Sản lượng đánh bắt thủy sản bằng cùng kỳ năm 2019 nhưng giá thành giảm khoảng 30 – 40% khiến ngư dân đang gặp những khó khăn nhất định.
Theo tìm hiểu của PV, sản lượng đánh bắt thủy sản tại một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế như thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bằng so với cùng kỳ các năm trước, tuy nhiên, giá cả của các mặt hàng này giảm khoảng 30 – 40% khiến đời sống ngư dân đang gặp những khó khăn nhất định.
Qua trao đổi với anh Nguyễn Văn Giống (trú tại thôn An Hải, thị trấn Thuận An), chủ tàu đánh bắt thủy sản số hiệu TTH02890TS được biết, anh cùng các thuyền viên của mình thường đánh bắt cá, tôm đi về trong đêm và đến thời điểm này vẫn tham gia hoạt động bình thường.
Theo chủ tàu TTH02890TS, sản lượng đánh bắt thủy sản vẫn bằng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, giá bán sản phẩm tôm, cá hiện giảm khoảng 30 – 40% nên thu nhập chỉ đủ trang trải và duy trì cho hoạt động của tàu.
Anh Võ Văn Thạnh, một chủ tàu khác cùng trú tại thôn An Hải cũng cho rằng, ngư dân đang gặp những khó khăn trong công việc và cuộc sống vì giá thành của các sản phẩm thủy sản chỉ bằng 60% lúc bình thường.
“Làm cũng bình thường, số lượng cá, tôm đánh bắt được cũng như mọi khi mà có điều thu nhập thấp hơn. Giá bán hiện nay chỉ được khoảng 60% bình thường thôi. Cũng nhờ giá dầu giảm nên chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động được đến bây giờ”, anh Thạnh cho hay.
Nhiều chủ tàu, ngư dân khác tại thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận như anh Nguyễn Văn Hòa, anh Bùi Văn Phối… cũng có ý kiến tương đồng như của anh Giống, anh Thạnh.
Là chủ những tàu được trang bị để chuyên đánh bắt ghẹ, ốc hương, chị Nguyễn Thị Một (SN 1974), anh Nguyễn Quốc Hòa (SN 1972) cũng trú tại thị trấn Thuận An cho biết, các mặt hàng này đều là đồ tươi sống và chủ yếu phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên họ đều nhận định trong dịp lễ 30/4, 1/5 tới đây sẽ không thu nhập được như các năm trước.
Đại diện một doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản tại thị trấn Thuận An cho biết, để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người với người là từ 2m trở lên theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, một lượng lớn công nhân của đơn vị đã được cho nghỉ, cũng vì vậy mà lượng hàng thu mua, chế biến tại đây đã giảm theo.
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, hiện địa phương đang có 386 tàu tham gia đánh bắt thủy sản. Công việc ra khơi đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân vẫn diễn ra bình thường và sản lượng cũng đạt như mọi năm, tuy nhiên giá cả của các mặt hàng thủy sản thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 30 – 40%.
"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều mặt hàng trước đây thường xuất khẩu sang Trung Quốc nay gặp khó khăn trong công tác vận chuyển; cùng với đó, thị trường tiêu thụ tại địa phương là các nhà hàng, khách sạn cũng tạm ngưng hoạt động hoặc khách ít dẫn tới khó tiêu thụ sản phẩm thủy sản", ông Đủ phân tích.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, giá xăng dầu trên thị trường giảm nên bà con ngư dân cũng đỡ phần nào chi phí khi đánh bắt thủy sản.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, hiện tại địa phương có 56 tàu thuyền đánh bắt thủy sản. Sản lượng đánh bắt thủy sản tại địa phương vẫn bằng so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên giá thành giảm khoảng 30 – 40%.
Được biết, thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận đã trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng chức năng để tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho ngư dân.
“Địa phương đã phối hợp với đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An tuyên truyền vận động bà con nếu ra khơi mà có vấn đề nào về sức khỏe như là ho, sốt… đề nghị tàu phải vào bờ nếu xa quá không vào bờ được thì phải phát tiến hiệu SOS để có tàu ra cứu”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An Ngô Văn Đủ nói.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…