Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 2 năm 2016 | 2:52

Vì sao Thường Nga chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới?

Thường Nga là một trong những xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã đồng sức đồng lòng hiến đất mở đường, đóng góp tiền của, ngày công để hoàn thành từng tiêu chí.

Kết thúc 2015, Thường Nga là một trong 26 xã của Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM. Thế nhưng, người Thường Nga lại một lần lỡ hẹn với danh hiệu này mặc dù các tiêu chí đạt được không thua kém gì các xã đã về đích khác. Câu hỏi đặt ra là, tại sao Thường Nga đã hoàn thành xuất sắc bộ tiêu chí NTM nhưng vẫn chưa được công nhận là xã NTM?

Hệ thống đường giao thông nông thôn ở Thường Nga ngày càng hoàn thiện.

Từ xã bán sơn địa

Thường Nga là xã miền núi nằm theo triền Trà Sơn Tây, ở phía Tây huyện Can Lộc. Xã có tổng diện tích tự nhiên 643,317ha, trong đó đất trồng lúa 330ha, dân số 4.565 người, 1.146 hộ chia thành 9 thôn. Người dân Thường Nga sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Đến với Thường Nga trong một chiều se lạnh, những đám mạ non mơn mởn trên những cánh đồng báo hiệu một vụ đông xuân bội thu. Thường Nga đã khoác lên mình một gam màu mới bởi sau mấy năm tất bật tập trung XDNTM, từng đường làng ngõ xóm đã được bê-tông cứng hóa hoàn toàn. Bộ mặt NTM căng đầy sức sống, khác hẳn bức tranh nông thôn của Thường Nga xưa. Thế nhưng dường như người dân hiền lành chất phác nơi đây vẫn chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn, bởi trên khuôn mặt mỗi người vẫn đượm chút buồn, vì “thua chị, kém em chỗ nào mà xã mình chưa được công nhận NTM?”. Chưa được công nhận xem như Thường Nga lại bị tụt hậu thêm một năm. Đó là nỗi niềm của người Thường Nga mà chúng tôi bắt gặp.

Để thấu hiểu được nỗi buồn của họ, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với những người trực tiếp gần gũi với người dân và đại diện cho một bộ phận cư dân nơi đây. Khi được hỏi về nguyên nhân cũng như tâm sự của họ về việc vì sao đến giờ xã vẫn chưa được công nhận NTM, ông Trần Xuân Tam, Trưởng thôn Tây Bắc, chia sẻ: “Trên cương vị trưởng thôn, chúng tôi đã phấn đấu hết mình vì một mục đích chung, đưa Thường Nga đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Thế nhưng khi xã chưa được công nhận, người dân chúng tôi đôi lúc thấy buồn, vì sao mọi tiêu chí đều đạt mà vẫn chưa được công nhận. Trong lúc đó, toàn dân từ già trẻ, gái trai luôn cố gắng phấn đấu hết sức mình, đảm bảo hoàn thành các công trình theo đúng tiến độ của xã đề ra. Khi hoàn thành các tiêu chí NTM, người dân rất vui, vì họ là những người trực tiếp hưởng  lợi từ một phần thành quả mà họ góp công xây dựng, đường nông thôn ngõ xóm nội đồng khép kín, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân. Rất tiếc cho địa phương, người dân cũng thấy rất không đồng tình bởi 20 tiêu chí (19 tiêu chí quốc gia và tiêu chí số 20 về xây dựng vườn mẫu do UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định) đã hoàn tất nhưng chưa được công nhận như những địa phương khác nên chúng tôi cảm thấy buồn”.

Còn ông Trần Xuân Lành, Trưởng thôn Trung Hòa, tâm sự hết sức thật lòng: “Nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chung của xã qua cả quá trình cuối cùng cũng được tỉnh, huyện công nhận đạt 20/20 tiêu chí. Nhưng không hiểu sao Thường Nga vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn NTM. Khi nhận được kết quả như thế, chúng tôi thấy cấp trên đánh giá như thế là chưa thỏa đáng. Trong khi bộ mặt của địa phương đã hoàn toàn thay đổi, con em xa quê khi trở về có người còn không nhận ra đường làng ngõ xóm ngày xưa giờ ở đâu. Trước lúc kiểm tra có đoàn công tác của tỉnh đã xếp Thường Nga đứng thứ 8 trong số 26 xã của tỉnh về đích năm 2015 nhưng phút chót công bố các xã về đích lại không có Thường Nga. Kết quả như thế không buồn sao được”.

Sức dân là trên hết

Ông Lành chia sẻ thêm: “Trong quá trình XDNTM, người dân thôn Trung Hòa chúng tôi luôn đồng lòng hiến đất, di dời cọc điện, bờ rào,  đồng ý đập hết các công trình để mở rộng đường, không thắc mắc yêu cầu đền bù gì. Khi tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của người dân, lần một chỉ có 65% đồng thuận, lần hai là 85% và lần cuối cùng có tới 92% người dân đồng lòng nhất trí, chỉ có vài ba ý kiến nhỏ về môi trường, mương tiêu thoát nước. Khi hoàn thành 19 tiêu chí, người dân rất phấn khởi vì sắp được công nhận là xã NTM. Thế nhưng, đến chiều  31/12/2015, khi có quyết định chưa được công nhận, người dân đều thấy hụt hẫng vì không hiểu được nội tại vấn đề do đâu”.

Bức tranh NTM khởi sắc trên từng đường làng ngõ xóm.

Khi nghe những lời tâm sự của ông Lành, chúng tôi lại có thêm một câu hỏi chưa có câu trả lời, đó là quyết định chưa công nhận Thường Nga đạt chuẩn NTM là do đâu? Khi sải chân bước trên những con đường còn thơm mùi bê-tông thoảng mùi hương của lộc đào mơn mởn, chúng tôi bắt gặp một người dân đang đi làm đồng về. Khi được hỏi về việc công nhận đạt chuẩn NTM, người này nói: “Người dân chúng tôi rất buồn và cảm thấy không phục vì một ý kiến hay sức ép nào đó đã khiến sự phấn đấu của chúng tôi phải dừng lại, ngỡ rằng mục tiêu đã nắm được ngay trước mắt những lại thoát ra khỏi tầm tay. Nghe nói trong quá trình bỏ phiếu để được công nhận xã NTM, Thường Nga chưa được công nhận là do sức ép của trên xuống bởi dư luận từ phía báo chí”.

Vì sao chưa được công nhận?

Đến thời điểm này, có thể nói, Thường Nga đã về đích nhưng chưa được công nhận, bởi vì khách quan mà nói, những địa phương đã về đích năm 2015 chủ yếu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nhưng quê hương của “thầy Nghị Nga Lộc” vẫn chưa được công nhận và “chưa có bằng” mặc dù mọi tiêu chí đã đủ đầy­­.

Đem ra so sánh 19 tiêu chí của Thường Nga, khách quan mà nói, từ tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất đến giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức xã hội vững mạnh, an ninh trật tự đều đã hoàn thành 100%.

Để làm rõ những thắc mắc của người dân, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với chị Phan Thị Huyền Trang, chuyên trách NTM của xã Thường Nga. Chị Trang cho biết: “Thực sự mà nói, trong quá trình đánh giá, các ý kiến đều thống nhất, Thường Nga đã hoàn thành 19 tiêu chí nhưng khi bỏ phiếu thì lại nhận được kết quả không đạt”. Để chứng minh cụ thể hơn, chị Huyền Trang nói, ngày 15/11, các sở, ban ngành về kiểm tra tổng thể lần thứ nhất đánh giá đạt chuẩn nhưng trong đó có một vài tiêu chí chưa thật bền vững. Đảm nhận ý kiến góp ý của đoàn công tác, sau hơn 1 tháng khắc phục, đến ngày 24/12 kiểm tra lại lần cuối, đoàn đã công nhận Thường Nga đạt chuẩn NTM theo yêu cầu”.

Năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh có 26 xã đăng ký về đích NTM, trong đó có Thường Nga. Vì thế, khi chuẩn bị kết thúc năm 2015, Đảng bộ, nhân dân trong xã háo hức chờ đợi đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM. Mặc dù Thường Nga đã được các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện ghi nhận đánh giá cao thành quả mà Thường Nga đã đạt được, xứng đáng một trong 26 xã đạt chuẩn, thế nhưng cuối cùng người dân lại nhận lấy sự thất vọng khi không có tên trong danh sách.

XDNTM là chủ trương lớn của Đảng, khi dân đã đồng sức, đồng lòng để xây dựng cuộc sống mới cho chính mình, cho cả xã hội, góp phần đưa bộ mặt nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới thì phải được công nhận một cách xứng đáng và kịp thời.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top