Kể từ khi sáp nhập (năm 2016) đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình (Thái Nguyên) từng bước khẳng định chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo.
Vượt khó vươn lên
Do phải ứng phó với dịch Covid -19, học kỳ 2 vừa qua, học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình phải nghỉ học một thời gian; cơ sở 2 của đơn vị được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung của huyện nên hoạt động dạy và học của tổ Giáo dục thường xuyên (GDTX) được đưa về cơ sở 1 trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trước tình hình đó, Trung tâm đã tu sửa cơ sở vật chất, và bổ sung các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo cho hoạt động dạy và học. Bên cạnh những khó khăn bất thường, chất lượng tuyển sinh vào lớp10 hàng năm khá thấp, học sinh bị rỗng kiến thức, ý thức học tập, rèn luyện chưa cao; nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhận thức của một số phụ huynh về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong công tác giáo dục còn hạn chế... cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của Trung tâm.
Tuy nhiên, năm học 2019 – 2020, Trung tâm luôn duy trì sĩ số là 578/ 613 (94,3%); tỷ lệ xếp loại học lực khá giỏi đạt gần 25%; hạnh kiểm tốt chiếm 30,17%, hạnh kiểm khá 61,58%. Các danh hiệu thi đua 2 mặt giáo dục đều đạt và vượt kế hoạch, danh hiệu học sinh giỏi là 12 em, đạt 1,96%, vượt chỉ tiêu đề ra; danh hiệu học sinh tiên tiến là 229 em, đạt 39,6 %, vượt chỉ tiêu đề ra; 8/14 lớp tiến tiến.
Đẩy mạnh liên kết đào tạo
Ông Trần Bảo Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình, cho biết: Trong năm, Trung tâm đã tập trung tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vừa học văn hoá, vừa học trung cấp nghề, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Công tác dạy nghề phổ thông, tư vấn hướng nghiệp tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả, năm học 2019-2020, Trung tâm đã dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp cho 03 trường THPT trong huyện và học sinh khối 11 của đơn vị; với tổng số học sinh là 795 em/ 18 lớp. Công tác tổ chức thi nghề cho học sinh khóa 2018-2019 đạt kết quả tốt, kết quả thi nghề phổ thông tháng 8/2019 có 625 học sinh tham gia, tỷ lệ đỗ 100%.
Hoạt động liên kết và dịch vụ cũng được chúng tôi hết sức coi trọng, năm 2019, Trung tâm đã liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất thương mại và dịch vụ Phương Anh tổ chức khai trương xưởng sản xuất, tạo điều kiện cho học sinh được thực hành nghề tại đơn vị. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hợp tác với Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam tổ chức tuyển sinh các lớp đào tạo theo kế hoạch hoạt động giữa hai bên. Năm 2019, chúng tôi tuyển sinh và tổ chức học được 3 lớp, gồm: 01 lớp đại học sư phạm mầm non, 01 lớp đại học sư phạm tiểu học và 01 lớp đại học luật.
Góp phần nâng cao chất lượng lao động địa phương
Triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, hàng năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho nông dân và các đối tượng lao động khác tại địa phương, báo cáo UBND huyện, kế hoạch đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh duyệt để giao chỉ tiêu đào tạo nghề. Năm 2019, Trung tâm tuyển sinh và khai giảng 04 lớp thuộc nguồn ngân sách huyện, 01 lớp sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi nguồn của Chi cục Phát triển nông thôn và 02 lớp may công nghiệp nguồn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ông Trần Đức Minh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình, cho biết: Hiện nay, Phú Bình có trên 90.000 người trong độ tuổi lao động. Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng số lao động được đào tạo nghề là 5.524 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,37% (trong đó có văn bằng, chứng chỉ 30,65%). Tổng số lao động có việc làm tăng thêm trong 5 năm là 16.405 người, trong đó đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài 600 người. Cơ cấu lao động chuyển dịch đáp ứng được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện; tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và thương mại tăng từ 33,33% (năm 2016) lên 60,21% (năm 2020); tỷ lệ lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 66,67% xuống 39,79%. Những thành tích đó có sự đóng góp rất lớn của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện.
Với phương châm giáo dục toàn diện, kết hợp với rèn luyện kĩ năng thực hành, kĩ năng sống; coi trọng các hoạt động giáo dục ngoài giờ, ngoại khóa và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu..., Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình đang từng bước khẳng định mình, mang niềm tin cho các cấp lãnh đạo và nhân dân trong huyện. Hôm nay tới trường, học sinh của Trung tâm luôn tươi vui và tự tin bởi các em có nhiều cơ hội học tập; việc học đi đôi với hành sẽ là hành trang để các em tự tin ra trường, vững bước vào môi trường làm việc mới.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.