Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 7 năm 2022 | 11:38

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Tây Bắc

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến bảo vệ độc lập dân tộc, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trên mặt trận chống đói nghèo, tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương.

Thi đua phát triển kinh tế ở Yên Châu

 

nuoi-ong.jpg

Mô hình nuôi ong lấy mật của CCB Lò Văn Ó, bản Bó Phương, xã Yên Sơn.

 

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của CCB Lò Văn Ó, bản Bó Phương, xã Yên Sơn (Yên Châu, Sơn La). Năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông Ó trở về quê hương lập nghiệp, làm kinh tế nhưng loay hoay mãi vẫn không thành công. Đến năm 2008, được Hội CCB xã định hướng, ông chuyển sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Với 3 ha đất đồi, ông trồng 600 gốc mận hậu và nhãn; tiến hành ghép mắt, đốn tỉa cành, lắp hệ thống tưới ẩm.

Nhờ đó, mỗi năm thu 25 tấn quả các loại, trị giá trên 150 triệu đồng. Nhận thấy lợi thế nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có, dồi dào ở địa phương, như cỏ voi, rơm, lá mía... có vốn trong tay và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Ó đã đầu tư vào nuôi trâu, bò vỗ béo, dê sinh sản. Ông Ó cho biết: Hiện, trang trại của gia đình luôn duy trì nuôi nhốt từ 15-20 con trâu, bò; 25-30 con dê sinh sản; nuôi 200 đàn ong dưới tán cây ăn quả. Từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp đã mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Sẵn có 5 ha đất đồi trước đây trồng ngô, năm 2015, ông Nguyễn Thế Viên, bản Huổi Thón, xã Chiềng Hặc đã cải tạo chuyển sang trồng xoài và nhãn, mít. Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông thu gần 30 tấn quả các loại; cung ứng 15 tấn phân bón, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận gần 500 triệu đồng và tạo việc làm thời vụ cho 5-7 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Điển hình trong phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế” trên địa bàn huyện Yên Châu còn rất nhiều CCB khác. Trở về quê hương dựng nghiệp, chưa có kinh nghiệm sản xuất, mỗi người chọn một cách khởi nghiệp. Ông Hoàng Văn Xuân, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Châu, chia sẻ: Toàn huyện có 3.773 hội viên CCB, sinh hoạt tại 157 chi hội. Với tinh thần vượt khó, các hội viên đã phát huy thế mạnh của từng cơ sở để phát triển kinh tế. Cùng với đó, các hội viên còn gương mẫu trong các phong trào hội, nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế cho những CCB và người dân muốn học hỏi, đầu tư xây dựng mô hình.

Giúp hội viên giảm nghèo bền vững, Hội CCB huyện đã phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc vật nuôi, phát triển mô hình VAC. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt cho hội viên đi tham quan các mô hình tiêu biểu; vận động hội viên đưa các loại giống mới, giá trị cao vào sản xuất. Nhờ những hoạt động này, nhiều CCB làm chủ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Đến nay, Hội CCB huyện đã xây dựng được 133 mô hình kinh tế trang trại, gia trại và chăn nuôi, cho thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên.

Toàn huyện có trên 2.000 hộ gia đình hội viên có thu nhập khá, trên 3.200 hộ gia đình hội viên có nhà xây kiên cố, chỉ còn 36 hộ trong diện nhà tạm. 100% chi hội có quỹ tiết kiệm với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Hội đã nhận ủy thác hơn 83 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.904 hội viên vay thông qua 63 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, Hội CCB các cấp còn chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chung tay xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, các gia đình hội viên CCB đã hiến 1.415 m² đất, huy động trên 8.700 ngày công làm gần 6 km đường nội bản, tổng giá trị gần 3,2 tỷ đồng.

Cựu chiến binh xã Thống Nhất tích cực phát triển kinh tế

Giống nhiều hộ khác sau khi Nông thường Phú Xuân tại xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai) giải thể, CCB Mai Xuân Cát ở thôn Thái Bo, nay thuộc xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) chuyển sang trồng màu. Trên diện tích đất bãi trù mật, ông trồng nhiều loại rau, quả như ớt, cà chua, su su, cải… Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác nên vườn rau của gia đình ông Cát sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao. Đặc biệt, nắm bắt nhu cầu thị trường, ông trồng các loại rau sớm hơn thời điểm chính vụ, vì vậy, sản phẩm bán ra thường được giá cao hơn. Mỗi năm, từ trồng rau màu, gia đình ông thu nhập khoảng 360 triệu đồng.

 

thong-nhat.jpg

Các cựu chiến binh xã Thống Nhất trao đổi kỹ thuật trồng rau, màu. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Công việc của nhà nông thường vất vả từ sáng sớm đến tối mịt. Cả 4 người con đều đã trưởng thành ra ở riêng, việc chăm sóc vườn rau giờ đều do vợ chồng ông Cát đảm trách. “Đều đặn hằng ngày tôi có mặt ngoài vườn chăm sóc rau, lao động không chỉ tạo ra thu nhập, mà còn là niềm vui”, CCB Mai Xuân Cát bộc bạch.

Còn CCB Nguyễn Minh Lâm ở thôn Giao Ngay lại chủ yếu gắn bó với mô hình nuôi trâu hơn 20 năm qua để phát triển kinh tế gia đình. Điều này một phần xuất phát từ thực tế khi các con còn nhỏ, tận dụng thời gian rảnh rỗi có thể chăn thả giúp đỡ một phần công việc cho bố mẹ. Ông Lâm chỉ nuôi trâu với số lượng vừa phải, lúc nào cũng duy trì đều đặn từ 5 đến 6 con, thời điểm cao nhất tăng lên 9 con, trong đó có 3 con trâu sinh sản. Cái lạ trong cách chăn nuôi trâu của ông Lâm là nhốt vào buổi sáng, chỉ chăn thả vào buổi chiều và buổi tối, vì khi sương xuống cỏ mềm, nhiều chất trâu ăn rất tốt và béo hơn. Ngoài ra, cựu chiến binh Lâm còn kinh doanh dịch vụ vận tải phục vụ nhu cầu xây dựng của bà con trong xã và sản xuất rau màu. Mỗi năm mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình ông khoảng 150 triệu đồng.

Trên địa bàn xã Thống Nhất còn nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao do hội viên cựu chiến binh làm chủ. Tiêu biểu như CCB Lê Văn Mộc với nỗ lực “dời núi” để làm vườn. Toàn bộ công đoạn san gạt đất đồi được vợ chồng ông thực hiện thủ công kết hợp với dùng sức trâu kéo. San gạt đồi xong, gia đình lại cần mẫn lấy đất phù sa ngoài bờ sông rồi dùng xe trâu chở về rải lên phía trên để canh tác. Sau 2 lần san gạt, đến nay, tổng diện tích đất vườn của gia đình ông đã mở rộng lên hơn 1 ha, được quy hoạch thành từng khu trồng cây lưu niên với 150 gốc bưởi và 50 gốc mít; khu trồng rau tạp và trồng ngô; còn lại khu trồng màu chuyên canh rộng 5.000 m2. Bình quân mỗi năm, mô hình kinh tế của gia đình CCB Lê Văn Mộc cho thu nhập trên 350 triệu đồng.

Hoặc mô hình nuôi bò sinh sản bằng hình thức nuôi nhốt và trồng cây ăn quả của CCB Phạm Văn Quế. Trên diện tích đất bãi, ông trồng hơn 50 gốc bưởi và hơn 200 gốc táo. Cây táo sau khi thu hoạch, đốn gốc chờ năm sau được trồng xen rau màu các loại, chu trình cứ thế lặp lại hằng năm. Đặc biệt, việc nuôi bò đã mang lại nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình CCB Quế. Thời điểm cao nhất, trong chuồng có hơn 40 con, trong đó 18 con bò sinh sản. Bò con sinh ra, ông chỉ nuôi trong vòng 1 năm thì xuất chuồng, lúc được giá, một con bò thịt có thể bán được khoảng 22 triệu đồng. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp này.

Anh Đỗ Văn Tuân, Chủ tịch Hội CCB xã Thống Nhất cho biết: Phong trào thi đua về động viên các thế hệ CCB tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững được hội viên trên địa bàn xã tích cực hưởng ứng. Chi hội CCB các thôn đã tổ chức nhiều hoạt động như trao đổi, học tập nhau về khoa học, kỹ thuật, cách làm để gây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của gia đình, địa phương. Đến nay, xã có hơn 60 gia đình hội viên CCB làm kinh tế giỏi và giảm nghèo bền vững, tập trung chủ yếu ở các thôn Thái Bo, Hòa Lạc, Khe Luộc, Giao Ngay, Giao Tiến, Tân Tiến, Tiến Cường. Hội CCB xã đặt mục tiêu trong năm 2022 tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, phấn đấu có trên 80 hộ gia đình hội viên làm kinh tế giỏi.

Cùng nhau làm giàu

Điểm nổi bật trong hoạt động của Hội Cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thời gian gần đây là Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

 

dien-bien.jpg

Mô hình nuôi dê phát triển kinh tế của hội viên Hội Cựu chiến binh xã Mồ Dề. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”, giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, từ năm 2017 đến nay, Hội CCB Mù Cang Chải đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tổ chức 28 hội nghị, hội thảo về chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tổ chức 25 lớp tập huấn cho lãnh đạo hội cấp cơ sở về nâng cao năng lực trong công tác giảm nghèo; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức gần 100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) về cây trồng, vật nuôi cho trên 5.000 lượt hội viên; ký kết với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua 43 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho 1.863 hội viên vay vốn với số tiền trên 83 tỷ đồng để phát triển kinh tế… 

Từ các chương trình hỗ trợ, đến nay, gia đình hội viên CCB đã sở hữu 2.217 con trâu bò, gần 1.000 con dê, trên 13.000 con lợn, 649 tổ ong lấy mật… Hội viên cấp cơ sở còn tích cực tham gia bảo vệ 301 ha rừng khoanh nuôi đầu nguồn, 127 ha thảo quả, 106 ha sơn tra... 

Điểm nổi bật trong hoạt động của Hội CCB huyện thời gian gần đây là Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Hội đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên với 3 doanh nghiệp, thu hút 53 lao động; 2 hợp tác xã với 15 lao động; 28 tổ hợp tác với 89 lao động; 35 gia trại với 107 lao động; 73 hộ kinh doanh có 113 lao động… 

Nhiều gia đình hội viên nhờ được vay vốn, chịu khó lao động sản xuất đã trở thành hộ có kinh tế khá giàu, điển hình như gia đình các hội viên: Thào Xú Rùa, Thào A Củ, bản Lùng Cúng, xã Nậm Có với mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây sơn tra, thảo quả, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; Thào A Khày, Giàng A Phà, Lý A Tủa, xã Púng Luông, mô hình nuôi ong lấy mật kết hợp với chăn nuôi, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; Giàng Cháng Giao, Hảng A Chống, xã Dế Xu Phình, mô hình nuôi dê, trồng sơn tra, thảo quả, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; Giàng A Vàng, Sùng A Khua, xã Chế Tạo, mô hình nuôi trâu, bò, trồng thảo quả, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm… 

Với tinh thần vượt khó vươn lên không trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, Hội còn thực hiện tốt Phong trào "Ngày công đồng đội”. Đồng chí Sùng A Xà, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: "Trong 5 năm qua, các hội viên đã giúp nhau trên 2.000 ngày công, xóa 47 nhà dột nát cho hội viên nghèo, trị giá trên 2 tỷ đồng; huy động gần 2.000 ngày công tu sửa, làm mới 23 căn nhà cho gia đình chính sách; hàng năm, tham gia trên 1.000 ngày công tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, làm nhà văn hóa… tạo đà cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển".

Thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều năm qua, các CCB trên mọi miền đất nước đã thể hiện bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, làm giàu cho mình và xã hội.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top