Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 10 năm 2021 | 9:30

Để doanh nghiệp hồi sức: Chính sách cần đồng bộ, linh hoạt

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát khiến nhiều địa phương, nhất là những vùng kinh tế trọng điểm phải thực hiện các đợt giãn cách và giãn cách xã hội tăng cường trên diện rộng và liên tiếp đã tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Trên cơ sở phân tích khoa học và tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Không thể “zero Covid” mà phải chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Xác định sống chung với dịch trong tình hình mới, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần có tư duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về phòng, chống dịch và nhanh chóng phục hồi sản xuất.

 

chế-biến-thủy-sản-xuất-khẩu-tại-công-ty-tnhh-mtv-ấn-độ-dương-tại-kcn-thốt-nốt-cần-thơ-ảnh-danh-lam.jpg
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương tại KCN Thốt Nốt (Cần Thơ).  Ảnh: Danh Lam

 

DN điêu đứng

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; đến mọi mặt của nền kinh tế, từ cung đến cầu, sản xuất đến tiêu dùng. Gần hai năm dịch xuất hiện, 4 lần bùng phát dịch cũng là giai đoạn khiến DN Việt điêu đứng theo.

Các hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hoá, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch, hàng không, bị ảnh hưởng rõ rệt.

Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng thậm chí dừng hoạt động chờ giải thể.

Tính chung 9 tháng, cả nước có 117,8 ngàn DN đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, nhưng có tới 112,3 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh, giải thể hoặc chờ giải thể.

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm khá lớn nhưng thực tế con số này không quá bất ngờ khi thời gian này dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, nhiều địa phương thực hiện giãn cách và thời gian giãn cách dài nhất.

Tính 9 tháng chỉ tăng 1,42% GDP nhưng mục tiêu của năm nay là 6,5%, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải rất cao mới bù đắp phần nào. Đây là thách thức không nhỏ trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tác động mạnh tới những “đầu tàu” dẫn dắt tăng trưởng.

 

11.JPG
Đóng gói sản phẩm mì tại Công ty Cổ phần thực phẩm Safoco thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tại Cần Thơ. Ảnh Vũ Sinh.

 Xây dựng kịch bản, nỗ lực phục hồi

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều DN và địa phương đã chủ động duy trì sản xuất cũng như lên kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh.

Công ty Kim Minh International chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây. Theo bà Lưu Vũ Ngọc Ngân, Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International, để khắc phục khó khăn, nhằm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm và tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới. Đây là một trong những phương thức phù hợp mà các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu lựa chọn trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, DN trực tiếp đàm phán với khách hàng nhập khẩu để họ chấp nhận chia sẻ rủi ro về giá cước tăng cao, tiến độ giao hàng và bảo đảm lợi nhuận bền vững.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay, dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2021 đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD. Chuẩn bị cho tái sản xuất và phục hồi, đáp ứng các đơn hàng cho “mùa hàng” cuối năm đã và đang được các DN chú trọng và lên các phương án. Theo đó, từ đầu năm đến nay, dù giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, nhưng các DN ngành gỗ vẫn tăng lượng nhập khẩu để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ... Đơn cử, trong 8 tháng năm 2021, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 4 triệu mét khối quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An Nguyễn Quốc Trịnh dự báo, thị trường xuất khẩu sau nới lỏng giãn cách vì dịch Covid-19 của thanh long nói riêng và các mặt hàng nông - lâm - thủy sản nói chung sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, vì tất cả các thị trường đều thiếu hụt nguồn hàng. Hiệp hội sẽ chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng và khuyến cáo của cơ quan chức năng để thay đổi một cách cơ bản tư duy tiếp cận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Từ đó, Hiệp hội sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa của thị trường trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh phải sống chung với dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định,  Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định việc hỗ trợ, đồng hành cùng DN trong phục hồi kinh tế là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhất là các ngành hàng có lợi thế.

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, với Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng, đồng thời đưa đa số này trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động... cũng ưu đãi cho nhóm đối tượng này. Đây được xem là đòn bẩy cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và các ngành hàng nông - lâm - thủy sản nói chung phục hồi trong quý IV/2021.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Để thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh, cần củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế. Hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát, tổ chức thực hiện thật tốt các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Bộ KH-ĐT xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu; Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Các địa phương căc cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng khẳng định: Sẽ sớm có gói kích thích kinh tế, hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Tạo lực đẩy tăng tốc

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng, và nhấn mạnh nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khỏe an toàn để sản xuất. “Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường. Khi đó, không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, để giao thương không bị cản trở, các địa phương ngoài việc không được tạo thêm giấy phép con thì còn phải thu hồi các quy định không phù hợp như quy định về thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm, thay tài xế... Ông cho rằng, giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế nên để việc mở lại nền kinh tế đạt kết quả thì phải bắt đầu từ giao thông thông suốt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của DN, doanh nhân và nhân dân trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong 4 đợt dịch Covid-19. Thủ tướng chia sẻ, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN phải phong tỏa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề. Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh không thể xem nhẹ vấn đề nào. Vừa phải chống dịch an toàn, đảm bảo tính mạng, sức khỏe người dân, vừa khôi phục, thúc đẩy kinh tế.

Trong hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng khẳng định, trách nhiệm, khát vọng phát triển và chiến thắng chính là điểm tựa quan trọng để chúng ta bứt phá, chiến thắng đại dịch Covid-19. Lãnh đạo Chính phủ cam kết tiếp tục hỗ trợ DN vượt khủng hoảng, hồi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Thủ tướng cũng thông tin, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách để hỗ trợ DN như Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mới nhất là Nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cho rằng, không vì khó khăn mà chúng ta hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.

Thủ tướng nhấn mạnh, từ ý kiến các địa phương, DN, Chính phủ sẽ có những giải pháp tốt nhất để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. “Nếu chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói.

info-san-xuat-an-toan_uwos.jpg
 

Cần tư duy mới và cách làm mới

Các DN đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Về chiến lược ứng phó với Covid-19, Chủ tịch VCCI Phạm Tiến Công đề xuất thay đổi theo hướng thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.

Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Từ góc độ này, ông Phạm Tấn Công đưa ra 2 đề xuất trong chống dịch. Thứ nhất, cần nhìn nhận DN là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho DN. Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy, cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch.

Với quan điểm coi DN là một chủ thể trong cuộc chiến chống Covid-19 và là lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế, đồng thời xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, lãnh đạo VCCI đề nghị với Thủ tướng trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp, cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng DN.

Nhắc lại 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/9, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là vắcxin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; và an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

“Nói ngắn gọn, vắcxin là chìa khóa, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắcxin. Thứ hai sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ hai nguyên tắc này thì hậu quả khó lường”, ông Công nhấn mạnh.

Lãnh đạo VCCI cũng đề xuất cần đổi tên “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19” thành “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế” để thực hiện song song hai nhiệm vụ trên.

Theo ông Công, cần có các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. VCCI kiến nghị gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ đồng.

Cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp…

Dồn sức cho phát triển kinh tế cuối năm không chỉ là  chuyện của từng DN, từng lĩnh vực mà là nỗ lực của cả nền kinh tế. Với nhiệm vụ nặng nề của quý cuối cùng của năm  2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, huy động trí tuệ tập thể và lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định đưa đất nước phát triển. Luôn đồng hành cùng DN trên tinh thần “3 không, 5 thật.” Đó là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật. Từ đó tạo điều kiện DN yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy sự hồi phục nền kinh tế một cách nhanh nhất.

Mới đây nhất, ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị nêu rõ: các DN với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi SX-KD, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. UBND các tỉnh, TP với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý DN trên đại bàn, khẩn trương thành lập BCĐ phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn, đảm bảo vừa SXKD, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top