Dịch bệnh Covid-19 khiến sức tiêu thụ của các sản phẩm nông sản giảm mạnh. Để hỗ trợ bà con nông dân trong giai đoạn khó khăn này, nhiều huyện tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra và thực hiện nhiều biện pháp giải cứu nông sản.
Vận động tiêu thụ gần 50% đàn vịt thịt tại huyện Phong Điền
Theo thống kê, hiện nay tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có 13 cơ sở chăn nuôi vịt với quy mô lớn. Tổng số vịt thịt đang trong giai đoạn xuất chuồng của 13 cơ sở chăn nuôi nói trên là 22.600 con.
Ông Hoàng Việt Hùng, một người chăn nuôi vịt thịt tại thôn Thanh Hương Đông, xã Điền Hương cho biết, trong kinh nghiệm gần 20 năm chăn nuôi vịt của mình chưa năm nào ông gặp tình trạng khó khăn trong tiêu thụ vịt như hiện nay.
“Trước đây, khi vịt bị dịch H5N1, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ, nhưng chỉ trong thời gian ngắn khoảng một đến vài tuần thôi nhưng bây giờ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà từ trước tết âm lịch đến giờ chúng tôi chẳng bán được là bao nhiêu. Với tổng số vịt thịt đang trong độ xuất chuồng là 2.000 con, mỗi ngày tôi lỗ khoảng 2 triệu tiền thức ăn cho chúng”, ông Hùng chia sẻ.
“Mấy ngày gần đây cán bộ địa phương mua ủng hộ cho chúng tôi cũng nhiều. Họ thường mua ủng hộ cho mỗi cơ sở khoảng 400 - 500 con với giá 75.000 đồng/1 con. Việc mua số lượng bao nhiêu là tùy thuộc theo số lượng cán bộ, giáo viên của xã đó nữa. Nhờ vậy, chúng tôi cũng thấy an ủi được phần nào”, ông Hùng nói tiếp.
Gia đình ông Trần Gia Doan tại thôn Thanh Hương Tây, xã Điền Lộc cho biết, cơ sở của ông nuôi 1.200 vịt đẻ trứng và hiện cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ trứng vịt. Mỗi ngày, tại cơ sở này đang phải bù lỗ hàng triệu đồng.
“Nhà tôi nuôi vịt đẻ trứng để các lò mua về ấp và bán vịt giống, tuy nhiên, vịt thịt không bán được, vịt giống cũng ít người mua nên giá trứng giảm mạnh lắm. Hiện nay tôi đang bán hơn 2.000 đồng/1 quả trứng, giá này giảm gần 50% so với giá thông thường”, dẫn lời ông Doan.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến sức tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung bị giảm suốt mạnh mẽ. Thực tế này khiến nhiều hộ nông dân đang gặp khó khăn trong việc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nông sản làm ra.
Trước tình hình trên, UBND huyện đã vận động cán bộ, công chức, viên chức địa phương tham gia chia sẻ tiêu thụ nông sản với bà con nông dân đặc biệt là vịt thịt.
“Với tinh thần vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức chia sẻ tiêu thụ 02 con vịt thịt có giá được niêm yết là 75.000 đồng/01 con đến nay chúng tôi đã tiêu thụ được 6.700 con. Thêm vào đó, chúng tôi cũng đã vận động các tư thương tham gia tiêu thụ vịt thịt cho bà con nông dân nên đến nay đã có 10.200/22.600 con vịt thịt của 13 cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn đã được tiêu thụ”, dẫn lời ông Quang.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình cho biết, theo khảo sát trên địa bàn huyện vịt, gà, tôm… là những loại sản phẩm nông sản đang trong độ thu hoạch nhiều nhất. Và, trong số này, vịt thịt là sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn hơn cả trong việc tiêu thụ.
Ông Bình cho biết thêm, trên địa bàn hiện có nhiều hộ nuôi tôm cũng đã đến vụ thu hoạch tuy nhiên họ đang chờ để có thể bán với giá tốt hơn.
Nắm bắt được tình hình, UBND huyện Phong Điền đã giao cho các đơn vị chức năng tiến hành đưa ra biện pháp hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm nông sản trong giai đoạn khó khăn. Trong số này, phương án kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức địa phương chia sẻ, ủng hộ người dân tiêu thụ sản phẩm được thực hiện trước tiên.
Cùng với đó, UBND huyện Phong Điền cũng đã và đang liên hệ với nhiều công ty, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản để hỗ trợ bà con nông dân.
Ông Bình nhận định rằng, việc tái đàn trong chăn nuôi của các cơ sở tại địa phương sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Huyện Quảng Điền giai cứu nhiều loại sản phẩm nông sản
Được biết, ở thời điểm hiện tại, nông dân tại huyện Quảng Điền đang thu hoạch gà, vịt, cá diêu hồng, rau má… và tương tự như những người nông dân tại huyện Phong Điền, nhiều sản phẩm nông sản tại đây cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Theo thống kê, số nông sản đang đến độ thu hoạch trong toàn huyện Quảng Điền là: 18 hộ chăn nuôi gà với số lượng 29.200 con; 11 hộ chăn nuôi với số lượng 21.250 con; 4 hộ chăn nuôi cá diêu hồng với số lượng 44.000 con (ước tỉnh khoảng 25 tấn); ngoài ra còn có các sản phẩm khác như mía cẩm tân, rau má…
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết, địa phương đang tích cực sử dụng phương tiện thông tin, trang thông tin điện tử của huyện tuyên truyền, vận động công nhân viên chức và nhân dân hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân.
Một trang mạng xã hội Zalo cũng đã được thiết lập để cập nhật thông tin, quảng bá sản phẩm và giúp các cá nhân, tổ chức có thể liên hệ mua sản phẩm nông sản nếu có nhu cầu.
Yêu cầu Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tham gia vận động, kêu gọi hội viên, đoàn viên hỗ trợ mua sản phẩm cho nông dân (vận động mỗi một đoàn viên, hội viên mỗi tuần mua ít nhất 01 con gà hoặc 01 con vịt hoặc 01 kg cá diêu hồng).
Được biết, giá bán của các loại nông sản tại huyện Quảng Điền đã được niêm yết cụ thể theo trọng lượng, chi phí vận chuyển… cụ thể: gà từ 1,4kg/con trở lên, giá sống 50.000đ/kg; gà làm sạch: 70.000đ/kg; chi phí bao gói, hút chân không: 5.000đ/con, chi phí vận chuyển, giao hàng: 2.000 – 5.000đ/con (theo thỏa thuận, tùy số lượng, khoảng cách giao hàng).
Tương tự với vịt trọng lượng từ 1,8-2,2kg/con giá bán 70.000đ/con; từ 2,2kg/con trở lên có giá là 75.000đ/con để sống; 90.000 - 95.000đ/con làm sạch; chi phí bao gói, hút chân không: 5.000đ/con, chi phí vận chuyển, giao hàng: 2.000 – 5.000đ/con (theo thỏa thuận, tùy số lượng, khoảng cách giao hàng).
Với cá diêu hồng loại 2 - 3 con/1kg được bán với giá 45.000đ/kg trong đó bao gồm cả chi phí vận chuyển, giao hàng tận nơi.
Để nông dân gặp khó, chính quyền chưa làm hết trách nhiệm
Liên quan đến vấn đề giải cứu sản phẩm nông sản cho nông dân, từ khảo sát thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhận định, dịch COVID-19 đã khiến lượng khách tại các cơ sở kinh doanh ăn uống giảm mạnh trong đó có một số đã phải đóng cửa; cùng với đó, để hạn chế tụ tập đông người, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện cũng phải tạm dừng tổ chức tiệc cưới, tiệc mừng… dẫn đến sức tiêu thụ giảm sút và khiến nhiều nông sản, thủy sản của bà con như rau quả, gà, vịt, tôm, cá... không tiêu thụ được.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu chính quyền địa phương phải có ngay những động thái hỗ trợ để giúp cho người nông dân vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Ông Thọ cũng chỉ rõ, muốn giải cứu được nông sản cho nông dân, các địa phương cần rà soát, đánh giá, phân loại các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ, từ đó có kế hoạch kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
"Để nông dân nghèo, sản phẩm của nông dân không tiêu thụ được thì chính quyền chưa làm hết trách nhiệm", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.