông tin, liên quan đến vụ việc” - Trung tá Võ Khánh Vân nhấn mạnh
Bơ trái vụ cho thu nhập cao; cung ứng giống và tiêu thụ chanh giây cho bà con; bất an nạn đốn hạ cây trồng của người dân là tin nổi bật tuần qua.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…