Trước tình trạng hạn mặn đang diễn ở nhiều tỉnh ĐBSCL mới đây các chuyên gia đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm giảm độ mặn, phần nào hạn chế thiệt hại cho ngành nông nghiệp.
Bến Tre thiệt hại hơn 1.223 tỷ đồng
Theo UBND tỉnh Bến Tre, năm 2020, sản xuất nông nghiệp tỉnh đối mặt với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn rất khốc liệt. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai, quán triệt đến các ngành, các cấp, xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ, tình huống hạn mặn xấu nhất có thể xảy ra.
Trước thực trạng trên Bến Tre đã nạo vét khoảng 260 km kênh mương nội đồng với tổng khối lượng gần 840.000 m3; sửa chữa, nâng cấp 19 công trình cống và 6 bờ bao; ngoài ra còn nhiều công trình bờ bao, đập tạm ngăn mặn cục bộ do người dân tự thực hiện tại các địa phương.
Đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng gần 1 triệu m3 nước; đắp 17 công trình đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt, trong đó đắp khẩn cấp 6 đập tạm để ngăn mặn khu vực sông Ba Lai; và một số công trình đập tạm quy mô nhỏ, bờ bao ngăn mặn cục bộ do các xã và người dân chủ động thực hiện...
Tuy nhiên, do mặn xâm nhập sớm, xâm nhập sâu, độ mặn cao có thời điểm trên 10‰, thời gian kéo dài, nên hầu hết diện tích các loại cây trồng đều bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển.
Ước giá trị thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Bến Tre đến nay hơn 1.223,45 tỷ đồng.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, mùa khô năm 2019 - 2020, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 130.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn mặn, bằng 39,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng. Trong đó, tỉnh Tiền Giang 28.360 ha, Bến Tre 12.350 ha, Long An 12.900 ha, Trà vinh 12.350 ha, Vĩnh Long 8.580 ha, Sóc Trăng 13.650 ha….
Thay đổi tập quán canh tác
Để khắc phục và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những giải pháp ngăn mặn, dự trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây trồng hợp lý,… người nông dân rất cần có cần có sự thay đổi trong tập quán canh tác. Cùng với đó, tìm giải pháp khắc phục những tác hại do hạn mặn gậy ra là cách ứng xử phù hợp nhất.
Bên cạnh các giải pháp công trình như xây hồ chứa và các công trình trữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập vào đất liền; dự trữ nước ngọt dùng cho mùa khô; điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với mức độ hạn mặn của từng tiểu vùng.
Cần thay đổi tập quán canh tác, chú trọng bồi dưỡng đất đai, coi trọng vai trò của phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc tuân thủ quy hoạch do nhà nước triển khai, nhà nông cần chủ động chuyển đổi giống, cây trồng phù hợp với từng vùng đất, bám sát diễn biến thời tiết, thường xuyên đo độ mặn để ứng phó kịp thời.
Trong đó, nền tảng nông nghiệp hữu cơ là giải pháp vừa phù hợp tự nhiên vừa có cơ sở khoa học giúp cây trồng phát triển bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Trong quá trình xử lý giải mặn, phục hồi vườn cây theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc, hóa chất để phòng ngừa nắm bệnh...
Đề xuất 3 giải pháp giảm độ mặn
Năm 2020, xâm nhập mặn được ghi nhận ở 10/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại các cửa sông có độ mặn từ 4 phần nghìn: sông Vàm Cỏ Đông xâm nhập mặn 66km, Vàm Cỏ Tây 115km, cửa Tiểu 37km, cửa Đại 38km, Hàm Luông 56km, Cổ Chiên 21km, sông Hậu 23km, sông Cái Lớn 41km...
Ở mức xâm nhập mặn này, đất canh tác nông nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề: cây bị cháy lá, bạc màu, chết khô, mất mùa trên diện rộng. Đơn cử, Bến Tre hiện có trên 5.200ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000ha cây ăn trái, 72.000ha dừa và hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại gần 39.000ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.
Phó Giáo sư Châu Minh Khôi đề xuất 3 nhóm giải pháp: che phủ mặt đất, bón vôi hoặc thạch cao, kết hợp lên liếp và bón phân hữu cơ. Theo đó, che phủ mặt đất với vật liệu màng polyester hoặc tận dụng tàn dư thực vật (rơm rạ, lục bình, cỏ khô...) sẽ giúp giữ nước bề mặt không bị bốc hơi khi trời nắng nóng, làm gia tăng độ nhiễm mặn của đất, rơm rạ, lục bình, cỏ khô...
Phương pháp bón vôi hoặc thạch cao sẽ giúp cải thiện cấu trúc đất, các phản ứng hóa học sẽ rửa mặn cho đất.
Tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, từ đó hạn chế sự thu hút Na+ (muối trong đất nhiễm mặn) vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+.
Bón phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn.
Với biện pháp lên liếp hết hợp bón phân hữu cơ, nhà nông nên trồng cây ở hai bên bờ liếp, tưới rãnh và bón phân, thay vì trồng cây giữa liếp, vì đây là nơi tập trung độ mặn trong đất cao nhất, cây sẽ không phát triển được.
Ngoài các biện pháp trên, Tiến sỹ Đặng Duy Minh đề cập đến phương pháp tưới nhỏ giọt rửa mặn cho đất mà vẫn đảm bảo tiết kiệm nguồn nước ngọt. Đây là phương pháp có nguồn gốc từ Israel. Với phương pháp này, cây sẽ được tưới nước ngọt liên tục nhưng không dồn dập số lượng lớn như cách tưới thông thường, giúp hạn chế đất bị nhiễm mặn từ nguồn nước bị xâm nhập mặn.
Các biện pháp trên phần nào chỉ mang tính cấp bách, tức thời, về lâu dài, cần có các chiến lược nâng cấp hệ thống đê bao chống xâm nhập mặn, các chính sách giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Cùng với đó, các cơ quan quản lý về nông nghiệp cần định hướng và hỗ trợ nhà nông chuyển đổi giống cây trồng thích ứng được với đất nhiễm mặn.
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm
Ngày 12/6, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã công bố báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam về dự báo nguồn nước tại ĐBSCL phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước ngọt mùa kiệt năm 2020.
Theo đó, hiện lưu vực sông Mê Công đang ở thời kỳ cuối mùa khô năm 2020. Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL là lưu lượng nước trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ sông Mê Công).
Vào ngày 10/6, mực nước nhánh vào Biển Hồ tại Prek Kdam ở cao trình 0,98m; dung tích hồ còn khoảng 1,021 tỷ m3. Nhưng hiện nay Biển Hồ đang ở giai đoạn tích nước nên lưu lượng điều tiết xuống hạ lưu là không đáng kể.
Điều đáng mừng là từ ngày 5-6 đến 11-6, tại ĐBSCL có nhiều đợt mưa vừa đến mưa to tại hầu khắp các tỉnh. Nhờ vậy, chiều sâu xâm nhập mặn từ ngày 5-6 đến 11-6 có xu thế giảm với ranh 4g/l. Dòng chảy về ĐBSCL đang có xu thế tăng, kết hợp xuất hiện mưa lớn hầu khắp nên tương đối thuận lợi về nguồn nước tưới, mặn nền có xu hướng giảm dần từ tháng 6. Các địa phương đang vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ và bảo vệ nguồn nước cho sản xuất.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…