Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 3 năm 2022 | 11:36

Trồng rau thoát nghèo

Chỉ cần chăm chỉ canh tác trên mảnh đất quê hương, dù trải qua bao khó khăn, vất vả thì người nông dân vẫn có thể làm giàu bằng những ruộng rau của mình.

Thu hàng trăm triệu đồng từ trồng rau “Trạng Quỳnh”

Những ngày này, nông dân phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa, Lào Cai) đang tập trung thu hoạch rau mầm đá bán ra thị trường. Nếu như “mầm đá” trong truyện Trạng Quỳnh không thể ăn được thì rau mầm đá Sa Pa lại đem lại giá trị kinh tế rất cao.

 

01.jpg

Anh Hồ Khắc Tráng hướng dẫn công nhân thu hoạch rau mầm đá. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Anh Hồ Khắc Tráng, tổ 1, phường Ô Quý Hồ đang gọi thêm người thu hoạch rau mầm đá. Vừa hướng dẫn 2 người địa phương cách cắt rau, anh Tráng vừa kể về quá trình trồng thành công loại rau này. Năm 2018, anh Hồ Khắc Tráng có ý tưởng đưa giống rau mầm đá của Trung Quốc về trồng thử nghiệm trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Anh đã nhập cùng lúc nhiều giống rau mầm đá để theo dõi loại nào thích hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu của Sa Pa. Rất may, trong lần trồng thử nghiệm đầu tiên, anh đã tìm ra giống rau phù hợp với điều kiện đất đai ở độ cao 1.700 m so với mực nước biển.

Từ 5.000 m2 đầu tiên, đến nay, anh  đã mở rộng diện tích trồng rau mầm đá lên 3,5 ha ứng dụng công nghệ cao. Theo kinh nghiệm của anh Tráng, rau mầm đá rất phù hợp với khí hậu lạnh của Sa Pa. Thời vụ trồng từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, sau khoảng 2,5 tháng, rau có thể cho thu hoạch. Rau đạt tiêu chuẩn thu hoạch là khi mầm nhô lên 2 - 3 cm, trọng lượng đạt khoảng 8 - 9 lạng/cây. Mầm đá thuộc họ cải, trồng ở vùng khí hậu lạnh nên dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất khoảng 30 tấn/ha, giá bán ổn định tại vườn từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí có thể cho lãi hơn 200 triệu đồng/ha.

Anh Hồ Khắc Tráng cho biết: Rau mầm đá phù hợp với khí hậu mùa đông ở Sa Pa. Thường các năm, vào mùa đông, các gia đình để đất trống bởi thời tiết quá lạnh, cây trồng khó phát triển. Cây mầm đá rất lý tưởng để tăng giá trị kinh tế vụ đông.

Từ vài nghìn m2 đầu tiên của 1 hộ trồng thử nghiệm, đến năm 2020, phường Ô Quý Hồ đã có 3 ha trồng rau mầm đá, đến năm 2021, diện tích trồng rau mầm đá đạt hơn 20 ha với 10 hộ trồng. Ô Quý Hồ được coi là “thủ phủ” rau mầm đá của Sa Pa, bởi diện tích rau mầm đá tập trung tại đây.

Trên địa bàn phường Ô Quý Hồ có hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 100 ha su su lấy quả; 20 ha su su lấy rau; 20 ha mầm đá; 15 ha cà chua; 40 ha su hào, bắp cải; 45 ha lúa… Diện tích rau chủ yếu tập trung ở tổ 1 và tổ 2 thành vùng chuyên canh. Nông nghiệp tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của phường khi năm 2021, các chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp của phường Ô Quý Hồ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các sản phẩm nông nghiệp của phường có đầu ra ổn định, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, các khu công nghiệp lớn. Trong tình hình dịch bệnh, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề thì sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho người dân. Dù mới đưa vào trồng được 3 năm nhưng với những đặc tính nổi bật, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, Ô Quý Hồ xác định mầm đá là cây trồng chủ lực, mũi nhọn của phường.

Ông Triệu Trọng Bằng, Chủ tịch UBND phường Ô Quý Hồ cho biết: Rau mầm đá trở thành đặc sản của Sa Pa được nhiều thực khách biết đến. Rau ngon, có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, năng suất và giá trị kinh tế cao, chúng tôi khuyến khích nông dân trồng rau mầm đá vào vụ đông, điều này góp phần giải bài toán để đất trống trong mùa đông giá rét. Đối với một số hộ trồng hoa ly, chúng tôi cũng vận động sau khi thu hoạch, có thể xuống giống trồng mầm đá. Dự báo, khi du lịch phục hồi, thị trường tiêu thụ rau mầm đá càng rộng mở. 10 hộ trồng rau mầm đá của phường đang tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng đã nuôi ăn.

Thời điểm này, khắp nơi ở Sa Pa đều thấy bày bán rau mầm đá, rau mầm đá thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng. Du lịch tái khởi động, từng đoàn du khách đổ về Sa Pa, món rau mầm đá cũng được nhiều du khách lựa chọn mua về làm quà.

Huy Tân tăng thu nhập từ trồng rau vụ đông

Với phương châm “không cho đất nghỉ”, sau thu hoạch vụ lúa mùa, nông dân xã Huy Tân, huyện Phù Yên (Sơn La) đã khẩn trương làm đất trồng cây vụ 3 vừa phục vụ nhu cầu thị trường, vừa tăng thu nhập.

 

02.jpg

Ruộng trồng rau vụ đông tại bản Puôi, xã Huy Tân, huyện Phù Yên.

 

Phong trào trồng rau vụ đông ở xã Huy Tân triển khai từ nhiều năm nay đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Vụ đông năm 2021, người dân trong xã trồng 30 ha rau các loại, gồm: su hào, bắp cải, rau cải, súp lơ... tập trung ở bản Puôi, Kim Phong, bản Cù và bản Giáo. Trước khi vào vụ sản xuất, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân chăm sóc rau đúng quy trình sản xuất an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. Sau gần 2 tháng, đến nay, cây rau vụ đông trên đồng đất xã Huy Tân đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 8-9 tấn rau, củ, quả/ha.

Bà Mùi Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã Huy Tân, cho biết: Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả, ngoài chủ động về thời điểm gieo trồng, xã cử cán bộ phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây theo nguyên tắc “4 đúng”. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã tư vấn, hướng dẫn người dân cân đối diện tích trồng rau hợp lý, chọn các giống cây đạt năng suất cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tuy chỉ sản xuất trong thời gian ngắn, nhưng bà con áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm rau sạch, chất lượng cung cấp cho thị trường.

Bản Puôi có diện tích trồng rau vụ đông trên 5 ha. Nhờ có nguồn nước của dòng suối Tấc dồi dào nên bà con trong bản đã tận dụng diện tích ruộng lúa hai vụ để trồng rau vụ đông. Cây rau vụ đông thường trồng trong thời gian ngắn không ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy vụ lúa chiêm xuân và còn tăng độ phì nhiêu của đất. Thu nhập từ trồng rau vụ đông bình quân đạt 70-80 triệu đồng/ha.

Bà Đinh Thị Diện, bản Puôi, xã Huy Tân, chia sẻ: Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn gia đình tôi đã trồng 1.000m² rau cải và tầm bóp, hiện đều sinh trưởng phát triển tốt, cho thu hoạch trước dịp Tết Nguyên đán sẽ thu được hơn 10 triệu đồng. Còn bà Hà Thị Trong, bản Cù, xã Huy Tân, cho hay: Thời tiết năm nay thuận lợi nên rau phát triển rất tốt, gia đình tôi đang chuẩn bị bán. Với khoảng 2.000 m² trồng các loại rau cải được thu liên tục trong vòng 1 tháng và khoai tây, dự kiến sản lượng sẽ đạt 10 tấn rau củ các loại.

Theo người dân trong xã, trồng cây vụ đông ít chịu ảnh hưởng của sâu bệnh; chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao; tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, còn góp phần giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, thâm canh tăng vụ, lựa chọn cây trồng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Ngân Sơn tích cực sản xuất vụ đông

Cùng với việc nhanh chóng thu hoạch vụ mùa, phơi và thu gom rơm, rạ làm thức ăn trong mùa đông cho gia súc, nông dân huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) đang tích cực triển khai sản xuất vụ đông.

Nà Nạc là thôn có phong trào sản xuất rau màu lớn của xã Hiệp Lực. Thôn có 10ha đất nông nghiệp thì hơn 8ha được người dân luân canh tăng vụ trồng rau màu, trồng lúa và tập trung trồng rau vụ đông. Chị Hoàng Thị Xuyến, thôn Nà Nạc chia sẻ: "Nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng rau vụ đông, gia đình tôi mượn thêm 1.000m2 đất để trồng bắp cải, cải ngọt, cải dưa... Hiện tôi đã bán 02 lứa bắp cải, giá bình quân 20.000 – 25.000 đồng/kg, rau cải các loại có giá 15.000 đồng/kg. Để tăng thu nhập, tôi thường trồng sớm hoặc muộn hơn so với chính vụ và luân canh trên diện tích hơn 2.000m2".

 

03.jpg

Gia đình chị Hoàng Thị Xuyến, thôn Nà Nạc đã thu hoạch 02 lứa bắp cải. Ảnh: Báo Bắc Kạn

 

Vụ đông năm 2021, xã Hiệp Lực trồng các loại rau màu với diện tích khoảng 25ha, tập trung tại các thôn Nà Nạc, Bản Quản, Nà Càng, Liên Kết... Nhiều diện tích rau màu đã được người dân xuất bán do trồng sớm, giá bán cao hơn so với chính vụ.  

Đồng chí Long Minh Giám- Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết: Những năm gần đây, sản xuất vụ đông đã được người dân trong xã chú trọng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều hộ coi vụ đông là vụ mang lại thu nhập chính. Để người dân thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng trồng rau tập trung.

Không chỉ tại Hiệp Lực, người dân các xã khác trên địa bàn huyện Ngân Sơn cũng đang tích cực làm đất để gieo trồng cây vụ đông. Vụ đông năm nay, huyện có kế hoạch thực hiện khoảng 120ha rau màu các loại, tổng sản lượng phấn đấu đạt 1.660 tấn. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn, chỉ đạo thực hiện đúng khung thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất; tăng cường tuyên truyền vận động và hướng dẫn bà con nông dân gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như rau, đậu, khoai tây…, tích cực tìm kiếm các đơn vị liên kết, tiêu thụ sản phẩm giúp người dân.

Ông Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết: Hiện nay, diện tích lúa mùa đã thu hoạch xong, để chủ động sản xuất vụ đông đúng khung thời vụ, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt vật tư, nông nghiệp cung ứng cho bà con, khuyến cáo người dân hạn chế lạm dụng phân hóa học, tăng cường phân bón hữu cơ, thực hiện công thức xen canh, luân canh đúng quy trình… Tuy nhiên, sản xuất vụ đông ở Ngân Sơn quy mô còn hạn chế, trong khi diện tích đất nông nghiệp của huyện khá lớn. Vì vậy, địa phương đang tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán sản xuất, hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sự liên kết...

“Trái ngọt” trên những mảnh đất cằn

Năm 2022, sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án Cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, những mảnh đất cằn đã cho “trái ngọt”. Đón mùa Xuân mới, người dân nghèo thêm hân hoan khi đời sống ngày một ấm no.

 

04.jpg

 Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực hiện cải tạo vườn tạp tại huyện Đồng Văn. Ảnh: Báo Hà Giang

 

Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh là quyết sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đúng “ý Đảng – lòng dân” khi mục tiêu cốt lõi làm thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh vườn của gia đình; từ đó tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; thay đổi nhận thức, phong tục, thói quen, tập quán sản xuất, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang loại có giá trị kinh tế cao hơn. Xác định rõ điều đó, ngay khi bắt tay thực hiện đề án, cả hệ thống chính trị từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến cơ sở đã lãnh, chỉ đạo quyết liệt; các tổ chức chính trị - xã hội và tầng lớp nhân dân đồng thuận tham gia thực hiện.

Qua thực tế triển khai, các huyện, thành phố lựa chọn đúng đối tượng thực hiện cải tạo vườn tạp (hộ nghèo, cận nghèo); tuyên truyền, vận động, bố trí kinh phí hỗ trợ các gia đình (cây giống, phân bón, vật tư) và huy động công lao động giúp hộ dân cải tạo vườn tạp. Việc cho vay vốn được thẩm định khá chặt chẽ từ thôn, bản đến cấp xã và huyện theo đúng hướng dẫn. Các địa phương cho vay theo đúng định mức, quy mô, tiêu chí và điều kiện vay vốn theo hướng dẫn. Trong năm, toàn tỉnh có tổng số 2.467 (số liệu tính đến ngày 10.12.2021) hộ thực hiện cải tạo vườn tạp; trong đó, số hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh là 1.220 hộ/11 huyện, thành phố; số hộ trung bình, khá, giàu thực hiện là 1.247 hộ. Tổ chức thẩm định 1.220 hộ và có 1.158 hộ đủ điều kiện vay vốn; tổng số tiền đã giải ngân trên 30,3 tỷ đồng. Các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, chủ yếu đầu tư mua cây, con giống, vật tư nông nghiệp cần thiết phục vụ chăm sóc cây trồng, vật nuôi và vật liệu xây dựng để sửa sang lại chuồng nuôi, hàng rào, bổ sung đất vào nương đá ở các huyện vùng cao…

Tổng diện tích vườn tạp được cải tạo trên 115 ha; các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp trên 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ 19.800 công lao động cải tạo vườn tạp. Bên cạnh đó, nhân rộng đề án (các hộ không thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh), toàn tỉnh có 1.247 hộ thực hiện; tổng diện tích vườn được cải tạo trên 173 ha/10 huyện, thành phố. Số lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp hỗ trợ các gia đình trên 47,7 nghìn cây, con (quy ra kinh phí 945 triệu đồng); đóng góp trên 15 nghìn ngày công hỗ trợ các gia đình.

Trong câu chuyện đầu năm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý, chia sẻ: Qua triển khai, một số địa phương vận dụng linh hoạt, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, như huyện Vị Xuyên, Bắc Quang xây dựng thêm các tiêu chí phù hợp với thực tế; Hoàng Su Phì áp dụng biện pháp che phủ ni-lon cho cây ngô; Quản Bạ, Bắc Mê lập nhóm thông tin qua mạng xã hội zalo để trao đổi thông tin hàng ngày, xếp đá, đổ đất, triển khai hình thức đầu tư có thu hồi; ở một số xã, các trường học hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau; huyện Mèo Vạc, Đồng Văn thực hiện xếp đá, đổ đất để trồng cây ăn quả, chăn nuôi, huy động được lực lượng cán bộ và nhân dân tích cực tham gia giúp đỡ các hộ…

Đến nay, đã có 576 vườn “đơm hoa, kết trái”, mang đến “trái ngọt” cho người dân nghèo. Theo tính toán của các ngành chức năng, tổng thu nhập của các hộ sau khi cải tạo vườn tạp trên 3,8 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ vườn được cải tạo đạt 6,72 triệu đồng/hộ; thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trước khi cải tạo. Trong các nguồn thu nhập từ cải tạo vườn tạp của các hộ (gồm từ chăn nuôi; thủy sản; cây lương thực; cây ăn quả; cây rau, củ, quả ngắn ngày...), thu nhập từ chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; sản phẩm chăn nuôi lợn, gà, trứng gà làm thức ăn hàng ngày và cải thiện thêm thu nhập, sản phẩm phụ phục vụ trồng trọt; thu nhập từ trồng cây ngắn ngày cho sản phẩm tốt; chủ yếu nội tiêu, hình thức tiêu thụ trực tiếp thông qua các tư thương tại các chợ, trường học trên địa bàn.

Có thể khẳng định, Đề án Cải tạo vườn tạp đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể nhận thức người dân. Các hộ đồng tình hưởng ứng; ngoài cải tạo vườn tạp, cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp hỗ trợ ngày công dọn dẹp khuôn viên nhà ở, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp giữa nhà ở và khu vực chăn nuôi, vườn hộ, góp phần khơi dậy sức dân xây dựng NTM. Thay đổi tư duy, nhận thức, tập quán sản xuất của dân về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa. Đặc biệt, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế hộ, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top