Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 9 năm 2022 | 21:57

Hình thành không gian quốc gia quảng bá sản phẩm OCOP

Nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một 'đại sứ' chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Phấn đấu có 10.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

 

nn.jpg

Hội nghị Triển khai chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 vào sáng  9/9. Ảnh: Minh Phúc.

 

Tại hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vào sáng 9/9, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.

Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…

Theo Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến ngày 31/8/2022, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao với 4.351 chủ thể OCOP.

“Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch”, ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết.

Quảng bá sản phẩm OCOP tại các vị trí đắc địa

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh này chỉ có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, số lượng OCOP 3 sao và 4 sao cũng không nhiều bằng các địa phương khác. Tuy vậy, các sản phẩm OCOP đã góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.

Chia sẻ về kinh nghiệm, ông Công cho biết Sơn La rất mạnh dạn trong triển khai quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, tổ chức liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm.

"Thời gian qua chúng tôi đưa sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia triển lãm quốc tế tại thành phố Milan (Ý), tham gia các hội chợ của Trung Quốc, Thái Lan và thị trường trong nước. Đặc biệt, tỉnh Sơn La thường xuyên phối hợp với các đại sứ quán trong việc kết nối thị trường tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm của Sơn La sang Ấn Độ. Rất nhiều sản phẩm mới đã góp phần thay đổi diện mạo cho Sơn La", ông Công nói.

Tuy nhiên, ông Công cho rằng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ. Nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất không có đủ tiềm lực đầu tư để phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP; chất lượng sản phẩm chưa được đánh giá đồng đều.

Nếu không có sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT và tỉnh Sơn La đầu tư thiết bị chế biến cà phê thì sản phẩm cà phê bột nguyên chất của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao rất khó đạt 5 sao.

Bởi vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng bộ tiêu chí quốc gia cho sản phẩm OCOP từ 3 sao, 4 sao và 5 sao. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Có câu kết luận rất hay rằng, thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng khắp thế giới lựa chọn. Ở nước ta, mật ong có từ Hà Giang đến Cà Mau; tưởng rằng trà hoa vàng chỉ có ở Quảng Ninh, ai ngờ Bắc Kạn cũng nhận đó là đặc sản của địa phương. Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn kháng hàng.

Ở nước ta, quả măng cụt chủ yếu được bán tươi. Tuy nhiên, ông Hoan chia sẻ cho các đại biểu tham gia hội nghị hình ảnh bộ sản phẩm rất đa dạng được chế biến từ quả măng cụt ở Thái Lan gồm: măng cụt sấy; nước ép măng cụt; nước măng cụt lên men; viên nén bổ sung chất chống ô-xi hóa từ vỏ măng cụt; sirum chiết xuất từ quả măng cụt dành cho mỹ phẩm.

Không những thế, từ quả xoài, người Thái Lan đã tạo ra những sản phẩm xoài sấy dẻo và tạo tác thành những bông hoa, đựng trong hộp bảo quản trong suốt để đưa vào các nhà hàng, khách sạn cho thực khách thưởng thức cùng nước trà, cà phê… Từ những góc tiếp cận và cách làm sáng tạo ấy, người Thái có thể nâng giá trị sản phẩm cao gấp 10 lần so với những sản phẩm thông thường.

"Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để có 10 đồng, chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán 1 sản phẩm với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị mỗi tỉnh, thành phố cần quan tâm, xây dựng các không gian để quảng bá sản phẩm OCOP tại các vị trí đắc địa, các khách sạn, nhà hàng, nơi có nhiều người qua lại. Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để hình thành không gian quảng bá sản phẩm OCOP của quốc gia để người dân và du khách quốc tế được biết và trải nghiệm các sản phẩm OCOP.

 

Theo nongnghiep.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top