Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 5 năm 2021 | 14:12

Miền núi phía Bắc: Dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp

Trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát hoàn toàn thì bệnh viêm da nổi cục vẫn có diễn biến phức tạp trên đàn gia súc ở nhiều địa phương đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi.

Lào Cai: Tiêu hủy 375 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến hết ngày 28/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 82 hộ thuộc 21 thôn, tổ dân phố của 9 xã, thị trấn trên địa bàn 4 huyện, thành phố.

 

lao-cai.jpg

Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Văn Bàn. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Cụ thể, từ ngày 25/2 – 28/4, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã xảy tại các xã, thị trấn: Tả Phời (thành phố Lào Cai); thị trấn Khánh Yên, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Nậm Xây (Văn Bàn); xã Việt Tiến, Bảo Hà, Xuân Thượng (Bảo Yên); xã Tung Chung Phố (Mường Khương). Bệnh dịch làm 375 con lợn mắc bệnh và cùng ô chuồng phải tiêu hủy (61 con lợn nái, lợn đực; 314 con lợn thịt, lợn con) với khối lượng 12.812 kg. 

Nguyên nhân dịch bệnh tái phát là do người chăn nuôi mua lợn giống mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi; vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm mầm bệnh. Các hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp cách ly, an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện phối giống lợn trực tiếp để mầm bệnh nhiễm vào đàn lợn của mình.

Để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, không để lây nhiễm trên diện rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch theo Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025; tiến hành chôn huỷ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và toàn bộ đàn lợn bị mắc bệnh, tổ chức khử trùng tiêu độc môi trường, xử lý ổ dịch; giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; các hộ chăn nuôi cần áp dụng triệt để biện pháp phòng bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng theo quy định.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp cho huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai 4.150 lít hóa chất phục vụ cho tháng khử trùng, tiêu độc và xử lý ổ dịch, môi trường chăn nuôi; cấp cho các huyện, thành phố, thị xã 150 quyển sổ tay tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi; 1.300 tờ rơi hướng dẫn tiêu huỷ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đến nay có xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) dịch bệnh đã được khống chế, dập tắt; xã Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ (Văn Bàn) đã qua 23 ngày không phát sinh dịch bệnh.

Yên Bái: Lục Yên tăng cường chặn dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Mặc dù chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhưng để ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhiễm vào địa bàn, huyện Lục Yên đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ đàn trâu, bò.

 

yen-bai.jpg

Các hộ dân ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên phun tiêu độc khử trùng phòng chống bệnh dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Ông Hoàng Văn Cói, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: xã Lâm Thượng hiện có gần 1.000 con trâu, bò. Để phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, UBND xã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ có đàn trâu, bò và phân công cán bộ phụ trách xuống các hộ chăn nuôi để nắm tình hình; tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chăm sóc, phòng dịch. Đến thời điểm này, đàn gia súc ở xã Lâm Thượng đang được duy trì và phát triển tốt.

Theo ông Hoàng Minh Giám, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện: trước tác hại của bệnh viêm da nổi cục, huyện Lục Yên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh. Ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động phun thuốc diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ; tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết không vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng có dịch; không giết thịt trâu, bò bệnh…; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại…

Lục Yên là địa phương có tổng đàn gia súc lớn, với trên 18.000 con trâu, bò.

Điện Biên: Tập trung kiểm soát bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

Điện Biên là tỉnh thứ 26 có bệnh VDNC; bệnh xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc bản Co Muông, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, với 1 con bò gần 2 năm tuổi mắc bệnh trong tổng đàn trâu, bò gồm 35 con và chưa xác định được nguồn lây.

Để chủ động khống chế, dập tắt nhanh các ổ dịch đã xuất hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, ngày 4/5/2021, UBND tỉnh có Công điện số 02/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC ở trâu, bò theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phố biến rộng rãi đến người chăn nuôi và toàn dân về sự nguy hiểm của bệnh VDNC và các biện pháp phòng tránh. Khẩn trương bố trí kinh phí tổ chức thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường (đợt 1) năm 2021. Chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn trâu, bò trên địa bàn; chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò; lấy mẫu gửi xét nghiệm các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên.

Khẩn trương ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Viêm da nổi cục là loại bệnh mới lại có tính chất theo mùa, lây lan nhanh và rộng. Nguy cơ dịch bệnh còn tiếp tục lan rộng và để bệnh không tiến vào các tỉnh phía Nam, đòi hỏi các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tốt, đặc biệt là đẩy mạnh tiêm phòng vaccine.

Hiện, bệnh đã xảy ra ở Quảng Ngãi và đang lây lan nhanh, rộng ở địa phương này. Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước xảy ra 950 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh là 22.397 con; trong đó đã tiêu hủy 1.761 con. Dịch bệnh xảy ra nặng ở các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa...

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bệnh có tính chất theo mùa, nhất là giai đoạn hiện nay. Dịch bệnh đã lây lan ở phạm vi rộng thì số lượng địa phương cũng như số gia súc nhiễm bệnh cũng sẽ gia tăng mạnh. Với loại bệnh này, đòi hỏi các địa phương phải tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. 

"Nếu chần chừ trong việc công bố, giám sát dịch bệnh thì sẽ dẫn tới các biện pháp phòng chống không được triển khai và dịch bệnh sẽ dây dưa kéo dài”, ông Nguyễn Văn Long cho hay.

Bên cạnh đó, do bệnh lây lan chính qua đường côn trùng đốt như: ruồi, muỗi, ve, mòng… nên việc vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt đối tượng truyền bệnh trung gian là yếu tố quan trọng để kiểm soát được bệnh.

Ngay khi bệnh mới diễn ra ở các nước trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong phòng chống dịch bệnh như: nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, sản phẩm của gia súc nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc… cũng như kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh. 

Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục chưa có trong Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, nhưng là bệnh truyền nhiễm mới, lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm vào Việt Nam vào tháng 10/2020. Bởi vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Thú y, bệnh này đã đáp ứng điều kiện công bố dịch và được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã có quyết định, chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp vaccine để phòng chống dịch bệnh này. 

Hiện, đã có 2 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu khẩn cấp vaccine viêm da nổi cục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu, sử dụng 3 loại vaccine của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với số lượng trên 4,1 triệu liều; trong đó trên 1 triệu liều đã được phân bổ về các địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Long cho biết, nhờ có vaccine nên một số địa phương đã từng có tình trạng dịch bệnh trầm trọng như Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... đạt hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh. Dự kiến trong cuối tháng 4 này và tháng 5 tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 1 triệu liều, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Để chủ động trong tổ chức phòng chống bệnh viêm da nổi cục, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí gồm: kinh phí mua vaccine để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng; kinh phí chi trả công tiêm phòng; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng… tại các nơi đang có dịch, nơi có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100 km từ địa phương có dịch). Đặc biệt, để bảo đảm có đủ lượng vaccine cung ứng cho việc phòng, chống dịch bệnh, địa phương cần có kế hoạch và đăng ký với đơn vị nhập khẩu, để cung ứng kịp thời và đầy đủ.

Còn tại địa phương, bên cạnh việc phải chủ động phương án phòng chống dịch bệnh thì nhiều nơi lại gặp khó về nhân lực đi tiêm phòng do việc sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp.

Vì bệnh viêm da nổi cục là bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều địa phương chưa có kế hoạch và chưa bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch bệnh; trong đó có kinh phí mua vaccine và tổ chức tiêm phòng khẩn cấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trường hợp kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản, gửi Bộ và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được thực hiện ngay khi dịch bệnh xảy ra. Ngành đã đánh giá rất nhanh đặc điểm dịch tễ và nhập vaccine. Đến nay, việc tiêm cho kết quả miễn dịch cao. Tuy nhiên, để sớm có nguồn kinh phí này, địa phương cần sớm tham mưu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh.

"Trong lúc phục hồi đàn lợn, Bộ đã chỉ đạo tập trung phát triển đàn dê, trâu, bò... nên việc phòng chống bệnh viêm da nổi cục phải đặt cao hơn một bậc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu về dịch tễ, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất vaccine.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top