Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 3 năm 2022 | 17:19

Phát triển nông nghiệp hướng đến “giá trị xanh”

Nông nghiệp xanh được hiểu là tối đa hóa cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên sạch giúp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Giải pháp này được xác định sẽ trở thành hướng đi nhằm xây dựng nền nông nghiệp văn minh thích ứng với BĐKH.

 

197d1093718t5939l7-1.png
Ảnh minh họa.

 

Thanh Hóa: Để nông nghiệp xanh “bén rễ”

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp leo thang, thì phát triển nông nghiệp xanh càng giúp tiết giảm chi phí, tiêu dùng an toàn hơn.

Trên địa bàn Thanh Hóa, thông qua các cơ chế khuyến khích của tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp được xây dựng theo tiêu chí “xanh”, an toàn. Đó là những cánh đồng sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, cánh đồng công nghệ cao tổ chức dưới hình thức HTX hoặc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tại những vùng trồng rau của TP Thanh Hóa và một số huyện trong tỉnh. Cùng với đó là sự ra đời của nhiều cửa hàng tiêu dùng xanh do một số doanh nghiệp tổ chức khép kín từ sản xuất đến cung ứng và một số quầy hàng thực phẩm hữu cơ được cung cấp bởi chuỗi siêu thị và hệ thống bán lẻ WinMart. Đây là cách làm hướng vào lợi ích cộng đồng khi mà vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên có một nghịch lý là nhiều người sản xuất và người tiêu dùng hiện nay đều chưa thực sự mặn mà với nông nghiệp xanh và tiêu dùng xanh. Nhiều người sản xuất vẫn muốn canh tác, nuôi trồng theo phương pháp truyền thống vì không bị gò bó bởi các tiêu chuẩn khắt khe, sản phẩm cũng dễ tiêu thụ hơn. Người tiêu dùng thì còn tư tưởng hoài nghi vào sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và còn lý do khác nữa khiến họ chưa mặn mà đó là giá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường cao hơn so với hàng hóa sản xuất bằng phương pháp truyền thống.

Để hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, tiêu dùng thông thái, cuộc sống an toàn, không còn cách nào khác là phát triển nông nghiệp xanh và để nông nghiệp xanh tồn tại thì phải đảm bảo được yếu tố tiêu dùng xanh.

Yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp và nông dân là phải chuyển đổi sang tư duy kinh tế tập thể, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Nông dân cần tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả của các mặt hàng mình sản xuất ra. Thực hiện liên kết, liên doanh tạo ra một vòng khép kín từ sản xuất giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến và cung ứng ra thị trường, đủ sức tạo niềm tin cuốn hút người tiêu dùng.

Cùng với đó người tiêu dùng cũng phải thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nông nghiệp từ dễ dãi, tùy tiện, mất an toàn sang lựa chọn có điều kiện và theo yêu cầu. Sẽ rất khó có được một nền nông nghiệp xanh bền vững nếu như sản xuất xanh không gắn với tiêu dùng xanh. Để nông nghiệp xanh “bén rễ” thực sự trên những cánh đồng xứ Thanh rất cần có cái nhìn đồng nhất giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Vĩnh Phúc: Lợi ích sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ

Với mục tiêu đảm bảo cân bằng hệ sinh thái tự nhiên về cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất để sản xuất lâu dài, những năm qua tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ (chăn nuôi, trồng trọt không sử dụng hoặc sử dụng ít thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất và các loại phân hoá học), được doanh nghiệp (DN), người dân triển khai nhân rộng.

 

1_17.jpg
Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc Kiều Thị Huệ kiểm tra sự phát triển của cây su su sản xuất theo hướng hữu cơ.

 

Với nhiều giải pháp thiết thực như hỗ trợ kỹ thuật, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất, cây con giống, phân bón vi sinh, đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thuốc diệt chuột…, DN và bà con nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ.

Năm 2021, toàn tỉnh triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên diện tích 3.300 ha lúa, rau, quả các loại và 05 cơ sở chăn nuôi lợn thịt với quy mô 900 con.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng Thanh long ruột đỏ 10 ha tại xã Vân Trục (Lập Thạch); 3 ha rau su su tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo); 2 ha dưa lê tại xã Vân Hội (Tam Dương); 120 ha lúa gạo tại các xã: Tân Phong, Phú Xuân (Bình Xuyên), Yên Phương (Yên Lạc), Đồng Ích (Lập Thạch), Duy Phiên (Tam Dương).

Mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) quy mô 780 con/3 hộ; xã Minh Quang (Tam Đảo) 100 con/hộ; thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương 20 con/hộ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 240 cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó có 75 cơ sở chăn nuôi; 36 cơ sở chăn nuôi bò sữa; 13 cơ sở chăn nuôi gà; 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 117 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả.

Nói về lợi ích từ việc sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, kỹ sư Nguyễn Việt Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt tỉnh cho biết, kết quả sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh thể hiện ở cây lúa sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, năng suất lúa trung bình đạt 60,6 tạ/ha.

Hạch toán sản xuất lúa hữu cơ đầu tư cao hơn khoảng 20% so với lúa bón phân và sử dụng thuốc BVTV hóa học (khoảng 1.200 đồng/kg) nhưng sau khi trừ các chi phí, sản xuất lúa hữu cơ vẫn thu được lợi nhuận hơn 35,2 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học hơn từ 4,6 – 5 triệu đồng/ha.

Một sào (360m2) sản xuất rau bắp cải hữu cơ ở Vĩnh Phúc thu lãi cao hơn so với đối chứng 22,5 triệu đồng/ha. Trồng cải thảo cho lãi cao hơn đối chứng 23,7 triệu đồng/ha. Các loại cải ngọt, cải xanh cho thu lãi cao hơn đối chứng 15,5 triệu đồng/ha...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Vĩnh Phúc đã xây dựng các mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học với quy mô 200.000 con gà, 10.000 con lợn, 300 con bò thịt...

Năm 2021, Vĩnh Phúc đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh 50 nghìn tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn gạo, 200 tấn thịt lợn được sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ sử dụng khoảng 3.300 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, qua đó giảm 1.500 tấn phân bón vô cơ và hơn 2.000 kg thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc, xã Kim Long (Tam Dương) Kiều Thị Huệ cho biết: Hiện công ty có 5 ha sản xuất rau hữu cơ như mướp, su su, cà chua và liên kết với bà con khoảng 20 ha của bà con sản xuất rau an toàn….

Vật tư để sản xuất rau hữu cơ cao hơn từ 20% đến 50% so với thông thường, công lao động cao hơn 2-3 lần vì chủ yếu phải làm thủ công bằng tay. Sản phẩm theo hướng hữu cơ của hợp tác xã có giá thành cao hơn khoảng 20% -30% do so với cùng loại sản xuất thường, song vẫn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và không có đủ hàng hóa để bán.

Trước thực tế trên, để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2573, ngày 21/10/2019 phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 – 2022.

Theo Kế hoạch, tỉnh sẽ triển khai các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận chất lượng hữu cơ trong trồng trọt và chăn nuôi làm cơ sở xây dựng, ban hành quy trình sản xuất, chăn nuôi áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể là mô hình sản xuất rau quả với quy mô 3 ha, thời gian thực hiện trong 3 năm liên tục (mỗi năm 2 vụ), thực hiện tại các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo và thành phố: Vĩnh Yên.

Mô hình sản xuất cây dược liệu quy mô 3 ha trồng cây ba kích, trồng cây trà hoa vàng quy mô 3 ha với thời gian thực hiện 3 năm tại huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, thành phố Phúc Yên.

Mô hình sản xuất lợn thịt quy mô 100 con/mô hình, thời gian thực hiện trong 1 năm (mỗi năm 2 lứa) tại 4 huyện gồm Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô. Mô hình sản xuất gà thịt quy mô 1.000 con/ mô hình, thực hiện trong 1 năm liên tục (mỗi năm 2 lứa) tại huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô.

Tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc cho sản xuất rau theo hướng hữu cơ đối với những vùng có diện tích canh tác tập trung từ 0,3 ha trở lên với tổng diện tích được hỗ trợ là 4.992 ha trong 3 năm (2020-2022), mỗi năm hỗ trợ 1.664 ha/2 vụ.

Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh trên 28 tỷ đồng và nguồn đối ứng của các DN, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh gần 75 tỷ đồng.

Bắc Ninh: Làm giàu từ mô hình VAC

Hưởng ứng phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh xuất hiện nhiều hội viên năng động, sáng tạo xây dựng mô hình VAC, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và đóng góp tích cực cho xã hội. Tiêu biểu là CCB Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1963, thôn Nhân Hữu, xã Nhân Thắng (Gia Bình) và CCB Nguyễn Văn Bến, sinh năm 1958, thôn Nga Hoàng, xã Yên Giả (Quế Võ).

 

ccb.jpg
CCB Nguyễn Văn Bến, thôn Nga Hoàng, xã Yên Giả (Quế Võ) chăm sóc cây đu đủ.

 

Năm 1986, sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Tuấn trở về với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2007, ông Tuấn mạnh dạn thuê 4.700 m2 ao và ruộng trũng của địa phương để nuôi thả cá kết hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với những kiến thức tích lũy sau nhiều năm học hỏi trong thực tiễn, ông Tuấn từng bước áp dụng vào mô hình một cách bài bản, khoa học như: Kè bờ ao; giữ mặt ao thông thoáng; lắp đặt hệ thống máy sục khí oxy... nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng và phát triển cho cá. Đến nay, ông sử dụng 3000 m2 chia thành 2 ao (1 ao thả cá thương phẩm và 1 ao thả cá hậu bị) với nhiều loại: Trắm, chép, rô phi...

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Ngoài thức ăn công nghiệp, tôi còn tận dụng rau, bèo, cỏ làm thức ăn cho cá, để giảm chi phí đầu tư, tăng hàm lượng dinh dưỡng cho cá. Sau mỗi vụ thu hoạch cá, tôi xả nước, vét bùn, rắc vôi khử trùng, diệt mầm bệnh”. Ngoài ra, ông xây dựng 5 chuồng chăn nuôi thường xuyên 3.000 con gà, vịt thương phẩm... Mô hình nuôi cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Thành công và làm giàu cho bản thân, CCB Nguyễn Văn Tuấn còn chia sẻ kinh nghiệm và nhiệt tình hướng dẫn 10 người dân địa phương làm theo. Từ năm 2016 đến nay, ông hỗ trợ và giúp đỡ 4 hộ thoát nghèo.

Trở về cuộc sống đời thường, mỗi CCB có một hướng đi, cách làm trong phát triển kinh tế, nhưng ở họ luôn phát huy tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm trên mảnh đất quê hương. Đến thăm mô hình VAC của CCB Nguyễn Văn Bến ở thôn Nga Hoàng, xã Yên Giả, chúng tôi cảm nhận rõ về nghị lực vượt khó vươn lên ở người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Năm 2002, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội CCB xã, ông Bến vay mượn người thân và Ngân hàng Chính sách xã hội được hơn 100 triệu đồng thuê khu ruộng trũng hơn 3 mẫu để cải tạo trồng lúa kết hợp thả cá, chăn nuôi lợn vịt, gà, chim bồ câu, cây ăn quả. Lúc đầu khởi nghiệp do thiếu kinh nghiệm, nên gà, vịt thường xuyên mắc bệnh dẫn đến  thua lỗ. Với ý chí và quyết tâm vượt khó, ông Bến đi khắp nơi học tập kinh nghiệm từ các trang trại; tích cực tham gia các buổi hội thảo, lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt... do các công ty cung cấp thức ăn, công ty thuốc thú y và các cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh tổ chức.

Từng bước nghiên cứu, học hỏi, ông Bến không ngừng tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại trong quá trình chăn nuôi. Để đàn vịt, gà sinh trưởng tốt, ông tuân thủ nghiêm lịch tiêm phòng vắc xin định kỳ phòng, chống dịch bệnh... Đến nay, ông nuôi 1.200 vịt đẻ trứng, 1.000 con gà thương phẩm, 100 đôi chim bồ câu và trồng hơn 300 cây bưởi, đu đủ, mít, ổi...

Nhờ vậy, mô hình VAC của CCB Nguyễn Văn Bến tạo việc làm ổn định cho gia đình, thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ năng động, sáng tạo đi đầu trong phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Văn Bến còn tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp, các ngành, địa phương phát động. 5 năm qua, CCB Nguyễn Văn Bến ủng hộ gần 100 triệu đồng cho quỹ “Nghĩa tình đồng đội”; quỹ phòng, chống COVID-19...

Mô hình trang trại tổng hợp VAC của CCB Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Bến trở thành điển hình trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển bền vững. Với những kết quả đạt được, 2 CCB vinh dự được các cấp Hội CCB khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội./.

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top